Pages

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Đại hội Đảng XI khai mạc

Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa chính thức khai mạc sáng thứ Tư 12/01 tại Hà Nội.

Nhiệm vụ quan trọng của đại hội lần này là bầu chọn ra ban lãnh đạo mới để dẫn dắt đất nước vượt qua các thử thách kinh tế ngày càng to lớn.

Đại hội cũng được trông đợi sẽ bàn thảo về phương hướng phát triển cho 10 năm tới, nhưng không đề cập tới các vấn đề chi tiết mà tập trung vào đường hướng.

Đảng Cộng sản Việt Nam đang đứng trước nhu cầu cấp thiết về đổi mới, nhất là khi nhiều bất cập của hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa bị xem như yếu tố gây kìm hãm cho phát triển kinh tế.

Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 200 ủy viên sẽ ra mắt vào cuối kỳ đại hội kéo dài cho tới 19/01.

Gần 1.400 đại biểu đã có mặt trong buổi lễ khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, mở đầu bằng nghi thức chào cờ. Tiếp đó, là âm thanh của bài Quốc tế ca, giai điệu có từ thế kỷ thứ 19 mà sau đã trở thành bài hát của những người cộng sản trên toàn thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các lãnh đạo cao cấp khác của Đảng Cộng sản ngồi trên khán đài trang trí với gam màu đỏ chủ đạo, với tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối diện cử tọa là các nhân vật đã được lựa chọn đại diện cho 3,6 triệu đảng viên trong nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố khai mạc Đại hội.

Chương trình nghị sự
Sau đó, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có bài phát biểu quan trọng, nhìn lại quá trình phát triển kinh tế-xã hội trong nước thời gian qua. Trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về các văn kiện Đại hội XI của Đảng, ông ca ngợi "toàn Đảng, toàn dân đã phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng".

Như thường lệ, báo cáo cảnh báo về các thách thức như "hoạt động chống phá, kích động bạo loạn, diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch".



Đại hội sẽ bầu chọn dàn lãnh đạo mới



Ông Mạnh cũng nhắc tới các mục tiêu tổng quát cho chiến lược phát triển của Việt Nam tới năm 2020, như "trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại", nâng cao đời sống vật chất-tinh thần, giữ gìn ổn định chính trị-xã hội, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Trong buổi sáng phiên khai mạc, thường trực Ban bí thư, ông Trương Tấn Sang, cũng đã đọc Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành trung ương khóa X.

Nói về lễ khai mạc đại hội, ông Nguyễn Công Ngọ, bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh, đánh giá rằng việc chuẩn bị khá chu đáo, buổi lễ trang trọng nhưng lại nguyên tắc, “tạo khí thế ban đầu” cho cả chương trình chín ngày.

Theo ông Ngọ, đoàn đại biểu Bắc Ninh gồm 17 thành viên quan tâm tới tất cả các nội dung của đại hội nhưng chú ý nhất là định hướng phát triển công nghiệp và nông nghiệp.

Dù đạt tăng trưởng cao trong các năm qua, Việt Nam vẫn đang phải đối phó với nhiều vấn đề nan giải như lạm phát cao, thâm hụt ngân sách và sự yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước.

Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng thừa nhận phát triển kinh tế trong nước còn thiếu cân bằng vĩ mô.

Ông nói nạn quan liêu tham nhũng, lãng phí của công, tệ nạn xã hội và tình trạng xuống cấp về đạo đức và lối sống là những vấn đề cần giải quyết.

Bắt đầu từ chiều 12/01, các đại biểu làm việc theo đoàn.

Nhân sự Đ̣ai hội Đảng

Đại hội XI sẽ dành ba ngày 15/01-17/01 để thảo luận vấn đề nhân sự, bầu chọn ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.

Tân Tổng bí thư được trông đợi sẽ ra mắt vào ngày bế mạc Đại hội 19/01.

Hồng Nga của đài BBC có mặt tại trung tâm Đại hội nói kỳ vọng của người dân là có ban lãnh đạo mới trẻ, năng động, mang tư duy đổi mới và có thực tài.



Bí thư Bắc Ninh nói đại biểu cần tuân thủ nguyên tắc điều lệ Đảng



Nhân sự là một trong các chủ đề được quan tâm theo dõi nhất, và việc cho tới trước khi khai mạc đại hội, một hội nghị trung ương được triệu tập để chốt lại nhân sự không khỏi gây ra đồn đoán về các phương án lãnh đạo trong tương lai.

Một điều được chú ý nhưng chưa rõ câu trả lời, là liệu đại hội có tiến hành bầu cử trực tiếp vị trí tổng bí thư hay không cho dù Ban Tổ chức Trung ương cho hay việc này có thể tiến hành nếu như đa số đại biểu yêu cầu.

Khi được BBC hỏi về bầu cử trực tiếp, Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Công Ngọ không trả lời thẳng mà nói việc này có hay không sẽ theo "sự chuẩn bị của Đại hội".

"Ban Tổ chức sẽ điều hành theo đúng chương trình. Các đại biểu cần nắm được và tuân thủ nguyên tắc, điều lệ Đảng."

Nhiều nhà bình luận cho rằng, khả năng bầu trực tiếp tổng bí thư khó có thể xảy ra.

Theo Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đại hội lần này sẽ bầu ra ban Chấp hành gồm 200 vị với ít nhất một phần ba là người mới và ưu tiên lãnh đạo trẻ.

Thế nhưng nhìn thành phần đại biểu, người ta có thể thấy đại đa số là người trên 50 tuổi. Chỉ có một đại biểu duy nhất dưới 30 tuổi.

Trong gần 1.400 đại biểu, khoảng 450 người có học vị thạc sỹ và trên thạc sỹ.

Không có nhận xét nào: