Một luận văn văn chương bảo vệ xuất sắc nhiều năm về trước bất ngờ bị chấm lại, tác giả sau đó bị 'tước bằng', giáo sư hướng dẫn bị 'cho về hưu non' là những dấu hiệu bất thường của một quyết định hành chính 'chính trị hóa' và 'phi khoa học' theo một nhà phê bình văn học từ Việt Nam.
Hôm 23/3/2014, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng chính quyền đã có những hành xử không bình thường với luận văn "Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn học" và nhóm thực hiện gồm tác giả luận văn - giảng viên hợp đồng Đỗ Thị Thoan và người hướng dẫn luận văn, PGS. TS Nguyễn Thị Bình thuộc Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội 1.
Theo ông Nguyên, việc bà Bình, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, phải nhận quyết định 'về hưu non' năm năm trước khi tới tuổi, đồng thời giảng viên hợp đồng của Khoa, Đỗ Thị Thoan, bị cho chấm dứt hợp đồng có thể liên quan tới việc họ đã lựa chọn khách thể nghiên cứu là tác phẩm của các tác giả thuộc nhóm Mở Miệng, một nhóm không được nhà nước công nhận.
∇ 'Một luận văn bị chính trị hóa'
|
Hôm Chủ Nhật, ông Nguyên nói với BBC:
"Tôi cho đây là những quyết định hành chính phi khoa học, quyết định hành chính tức là cho PGS. TS Nguyễn Thị Bình buộc phải nghỉ hưu, khi ở độ tuổi của chị và theo chế độ hiện hành, chị vẫn có thể làm thêm từ 5-7 năm nữa.
"Rồi lập một hội đồng xem lại luận văn thạc sỹ của Đỗ Thị Thoan tức Nhã Thuyên và rồi ra quyết định là không công nhận kết quả đó, tước bằng thạc sỹ của Đỗ Thị Thoan, thì tôi bảo rằng phi khoa học."
'Không hề vấn ý'
Nhà phê bình cho rằng bản luận văn đã được chấm từ trước qua một quy trình chặt chẽ, nghiêm túc, hội đồng chấm luận văn được cấp có thẩm quyền chuyên môn và quản lý chuyên môn tinh chọn, nay không thể chấm lại mà không hề vấn ý của họ, đồng thời không thông báo gì để mời tác giả luận văn và người hướng dẫn tham gia bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.
"Chúng tôi cho rằng đây là một vụ việc bị chính trị hóa, và người ta có thể hỏi tại sao lại chọn bản luận văn này, còn các bản luận văn khác thì sao?"
Phạm Xuân Nguyên
Việc làm này, theo nhà phê bình có thể tạo ra một tiền lệ xấu vì qua đây, các lý do phi khoa học nào đó, các công trình khoa học, nghiên cứu nghiêm túc có thể sẽ bị đảo lộn, ảnh hưởng xấu tới tâm lý, công việc của các giới nghiên cứu, hướng dẫn thẩm định, đánh giá và các hội đồng.
Trước việc xuất hiện gần đây một công văn được cho là của Ban Tuyên Giáo Trung ương Đảng hướng dẫn báo chí trong nước không đăng tải bài vở 'trái chiều' liên quan vụ việc, ông Nguyên cho rằng, tuy chưa thể kiểm chứng tính chân thực của công văn, có thể đã có một áp lực chính trị phía sau sự việc xét lại luận văn.
Ông Nguyên nói: "Chúng tôi cho rằng đây là một vụ việc bị chính trị hóa, và người ta có thể hỏi tại sao lại chọn bản luận văn này, còn các bản luận văn khác thì sao?
"Và nếu thế, nó sẽ tạo ra một tiền lệ là có những hội đồng chùm lấp lên các hội đồng chính thức khác, mà các hội đồng này đều có đóng dấu đỏ, đều có quyết định thành lập."
'Áp lực cấp cao'
Ông Nguyên nêu quan điểm rằng Bộ Giáo dục & Đào tạo và Đại học Sư phạm cần phải mời các hội đồng cùng hợp tác với nhau, trong trường hợp thực sự cần xem xét lại luận văn, có tham vấn hội đồng cũ, để tránh việc có sự chênh biệt quá lớn giữa hai kết quả.
Hôm 23/3, một nguồn từng cộng tác với Khoa Ngữ văn của Đại học Sư phạm I cho BBC hay có thể đã có một áp lực từ cấp Bộ Giáo dục & Đào tạo, cũng như cao hơn nữa là từ Ban Tuyên Giáo Trung ương yêu cầu Đại học Sư phạm có động thái cứng rắn với bà Bình.
Nguồn muốn được dấu tên này cho rằng bà Bình có nhân thân tốt, không có vấn đề gì với Ban Chủ nhiệm Khoa và Ban Giám hiệu Nhà trường và các đồng nghiệp, học viên, sinh viên.
Tuy nhiên, vẫn theo nguồn này, người ta không ngoại trừ chính việc lựa chọn tác phẩm của nhóm 'Mở Miệng' làm khách thể nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu là một lý do chính đằng sau vụ việc.
'Ai đúng, ai sai?'
Gần đây, trên trang mạng 'Blog Giáo Dục Việt Nam', Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh đã lên tiếng về vụ việc qua bài viết có tựa đề 'Tám câu hỏi về vụ luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên', trong đó, tác giả nêu câu hỏi:
"Nếu cho rằng kết quả chấm lại mới chính xác và vì thế Nhã Thuyên đáng bị tước bằng, vậy có thể kết luận rằng hội đồng chấm lần trước, và cả người hướng dẫn, đã sai?"
Trong một diễn biến khác, hôm 18/3, Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy từ Sài Gòn đã gửi một bức "Thư gửi cộng đồng đại học và cộng đồng nghiên cứu Việt Nam", trong đó kêu gọi các giới liên quan và cộng đồng lên tiếng về hai đồng nghiệp nhà giáo qua vụ việc.
Bức thư viết: "Tôi viết thư này đề nghị tất cả những người Việt Nam đã và đang làm việc trong hệ thống đại học và nghiên cứu, ở Việt Nam hay ở nước ngoài, lên tiếng về vụ việc này và có các hoạt động để bảo vệ hai đồng nghiệp của chúng ta là Đỗ Thị Thoan và Nguyễn Thị Bình.
"Đừng để họ vì có sự can đảm trong hoạt động nghiên cứu mà phải chịu bất công."
Trong cuộc trao đổi hôm Chủ Nhật, ông Phạm Xuân Nguyên, người đồng thời là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng tác phẩm của nhóm tác giả thi ca 'Mở Miệng' cần được đối xử bình đẳng từ góc nhìn văn học, văn chương và khoa học.
Cuối tuần này, BBC đã liên hệ với ông Đỗ Hải Phong, Trưởng khoa Ngữ văn thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội, đơn vị đã thành lập hoặc liên quan hai hội đồng chấm và chấm lại luận văn với chủ đề về nhóm Mở Miệng, nơi PGS Nguyễn Thị Bình làm việc, để tìm hiểu về lý do, tính xác thực của các sự việc và các quyết định 'hưu non' với bà Bình, 'tước bằng' với cựu giảng viên Đỗ Thị Thoan.
Tuy nhiên, ông Phong đã từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét