Pages

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Với một Việt Nam tự do kinh doanh, ai đã thực sự chiến thắng trong cuộc chiến?

Ông Thompson, Giáo sư Quản trị Công, Đại học Nevada, Las Vegas, là tác giả của cuốn sách Legalized Gambling: A Reference Handbook (Santa Barbara and Denver: ABC-Clio, 1994 and 1997- xuất bản lần 2).

Vào dịp cuối năm, tôi đã đi thăm Việt Nam và tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình. Giờ đây tôi kết luận rằng chúng ta đã thắng trong cuộc chiến Việt Nam. Có điều chúng ta đã không có mặt ở đó để ăn mừng chiến thắng.
Tôi đã ở Việt Nam trong chuyến thăm con trai tôi, một thầy giáo ở Trường Quốc tế Nam Sài Gòn (vâng! Sài Gòn). Tôi đã đi “xích lô” từ Bưu điện [TP] Hồ Chí Minh, đầy những người bán hàng rong, tới Chợ Bến Thành – từ một điểm nóng của chủ nghĩa tư bản tới nơi khác. Tôi đã đáp một chuyến xe lửa tới bãi biển Mũi Né, lưu lại tại một khu nghỉ mát cao cấp có phong cách phương Tây. Tôi đã đi bằng xe buýt qua những khu vực xe cộ lưu thông không thể tưởng tượng nổi để tới Công viên Quốc gia Cát Tiên. Tại đó, tôi đã hỏi anh hướng dẫn viên người Đức của mình (anh ta làm cho Deutschland, tổ chức của Đức tương tự như Peace Corps của chúng ta), nói cho tôi biết điều gì thật sự là “cộng sản” bên trong nước Việt Nam. Sau khi nghĩ ngợi, anh ta nói: “Ôi, tôi đoán chừng có lẽ một thứ duy nhất là cái công viên này, do chính phủ làm chủ. Tôi không thể nghĩ ra cái gì khác được.”

Tôi đã đi tới kết luận là anh ta đã đúng. Về thứ duy nhất là cộng sản mà tôi đã tìm thấy trên đất nước này là công viên quốc gia, cùng các công viên trong thành phố và một ít các viện bảo tàng.

Chiến tranh Mỹ – Việt Nam đã nổ ra với nhiều mục đích – mặc dù các mục đích này được giải thích không rõ ràng và mập mờ. Một lập luận cho cuộc chiến là “thuyết domino”. Đồng thời với chính sách ngăn chặn (như những gì đã được George F. Kennan giải thích năm 1947), thuyết domino đã giải thích rằng nếu như cộng sản có thể thắng ở một quốc gia, thì họ sẽ tìm cách xâm chiếm quốc gia không cộng sản tiếp theo ở kế bên, cho tới khi tất cả các nước sụp đổ như những quân bài domino. Toàn thế giới là mục tiêu của tư tưởng domino, như những gì được nói rõ trong bản tuyên ngôn của Marx và Engels. Nếu như miền nam Việt Nam sụp đổ vào tay những người cộng sản được Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ, thì chúng ta tin rằng Lào, Cambodia, Thái Lan, Miến Điện, Singapore, Malaysia, và Philippines cũng sẽ sụp đổ như vậy, tiếp đến là toàn thể châu Á – và sau đó là cả thế giới.

Tổng thống Lyndon B. Johnson đã tuyên bố trong một bài diễn văn đọc vào ngày 7 tháng 4 năm 1965 rằng: “Qua cuộc chiến tranh này … là thực tế khác: cái bóng đang ngày càng rõ nét hơn của Cộng sản Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Hà Nội bị thúc giục bởi Bắc Kinh. Đây là một chế độ đã tiêu diệt nền tự do ở Tây Tạng, đã tấn công Ấn Độ, và đã bị Liên hiệp Quốc lên án về hành động xâm lược Triều Tiên. Đó là một quốc gia đang trợ giúp cho các nhóm bạo lực trên khắp các lục địa. Cuộc chiến đấu ở Việt Nam là một phần của một kiểu mẫu rộng lớn hơn trong mục đích hiếu chiến đó”.

Cũng có những lý do về ý thức hệ để có mặt trong cuộc chiến này. Chúng ta muốn chứng tỏ tính khả thi của chủ nghĩa tư bản tự do kinh doanh trong cuộc chạy đua với quyền sở hữu nhà nước về kinh doanh.

Tổng thống Johnson đã tiếp tục bài diễn văn với hy vọng rằng thậm chí đối thủ của chúng ta có thể nhìn thấy sự sáng suốt của việc hợp tác với nhau để có nhiều hơn hoạt động thương mại. “Tôi có thể hy vọng rằng Tổng thư ký Liên hiệp quốc có thể sử dụng uy tín của mình … để đề xướng, càng sớm càng tốt, với các quốc gia trong khu vực, một kế hoạch hợp tác để gia tăng sự phát triển. Về phần chúng ta, tôi sẽ đề nghị Quốc hội cùng tham gia vào một hoạt động đầu tư trị giá một tỉ đô la trong nỗ lực này ngay từ khi nó còn đang trên đường thực hiện … Nhiệm vụ không gì hơn là tăng thêm hy vọng và sự tồn tại của hơn một trăm triệu dân chúng”.

Có một mục tiêu nhân đạo trong cuộc chiến này. Johnson đã nói về nỗi khiếp sợ và bạo lực ở miền Nam Việt Nam. “Đó là một cuộc chiến về sự tàn bạo chưa từng có. Những người nông dân bình dị là mục tiêu của ám sát và bắt cóc. Phụ nữ và trẻ em bị siết cổ nửa đêm vì những người đàn ông của họ trung thành với chính phủ của mình. Những ngôi làng bé nhỏ và không được bảo vệ đã bị tấn công lén lút. Những cuộc lùng ráp với quy mô lớn được chỉ đạo nhắm vào các thị trấn và những cuộc tấn công kinh hoàng vào trung tâm các thành phố.”

Dù mục tiêu của chúng ta là thế nào đi nữa thì chúng ta cũng đã từ bỏ những ý niệm cho rằng lực lượng của chúng ta đã lật đổ chế độ cộng sản đang tồn tại ở miền Bắc Việt Nam, mà là được sử dụng để bảo vệ sự tồn tại của thể chế tự do kinh doanh ở miền Nam Việt Nam. Chúng ta đã làm như thế với ý nghĩ rằng chúng ta đang bảo vệ cho “nước Nam Việt Nam độc lập”. “Chúng ta không muốn điều gì cho bản thân mình, mà chỉ duy nhất là người dân miền Nam Việt Nam được phép dẫn dắt đất nước của riêng họ đi theo con đường của riêng họ”. Không có lời báo trước nào được đưa ra cho một thực tế là chỉ có một quốc gia Việt Nam cho tới khi người Pháp ra đi vào năm 1954. Những nỗ lực của chúng ta ủng hộ một nước Việt Nam phân chia – không phải là quảng bá cho một quốc gia thống nhất, một quốc gia độc lập. Đã có hai nước Việt Nam chỉ trong một thập kỷ.

Năm 1973, Hoa kỳ tham gia vào cuộc đàm phán hòa bình với hứa hẹn rằng một chế độ Nam Việt Nam có thể được duy trì. Chúng ta đã thỏa thuận ngưng chiến và rút hết các đơn vị và lực lượng quân sự của chúng ta, và miền Bắc đã đồng ý rằng họ sẽ không xâm chiếm miền Nam. Những thực tế chính trị đã dẫn tới những kết quả khác nhau. Việc rút quân của chúng ta đi kèm với việc chấm dứt viện trợ quân sự của chúng ta do Quốc hội đưa ra. Bắc Việt Nam đã dần dần xâm chiếm miền Nam. Năm 1975, quân đội Bắc Việt Nam đã chiếm Sài Gòn.

Trong ba mươi lăm năm, tôi đã nghe được là chúng ta đã “thua” trong cuộc chiến tranh đó. Mặc dù vậy, những gì tôi đã trông thấy qua kỳ nghỉ mới đây đã đưa tôi tới việc phủ nhận cái kết luận đó. Cuộc chiến đó ta đã “thắng”. Vấn đề là chúng ta đã không ở đó đủ lâu để nhìn thấy chiến thắng. Trớ trêu là chiến thắng “của chúng ta” đã giành được, không phải do quân đội Mỹ, mà đúng hơn là bởi quân đội và người dân Việt Nam.

Lúc cộng sản mới giành quyền kiểm soát mà họ đã làm, như Washington từng lo ngại, là kết quả của sự mất tự do, nhà cửa, và cuộc sống – một hệ quả gần như là tất yếu của chiến tranh, khi Quân đội Bắc Việt Nam bỏ tù nhiều người miền Nam. Đó cũng là kết quả của sự áp đặt hệ tư tưởng cộng sản. Tài sản cá nhân đã bị tịch thu và những hoạt động kinh doanh tự do đã bị kìm chế bằng vũ lực.

Song những gì quan trọng hơn đã diễn ra. Việc rút quân khỏi Việt Nam của Hoa Kỳ đã đảm bảo cho sự sụp đổ của chinh phủ Cambodia vốn đã dễ tan vỡ, bị hạ bệ và thay thế bằng Khmer Đỏ của Pol Pot. Làn sóng bạo lực khủng khiếp mà chúng ta đã lo ngại sẽ tuôn vào miền Nam Việt Nam thì lại đã đến với Cambodia. Sự áp đặt thứ chủ nghĩa cộng sản nông dân của Pol Pot đã dẫn tới những cuộc di tản tại các thành phố của Cambodia, cưỡng bức lao động ở nông thôn, và giết người hàng loạt trên “những cánh đồng chết”. Hành động giết người được nhắm vào các đối thủ chính trị – như các nhà sư Phật giáo và các thương gia – và trên những thứ di sản của nước ngoài này, có cả người Trung Quốc và người Việt Nam. Hơn hai triệu người đã bị giết hại trong tội ác diệt chủng ở Cambodia.

Không có đơn vị quân đội nào của Mỹ còn ở lại Việt Nam, chúng ta gần như không có thái độ nào nhằm chấm dứt việc giết chóc đó. Hoa Kỳ đã làm được rất ít trong việc sử dụng sức ép ngoại giao để ngăn chặn Pol Pot. Thay vào đó, chính quyền Carter đã đưa ra sự trợ giúp đối với Pol Pot bằng việc ủng hộ sự công nhận của Liên hiệp quốc đối với chính quyền của ông ta.

Thế nhưng hành động giết người ở Cambodia đã đi đến kết thúc. Bằng cách nào? Khmer Đỏ đã chỉ đạo những cuộc đột kích biên giới vào Việt Nam, và Việt Nam đã phản công. Ngày 25 tháng 12 năm 1978, Việt Nam đã xâm chiếm Cambodia. Pol Pot đã bị hạ bệ, một chính phủ mới được hình thành, và hành động giết chóc đã được chấm dứt. Chính phủ cộng sản mới lên của một nước Việt Nam hợp nhất đã chấm dứt nạn diệt chủng.

Chính phủ bù nhìn mới ở Cambodia cũng là cộng sản, nhưng liệu điều này có nghĩa là những quân bài domino đang đổ hay không? Khó có thể nói. Trong khi theo đuổi những mục tiêu trong chính sách ngăn chặn của Kennan, những nỗ lực của chúng ta đã dựa trên cơ sở giả định rằng, việc trở thành những người cộng sản anh em sát cánh nhau, Trung Quốc và người Việt Nam sẽ ưa thích nhau. Không phải vậy đâu! Họ đã có cả một thiên niên kỷ thù hận và họ chỉ tạm thời giữ mối quan hệ do xung đột với người Mỹ (và trong cả những cuộc chiến tranh trước đó với người Pháp và người Nhật). Trung Quốc và Việt Nam từng là những kẻ thù truyền kiếp.

Khi Việt Nam đạt được việc thống nhất lãnh thổ, thì họ đã xua đuổi những người gốc Trung Hoa. Trung Quốc đã tỏ phản ứng bị xúc phạm. Tháng 2 năm 1979, Trung Quốc từ bỏ cuộc chơi con bài domino, đưa 120.000 quân sang Việt Nam. Việt Nam đã chống trả, chặn đứng người Trung Quốc trước khi họ có thể tiến tới Hà Nội, và phản công qua biên giới Trung Quốc. Trong vòng một tháng, Trung Quốc đã rút khỏi Việt Nam. Chỉ có duy nhất một thứ bị đánh bại là thuyết domino.

Khi những hành động giết chóc bị chặn đứng, và trò chơi domino chấm dứt, thì có một sự kết liễu đối với tư tưởng cộng sản. Sự áp đặt kinh tế học cộng sản đã dẫn tới những tình cảnh mà Hoa Kỳ đã tiên đoán: tình trạng thiếu sức sản xuất, thiếu hàng hóa, và thiếu ăn. Ở một đất nước mà nền nông nghiệp là chủ yếu nhưng đã phải nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Người Việt Nam là những con người vốn dĩ giàu nghị lực với khả năng vô bờ bến, đã được thấy qua sự quyết tâm của họ đứng lên chống lại người Mỹ, người Pháp, người Trung Quốc và người Cambodia. Nhưng giờ đây họ được lệnh đứng vào hàng ngũ và cúi đầu trước những sắc lệnh của các quan chức chính quyền cùng hệ tư tưởng. Năng lượng của họ đã bị bít chặt.

Những người lãnh đạo của họ không phải hoàn toàn không thấy được. Một câu chuyện phổ biến là có một vị tướng lãnh đạo đã bước lên bục phát biểu ở Đại hội toàn quốc lần thứ 6 năm 1986. Ông nói rằng ông kêu gọi người dân và quân lính của mình đổ mồ hôi, nước mắt, và cả máu để chiến đấu không phải để giành lấy “điều này!” Họ đã chiến đấu để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng mọi sự càng trở nên tồi tệ hơn. Ông đã kêu gọi đảng “hãy để cho người dân được tự do dùng nội lực của mình sản xuất ra hàng hóa cho lợi ích của mình”.

Các nhà lãnh đạo đã không thể tranh cãi được với vị tướng này, và một thời kỳ gọi là “đổi mới” (sửa chữa lại, phục hồi, cải cách) đã được đề xướng trong đại hội đảng năm đó.

Hệ thống cai trị ở Việt Nam vẫn được lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản Việt Nam, song những gì mà họ có, xét về mặt kinh tế, là những gì mà quân đội Mỹ đã chiến đấu để bảo vệ. Những hoạt động buôn bán, đầu tư vốn, sản xuất và phát triển xuất khẩu trên thị trường tự do là một phần của “đổi mới”. Nghèo đói đã được cắt giảm một nửa, thu nhập tăng gấp đôi, tăng trưởng kinh tế đã trở nên mạnh mẽ, và lương thực giờ đây đã có đủ để xuất khẩu. Dân chúng không còn đói. Những thay đổi trong cơ cấu kinh tế đã đưa đến việc Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận vào năm 1994, và Việt Nam giờ đây là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Sài Gòn vẫn là “Sài Gòn” đối với dân chúng, mặc dù chính quyền gọi nó là Thành phố Hồ Chí Minh. Ở phía nam thành phố, một công ty Đài Loan đã cải tạo hàng ngàn hecta đầm lầy và phát triển một khu ngoại ô lớn có tên là Phú Mỹ Hưng. Các trung tâm mua bán và các đường phố thương mại có những nhà hàng, khách sạn, những căn nhà và các căn hộ chung cư. Các căn nhà lân cận với Trường Quốc tế Nam Sài Gòn, do người Đài Loan sở hữu, nhưng theo cách giáo dục của Anh cho trẻ em từ Việt Nam và trẻ em đến từ 30 quốc gia khác.

Xung quanh góc khu vực này là Hiệu sách Phú Mỹ Hưng. Hầu hết sách trong đó bằng tiếng Việt, nhưng tôi đã đánh bạo nhìn quanh. Có những tờ báo và các cuốn tạp chí du lịch của Mỹ. Cũng có một cuốn sách tiếng Anh mà tôi đã mua được: “Viet Nam Vision 2020: The 10th National Congress of the Communist Party of Viet Nam.” Cuốn sách giải thích là đất nước đang được hưởng năm thứ hai mươi lăm liên tục tăng trưởng kinh tế, tỉ lệ tăng trưởng trung bình là 5,5% mỗi năm, đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Sản lượng nông nghiệp đã tăng gấp đôi trong mười lăm năm qua. Việt Nam là nước thứ hai sau Brazil về xuất khẩu café, thứ tư về xuất khẩu cao su, và thứ tư về xuất gỗ và đồ gia dụng bằng gỗ. Có mười ba xưởng lắp ráp xe máy trong nước.

Các doanh nghiệp nhà nước đang được thay thế bởi các công ty tư nhân. “Con số toàn bộ các doanh nghiệp tư nhân đã tăng lên từ 132 năm 1991, thành 80.000 năm 2003, và 170.000 năm 2006.” Có 9,7 triệu “doanh nghiệp cá thể”, và một nửa các gia đình ở Việt Nam có liên quan tới việc sở hữu doanh nghiệp. Bảy mươi ba quốc gia đã đầu tư vào nước này.

Có sự quan ngại về tình trạng tham nhũng trong bộ máy công chức. Bản Báo cáo “Tầm nhìn” 2020 đã công khai chỉ trích nạn hối lộ và tham nhũng trong các quan chức của đảng, và chỉ ra rằng “đảng đã kỹ luật 40.000 đảng viên dưới các hình thức khiển trách, cảnh cáo, sa thải, khai trừ hoặc bỏ tù”.

Ý niệm về chiến thắng của các giá trị Mỹ được phản ánh trong những mục tiêu mà đảng này đã chỉ ra trong bản báo cáo:

Để giải phóng mạnh mẽ lực lượng sản xuất, đẩy mạnh mọi tiềm năng cũng như các nguồn nhân lực … Để tiến mạnh tới một nền kinh tế thị trường, tuân thủ những nguyên lý thị trường … Để động viên tất cả mọi người dân nâng cao mức thu nhập của mình qua những cách thức hợp pháp … Để làm nên những thay đổi quan trọng trong cải cách hành chính, và giảm bớt tác phong quan liêu, nạn tham nhũng, và lãng phí … Để thực hiện một hệ thống phân phối cơ bản theo kết quả công việc, hiệu quả kinh tế, mức độ đóng góp vốn và những nguồn khác … Để tạo nên một môi trường hợp pháp thuận lợi, các cơ chế và chính sách để thu hút tất cả các nguồn tài nguyên xã hội cho phát triển … Để quản lý có hiệu quả các hoạt động của những thị trường cơ bản cùng hàng ngũ với một hình mẫu cạnh tranh lành mạnh … Để phát triển vững vàng thị trường tài chính … Để phát triển thị trường nhà đất, trong đó có thị trường cho quyền sử dụng đất … Để cho đất đai là một nguồn vốn thực sự cho đầu tư … Để ngay lập tức thu hút vốn đầu tư … cho việc thực hiện các dự án quan trọng về việc khai thác dầu lửa và khí đốt.

Bản báo cáo đã đi xa hơn khi thúc giục rằng “phải có sự trợ giúp cho việc phát triển các doanh nghiệp, mà không có sự can thiệp vào quá trình sản xuất và kinh doanh của họ … Những cố gắng phải được thực hiện để đảm bảo rằng tất cả mọi công dân đều có quyền tự do đầu tư vào hoạt động kinh doanh của mình mà không có hạn chế trong mọi lĩnh vực …”

Sarah Palin (1) và Mike Huckabee (2) không cần những người Cộng hòa thuê ông Newt Gingrich (3) để viết thêm “một hợp đồng với nước Mỹ”. Những người Cộng hòa chỉ cần nhìn vào bản Báo cáo Tầm nhìn năm 2020 về kế hoạch Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2010. Cuộc chiến đã thắng!

Hiệu đính: Ngọc Mai

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2010



Ghi chú của người hiệu đính:

(1) Sarah Palin: cựu thống đốc tiểu bang Alaska và là ứng viên chức Phó Tổng thống cùng với John McCain là ứng cử cho chức tổng thống trong kỳ bầu cử vừa qua. Liên danh này đã thất bại. Hiện tại Sarah Palin đang làm cộng tác viên cho đài truyền hình Fox, đài có khuynh hướng ủng hộ đảng Cộng hòa.

(2) Mike Huckabee: cựu thống đốc tiểu bang Arkansas và là ứng viên đảng Cộng hòa tranh cử chức tổng thống vừa qua nhưng đã thua John McCain ở vòng đầu. Hiện tại Mike Huckabee đang cộng tác viên cho đài truyền hình Fox, phụ trách chương trình talk show Huckabee.

(3) Newt Gingrich: là cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ (chức vụ này hiện do bà Nancy Pelosi, thuộc đảng Dân chủ nắm giữ). Newt Gingrich đã từng giúp Larry Hunter viết “Contract with America”, đưa ra các chi tiết về hành động mà đảng Cộng hòa hứa hẹn sẽ làm nếu đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện. Nhờ vậy mà đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Hạ viện từ năm 1995, đến 2006 thì bị đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát. Hiện nay, Newt Gingrich là nhà tư vấn và là phân tích gia về chính trị.

Không có nhận xét nào: