Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011
Trực tiếp: Phản ứng về cái chết của Bin Laden
1450: Chuyên gia an ninh Ikram Sehgal nói với BBC: "Đây là đặc vụ mà chắc chắn giới chức Pakistan có biết. Làm sao radar của Pakistan lại không nhận ra trực thăng Mỹ." Trước đó, Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani nói ông "không rõ chi tiết" về sứ mệnh của Mỹ.
1439: Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, phát biểu tại Nhà Trắng: "Thông điệp của chúng tôi cho Taliban - quý vị không thể đánh bại chúng tôi nhưng quý vị có thể lựa chọn từ bỏ al-Qaeda."
1415: Hội đồng Hồi giáo Vương quốc Anh ra thông cáo: "Ít ai đau buồn trước tin về cái chết của Osama Bin Laden. Nhiều người Hồi giáo sẽ nhớ lại 10 năm qua, khi niềm tin và cộng đồng chúng tôi bị nhìn qua lăng kính khủng bố và an ninh."
1407: Cựu tổng thống Pakistan Pervez Musharraf nói việc hạ sát Bin Laden "lẽ ra phải được quân Pakistan tiến hành". Ông nói với BBC tiếng Urdu: "Đây là sự nhạy cảm của chúng tôi, quân nước ngoài không nên vào Pakistan. Mặc dù những gì đã xảy ra là tốt, tôi không nghĩ nhân dân Pakistan sẽ vui mừng khi chủ quyền bị xâm phạm."
1347: Wajid Shamsul Hasan, đại diện ngoại giao của Pakistan tại London, nói với BBC World Service rằng ông "không tin câu chuyện rằng Pakistan đã không được thông báo" về chiến dịch ở Abbottabad:
Ông nói việc Tổng thống Barack Obama không cảm ơn Pakistan về vụ giết Bin Laden có lẽ chỉ là "chút nhầm lẫn" giữa đêm khuya.
1346: Cựu điệp viên CIA Bob Baer nói với BBC World Service rằng Mỹ sẽ không tiết lộ các nguồn tình báo dẫn đến vụ hạ sát. "Các cơ quan tình báo và quân đội sẽ đưa ra thông tin sai lạc để bảo vệ các nguồn thực sự."
1211: Chủ biên trang chính trị của BBC Nick Robinson nói: "Tôi dự đoán cái chết của Bin Laden sẽ làm nhiều người Mỹ tin rằng cuộc chiến bắt đầu từ 11/09/2001 đã kết thúc và đến lúc đưa các chàng trai về nhà."
Xin được lưu ý BBC Tiếng Việt đã mở trang diễn đàn về chủ đề này.
1208: Hamas lên án việc giết Bin Laden, theo Reuters, gọi đó là "ám sát" một "chiến binh thần thánh Ảrập".
1203: Nói về đe dọa của Taliban. Ehsanullah Ehsan, phát ngôn nhân cho Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP), tức Phong trào Taliban của Pakistan, nói với Reuters qua điện thoại từ một nơi không tiết lộ. "Nay những tên cai trị Pakistan sẽ là mục tiêu đầu tiên của chúng tôi. Mỹ sẽ là mục tiêu thứ hai."
1141: Rahimullah Yusufzai của BBC tại Peshawar nói cái chết của Osama Bin Laden có nghĩa là al-Qaeda không còn có thể hoạt động hiệu quả về quân sự. "Mặc dù Bin Laden sẽ được gọi là tử sĩ, nhưng al-Qaeda sẽ không còn sức mạnh và sự quan trọng như trước." Phóng viên chúng tôi nói người phó, Ayman al-Zawahiri, không có vị trí như ông này.
1105: Tổng thư ký Nato Anders Fogh Rasmussen nói việc giết Bin Laden là "thành công quan trọng" cho an ninh của các đồng minh Nato, theo Reuters.
1050: Farzana Shaikh, một phân tích gia tại Chatham House ở London nói với BBC World Service: "Nhiều người trên thế giới sẽ thấy nghi ngờ của họ được xác nhận - rằng ngay từ đầu, có sự thông đồng của nhà nước Pakistan để giúp đỡ Osama Bin Laden." Bà nói rằng "việc ông ta không được tìm ra trong hang động mà ngay tại một học viện đại diện cho quân đội dĩ nhiên là sự mất mặt cho ban lãnh đạo chính trị và quân đội hùng mạnh của Pakistan."
1037: Cựu thủ tướng Anh Tony Blair bày tỏ "sự biết ơn chân thành" với Tổng thống Obama vì chiến dịch giết chết Osama Bin Laden: "Chúng ta không nên quên 9/11 cũng là cuộc tấn công khủng bố tồi tệ nhất chống lại người dân Anh...9/11 là vụ tấn công không chỉ nhằm vào Hoa Kỳ mà cả những người chia sẻ những giá trị đẹp nhất của nền văn minh. Chiến dịch này chứng tỏ những kẻ phạm tội ác khủng bố với người vô tội sẽ bị đưa ra công lý, dù mất bao lâu."
1018: Phóng viên chúng tôi viết tiếp: "Giới chức Ấn Độ đã nói thẳng rằng điều này chứng minh lo ngại khủng bố tìm được nơi ẩn náu ở Pakistan. Tổng thống Obama thì ngoại giao hơn. Ông nhấn mạnh chiến dịch chống khủng bố ở Pakistan đã có ích - ông mô tả Pakistan là sự giúp đỡ chứ không phải là cản trở. Một số tờ báo Pakistan đi xa hơn, dẫn lời giới chức an ninh nói đây đã là chiến dịch chung. Nhưng thực ra có vẻ Pakistan còn không biết có chiến dịch này. Nó ám chỉ sự thiếu tin tưởng căn bản giữa Mỹ và Pakistan."
1016: Jill McGivering của BBC xem xét những câu hỏi nảy sinh từ việc phát hiện Bin Laden ở Abbottabad - "một thị trấn giàu có của Pakistan, gần thủ đô Islamabad, một nơi gần gũi với quân đội". "Liệu quân đội và an ninh Pakistan không biết ông ta đã ở đó? Hay đây là bằng chứng rằng giới lãnh đạo Pakistan, hay một phần của họ, vẫn ủng hộ phần tử cực đoan Hồi giáo, như giới chỉ trích vẫn nói?"
0935:BBC Tiếng Việt đã mở diễn đàn để độc giả cho biết suy nghĩ về sự kiện này. Quý vị vui lòng bấm phím F5 để thấy đường dẫn đến diễn đàn.
0917: Vẫn trích từ thông cáo của Bộ Ngoại giao Pakistan: "Cái chết của Osama Bin Ladin chứng tỏ nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong đó có Pakistan để chiến đấu và loại bỏ chủ nghĩa khủng bố. Đó là thất vọng lớn cho các tổ chức khủng bố trên thế giới. Al-Qaeda đã tuyên chiến với Pakistan. Hàng loạt các vụ tấn công khủng bố do Al-Qaeda bảo trợ đã làm hàng ngàn người Pakistan vô tội phải chết, gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em." Thông cáo nói gần 30,000 người dân Pakistan và hơn 5000 an ninh Pakistan đã bị giết trong mấy năm qua.
0911: Cựu phát ngôn nhân của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, Khaliq Ahmed, nói với BBC rằng ông không ngạc nhiên khi Bin Laden được tìm thấy ở Pakistan. "Chúng tôi biết Bin Laden không thể ở trong các bộ lạc Afghan - giá treo đầu ông ta quá cao. Ông ta phải ở Pakistan. Chúng tôi đã nói như thế với phóng viên và giới ngoại giao nhưng họ không tin."
0910: Bộ Ngoại giao Pakistan ra thông cáo xác nhận cuộc tấn công: "Trong một cuộc tác chiến nhờ tin tình báo, Osama Bin Ladin bị giết ở khu vực quanh Abbotabad đầu giờ sáng hôm nay. Cuộc tấn công này là do lực lượng Mỹ tiến hành theo chính sách công khai của Mỹ rằng Osama Bin Ladin sẽ bị triệt hạ trong hành động trực tiếp của quân Mỹ, dù là được tìm thấy ở nơi nào."
Bấm BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ ĐỌC VÀ PHẢN HỒI VỀ SỰ KIỆN NÀY
Dân chúng reo hò trên Quảng trường Times ở New York
Lãnh tụ al-Qaeda đã thiệt mạng trong một vụ tấn công dựa trên thông tin tình báo của Hoa Kỳ vào một ngôi nhà ở ngoại ô Islamabad. Tổng thống Obama nói sau "một cuộc chạm súng" quân đội Mỹ đã có trong tay thi thể Bin Laden, người sáng lập ra mạng lưới Hồi giáo quá khích.
Osama Bin Laden nằm trên đầu danh sách truy nã của Hoa Kỳ. Manh mối dẫn tới vụ tấn công này xuất hiện lần đầu vào tháng Tám năm ngoái.
Ông bị cáo buộc đứng đằng sau nhiều vụ tội phạm, trong đó có các vụ tấn công New York và Washington hôm 11/09/2001.
Sau khi thông tin trên được loan báo, nhiều người tụ họp bên ngoài Tòa Bạch ốc ở Washington DC, hò reo: "Hoa Kỳ, Hoa Kỳ".
Bin Laden là người chuẩn thuận các vụ tấn công 11/9, trong đó gần 3.000 người chết. Sau đó ông tuyên bố kết quả đã vượt quá trông đợi của ông.
Mỹ và đồng minh đã săn đuổi ông suốt một thập niên nay mà không có kết quả, cho dù đã trao giải thưởng 25 triệu cho người nào giúp bắt được ông.
Các phóng viên nhận định cái chết của Bin Laden là một tổn thất lớn cho al-Qaeda, thế nhưng cũng tăng nguy cơ sẽ có tấn công trả thù.
Chi tiết chiến dịch
Ông Obama nói vào tháng Tám năm ngoái ông đã được báo cáo về manh mối có thể dẫn tới xác định vị trí của Osama Bin Laden.
Theo ông tổng thống, các thông tin ban đầu khá mơ hồ và "phải mất nhiều tháng để dò tìm manh mối".
"Tôi đã có nhiều cuộc gặp với nhóm an ninh quốc gia của tôi trong quá trình tìm kiếm thêm thông tin về khả năng xác định ra Bin Laden trú ẩn trong một khu nhà nằm sâu trong lòng Pakistan."
Ông tổng thống nói: "Và cuối cùng, vào tuần trước, tôi quyết định rằng chúng tôi đã có đủ thông tin tình báo để hành động và tôi chuẩn y việc mở chiến dịch truy bắt Osama Bin Laden và mang ông ta ra trước công lý".
Vào hôm Chủ nhật, một nhóm binh sỹ Mỹ đã thực hiện chiến dịch tại Abbottabad, cách thủ đô Islamabad 100km về phía đông bắc.
Cuộc chiến chống khủng bố vẫn tiếp diễn, nhưng đêm nay nước Mỹ đã đưa ra một thông điệp không thể nhầm lẫn là: dù phải chờ đợi bao lâu thì cuối cùng công lý cũng sẽ được thực thi.
Cựu Tổng thống George W Bush
Sau một cuộc "chạm súng", Bin Laden đã bị hạ sát và lính Mỹ giành lấy thi thể ông ta.
Ông Obama cho hay "không có người Mỹ nào hề hấn gì".
Một quan chức Mỹ cao cấp khác cho biết thêm rằng chiến dịch nói trên diễn ra trong khoảng chừng 40 phút.
Một trực thăng bị hỏng do lỗi kỹ thuật.
Ba người khác cũng thiệt mạng trong vụ truy bắt Bin Laden, trong đó có một con trai của lãnh đạo al-Qaeda.
Giới chức còn cho hay một phụ nữ thiệt mạng vì bị al-Qaeda dùng làm lá chắn.
Quy mô và độ phức tạp của tòa nhà ở Abbottabad đã gây bất ngờ cho các quan chức Hoa Kỳ.
Tòa nhà này được vây quanh bằng bức tường cao từ 4m-6m, rộng hơn các nhà trong cùng khu vực tới tám lần và có trị giá khoảng vài triệu đôla. Tuy nhiên nhà này không có điện thoại và đường truyền internet.
Giới chức Mỹ cho hay cơ quan tình báo đã theo dõi đường vận chuyển liên lạc tin cẩn của Bin Laden trong nhiều năm.
Danh tính hiện tại của ông ta được xác định khoảng bốn năm trước, khu vực hoạt động chừng hai năm trước và vào tháng Tám năm ngoài, tình báo Mỹ tìm ra ngôi nhà tại Abbottabad và bắt đầu lên kế hoạch truy bắt.
'Thời khắc quan trọng'
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton ra thông cáo nói: "Đây là thời điểm vô cùng quan trọng không chỉ đối với các gia đình đã mất người thân trong vụ 11/9 và các vụ tấn công khác của al-Qaeda, mà còn đối với tất cả những người muốn xây dựng một tương lai hòa bình, tự do và hợp tác cho con cháu trên toàn thế giới".
Gần 3.000 người chết trong vụ tấn công của Al-Qaeda vào Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York
Người kế nhiệm ông Clinton, Tổng thống George W Bush, thì nói thông tin mới ra là "thành tựu vô cùng to lớn".
Ông Bush nói trong một thông cáo: "Cuộc chiến chống khủng bố vẫn tiếp diễn, nhưng đêm nay nước Mỹ đã đưa ra một thông điệp không thể nhầm lẫn là: dù phải chờ đợi bao lâu thì cuối cùng công lý cũng sẽ được thực thi".
Phóng viên chuyên các vấn đề an ninh của BBC Frank Gardner nói rằng trong khi đối với phương Tây, Bin Laden trở nên biểu tượng của khủng bố toàn cầu, thì với nhiều người Hồi giáo, ông là anh hùng, một tín đồ đạo Hồi đã đứng lên chống lại các siêu cường thế giới nhân danh jihad.
Là con trai của một gia đình Saudi giàu có làm nghề xây dựng, Bin Laden lớn lên trong nhung lụa.
Thế nhưng sau khi Liên Xô xâm lược Afghanistan ông đã gia nhập lực lượng mujahideen ở đó và sát cánh cùng các anh em người Ả rập của ông. Cũng những người này là hạt nhân cho phong trào al-Qaeda về sau.
Sau khi tuyên chiến với nước Mỹ năm 1998, Bin Laden được cho là đứng đằng sau các vụ đánh bom sứ quán Mỹ ở Đông Phi, tấn công tàu chiến USS Cole ở Yemen năm 2000 và vụ tấn công New York và Washington năm 2001.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét