CTV Dân Luận.
Sáng ngày 22 tháng 4, Diễn dàn nhân dân ASEAN lần thứ 10 chính thức diễn ra tại Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia với đông đảo người tham dự đến từ đến nhiều quốc gia. Theo RFA, bên cạnh công dân ASEAN còn có cả người đang sinh sống tại nước ngoài quan tâm đến Diễn đàn này không ngại đường xa trở về nhằm góp phần tạo cơ hội cho Diễn đàn có tiếng nói chung, trung thực và hiệu quả hơn. Tuy nhiên khi diển đàn vừa mới diễn ra đã có những hành động không đẹp mắt nghi đến từ chính quyền Việt Nam.
XÉ HÌNH ẢNH ĐÀN ÁP TÔN GIÁO VIỆT NAM CỦA GIAN HÀNG BPSOS
Ngay trong ngày khai mạc gian hàng trưng bày những Hình ảnh về đàn áp tôn giáo Việt Nam của tổ chức cứu trợ thuyền nhân BPSOS đã bị những người lạ mặt xé nát. Sự việc sau đó đã được báo cho công an Malaysia.
Sự việc có vẻ như gây tác dụng ngược khi sau đó có rất đông người tham dự Hội thảo đến tham quan gian hàng và chụp ảnh ủng hộ các tổ chức Xã hội dân sự độc lập của Việt Nam.
Hình ảnh đàn áp tôn giáo Việt Nam bị kẻ lạ mặt xé nham nhở. Ảnh: Nguyễn Đình Thắng
TÍNH CHÍNH DANH CỦA CÁC NGO ĐẾN TỪ VIỆT NAM LẠI BỊ THÁCH THỨC
Trong phiên họp Nghị viện ASEAN vì Nhân quyền chiều 22/04, với sự tham gia của bà Nguyễn Thị Hoàng Vân đến từ Liên hiệp Các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO) trên ghế thảo luận, có một đại diện người Việt Nam đã đặt vấn đề công khai liệu VUFO có đủ tính chính danh để tham gia sự kiện này như một NGO đúng nghĩa không, khi mà nó đang chịu sự quản lý chặt chẽ của Bộ Ngoại giao, đứng đầu là Bộ trưởng Phạm Bình Minh. Vì đây là câu chuyện vốn đã âm ỉ bấy lâu trong cộng đồng XHDS ASEAN nên câu hỏi này ngay lập tức nhận được sự tán thưởng đồng tình từ đông đảo cử tọa.
Tuy nhiên, có lẽ vì đại diện VN này đưa ra thông tin chưa được chuẩn xác cho lắm, nên bà Vân đã có cơ hội đáp lại rằng, đứng đầu VUFO không phải là Bộ trưởng Ngoại giao mà là ông Vũ Xuân Hồng, là một người đã nghỉ hưu, (và vì vậy) VUFO hoàn toàn có đủ tính chính danh để tham dự những sự kiện của XHDS như thế này.
Trong hình là bà Vân (áo xanh, ngoài cùng, đằng xa) đang trả lời trong phiên họp Nghị viện ASEAN vì Nhân quyền chiều ngày 22/4/2015. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: "Nếu lúc đó mình là người đặt câu hỏi, bà Vân đã không có cơ hội như vậy. Đồng ý là VUFO không phải được lãnh đạo bởi Bộ trưởng Ngoại giao nhưng liệu bà Vân sẽ trả lời sao với năm câu hỏi sau:
1) Ông Vũ Xuân Hồng có phải là đảng viên, và còn là một đảng viên cấp cao của Đảng CSVN không?
2) Phần lớn ngân sách hoạt động của VUFO có phải đến từ ngân sách nhà nước không?
3) Theo Luật Cán bộ công chức 2008, có phải những nhân viên thường trực của VUFO được tính là công chức, lãnh đạo như ông Hồng thì tính là cán bộ, và đều hưởng lương từ ngân sách nhà nước, và theo ngạch bậc phải không?
4) Nếu VUFO là NGO đích thực, sao việc nghỉ hưu của chủ tịch của nó lại phải dựa vào một Quyết định của Thủ tướng?
5) Tôn chỉ của VUFO đăng trên website có phải đã thừa nhận hoạt động dưới sự lãnh đạo của một đảng chính trị là Đảng CSVN không? Và vì sao tôn chỉ bằng tiếng Việt thì ghi rõ mà bằng tiếng anh lại giấu đi? Có phải sợ bạn bè quốc tế phát hiện ra?
Đã muốn tham gia tranh luận sau đó, nhưng ngặt nỗi, phiên họp không còn thời gian. Vả lại, theo chỗ mình biết, việc tiếp tục chứng minh rằng các GONGO (NGO chịu sự quản lý của chính quyền) đang khuynh loát XHDS Việt Nam ở các diễn đàn ASEAN không còn quá cần thiết, bởi lẽ, các nhà hoạt động nhân quyền trong khu vực đã nắm rõ chuyện này từ lâu và các đại diện của NGO Việt Nam thường được họ nhắc đến với dấu ngoặc kép (nhìn dzậy mà không phải dzậy). Một bạn Cambodia có nói với mình sẽ tốt hơn nếu tập trung vào những vi phạm nhân quyền điển hình của chính phủ Việt Nam, hơn là tiếp tục tranh luận với những nhóm như VUFO."
Phát biểu qua màn hình
Huỳnh Thục Vy, một thành viên của Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam đã tham dự hội nghị qua một video clip được gửi trước đó. Rõ ràng, việc cấm nhà hoạt động xuất cảnh của chính quyền Việt Nam đã không đạt được mục đích của nó, khi mà tiếng nói của họ vẫn được ra bên ngoài, và nhận thêm sự đồng cảm, thấu hiểu của cộng đồng yêu chuộng nhân quyền thế giới. Cách đây vài tuần là chị Mẹ Nấm khi nhận giải Nhân quyền của năm 2015, còn giờ là Huỳnh Thục Vy, xuất hiện trước quốc tế qua màn hình, cũng theo nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Huỳnh Thục Vy đang phát biểu về vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam trong vụ Bia Sơn ngày 23/4/2015. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn
Với những chiêu trò như cho các tổ chức phi chính phủ được sự bảo trợ của nhà nước tham gia các diễn đàn nhân quyền quốc tế , xé hình ảnh đàn áp tôn giáo, cấm xuất cảnh các nhà hoạt động... đã làm cho bạn bè thế giới biết nhiều hơn về thực trạng nhân quyền của Việt Nam. Các tổ chức XHDS độc lập của Việt Nam như BPSOS, VOICE,... đã ngày càng đem tiếng nói của những nhà hoạt động rộng ra hơn với thế giới.
Một số hình ảnh tại Hội thảo Diễn đàn nhân dân ASEAN 2015:
Một đại biểu VN tham dự đứng trước gian hàng của BPSOS. Ảnh: Nguyễn Đình Thắng
Các đại biểu của khối XHDS độc lập VN tham dự đứng trước hội thảo. Ảnh: Nguyễn Đình Thắng
Hai nhà hoạt động của tổ chức VOICE tham gia một buổi họp của hội thảo phía bên trái. Ảnh: FB Người Việt
Những người tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm với phái đoàn Việt Nam, trên tay có cầm banner Trả tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức. Ảnh: FB Người Việt
Các hình ảnh về đàn áp tôn giáo đã được dán lại hôm qua tại Hội nghị XHDS ASEAN. Ảnh: Huỳnh Thục Vy
Đài Truyền hình Mã Lai đã đến để thu thập thông tin về vụ việc các chuyên gia giật băng rôn xé các hình ảnh trưng bày tại gian triển lãm. Ảnh: Huỳnh Thục Vy
Gian triển lãm về các tổ chức XHDS độc lập tại Việt Nam luôn đông khách. Ảnh: Huỳnh Thục Vy
Khách đến thăm và tìm hiểu về tình hình nhân quyền Việt Nam đã ký tên ủng hộ vào nhiều note paper và dán lên tường. Ảnh: Huỳnh Thục Vy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét