Pages

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Đoàn Hưng Quốc: Ba chiến lược phòng thủ Á Châu - Thái Bình Dương của Mỹ

Hoa Kỳ ngày thêm quan ngại về tốc độ phát triển nhanh chóng của không hải lực của Trung Quốc nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi vùng châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific). Các tranh luận trong giới quân sự Hoa Kỳ trở nên sôi nổi về những biện pháp đối phó, và hiện có ba kế hoạch được đưa ra bàn thảo gồm (a) Air-Sea Battle tức Phối Hợp Không Hải Lực; (b) Offshore Control hoặc Phong Tỏa Đường Biển; (c) Archipelagic Defense hay Phòng Thủ Chuỗi Đảo. Nhưng trước khi đề cập sơ lược mỗi đối sách, tưởng cũng nên nhắc đến haì chiến lược đường biển của Trung Quốc là (1) Anti Access/Area Denial A2AD hay Chống Tiếp Cận / Chống Tiến Gần nhằm phòng thủ bờ biển phía Đông và (2) String of Pearl tức Chuỗi Ngọc Trai để bảo vệ con đường hàng hải phía Nam.

Năm 1996 khi Trung Quốc bắn tên lửa đe dọa Đài Loan thì Hoa Kỳ đã cho hai đội tàu sân bay vào eo biển Đài Loan thị uy. Bắc Kinh yếu thế nên từ đó quyết tâm tái trang bị quân đội để ngăn cản không cho hải quân Mỹ tiến sát vào bờ biển phía Đông nếu có tranh chấp trong tương lai; gọi là Anti-Access Chống Tiếp Cận vì Trung Quốc sẽ đủ sức đánh đắm hạm đội đối phương trong khu vực biển nằm bên trong Chuỗi Đảo Thứ Nhất chạy dài từ phía Nam Nhật Bản, qua Đài Loan rồi nối liền với đường chín đoạn [Hình a]. Hiện nay, hoặc trễ nhất là vào năm 2020, thì Trung Quốc với các dàn tên lửa và không hải lực tối tân sẽ đủ khả năng để thực hiện mục tiêu này.

clip_image002
                                        Hình [a] Vòng đai phòng thủ biển của Trung Quốc

Hỗ trợ cho vòng đai ở Chuỗi Đảo Thứ Nhất là kế hoạch Area Denial nhằm cản trở tầm hoạt động của hải quân Mỹ bên trong vùng biển của Chuỗi Đảo Thứ Hai (Second Island Chain) [hình b]. Chuỗi Đảo Thứ Hai bắt đầu từ Bắc Nhật Bản sang đảo Guam rồi chạy dài xuống New Zealand. Cụ thể là nếu có xảy ra chiến tranh hạm đội Hoa Kỳ tất yếu sẽ đến từ Chuỗi Đảo Thứ Hai để tiếp trợ cho căn cứ Mỹ ở Nam Hàn, Nhật Bản và quân đội Đài Loan. Trung Quốc sẽ phối hợp tên lửa chiến lược Đông Phong cùng hạm đội tàu ngầm và máy bay oanh tạc tầm xa tấn công thành nhiều đợt khiến các hạm đội hoặc bị thiệt hại nặng nề hay bị chậm trễ vì phải tránh đỡ nên không tiếp trợ kịp thời vào khu vực Đông Thái Bình Dương cho đến khi Bắc Kinh đã hoàn thành mục tiêu chiến lược. Thêm vào đó Trung Quốc còn chuẩn bị lực lượng hùng hậu tấn công các vệ tinh liên lạc và gián điệp, đồng thời phá hoại mạng nhằm làm tê liệt khả năng trinh sát và chỉ huy phối hợp hoạt động của đối phương.

clip_image004
                                             Hình [b] Chuỗi Đảo Thứ Nhất và Thứ Hai

Điều đáng nói nơi đây là Bắc Kinh không cần chiến thắng toàn bộ quân lực Mỹ, trái lại chỉ cần phô trương được khả năng đánh đắm hay làm thiệt hại nặng một hay hai tàu sân bay cũng đủ khiến Bộ Quốc phòng và dư luận Hoa Kỳ do dự khi can thiệp vào Biển Đông. Bắc Kinh như vậy sẽ hoàn thành mục tiêu chiến lược mà không cần nổ phát súng nhằm răn đe các nước láng giềng sẽ không được chiếc ô an ninh của Hoa Kỳ che chở.

Trung Quốc còn thực hiện thêm chiến lược thứ nhì là String of Pearl tức Chuỗi Ngọc Trai nhằm bảo vệ đường biển tiếp tế nhiên liệu phía Nam [hình c], đồng thời vươn sức mạnh ra Ấn Độ Dương. Căn cứ hải quân lớn trên đảo Hải Nam được hỗ trợ bởi các hải cảng đang được xây dựng tại Myanmar-Bangladesh-Sri Lanka-Pakistan nhằm phục vụ cho cả hai mục tiêu thương mại lẫn quân sự. Gần đây nhất là việc cải tạo địa hình để xây dựng hải cảng và sân bay trên đảo Gạc Ma cũng nhằm mục tiêu xây thêm một mắc xích trong Chuỗi Ngọc Trai và chuẩn bị cho vùng Nhận Dạng Phòng Không ở biển Đông Nam.

clip_image006
                                        Hình [c] Đường biển phía Nam và Chuỗi Ngọc Trai

Kế hoạch đối phó của Hoa Kỳ được nói đến nhiều nhất là AirSea Battle tạm dịch Phối Hợp Không Hải Lực [1]: dùng máy bay tàng hình ở Nhật Bản và đảo Guam, máy bay tàng hình không người lái tầm xa của hải quân, cộng thêm các máy bay ném bom chiến lược từ lục địa Mỹ tấn công thẳng vào hệ thống chỉ huy, phòng không và tên lửa ở phía Bắc Trung Hoa (tức Bắc Kinh). Nói tóm lại đây là lối chặt đầu rắn đánh chớp nhoáng dựa vào ưu thế tuyệt đối với kỹ thuật hiện đại nhất của quân đội Mỹ. Bên cạnh đó các dàn radar ở Nhật Bản, Australia và sau này ở Philippines sẽ phát hiện sớm khi nào tên lửa chiến lược phía Bắc và Nam Hoa Lục vừa bắn lên. Những máy bay tối tân P-8 Poseidon được triển khai dần dần tại Nhật Bản, Philippines, Singapore và có thể ở Malaysia tạo thành một vòng đai ngăn chận tàu ngầm Trung Quốc không thoát ra khỏi Chuỗi Đảo Thứ Nhất để tiến vào đại dương. Sách lược AirSea Battle bị phê bình trên ba điểm: (a) Mỹ tấn công vào Trung Hoa lục địa tức gây ra một cuộc chiến toàn diện giữa hai siêu cường mà không ai muốn xảy ra, hơn nữa nếu Bắc Kinh mất đi Bộ Chỉ Huy có thể quyết định dùng đến vũ khí nguyên tử trước khi hoàn toàn tê liệt; (b) loại vũ khí tối tân dùng trong AirSea Battle hoặc còn bí mật hay chưa được triển khai rộng rãi nhưng sẽ vô cùng tốn kém trong hoàn cảnh ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ đang bị cắt giảm; và (c) khả năng tấn công hay phòng thủ của Trung Quốc có thể tiến nhanh hơn dự liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Kế hoạch thứ nhì là Offshore Control tức Phong Tỏa Đường Biển [2], không tấn công thẳng vào nội địa của Hoa Lục nhưng nếu căng thẳng xảy ra Hoa Kỳ sẽ phong tỏa đường hàng hải phía Nam vốn chạy qua eo biển Malaysia. Để thực hiện kế hoạch này Mỹ không cần cho tàu chiến đi sát vào Trung Quốc, mà chỉ tăng cường lực lượng không hải quân ở các căn cứ tại Guam và Úc Châu. Các nước như Ấn Độ, Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam không nhất thiết tham gia phong tỏa vì sẽ chịu áp lực của Bắc Kinh, và cũng để dân địa phương không chống đối thái độ thân Mỹ; trái lại chỉ cần không nước nào trong số này cho phép Trung Quốc dùng căn cứ trên đất họ để phá vòng vây. Tóm lại chiến lược Offshore Control không tốn kém so với Air-Sea Battle; không đe dọa tấn công vào lãnh thổ Trung Quốc; để Bắc Kinh còn thời giờ suy tính trước khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát. Bù lại khuyết điểm nơi chỗ quân đội Hoa Kỳ không hiện diện trực tiếp ở Đông Nam Á thì các nước đồng minh vẫn chưa an tâm vì không đánh giá được quyết tâm của Mỹ một khi căng thẳng xảy ra.

Sách lược thứ ba được đưa ra là Archipelagic Defense tức Phòng Thủ Chuỗi Đảo [3], một hình thức tương tự như Chống Tiếp Cận nhưng với mục tiêu nhằm ngăn chận không hải quân Trung Quốc ngay trong phạm vi Chuỗi Đảo Thứ Nhất. Một lực lượng bộ binh Hoa Kỳ không cần đông nhưng lưu động và hiện diện ở vùng Đông Nam Á với các dàn tên lửa tầm trung chống máy bay và tàu chiến. Khi căng thẳng xảy ra thì bộ binh có thêm phương tiện rải mìn trên các eo biển hẹp để ngăn cản tàu chiến Trung Quốc; dùng tên lửa tầm trung để ngăn chận máy bay Hoa Lục tiến gần vào các nước bạn; rải các trạm SONAR ở những chốt trọng điểm dọc theo Chuỗi Đảo Thứ Nhất nhằm phát hiện tàu ngầm Hoa Lục muốn thoát ra Thái Bình Dương; mục tiêu nhằm giới hạn hoạt động của không hải quân Trung Quốc trong khi chờ đợi Hạm đội Hoa Kỳ tập hợp và tiến gần để trợ lực. Quân đội các nước Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines chỉ cần phối hợp với lính Mỹ trong khu vực của mình, như vậy không cần thành hình liên minh quân sự vì đặc tính phức tạp của khu vực. Kế hoạch này không tốn kém nhiều; sự hiện diện của lính Mỹ là lời bảo đảm với nước bạn nhưng không quá đông đến nỗi bị dân chúng địa phuơng phản đối. Điều đáng chú ý là lục quân Hoa Kỳ vốn chủ lực tại Iraq-Afghanistan, nay ngân sách bị cắt xén nặng nề khi Mỹ rút dần khỏi hai chiến trường này nên hiện đang tìm một vai trò phù hợp trong chiến lược chuyển trục sang Thái Bình Dương.

Tóm lại, kế hoạch Chống Tiếp Cận của Bắc Kinh là lấy khỏe đánh mệt khi đối phương đang tiến đến từ xa; để đối phó, Hoa Kỳ có thể Phối Hợp Không Hải Lực nhằm đập đầu rắn với các vũ khí hiện đại nhất. Hoa Lục xây Chuỗi Ngọc Trai để bảo vệ đường hàng hải phía Nam; Mỹ dựa theo địa hình của Biển Đông để Phong Tỏa Đường Biển hay Phòng Thủ Hải Đảo.

Một điểm cần được lưu ý là kế hoạch trên biển chỉ là một phần trong chiến lược toàn diện của Bắc Kinh. Đường hàng hải phía Nam rất khó bảo vệ vì dài và chạy qua nhiều quốc gia nên nên Trung Quốc thực hiện song song hai con đường tơ lụa trên bộ, một bắt đầu từ Địa Trung Hải và một từ Myanmar rồi chạy vào Hoa Lục [Hình d]. Bên cạnh đó Bắc Kinh còn mở thêm con đường thứ ba bằng các khai thông quan hệ với Nga để xây ống dẫn dầu phía Bắc [Hình e].

clip_image008
         [Hình d] Con đường tơ lụa từ Địa Trung Hải và Miến Điện, nối liền với đường biển phía Nam

clip_image010
                                              [Hình e] Ba ngõ vận chuyện khí đốt từ Nga

Các sách lược trên biển của Hoa Kỳ được mang ra tranh luận để thuyết phục Quốc hội và Hành pháp, không những được nhiều nước châu Á quan tâm mà còn liên quan đến ngân sách hàng chục hay trăm tỷ USD sẽ được chi tiêu ra sao. Tuy nhiên những nhà nghiên cứu cũng nhìn nhận rằng chưa có biện pháp cụ thể để đối phó với các hình thức chiến tranh phi quy ước như tằm ăn dâu lấn chiếm dần biển đảo, hạm đội tàu cá để xâm lấn ngư trường, giàn khoan khủng nhằm chứng tỏ chủ quyền, và kế hoạch cải tạo địa hình bồi đắp hải đảo thành vạn lý trường thành ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên bước sau cùng này của Trung Quốc có thể tạo cơ hội để Philippines cho phép lục quân Mỹ đồn trú với trang bị tên lửa chống máy bay, tàu chiến và nhắm vào chính căn cứ mới xây với danh nghĩa vô hiệu hóa vùng nhận dạng phòng không và phòng thủ vùng bờ biển.

Đ. H. Q.

***

[1] Andrew F. Krepinevich, “Why AirSea Battle”. Center for Strategic and Budgetary Assessment 2010

[2] T.X. Hammes, “Offshore Control: A Propose Strategy for an Unlikely Conflict”. Strategic Forum 2012

[3] Andrew F. Krepinevich, Jr, “How to Deter China: The Case for Archipelagic Defense”. Foreign Affairs, March/April 2015

Tác giả gửi BVN.

(Bauxitevn)

Không có nhận xét nào: