ĐỨC DÀI, ĐỨC NGẮN
Hoàng Tuấn Công
Sau cơn lốc kinh hoàng gây nhiều thiệt hại ở Thủ đô chiều 13/6/2015, báo Hà Nội mới có bài “Từ một cơn giông nghĩ về chủ trương đúng”của tác giả Trường Đức.
Sau cơn lốc kinh hoàng gây nhiều thiệt hại ở Thủ đô chiều 13/6/2015, báo Hà Nội mới có bài “Từ một cơn giông nghĩ về chủ trương đúng”của tác giả Trường Đức.
Dưới cái nhìn của bài báo, dường như chính những người lên tiếng phản đối chặt phá cây xanh (dạo tháng 3/2015) và bản thân những hàng cây hãy còn rợp bóng mát Thủ đô mấy ngày hôm trước mới là thủ phạm gây ra thiệt hại: “Cơn dông lốc bất ngờ xảy ra chiều 13-6 ở Hà Nội đã gây không ít thiệt hại về người và tài sản. Điều đáng nói là những thiệt hại đáng kể nhất không phải do mưa dông trực tiếp gây ra mà do… cây đổ."
Không biết cái đức nghề nghiệp của ông Trường Đức dài, ngắn tới cỡ nào, nhưng lý luận hài hước, bao biện, đánh tráo khái niệm của ông khiến tôi giật mình: Hóa ra lâu nay thiệt hại lớn nhất trong thảm họa động đất cũng không phải do những cơn địa chấn “trực tiếp gây ra”, mà do… nhà đổ(!) Chính những ngôi nhà do con người xây dựng nên mới là thủ phạm giết người!? Thậm chí tai nạn giao thông cũng không phải do con người “trực tiếp gây ra” mà là do…phương tiện xe cộ đè chết(!).
Cây nào sẽ đứng vững trong luồng gió xoáy của cơn tố lốc này?
Theo những gì ông Trường Đức mô tả thì cây xanh ở Thủ đô thật nguy hiểm! Chúng chẳng khác nào những kẻ đánh bom liều chết. Hàng loạt “chứng cứ” do ông Trường Đức đưa ra:
.
“Trên các tuyến phố Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Thị Định, Lê Văn Lương, Hoàng Minh Giám, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Nguyễn Du... la liệt những cây gãy đổ, bật gốc, đè lên xe ô tô, xe máy. Thậm chí cây lớn đổ chắn ngang đường, đè bẹp 1 xe taxi, những người mắc kẹt bên trong phải nhờ tới sự hỗ trợ của công an, người dân mới thoát ra khỏi chiếc xe bẹp rúm. Ngay cả vườn hoa nhỏ nằm ở phố Nhà Chung, Hoàn Kiếm, vốn khá kín gió cũng bị gãy cành. Một cây xà cừ lớn bật gốc, đè đổ tường nhà dân.”
Hàng cây xà cừ cổ thụ trên đường tới Am Tiên Núi Nưa (Thanh Hóa), dù hai bên
là mương nước bê tông và ao hồ nhưng cây vãn vững chãi trong gió núi mưa ngàn.
Ảnh: Blog Phương Mai
là mương nước bê tông và ao hồ nhưng cây vãn vững chãi trong gió núi mưa ngàn.
Ảnh: Blog Phương Mai
Sau những dòng đấu tố cây xanh (thấy thấp thoáng oan hồn của “cụ xà cừ"), bài báo kết luận: “những thiệt hại do cây đổ trong cơn dông lốc chiều 13-6 một lần nữa cho thấy: Chủ trương thay thế, cải tạo cây xanh ở nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội là hết sức đúng đắn và cần thiết. Thực tế cho thấy, việc này cần được đẩy nhanh tiến độ nhằm loại bỏ những mối nguy hiểm tiềm ẩn, những thiệt hại đáng tiếc; đồng thời làm cho thành phố xanh hơn, đẹp hơn.”
Lời lẽ ngụy biện của báo Hà Nội mới không có gì mới. Bởi cách đây gần 3 tháng, trong bài “Phải chăng ông Nguyễn Lân Hùng đang bào chữa và cổ vũ cho việc phá hoại cây xanh Thủ đô?” đăng trên Blog Tuấn Công thư phòng ngày 24/3/2015, (nhân đọc bài phỏng vấn ông Nguyễn Lân Hùng trên An ninh thủ đô cổ vũ cho chiến dịch chặt cây của chính quyền Hà Nội) tôi đã viết:
“Ông Nguyễn Lân Hùng là nhà khoa học hẳn phải biết rõ, cây đô thị bật gốc, gãy đổ do rất nhiều nguyên nhân: tầng đất canh tác mỏng (phía dưới nhiều gạch ngói, bê tông của lớp kiến trúc trước, khiến rễ cây không thể mọc sâu, vươn xa), do đào bới đường, vỉa hè nhiều lần (rễ của cây bị chặt đứt); do tán cây quá cao, quá nặng (vì không được chăm sóc, tạo tán); do mưa ngập khiến đất nhão ra, cộng bão lớn hoặc đúng luồng gió lớn; do khi trồng cây, kích thước hố đào không đúng tiêu chuẩn (hố quá nhỏ, nông)...Sao chỉ quan sát gốc rễ của những cây bị đổ mà không nhìn thấy bộ rễ vĩ đại của những cây đứng vững ngót thế kỷ bị đốn hạ, đào bới? Một cây xà cừ nếu được định kỳ tỉa cành, tạo tán, chăm sóc để cây không vươn quá cao, tán không quá nặng sẽ không dễ bị bão tố quật ngã. Sao Hà Nội không dùng kinh phí gần 36 triệu đồng cho việc triệt hạ một cây xà cừ để chăm sóc, điều khiển, tạo tán cho cây?”
Trở lại với bài viết của ông Trường Đức trên báo Hà Nội mới.
Chỉ với chi tiết: “Ngay cả vườn hoa nhỏ nằm ở phố Nhà Chung, Hoàn Kiếm, vốn khá kín gió cũng bị gãy cành” ông Trường Đức tự tố cáo sự bao biện của chính ông... Dĩ nhiên ông Trường Đức hiểu: Thiên tai đôi khi bất khả kháng! Nếu ngay cả nơi “vốn khá kín gió cũng bị gãy cành” chứng tỏ sức mạnh ghê gớm nơi tố lốc đi qua. Bởi vậy, giả sử Hà Nội là khoảng đất bằng, không một nhành cây, ngọn cỏ, với sức gió lốc quật ngã, xô đổ, thổi bay cả xe cộ, mái tôn thì tính mạng con người không bị đe dọa bởi cây cối, nhà cửa gẫy, đổ cũng phải buộc “về trời” theo một cách khác mà thôi. Gió lốc, kể cả loại cây vốn được đánh giá có gốc rễ vững chãi cũng bị đổ là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Những cây cối, vật thể kiến trúc còn trụ vững một phần gặp may mắn khi không đúng luồng gió lốc đi qua.
Cách viết của ông Trường Đức khiến người ta lầm tưởng: những cây đổ, gãy gây thiệt hại về người và của trong cơn lốc vừa qua toàn là loại sâu, mục, cong queo, loại cây không thuộc chủng loại trồng ở đô thị, chính quyền muốn thay những cây đó, nhưng đã vấp phải sự phản đối của dư luận. Tuy nhiên, từ lúc chiến dịch hạ sát hàng loạt cây xanh bị tạm dừng đến nay, thời gian mới 3 tháng. Vậy Hà Nội làm gì với khoản kinh phí đánh giá, chặt tỉa cây sâu bệnh, có nguy cơ đổ gẫy hàng năm trong khoảng thời gian hàng chục năm qua? Sao để “tồn” nhiều cây có nguy cơ đổ gẫy đến thế?
Trận cuồng phong chớp nhoáng chiều 13/6 đã phơi bày sự thật về cuộc Cải cách cây xanh của chính quyền Hà Nội: cây cũ bật gốc do gốc rễ bị chèn ép giữa lổn nhổn gạch đá, bê tông, bị chặt chém thô bạo sau nhiều lần đào bới vỉa hè, lòng đường; cây mới bị bó tròn gốc rễ như củ chuối trong đủ loại bao lưới, ni lông rồi nhét vội xuống những chiếc hố nông choèn… Sao ông Trường Đức không quan sát thấy và nhận xét về những hình ảnh này?
Thử hỏi với cách trồng cây, thay cây của chính quyền Hà Nội, liệu chúng có thể đứng vững trong mưa bão hay những trận cuồng phong tương tự xảy ra trong tương lai? Nếu vài chục năm sau, cây thuộc “chủng loại cây đô thị” mà Hà Nội lựa chọn thay thế vẫn đổ kềnh, hẳn ông Trường Đức lại tìm cách lý giải ngược lại: tố lốc là thảm họa thiên tai bất khả kháng, xà cừ, mỡ, hay vàng tâm, cây nào chẳng đổ??!!
Người xưa nói rằng: "Muốn người ta không biết thì đừng có làm". Sự thật dẫu có bị che đậy, chôn giấu dưới đất sâu, được bao biện bởi ngòi bút của người đức dài hay đức ngắn, cuối cùng cũng sẽ bại lộ, không cách này thì cách khác, không lúc này thì lúc khác.
H.T.C
Tháng 6 - 2015
Theo Blog Tễu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét