∇ Thanh Trúc, phóng viên RFA
|
Nhằm thực hiện lộ trình chấn chỉnh họat động đưa người sang Đài Loan làm việc, Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội tạm đình chỉ một loạt doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam và công ty môi giới Đài Loan vì những sai phạm trong việc thu phí, giữ lương hay khấu trừ lương của công nhân. Quyết định có hiệu lực từ ngày 20 tháng Hai này.
Trả lời phỏng vấn của Thanh Trúc, ông Nguyễn Xuân Tạo, trưởng phòng Đài Loan trong Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước thuộc Bộ Lao Động, Thương Binh Và Xã Hội, cho biết:
Chủ trương của chính phủ Việt Nam và Bộ Lao Động, Thương Binh Và Xã Hội là giảm chi phí và kiểm soát chi phí của người lao động đi làm việc tại Đài Loan. Tổng cộng có 14 doanh nghiệp Việt Nam thì trong đó có 6 công ty bị dừng toàn bộ, 3 công ty thì chỉ là chấn chỉnh, giải quyết và báo cáo, những công ty khác thì dừng hợp đồng.
Phần công ty môi giới Đài Loan hợp tác với các công ty Việt Nam này mà có những hành vi vi phạm thì cũng bị dừng.
Thanh Trúc: Thưa ông, 14 công ty bị tạm dừng bằng hình thức này hay hình thức khác là doanh nghiệp nhà nứơc hay doanh nghiệp tư nhân?
Ông Nguyễn Xuân Tạo: Cả nhà nước cả tư nhân. Ở Việt Nam bây giờ nhà nước cũng không phải hoàn toàn nhà nước mà là doanh nghiệp có cổ phần của nhà nước chứ không phải là toàn bộ 100% vốn nhà nước. Doanh nghiệp hoàn toàn vốn tư nhân gọi là trách nhiệm hữu hạn.
Thanh Trúc: Thưa ông Nguyễn Xuân Tạo, doanh nghiệp cổ phần hoặc là công ty trách nhiệm hữu hạn của tư nhân, có giấy cấp phép của Bộ Lao Đông, Thương Binh Và Xã Hội thì họ cũng đã biết mức phí qui định thu của công nhân mà tại sao lại có vấn đề mức phí bị đội lên cao như thế?
Ông Nguyễn Xuân Tạo: Cũng có nhiều nguyên nhân, Thứ nhất là do vấn đề thị trường, tức là cạnh tranh thị trường không lành mạnh thì người ta đội chi phí lên để gọi là giành giật hợp đồng. Thứ hai, người lao động nộp cho doanh nghiệp một kiểu nhưng cũng có thể nộp bên ngoài nữa. Người ta không hiểu và không kiểm soát được thì mức phí bị cao lên, tức là nộp cho trung gian môi giới bên ngoài.
Hiện nay, theo văn bản mà cuối năm ngoái Bộ cho ban hành thì bây giờ doanh nghiệp đưa đi phải kiểm soát phần nộp. Kể cả trung gian môi giới mà người lao động phản ảnh thì anh là doanh nghiệp có giấy phép phải chịu trách nhiệm, bị tạm dừng họat động để giải quyết những phát sinh của người lao động., trong thời gian đó thì họ không được đưa lao động đi. Tức là những lao động mà khiếu kiện, khiếu nại hoặc nói nộp phí cao thì họ phải đến phải giải quyết cho thỏa đáng mới được. Phải báo cáo kết quả và cam kết không vi phạm không tái phạm nữa thì chúng tôi mới xem xét.
Thanh Trúc: Trên nguyên tắc công nhân đi lao động thì tiền đóng có khác nhau giữa người có trình độ chuyên môn và người không chuyên?
Ông Nguyễn Xuân Tạo: Không phân biệt trình độ chuyên môn hay không chuyên môn mà phân biệt theo lĩnh vực ngành nghề. Ví dụ người lao động sang Đài Loan làm việc trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất chế tạo thì mức phí đi có cao hơn so với người đi làm việc ở những trung tâm dưỡng lão tức làm hộ lý, y tá thì mức phí sẽ thấp hơn.
Thanh Trúc: Doanh nghiệp đưa người đi lao động mà giữ lương và khấu trừ tiền ăn cũng như trừ lương của người lao động là rõ ràng có sự vi phạm?
Ông Nguyễn Xuân Tạo: Như thế này, tức là họ giữ lại tiền lương để làm cái tiền bảo đảm chống trốn. Thực ra nó có cái việc đấy thì người lao động mới phản ánh thôi, nhưng mà chúng tôi dừng để cho doanh nghiệp kiểm tra lại để xứ lý.
Hai nữa, việc khấu trừ tiền lương để trừ tiền ăn thì bên phía Đài Loan thì người ta cũng cho phép. Trong luật của Đài Loan người ta cũng cho phép. Tuy nhiên, khi người ta thực hiện cái họat động đấy họ có đăng ký với phía Việt Nam cũng như phía Đài Loan , trước khi thực hiện cái hợp đồng ấy người ta phải đăng ký và được cho phép thực hiện thì mới được thực hiện. Tuy nhiên, khi quá trình thực tế thực hiện thì người ta lại khấu trừ cao hơn cái mức đã đăng ký thì họ vi phạm . Đến như việc anh đã đăng ký tôi là 2.500 chẳng hạn nhưng người ta khấu trừ 3.000 tức đã khấu trừ cao hơn thì họ sai ở chỗ đó.
Thanh Trúc: Phải chăng vì vấn đề sai phạm đó của các doanh nghiêp, của các công ty môi giới, là nguyên nhân dẫn đến sự bỏ trốn ra ngòai để kiếm việc khác?
Ông Nguyễn Xuân Tạo: Cái đó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân chứ không phải là nguyên nhân chính. Nguyên nhân người lao động bỏ trốn thì nhiều lắm.
Nhiều lao động cũng không muốn bỏ trốn đâu nhưng nếu có sự dụ dỗ là ra ngoài thì thoải mái hơn hay tự do hơn hay mức lương cao hơn hay như thế nào đấy thì lao động bỏ trốn. Đấy là một nguyên nhân. Hai nữa là cũng có kẻ không công ăn việc làm rồi người ta kéo lao động ra người ta bố trí công ăn việc làm. Tôi gọi đây là cái đội ngũ môi giới phi pháp, môi giới người lao động từ trong hợp đồng ra ngoài để làm những công việc khác và cũng thu tiền của người lao động với những lời hứa ra ngoài có mức lương cao hơn và cuộc sống dễ chịu hơn, chẳng hạn như vậy.
Nguyên nhân thứ ba của người lao động bỏ trốn là muốn ở lại làm việc để có thu nhập vì về Việt Nam họ chưa chắc chắn sẽ có việc làm ngay. Một nguyên nhân nữa là không phải người sử dụng lao động nào ở Đài Loan cũng được phép tuyển lao động nước ngoài, cho nên người ta bí công nhân thì người ta tuyển lao động nước ngoài . Tôi gọi đây là những chủ sử dụng phi pháp, số này tương đối lớn.
Thanh Trúc: Tất cả những điều ông vừa giải thích thì có được tuyên truyền có được nói cho công nhân ...?
Ông Nguyễn Xuân Tạo: Chúng tôi cũng đã tuyên truyền trước khi đi rồi, tức là người lao động trong quá trình làm việc có vấn đề gì thì liên hệ với các cơ quan chức năng hoặc của Đài Loan hoặc phía Việt Nam. Là cơ quan đại diện thì chúng tôi sẽ giải quyết. Người lao động biết tất cả những việc đó nhưng nhiều khi cái lợi nhuận của người ta cao hơn mà ý thức của người ta thấp thì người ta cũng không để ý đến những việc đấy nữa.
Tôi cũng không phủ nhận là có một số doanh nghiệp làm ăn chụp giật, không tuyên truyền kỹ cho người lao động thì người lao động cũng có trường hợp người ta không biết, hoặc là biết không được rõ.
Thanh Trúc: Cho đến lúc này bên Đài Loan số lao động cả nam lẫn nữ sang bên đó làm việc là bao nhiêu?
Ông Nguyễn Xuân Tạo: Một trăm ba mươi ngàn (130.000) lao động.
Thanh Trúc: Hồi trong năm Bộ Lao Động, Thương Binh Và Xã Hội có thông báo Nghị Định 95 xử phạt nặng những người bỏ trốn ra ngoài khiến cho nhiều công nhân ở Malaysia và Đài Loan bày tỏ sự phản đối bằng cách đi biểu tình?
Ông Nguyễn Xuân Tạo: Nếu như anh không vi phạm thì Nghị Định này chẳng có tác dụng gì cả. Nghị Định có hiệu lực từ ngày mùng 10 tháng Mười 2013 nhưng chúng tôi cũng để một khoảng thời gian tương đối dài. Thời gian đầu là đến 11 tháng Một vừa rồi, vá vừa rồi chúng tôi đã kiến nghị đến chính phủ kéo dài thời gian ân hạn tức là không xử phạt để người lao động tự nguyện đăng ký về nước đến tận mùng 10 tháng Ba. Tức là sau 5 tháng Nghị Định có hiệu lực thì vẫn còn thời gian để cho người lao động tự nguyện đăng ký về nứơc nếu người ta đã vi phạm thì không bị xử phạt, tức là ân hạn những 5 tháng.
Thanh Trúc: Thưa ông Nguyễn Xuân Tạo, xin cảm ơn thời giờ của ông
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét