Thường Sơn (VNTB)- Cuối cùng thì một trong những hãng tin quốc tế nhanh nhạy là đài BBC cũng lên tiếng về vụ "tướng Phùng Quang Thanh mất tích", tuy chỉ mới đề cập đến sự vắng mặt đầy bất thường của Bộ trưởng quốc phòng VN tại đại hội thi đua quyết thắng toàn quân.
Hôm nay 1/7 là ngày thứ 12 tướng Thanh "mất tích", kể từ lần cuối cùng - ngày 19/6 - báo chí nhà nước VN đưa tin rất ngắn gọn về chuyến làm việc của ông tại Pháp về chủ đề quốc phòng.
Một tuần lễ sau ngày 19/6, đến ngày 26, bắt đầu xuất hiện tin đồn về "tướng Phùng Quang Thanh bị ám sát tại Paris". Mới đầu tin đồn này chỉ manh nha trên một facebook và có thể chẳng mấy người quan tâm đến loại tin vu vơ đó. Thế nhưng sang ngày 27/6, tin tức và các đồn thổi về tướng Thanh đã tràn lan trên mạng và trở thành một cơn sóng thần lôi tuột sự chú tâm của người đọc.
Cho đến hôm nay, mặc dù hệ thống tuyên giáo đảng và toàn bộ hơn 800 tờ báo nhà nước vẫn im lìm không một lời cải chính hay "nói lại cho rõ", có thể khẳng định dư luận đại trà ở VN đã biết và có quá đủ thời gian nghiền ngẫm, bàn tán về các loại tin đồn liên quan đến số phận của tướng Thanh. Nếu không ít cán bộ về hưu và tiểu thương ngoài chợ đang đặc biệt quan tâm đến vụ việc này, không thể nói là các đảng viên không biết và không bị cuốn vào câu chuyện hiếm có ấy.
Một trong những biểu hiện rõ nhất về tính bất thường chính là đã không có một tin tức nào về kết quả làm việc của tướng Thanh tại Pháp. Sau đó, cũng không có bất kỳ thông tin nào về chuyến làm việc tiếp theo ở Ấn Độ của tướng Thanh. Trên báo Nhân Dân và đặc biệt Quân Đội Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của Bộ quốc phòng VN, người ta không thể tìm ra dấu vết hiện diện của viên tướng bốn sao trong hàng chục ngày qua.
Bối cảnh xảy ra sự vắng mặt không thể coi là bình thường của tướng Phùng Quang Thanh lại diễn ra chỉ ít ngày trước chuyến công du Hoa Kỳ của Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, với việc ông Thanh chiếm một vị trí trong đoàn này. Toàn đảng toàn quân cũng đang tiến gần đến đại hội đảng 12 vào đầu năm 2016.
Một chuyên gia nước ngoài đã đánh giá Phùng Quang Thanh có thể tiếp nhận ghế chủ tịch nước.
Nhưng với vụ "tướng Thanh mất tích", khá nhiều giả thiết và cả 'kịch bản xấu' đang được một số tác giả và giới phân tích nêu ra. Những tin tức dồn dập trên mạng càng gây sức ép nặng nề lên Bộ quốc phòng VN và hệ thống tuyên giáo đảng. Sau 12 ngày không xuất hiện mà cũng không một tin cải chính, rõ ràng bất lợi rất lớn về dư luận đang thuộc về đảng.
Bài học "chủ động thông tin" mà tưởng như đảng đã rút ra được sau "vụ Nguyễn Bá Thanh" cùng blog Chân Dung Quyền Lực, lại đang trễ hẹn một lần nữa. Ở lần trước vào đầu năm nay, "tau khỏe mà, có chi mô" mà một quan chức thuật lại lời của ông Nguyễn Bá Thanh, rốt cuộc đã chỉ còn lại cái chết của ông.
Cần nói thêm rằng khi thời gian đã trôi qua một cách lãng phí cả tuần qua, kịch bản về tình trạng bệnh tật của tướng Phùng Quang Thanh đã không còn được dư luận xếp lên hàng đầu nữa. Thay vào đó là những kịch bản tệ hơn, thậm chí xấu hơn hẳn.
Liệu cơ quan tuyên giáo sẽ có những hành động chứng minh nào để "làm cho nhân dân càng thêm tin yêu đảng và nhà nước"?
-------------------------------
Tin liên quan:
Đại hội quân đội họp vắng tướng Thanh
Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX năm 2015 vừa khai mạc sáng thứ Tư 1/7 tại Hà Nội.
Đây là một trong các hoạt động chính trị thuộc loại lớn nhất do Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức.
Tuy nhiên trong lễ khai mạc sáng 1/7 vắng bóng Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.
Trên Đoàn chủ tịch, người ta thấy ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Thường vụ Quân ủy, ngồi giữa hai ủy viên khác là hai thượng tướng Ngô Xuân Lịch và Đỗ Bá Tỵ.
Tại Đại hội còn có hiện diện của các ông Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Đại hội thi đua quyết thắng được tổ chức 5 năm một lần, lần trước Đại tướng Phùng Quang Thanh có mặt.
Ông Thanh cũng vắng mặt trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 hôm 29/6 vừa qua.
Đại tướng Phùng Quang Thanh vừa có chuyến thăm, làm việc tại châu Âu, trong đó ngày 19/6 ông hộ̣i kiến Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian ở trụ sở Bộ Quốc phòng nước này.
Báo Việt Nam đồng loạt đăng hình Tướng Thanh và ông Le Drian bắt tay nhau và thông tin "Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là hết sức coi trọng quan hệ với Pháp, cũng như sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng của Pháp tiếp cận thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu".
Trước đó ông Thanh công du Ấn Độ từ 23/5-26/5 và được Thủ tướng Nerendra Modi tiếp.
Theo kế hoạch, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh sẽ có mặt trong đoàn đại biểu Việt Nam, dẫn đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đi thăm chính thức Hoa Kỳ vào đầu tháng Bảy này.
Theo báo chí chính thống ở Việt Nam, Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân có mục đích "đánh giá kết quả và rút ra những kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức để từng bước nâng cao hơn nữa phong trào thi đua quyết thắng trong thời gian tới", "góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh".
BBC
------------------
Tướng Thanh vẫn ‘vắng mặt’ trong sự kiện quan trọng của Bộ Quốc phòng
Trước tin đồn đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng VN bị ám sát, dù nhiều người không tin nhưng vẫn có những chỉ dấu khá lạ.
Trong cuộc họp thường kỳ của chính phủ VN hôm 29/6/2015. Người ngồi vào vị trí ông Thanh là thượng tướng Lê Hữu Đức, mặc dù bảng tên trước bàn vẫn ghi rõ dòng chữ “Bộ trưởng Phùng Quang Thanh”.
Đặc biệt tại buổi khai mạc “Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân” lần thứ 9 vừa được khai mạc vào sáng 30/6/2015 tại Hà Nội người ta vẫn không nhìn thấy ông.
Cần biết đây là một sự kiện quan trọng của quân đội được tổ chức định kỳ 5 năm một lần, quy tụ hàng trăm quân nhân được xếp loại “điển hình tiên tiến” về tham dự. Do đó, việc người đứng đầu Bộ Quốc phòng không xuất hiện quả là một điều bất thường. Viên chức quốc phòng cao cấp nhất tham dự buổi khai mạc này là thượng tướng Mai Quang Phấn, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội.
Các bản tin và hình ảnh do truyền thông nhà nước phổ biến cũng hoàn toàn không nhắc đến đại tướng Phùng Quang Thanh.
D.N.
(Dân News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét