Pages

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

TRUNG QUỐC SẼ ỨNG XỬ THẾ NÀO VỚI VỤ KIỆN CỦA PHILIPPINES?

BienDong.Net: Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời hạn Philippinese nộp Bản biện hộ cho vụ kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài (30/3/2014) và vụ kiện sẽ bước vào giai đoạn thực chất xem xét các vấn đề liên quan.
Trong suốt hơn 1 năm qua kể từ khi Philippines chính thức khởi kiện, Trung Quốc phản đối quyết liệt và tìm mọi cách ngăn cản vụ kiện từ việc gây sức ép với Philippines trên thực địa và trên mặt trận ngoại giao đến việc muốn “đi đêm” với Philippines qua việc đưa ra một số đề nghị thỏa hiệp với Philippines, kể cả việc tiếp tục để ngư dân Philippines đánh bắt ở khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham hay từ bỏ khống chế bãi Cỏ Mây. Tuy nhiên, mọi động thái của Trung Quốc đều bị Philppines cự tuyệt.

Bất chấp sức ép của Trung Quốc, Philippines khẳng định theo đuổi vụ kiện đến cùng và sẽ nộp Bản biện hộ lên Tòa Trọng tài đúng thời hạn. Điều này đang đặt Trung Quốc vào tình thế khó khăn. Sau khi Philippines nộp Bản biện hộ thông thường Tòa Trọng tài sẽ để cho Trung Quốc thời hạn 6 tháng để nộp Bản phản biện và như vậy có lẽ 30/9/2014 sẽ là thời hạn chót để Trung Quốc nộp Bản phản biện. Vậy Trung Quốc sẽ làm gì trong vòng 6 tháng tới đây còn đang là một ẩn số.
Trung Quốc luôn khẳng định kiên quyết phản đối vụ kiện của Philippines vì Trung Quốc hiểu rõ họ hoàn toàn không có các lập luận pháp lý vững chắc. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới đây, Trung Quốc không thể chỉ nói một câu đơn giản là phản đối mà cần phải đưa ra các lập luận của mình. Không rõ Trung Quốc sẽ chọn hình thức nào để đưa ra các lập luận của mình?
Mới đây, ông Stefan Talmon, Giáo sư công pháp quốc tế Đại học Born của Đức (có lẽ do Trung Quốc thuê để làm) đã cùng với Bing Bing Jia, Giáo sư công pháp quốc tế Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc có một bài viết nêu ra các lập luận để phản bác vụ kiện của Philippines. Bài viết đưa ra một số lập luận để nói rằng các nội dung khởi kiện của Philippines đều liên quan đến vấn đề chủ quyền hoặc phân định biển để hòng bác bỏ thẩm quyền của Tòa. Tuy nhiên, Philippines đã hiểu rõ việc Trung Quốc bảo lưu vấn đề thẩm quyền của Tòa trên vấn đề chủ quyền và phân định biển nên đã chủ động đề nghị Tòa không xem xét những vấn đề liên quan đến chủ quyền hoặc phân định biển; các câu hỏi trong đơn kiện của Philippines chỉ tập trung vào việc đề nghị Tòa xem xét áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Đặc biệt, bài viết không đưa ra được bất cứ lập luận nào để bảo vệ cho yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, bởi lẽ không có bất cứ một luật sư quốc tế nào dám đứng ra bảo vệ cho yêu sách phi lý này của Trung Quốc cho dù Trung Quốc có bỏ ra bao nhiêu tiền để thuê họ.
Mục tiêu chính của Philippines trong vụ kiện này là bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và đây chính là điểm yếu nhất của Trung Quốc. Trung Quốc hiểu rất rõ điểm yếu của mình nên họ đang rất lo lắng. Đặc biệt, vừa qua Mỹ đã chính thức lên tiếng công khai phản đối yêu sách “đường lưỡi bò”. Đây chính là sự hỗ trợ tích cực nhất cho vụ kiện của Philippines. Do vậy, Trung Quốc đang làm rùm beng lên cái gọi là “Mỹ đứng đằng sau vụ kiện của Philippines để chống Trung Quốc”.
Nếu đến thời hạn do Tòa quy định, Trung Quốc không nộp Bản phản biện của họ, Tòa Trọng tài sẽ xem xét quan điểm của họ trong các tuyên bố hoặc các bài viết liên quan. Bài viết của ông Stefan Talmon và Bing Bing Jia cũng không đưa ra được bất cứ lập luận nào để bảo vệ cho “đường lưỡi bò” bởi vậy trong những tháng tới đây, Trung Quốc buộc phải đưa ra các lập luận của mình liên quan đến “đường lưỡi bò” dưới một hình thức nào đó (qua tuyên bố hoặc các bài viết). Điều khó nhất đối với Trung Quốc hiện nay là ngoài việc họ thường nói là Trung Quốc có “các quyền lịch sử” ở Biển Đông (“đường lưỡi bò”) thì dường như họ không có bất cứ lý lẽ nào khác để biện hộ cho yêu sách này. Ngay cả cái gọi là “quyền lịch sử” Trung Quốc cũng không đưa ra được các lý lẽ để chứng minh cho điều này.
Chúng ta cùng chờ đợi xem Trung Quốc sẽ hành xử ra sao trong những ngày tới đây. Trung Quốc thì luôn nhiều mưu mô chưa thể lường hết được. Tuy nhiên, bất luận thế nào thì chúng ta cũng tin tưởng các quan tòa của Tòa Trọng tài sẽ anh minh, sáng suốt để đưa ra được quyết định sáng suốt bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ công lý.
BDN

Không có nhận xét nào: