Pages

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

Philippines sang sửa chiến hạm mắc cạn trên bãi Cỏ Mây

mediaChiếc tàu Philippines tại đảo Second Thomas Shoal (Bãi Cỏ Mây), Trường Sa, 29/03/2014.Reuters/Erik De Castro
Hôm nay 15/07/2015, Manila tuyên bố bắt đầu sửa chữa một chiến hạm cũ được dùng làm căn cứ tiền tiêu kiểm soát bãi Second Thomas Shoal (tiếng Việt : bãi Cỏ Mây ; tiếng Philippines : Ayungin ; tiếng Trung : Nhân Ái), quần đảo Trường Sa. Trong những tháng gần đây, quân đội Philippines tố cáo Trung Quốc liên tục dùng tàu hải giám ngăn cản hoạt động tiếp viện cho đơn vị đồn trú trên tàu BRP-Sierra Madre.




Trả lời AFP, người phát ngôn Hải quân Philippines, Edgard Arevalo, cho hay « việc sang sửa cho phép con tàu có được các điều kiện tối thiểu để dùng làm nơi ở ». Theo người phát ngôn Hải quân Philippines, tình trạng hết sức tồi tệ của con tàu « không phải là chuyện bí mật », và truyền thông quốc tế cũng đã thông tin nhiều về chuyện này. Tuy nhiên, ông không trả lời câu hỏi liên quan đến khả năng xây dựng một nơi đỗ trực thăng trên tàu. Người phát ngôn Hải quân Philippines khẳng định việc sửa chữa tàu không có mục tiêu đáp trả hành động xây dựng và mở rộng đảo ở Trường Sa của Trung Quốc.
Chiếc tàu gỉ sét dài 100 mét này vốn được quân đội Philippines cho lao lên bãi Ayungin vào năm 1999, nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia, trong bối cảnh Manila lo ngại Trung Quốc cưỡng chiếm vị trí này. Trước đó bốn năm, Trung Quốc đã chiếm bãi Mischief Reef (tức bãi Vành Khăn) cách bãi Cỏ Mây khoảng 40 km.
Khu vực tranh chấp trên biển nói trên cách bờ biển Philippines khoảng 200 km về phía tây, trong khi đó, khoảng cách với bờ biển Trung Quốc gần nhất là 1.100 mét.
Hiện tại, Philippines liên tục duy trì 9 binh sĩ trên con tàu mắc cạn tại bãi Second Thomas Shoal. Hồi năm ngoái, theo báo chí Philippines, tàu hải quân nước này thường xuyên bị tàu tuần duyên Trung Quốc ngăn chặn khi tới Second Thomas Shoal. Manila thậm chí phải dùng đến đường hàng không để tiếp tế lương thực cho các binh sĩ.
Năm 2013, Manila tố cáo Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough, cách Luzon, đảo chính của Philippines, khoảng 140 hải lý về phía tây – nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này.
Đầu tháng 7/2015, Philippines bắt đầu điều trần tại Tòa án Trọng tài Liên hiệp quốc, La Haye (Hà Lan), trong vụ kiện đòi hỏi chủ quyền « 9 đoạn » của Bắc Kinh trên gần như toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc phản đối vụ kiện.
 Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng có các tuyên bố chủ quyền tại các khu vực khác nhau ở Biển Đông. Trong những tháng gần đây, việc Trung Quốc mở rộng với quy mô rất lớn một số vị trí mà nước này kiểm soát tại Trường Sa khiến căng thẳng gia tăng, gây lo ngại quốc tế.

Không có nhận xét nào: