Pages

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Chống lại quy định quyền im lặng trong tố tụng hình sự Việt Nam là tội ác


images
Cù Huy Hà Vũ
…để loại trừ một cách căn bản việc mớm cung, dụ cung, ép cung, bức cung, tra tấn để buộc nghi phạm nhận tội dẫn đến án oan và tước đoạt mạng sống của người vô tội…, Quốc hội Việt Nam hãy khẩn trương quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự Quyền im lặng…

Năm 2013, ông Nguyễn Thanh Chấn, bị kết án chung thân về tội giết người, được minh oan sau 10 năm ở tù do hung thủ đầu thú. Sở dĩ ông Chấn bị tù oan đến như vậy là do ông đã không chịu nổi tra tấn của công an nên nhận tội bừa. Năm 2014, 7 người ở Sóc Trăng được minh oan về tội giết người cũng do hung thủ đầu thú, sau khi họ đã phải nhận tội này do bị công an tra tấn. Cuối năm 2014, Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng (1) được hoãn trong gang tấc thi hành án tử hình về tội giết người vì có những bằng chứng cho thấy hai người này nhận tội do bị công an ép cung, tra tấn. Vẫn năm 2014, 5 điều tra viên công an thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), lĩnh án tù do đánh chết nghi phạm. Đầu tháng 5 vừa qua 4 công an xã Kim Nỗ (Hà Nội) lĩnh án tù cũng do đánh chết người bị bắt giữ. Rồi trong vỏn vẹn 3 năm, từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2014 trên toàn quốc đã có 226 người chết do “bệnh lý” và “tự sát” khi bị tạm giữ, tạm giam, một thống kê khủng khiếp do chính Trung tướng Công an Trần Trọng Lượng đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19/3 vừa qua. Do không có bất cứ vụ án hình sự nào được khởi tố để làm rõ nguyên nhân của 226 người chết trong tay công an nói trên trong khi về nguyên tắc là phải làm, dư luận trong và ngoài nước càng tin rằng những người này chết là do bị công an tra tấn nhằm buộc họ nhận tội.
toiac2
Việt Nam theo chế độ đảng trị hay công an trị ?
Trước thực trạng tội ác kinh hoàng do công an gây ra nói trên, Quốc hội Việt Nam tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra cuối cùng cũng đã phải bàn đến việc quy định Quyền im lặng của nghi phạm trong Bộ luật tố tụng hình sự (Bộ Luật tố tụng hình sự).
Vậy Quyền im lặng là gì ?
Quyền im lặng bắt nguồn từ “Cảnh báo Miranda” trong luật pháp Mỹ theo đó cảnh sát phải thông báo cho nghi phạm ngay tại thời điểm họ bị bắt giữ những nội dung sau đây :
• Ông (bà) có Quyền im lặng khi bị thẩm vấn.
• Bất cứ điều gì ông (bà) nói hay làm đều có thể được sử dụng để chống lại ông (bà) trước tòa.
• Ông (bà) có quyền tham khảo luật sư trước khi trả lời thẩm vấn và quyền có luật sư bên cạnh khi bị thẩm vấn bất kể bây giờ hay sau này.
• Nếu ông (bà) không có khả năng thuê luật sư, một luật sư sẽ được chỉ định cho ông (bà).
• Nếu bây giờ ông (bà) muốn trả lời thẩm vấn mà không cần có luật sư hiện diện thì ông (bà) vẫn có quyền ngưng trả lời vào bất cứ lúc nào cho đến khi luật sư hiện diện.
Vẫn theo luật pháp Mỹ, nếu quên hay vì một lý do nào đó mà cảnh sát không đưa ra “Cảnh báo Miranda” thì lời khai của nghi phạm sẽ không được sử dụng làm chứng cứ. Hiện nay Liên hiệp châu Âu và nhiều nước trên thế giới đã theo gương Mỹ luật hóa Quyền im lặng.
Tuy nhiên Quyền im lặng áp dụng cho nghi phạm đã bị các đại biểu Quốc hội Việt Nam là người của các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt công an, lớn tiếng phản đối.
Đặng Văn Hiếu, thượng tướng, thứ trưởng Thường trực Bộ Công an : “Quy định không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc tự nhận mình có tội thì không chuẩn lắm, làm khó khăn cho hoạt động điều tra”.
Lê Quý Vương, thượng tướng thứ trưởng Bộ Công an : “Chém, giết người mà đưa vào cơ quan điều tra lại im lặng mấy ngày chờ luật sư đến theo đúng luật thì không ai làm được”.
Nguyễn Đức Chung, thiếu tướng, giám đốc Công an Hà Nội : “Thực tế ở Hà Nội có 58-60% các vụ là bắt phạm tội quả tang, còn lại án truy xét. Cho nên việc quy định Quyền im lặng là không phù hợp với thực tiễn hiện nay”.
Trịnh Xuyên, thiếu tướng, giám đốc Công an Thanh Hóa : “Quyền im lặng là rất vô nghĩa, nhất là nước ta trong giai đoạn hiện nay khi trình độ dân trí, nhận thức như thế. … Có những vụ đánh người gây thương tích như thế mà im lặng không trình bày thì không được”.
Lê Đông Phong, thiếu tướng, phó giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh : “Quy định bị can, bị cáo không cần khai là máy móc. Đừng vì một số vụ án oai sai mà làm đảo lộn tất cả”.
Nguyễn Hòa Bình, thiếu tướng Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao : “Không nên quy định trong luật là Quyền im lặng vì dễ dẫn đến hiểu lầm là bị can, bị cáo có Quyền im lặng không khai báo gì… Anh ta im lặng khi khai về tội của mình thì đấy không phải tình tiết tăng nặng, nhưng anh ta im lặng khi khai về đồng bọn thì hoặc đó là tình tiết tăng nặng, hoặc anh ta sẽ bị truy tố thêm về tội không tố giác tội phạm”.
Nguyễn Văn Hiện, chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội, nguyên chánh án Tòa án tối cao : “Luật không cấm nhưng ai cũng hiểu rằng chúng ta không khuyến khích bị can, bị cáo im lặng. Chúng ta dạy con chúng ta cũng không khuyến khích chúng im lặng”.
Đỗ Văn Đương, nguyên kiểm sát viên, ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội : “Quyền im lặng không phải là quyền con người…Nếu chỉ vì số ít trường hợp bị oan mà chiều chuộng tội phạm là không phù hợp. Chúng ta quy định như là Quyền im lặng của người phạm tội là không đúng, giết người cướp của cũng không khai báo là không đúng”.
​Tựu trung, những ý kiến phản đối Quyền im lặng nói trên đưa ra những lý do sau đây :
1. Quyền im lặng không phải là quyền con người ;
2. Quyền im lặng vô nghĩa vì dân trí thấp ;
3. Nghi phạm phải nhận tội ;
4. Nghi phạm không buộc phải nhận tội nhưng phải khai về tội của đồng phạm ;
5. Thà làm oan người vô tội còn hơn bỏ lọt tội phạm ;
6. Quyền im lặng khuyến khích nghi phạm im lặng ;
7. Cản trở hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Thế nhưng những lý do này hoàn toàn phản pháp luật.
Khi nói “Quyền im lặng không phải là quyền con người”, Đỗ Văn Đương dứt khoát bị tâm thần nặng vì một khi “im lặng” được nguyên kiểm sát viên này thừa nhận là “quyền” thì “im lặng” tất phải là “quyền con người”, kể cả trong trường hợp nhân vật này muốn nói Quyền im lặng có đấy, nhưng là quyền của con vật !
Nhận định “dân trí thấp” của tướng công an Trịnh Xuyên không sai vì đó là hậu quả của ít nhất 40 năm cai trị độc đoán, từ 1975 đến nay, của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vấn đề ở chỗ chính vì dân trí thấp dẫn đến tình trạng người dân không tự biết bảo vệ các quyền hiến định của mình thì Nhà nước mệnh danh “của dân, do dân, vì dân” lại càng phải bảo vệ họ bằng cách một mặt làm cho các quyền ấy ngày càng dễ hiểu, ngày càng dễ sử dụng thông qua cụ thể hóa, chi tiết hóa các quyền ấy và mặt khác, giới hạn tối đa khả năng Nhà nước xâm phạm các quyền của người dân. Suy cho cùng, các quyền h định của người dân được cụ thể hóa, chi tiết hóa bao nhiêu thì khả năng Nhà nước xâm phạm các quyền ấy giảm thiểu bấy nhiêu. Ngược lại, làm cho người dân ai cũng hiểu và vì vậy dễ dàng thực hiện các quyền hiến định của họ theo cái cách như vậy, trong trường hợp này là luật hóa Quyền im lặng của nghi phạm trước hết để bảo đảm “quyền bất khả xâm phạm về thân thể, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình” quy định tại Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp Việt Nam, chính là một trong những biện pháp nâng cao dân trí hiệu quả nhất.
Tóm lại, một khi Hiến pháp Việt Nam long trọng “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” (Khoản 1 Điều 14), nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc thì những người yếu thế nhất trong xã hội bao gồm những người ít học nhất, ít hiểu biết pháp luật nhất càng phải là mục tiêu bảo vệ hàng đầu của luật pháp cũng như các lực lượng thực thi luật pháp.
Về quan điểm “nghi phạm phải nhận tội”, quan điểm này rõ ràng đi ngược lại nguyên tắc “suy đoán vô tội” được quy định bởi chính luật pháp Việt Nam.
Khoản 1 Điều 31 Hiến pháp quy định : “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Điều 9 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định : “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Khoản 2 Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên quy định : “Người bị cáo buộc phạm tội hình sự có quyền được suy đoán vô tội cho tới khi hành vi phạm tội của người đó được chứng minh theo luật”.
Chính nguyên tắc “suy đoán vô tội” đã dẫn đến một nguyên tắc khác trong tố tụng hình sự, đó là “không ai bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội” như được nêu tại Điểm g Khoản 3 Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Tất nhiên quan điểm “nghi phạm không buộc phải nhận tội nhưng phải khai về tội của đồng phạm” cũng phản pháp luật nốt vì là dụ cung, dẫn dắt nghi phạm tự buộc tội mình hay buộc nghi phạm làm cái việc “lạy ông tôi ở bụi này !” như cách nói dân gian.
Tiếp theo, quan điểm “thà làm oan người vô tội còn hơn bỏ lọt tội phạm” hiển nhiên là chống lại quyền con người. Thực vậy, cũng như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Hiến pháp Việt Nam đề cập quyền con người như là quyền của từng con người, điều này có nghĩa trong mọi trường hợp, không ai, không tổ chức nào có thể nhân danh số đông người để xâm phạm quyền của từng con người. Cũng cần nói thêm rằng quyền con người không thể bị xâm phạm nhưng có thể bị hạn chế vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, nhưng việc hạn chế quyền con người phải do luật định (Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp), điều này có nghĩa không thể đánh đồng xâm phạm quyền con người dẫn đến làm oan người vô tội với hạn chế quyền con người vì lợi ích chung.
Tóm lại, bảo vệ quyền của từng con người là căn cứ để bảo vệ quyền của số đông người, hay có bảo vệ được quyền của từng con người thì mới bảo vệ được quyền của số đông người.
Ngoài ra, quan điểm “thà làm oan người vô tội còn hơn bỏ lọt tội phạm” là dựa trên “suy đoán có tội” và tư duy phản pháp luật này, trớ trêu thay, lại bắt nguồn từ chính một quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Điều 1 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định “không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”. Đây là quy định hoàn toàn mâu thuẫn vì “không làm oan người vô tôi” thể hiện nguyên tắc “suy đoán vô tội” như trên đã đề cập trong khi “không để lọt tội phạm” tạo điều kiện cho “suy đoán có tội”. Nói cách khác, quy định “không để lọt tội phạm” mở đường cho “làm oan người vô tội” trong khi quy định “không làm oan người vô tội” bao hàm khả năng “để lọt tội phạm”.
Thực tế cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra trước hết, đã dựa vào quy định “không để lọt tội phạm” đồng nhất với “suy đoán có tội” này để không thực hiện nguyên tắc “suy đoán vô tội” dẫn tới vô hiệu hóa trên thực tế quy định “không làm oan người vô tội”. Bên cạnh đó, quy định “không bỏ lọt tội phạm” hẳn cũng gây sức ép lên cơ quan điều tra khiến các cơ quan này phải tìm “con dê tế thần”, phải khép tội ai đó cho dù không có chứng cứ khách quan về hành vi phạm tội của người đó.
Tuy nhiên, do xử lý tội phạm chỉ là phương tiện để bảo vệ quyền con người mà không phải là mục đích tự thân, “không làm oan người vô tội” phải là kim chỉ nam của Bộ luật tố tụng hình sự. Để nói, loại bỏ quy định “không bỏ lọt tội phạm” trong Bộ luật tố tụng hình sự là việc mà các nhà lập pháp Việt Nam dứt khoát phải làm không chỉ để loại trừ mâu thuẫn với quy định “không làm oan người vô tội” mà nhất là để bảo đảm nguyên tắc “suy đoán vô tội” nhằm bảo vệ tối đa quyền con người được Hiến pháp quy định.
Còn ý kiến cho rằng Quyền im lặng là khuyến khích nghi phạm im lặng theo nghĩa không trả lời thẩm vấn thì ý kiến này cũng bất chấp pháp luật nốt vì quy định “Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội” tại Điều 10 Bộ Luật tố tụng hình sự cũng như quy định “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình” tại Điều 10 Dự thảo Bộ Luật tố tụng hình sự đang được Quốc hội xem xét đã bao hàm quyền không trả lời thẩm vấn của nghi phạm. Thực vậy, im lặng là cách đơn giản nhất để nghi phạm không buộc phải chứng minh mình vô tội.
Bất luận thế nào, quy định Quyền im lặng trong Bộ luật tố tụng hình sự không hề và không thể cản trở hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Thực vậy, quy định “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội” tại Điều 10 Bộ Luật tố tụng hình sự có nghĩa là cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng khác buộc phải tìm chứng cứ khách quan về tội ác đã diễn ra (và, nhân chứng và thông tin có liên quan khác thu thập từ nguồn ngoài nghi phạm) để rồi trên cơ sở đó xác định nghi phạm có phải là thủ phạm hay không. Nói cách khác, nghi phạm cho dù im lặng hay từ chối trả lời thẩm vấn vẫn có thể bị các cơ quan tiến hành tố tụng xác định có tội với những chứng cứ khách quan. Có thể lấy những vụ phá án mà thủ phạm đã chết trước khi tội phạm được phát hiện hoặc nghi phạm bị câm lẫn điếc hoặc thiểu năng trí tuệ để chứng minh cho việc không nhất thiết phải có lời khai của nghi phạm mới xác định được thủ phạm.
Có một thực tế là cho đến nay ở Việt Nam vẫn thực hiện tố tụng xét hỏi theo đó lời nhận tội của nghi phạm được coi là chứng cứ quyết định để thẩm phán đưa ra phán quyết, điều này giải thích vì sao cơ quan điều tra tìm mọi cách, kể cả tra tấn, để lấy cho được lời nhận tội của nghi phạm. Do đó, một cách dễ nhìn thấy nhất, Quyền im lặng là công cụ loại bỏ mớm cung, dụ cung, ép cung, bức cung cũng như tra tấn gắn liền với gây chết người tiềm năng nhằm vào nghi phạm từ phía cơ quan điều tra vì Quyền im lặng đặt sự có mặt của luật sư hay người bào chữa khác (gọi tắt là “luật sư”) như điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc thẩm vấn trong bối cảnh mọi quy định cấm tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình đề ra trong HIến pháp cũng như Bộ luật tố tụng hình sự hoàn toàn mất hiệu lực vì dựa vào sự tự giác tuân thủ của cơ quan điều tra.
Mặc dầu vậy, chức năng chính của Quyền im lặng lại là đảm bảo tính hợp pháp của lời khai của nghi phạm vốn được điều chỉnh bởi chính Bộ luật tố tụng hình sự.
Khoản 1 Điều 66 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định : “Mỗi chứng cứ phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án”. Điều này có nghĩa nếu những lời khai của nghi phạm nếu không được thu thập hợp pháp thì không được coi là chứng cứ.
Chắc chắn rằng tính hợp pháp của lời khai của nghi phạm là ở chỗ lời khai này được đưa ra một cách tự nguyện, không bị sức ép dưới bất cứ hình thức nào. Do đó, sự có mặt của luật sư khi nghi phạm bị thẩm vấn chính là để bảo đảm tính hợp pháp của lời khai, và để được như vậy thì không thể không bảo đảm cho nghi phạm Quyền im lặng đồng nhất với không trả lời thẩm vấn cho đến khi luật sư có mặt. Tất nhiên để làm điều đó, các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra trước hết, phải thông báo cho nghi phạm ngay khi họ bị bắt là họ có Quyền im lặng, không trả lời thẩm vấn cho đến khi luật sư có mặt.
Cuối cùng, quy định Quyền im lặng trong Bộ luật tố tụng hình sự còn đưa lại những thay đổi pháp lý tích cực nhằm bảo đảm hơn nữa quyền con người của nghi phạm.
Thứ nhất, bảo đảm triệt để quyền có luật sư của nghi phạm, loại bỏ việc cơ quan điều tra ép nghi phạm từ chối luật sư.
Thứ hai, loại bỏ việc các cơ quan tiến hành tố tụng cố tình trì hoãn, cấm, cản luật sư tham gia tố tụng ngay khi nghi phạm bị bắt, điều này góp phần quan trọng trong việc thiết lập sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội trong thu thập chứng cứ nhằm thực hiện tố tụng tranh tụng thay cho tố tụng xét hỏi.
Thứ ba, loại bỏ việc coi nghi phạm không khai báo, không nhận tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, như Viện kiểm sát thể hiện tại phiên tòa ngày 4/4/2011 xét xử Cù Huy Hà Vũ về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (2).
Kết luận lại, để loại trừ một cách căn bản việc mớm cung, dụ cung, ép cung, bức cung, tra tấn để buộc nghi phạm nhận tội dẫn đến án oan và tước đoạt mạng sống của người vô tội nói riêng, xây dựng Nhà nước pháp quyền bảo đảm tối đa quyền con người nói chung, Quốc hội Việt Nam hãy khẩn trương quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự Quyền im lặng với nội dung sau đây :
1. Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa, quyền được cung cấp luật sư nếu bản thân không có khả năng tìm luật sư hay người bào chữa khác ;
2. Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có Quyền im lặng, từ chối trả lời thẩm vấn cho đến khi luật sư hoặc người bào chữa khác có mặt.
3. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có nhiệm vụ thông báo ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo rằng họ có quyền im lặng, từ chối trả lời thẩm vấn cho đến khi luật sư hoặc người bào chữa khác có mặt.
4. Mọi lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo sẽ không được sử dụng làm chứng cứ nếu họ không được Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án thông báo như trên.
Còn ngược lại, chống lại Quyền im lặng là tội ác !
Cù Huy Hà Vũ
Theo VOA 28/06/2015
Chú thích :
(1) Nguyễn Văn Chưởng bị tòa án Việt Nam kết án tử hình trái pháp luật, VOA, 26/12/2014.
(2) Ông Cù Huy Hà Vũ nhận 7 năm tù giam, Vietnamnet, 4/4/2011 : “Trong phiên xử ngày 4/4, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, tại tòa, bị cáo có thái độ ngoan cố, không chịu nhận tội, ngoài ra hành vi phạm tội của bị cáo được thực hiện nhiều lần trong thời gian dài. Viện Kiểm sát coi đây là tình tiết tăng nặng. Xét tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt ông Vũ mức án 7- 9 năm tù giam, quản chế 3 năm tại địa phương”.

Không có nhận xét nào: