TS Đỗ Kim Thêm dịch, CTV Phía TrướcJoseph S. Nye, Project-Syndicate
Gần đây khi máy bay trinh sát P8–A của Hải quân Mỹ bay tới gần vùng Đá chử Thập trong quần đảo Trường Sa ở biển Đông, lực lượng này đã bị Hải quân Trung Quốc cảnh báo tám lần phải rời khỏi khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói: “Quyết tâm của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vững như đá”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trả lời: “Ở đây không nên nhầm lẫn về điều này: Mỹ sẽ bay, căng buồm ra khơi, và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép chúng tôi, như chúng tôi làm trên toàn thế giới”. Vì vậy, liệu một xung đột Mỹ-Hoa ở biển Đông sắp xảy ra?
Năm 1995, khi tôi phục vụ tại Ngũ Giác Đài, Trung Quốc bắt đầu xây dựng cơ sở trên vùng Đá Vành Khăn, nơi mà Philippines có yêu sách và nằm rất gần với bờ biển của Philippines hơn là của Trung Quốc. Mỹ đã đưa ra tuyên bố rằng chúng tôi đã không bày tỏ thái độ nào trong các yêu sách đang còn tranh chấp của năm quốc gia về khoảng 750 hoặc hơn các loại đá, đảo san hô, đảo, cồn, đá ngầm mà bao gồm các quần đảo Trường Sa, chiếm một khu vực rộng lớn – 425.000 kilômét vuông (164.000 dặm vuông) – của biển Đông. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan giải quyết các tranh chấp bằng cách hòa bình.
Nhưng Mỹ đã đứng trên quan điểm mạnh cho là biển Đông lệ thuộc vào các Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), trong đó bao gồm các tuyến đường biển quan trọng đối với các chuyến tàu dầu từ Trung Đông và tàu hàng từ châu Âu mà thông qua lộ trình này có máy bay quân sự và thương mại thường xuyên bay.
Để hỗ trợ cho các yêu sách lãnh hải của mình, Trung Quốc dựa trên một bản đồ thừa hưởng từ thời kỳ Quốc Dân Đảng – cái gọi là “đường chín đoạn”, kéo dài gần một ngàn dặm về phía nam của lục địa Trung Quốc và đôi khi tiến gần sát khoảng 40 hay 50 dặm tới đường bờ biển của các quốc gia như Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines. Tất cả các quốc gia này
dựa theo qui định theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đòi hỏi là các vùng đặc quyền kinh tế có 200 hải lý.
Khi tranh chấp về vùng Đá Vành Khăn nổ ra, các quan chức Trung Quốc không làm rõ ý nghĩa của đường chín đoạn, nhưng, khi bị áp lực, họ đồng ý rằng các khu vực có dấu phân định là những nơi mà Trung Quốc đã tuyên bố có chủ quyền tối thượng. Đồng thời, họ đồng ý là biển Đông không phải là hồ của Trung Quốc, và nó bị chi phối bởi Hiệp ước của Liên Hiệp Quốc. Trên cơ sở này, Mỹ và Trung Quốc tránh được xung đột vấn đề trong gần hai thập niên.
Nhưng Trung Quốc không tránh xung đột với các nước láng giềng trên biển của họ. Mặc dù cam kết tuân thủ các quy tắc ứng xử được thương thảo bởi Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2002, Trung Quốc sử dụng sức mạnh ưu thế quân sự trong các tranh chấp với Philippines và Việt Nam. Trong năm 2012, các tàu tuần tra Trung Quốc đuổi tàu thuyền đánh cá Philippines ra khỏi bãi cạn Scarborough ở ngoài khơi của bờ biển Philippines, và chính phủ Philippines đã đưa tranh chấp ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), mà Trung Quốc tuyên bố là Toà không có thẩm quyền tài phán. Trong năm 2014, sau khi Trung Quốc đem một giàn khoan dầu đến đóng trong vùng biển tranh chấp với Việt Nam, các tàu của hai nước đụng độ nhau với trận đánh bằng bằng thủy pháo trên biển; theo sau là các cuộc bạo động bài Hoa ở Việt Nam.
Các nước nhỏ trong khu vực tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ. Nhưng Mỹ vẫn còn cẩn trọng để không bị lôi kéo vào trong các yêu sách còn tranh chấp về chủ quyền, một số trong các yêu sách này là mong manh, trong khi những yêu sách khác Trung Quốc đôi khi có một vị thế pháp lý mạnh hơn. Hơn nữa, Mỹ đã phải tập trung vào các vấn đề lớn hơn trong quan hệ với Trung Quốc.
Tình hình này bắt đầu thay đổi khi Trung Quốc khởi xướng một chính sách tích cực trong việc nạo vét cát để lấp đầy các đảo san hô và xây dựng đảo trong ít nhất năm địa điểm. Đầu năm nay, các nhà phân tích công bố các hình ảnh của những gì được kỳ vọng sẽ là đường băng dài 10.000 feet (3.000 mét) trên vùng Đá chử Thập.
Mỹ lập luận rằng Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) bảo đảm cho tàu nước ngoài và máy bay được tự do thâm nhập vượt quá giới hạn 12 dặm của lãnh hải, trong khi Trung Quốc đòi hòi rằng các chuyến bay quân sự không thể vượt qua khu kinh tế 200 hải lý mà không phép của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc đòi hỏi một khu vực như vây cho từng địa điểm mà họ đã chiếm, Trung Quốc có thể đóng kín cả biển Đông. Như một viên chức Mỹ nói, Trung Quốc dường như đang cố gắng “tạo ra các chứng cớ trên mặt đất” – những gì mà Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương, gọi là “Bức tường cát vĩ đại”.
Trung Quốc tuyên bố một cách chính xác rằng nạo vét là nằm trong chủ quyền tối thượng của mình, và việc này chỉ đơn thuần là làm theo cách của các nước láng giềng, mà chính phủ của các nước này cũng đã tạo ra cơ sở để hỗ trợ cho các yêu sách của họ. Nhưng sự nghi ngờ của Mỹ đã tăng cao bởi thực tế là trong năm 2013, trong một tranh chấp riêng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên quần đảo Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, chính phủ Trung Quốc đơn phương tuyên bố một Vùng Nhận Dạng Phòng Không mà không cảnh báo trước. Các phản ứng của Mỹ là đã bay với hai chiếc B -52 qua vùng không được công nhận. Điều này đặt ra một tiền lệ cho các chuyến bay trinh sát hải quân gần đây (trong đó có một toán phóng viên CNN trên tàu).
Các phản ứng của Mỹ đề ra nhằm ngăn chặn Trung Quốc từ việc tạo ra một sự kiện đã rồi mà nó có thể đóng kín phần lớn biển Đông. Tuy nhiên, sách lược nguyên thủy của Mỹ tránh liên can trong cuộc tranh chấp chủ quyền tiếp tục tạo nên ý nghĩa. Điều trớ trêu là Thượng viện Mỹ thất bại trong việc phê chuẩn Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), điều này có nghĩa là Mỹ không thể đưa Trung Quốc ra Toà ITLOS vì những nỗ lực của Trung Quốc để chuyển đổi các san hô thành đảo và đòi hỏi các vùng đặc quyền mà Mỹ có thể can thiệp nhân danh quyền tự do giao thông – một sự quan tâm chính của Mỹ.
Nhưng vì Trung Quốc đã phê chuẩn Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Mỹ tôn trọng luật này như luật tập quán quốc tế, nên có một cơ sở đàm phán trực tiếp nghiêm túc hơn để làm rõ những điểm mơ hồ trong đường chín đoạn và giữ gìn quyền tự do trên biển. Với phong cách ngoại giao đúng đắn, một cuộc xung đột Mỹ-Hoa tại biển Đông có thể và cần phải tránh.
***
Joseph S. Nye là cựu Phụ tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, Giáo Sư Đại Học Harvard, Thành viên của The World Economic Forum Global Agenda Council on the Future of Government. Tác phẩm mới nhất của ông là Is the American Century Over?
Nguyên tác: Avoiding Conflict in the South China Sea
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét