Chỉ có thể nói rằng, thực lực kinh tế của Trung Quốc hiện tại chưa thể vượt Mỹ, trong tương lai cũng chưa chắc.
Việc Trung Quốc khởi xướng thành lập AIIB và đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ “con đường tơ lụa” ở các nước xung quanh đang gây nên lo ngại về thực lực kinh tế của nước này. Năm 2014, khi IMF công bố kinh tế Trung Quốc đã vượt Mỹ, thông tin này đã gây xôn xao trên các báo chí lớn song có phần gây hiểu lầm, tính toán của IMF căn cứ vào sức mua ngang bằng (PPP) và phúc lợi, trong khi cách tính này đang gây nghi ngờ. Về thực lực kinh tế, Trung Quốc còn lâu mới sánh ngang với Mỹ, “thu nhập tính theo đầu người” là chỉ số tốt hơn để đánh giá mức độ nền kinh tế, trong điều kiện thu nhập đầu người chỉ bằng 1/4 Mỹ. Trung Quốc có thể cần vài chục năm để bắt kịp Mỹ.
Thực lực của Trung Quốc có thể được thể hiện qua một thị trường rộng lớn và hấp dẫn, là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước. Tuy vậy điều này không có nghĩa là ngang bằng. Năm 2013, Trung Quốc đã vượt Mỹ và Đức về tổng kim ngạch thương mại, nhưng thể hiện trong lĩnh vực thương mại dịch vụ nước này còn yếu kém, nhiều sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp, thiếu các thương hiệu toàn cầu. Mức độ thành thục về kinh tế còn bao gồm trình độ công nghệ. Trung Quốc đã đạt được thành quả công nghệ quan trọng, nhưng nếu so với việc sáng tạo, mô hình tăng trưởng của Trung Quốc vẫn chủ yếu dựa vào sao chép công nghệ nước ngoài. Trung Quốc chiếm ưu thế về số lượng sáng chế độc quyền, nhưng đa số là các mảng không thật quan trọng trong chuỗi sản xuất.
Về mặt tiền tệ, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường thực lực tài chính thông qua khuyến khích thế giới sử dụng đồng NDT. The Economist nhận định: “quy mô không phải lúc nào cũng đồng hành với mức độ thành thục. Trong thế kỷ này, Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng không có nghĩa là tốt nhất. Mức độ thành thục của kinh tế Mỹ có thể được phản ánh qua chiều sâu thị trường tài chính của nó”. Bất chấp việc có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, nhưng điều này không đem lại cho Trung Quốc nhiều thực lực hơn Mỹ. Trong quan hệ tùy thuộc lẫn nhau, thực lực quyết định bởi tính chất không đối xứng. Năm 2009, trong giới quân sự Trung Quốc cho rằng cần dùng dự trữ USD để trừng phạt việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng giới kinh tế lập tức chỉ ra rằng điều đó chỉ đem lại những tổn hại không gánh đỡ nổi cho kinh tế Trung Quốc.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10% rất ấn tượng của Trung Quốc cũng đã chậm lại. Nguyên Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers và nhà kinh tế Đại Học Havard Lant Pritchett cho rằng, Trung Quốc công bố chính thức “mặt bằng tăng trưởng mới” 7%, nhưng nếu đối chiếu thống kê phân tích với các nước tăng trưởng cao trước đây (như Nhật Bản), có thể Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn tăng trưởng thấp hơn con số 7%, điều này sẽ làm chậm lại thời gian Trung Quốc bắt kịp và vượt Mỹ về kinh tế. Một số nhà kinh tế dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ bắt kịp Mỹ năm 2030, nhưng theo Charles Wolf, cố vấn kinh tế cao cấp Viện Rand, thời điểm này có thể bị kéo đến 2050. Tuy các dự báo này có phần võ đoán, nhưng đều căn cứ vào mức tăng trưởng trong tương lai.
Nhiều người Trung Quốc sợ rằng nếu không chuyển đổi phương thức tăng trưởng đã từng đem lại thành công, Trung Quốc sẽ sa vào “bẫy thu nhập trung bình”. Trong khi hiện Trung Quốc đang đứng trước hàng loạt vấn đề mang tính quá độ, bao gồm chuyển đổi mô hình doanh nghiệp nhà nước, bất bình đẳng, môi trường xấu đi, tham nhũng…Nguồn lao động của Trung Quốc cũng đã đạt đỉnh, dân số sau 2030 có thể giảm và xuất hiện tình trạng đáng lo ngại “già trước khi giàu”.
Tuy nhiên, nhân tố không xác định lớn nhất là chính trị. Nhìn chung các nước khi đạt mức thu nhập bình quân 10. 000 USD (như Trung Quốc hiện nay) sẽ đứng trước đòi hỏi tham gia chính trị nhiều hơn từ người dân. Không giống như Ấn Độ được kế thừa thể chế dân chủ khi độc lập, Trung Quốc vẫn chưa tìm được phương thức giải quyết vấn đề tham chính của người dân (nếu không muốn nói là dân chủ). Tính hợp pháp của Đảng Cộng Sản cầm quyền dựa vào tăng trưởng kinh tế và chủ nghĩa dân tộc. Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình là nhằm tăng cường tính hợp pháp, nhưng cũng đồng thời làm tăng lo ngại về sự bất ổn. Mạng xã hội cũng tăng thêm khía cạnh phức tạp.
Liệu Trung Quốc có xây dựng được mô hình quản lý hiệu quả tầng lớp trung lưu đang mở rộng, chênh lệch vùng miền và sự bất mãn của các sắc tộc thiểu số… vẫn chưa có câu trả lời. Không ai, kể cả lãnh đạo Trung Quốc biết được tương lai chính trị của Trung Quốc sẽ đi về đâu và sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ra sao. Về vấn đề khi nào Trung Quốc vượt Mỹ về thực lực kinh tế, phán đoán trực diện dựa trên hiện trạng rất dễ dẫn đến sai lầm. Chỉ có thể nói rằng, thực lực kinh tế của Trung Quốc hiện tại chưa thể vượt Mỹ, trong tương lai cũng chưa chắc.
Theo “Huffington Post”
Hương Trà (gt)
(Nghiên Cứu Biển Đông)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét