Pages

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

MỘT “ BỘ TỨ “ VẪN NẰM TRONG TẦM KHỐNG CHẾ CỦA TRUNG QUỐC ?


Hôm nay, thứ 2 ngày 24/7, Quốc hội sẽ họp bỏ phiếu để chính thức hóa chức danh Chủ tịch nước của ông Trương Tấn Sang; chiều nay ông Trương Tấn Sang sẽ giới thiệu ông Nguyễn Tấn Dũng vào chức danh Thủ tướng để Quốc hội phê chuẩn…
Như vậy “ bộ tứ “ nắm toàn bộ quyền lực nhà nước sẽ được chính thức thông qua Quốc hội trong nội ngày mai: Ông Nguyễn Phú Trọng-Tổng Bí thư; Ông Trương Tấn Sang Chủ tịch nước; Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Sinh Hùng-Chủ tịch Quốc hội…
Với “ bộ tứ” quyền lực này, giới mẫn cảm với chính trường Việt Nam thấy bi quan: đây sẽ vẫn tiếp tục là một “ Bộ tứ “nằm trong vòng cương tỏa, kiểm soát, chi phối, ràng buộc…mạnh mẽ và sâu sắc của các nhóm lợi ích thân Trung Quốc…
Trước hết bàn về ông Nguyễn Phú Trọng, về danh nghĩa là người nắm quyền lực cao nhất vì ông là TBT Đảng…Đảng vạch đường lối chủ trương, nhưng ở VN đường lối chủ trương thường chung chung và xưa nay đường lối thì rất bay bổng, đường lối một đằng, người ta làm một nẻo mà chẳng ai bị làm sao, thậm chí còn được khen là “chuyện thường ngày ở huyện”…Trong khi đó bản thân ông Nguyễn Phú Trọng chuyên môn hẹp được đào tạo là cử nhân văn khoa; đối với thế hệ của ông, khái niệm kinh tế thị trường dường như một khái niệm “kỵ rơ” trong cả phe xã hội chủ nghĩa chứ không riêng gì Việt Nam…
Ông Nguyễn Phú Trọng được đào luyện trong môi trường nhà trường, một nhà trường mà các giáo trình được soạn thảo theo tinh thần pháp lý của văn bản Hiến pháp 1959; Điều 10 của Chương II của Hiến pháp 1959 đã nói rõ Chế độ kinh tế-xã hội của Việt Nam:”Nhà nước lãnh đạo hoạt động kinh tế theo một kế hoạch thống nhất. Nhà nước dựa vào các cơ quan Nhà nước, tổ chức công đoàn, hợp tác xã và các tổ chức khác của nhân dân lao động để xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh tế…”
Ông Nguyễn Phú Trọng bảo vệ Luận án Tiến sĩ tại Liên Xô với chuyên đề về công tác tổ chức Đảng; mà tổ chức Đảng được mặc định, hoạch định bởi khung khổ pháp lý “ kế hoạch hóa “; nghĩa là một mô hình tổ chức nhà nước bao sân một cách duy ý chí toàn bộ các động thái vận động của nền kinh tế-xã hội…
Như vậy những nền tảng kiến thức sách vở mà ông Nguyễn Phú Trọng được trang bị không liên can gì tới cơ chế thị trường của một quốc gia đang chuyển từ kế hoạch hóa sang phân cấp, phân tầng, phân hóa xã hội xô bồ, sâu sắc như Việt Nam hiện nay…
Hiện nay Việt Nam và Trung Quốc đang tìm cách cải cách lại hệ thống chính trị của mình theo cách dung hòa, tránh gây sốc làm đổ vỡ hệ thống. Về hình thức, về mặt tiền của chế độ, người Trung Quốc đưa ra các đường lối cải cách trên lý thuyết là để an dân, trong thực tế nền kinh tế Trung Quốc đã chuyển hóa qua thời kỳ tư bản dã thú, hoang sơ, lấy sự thôi thúc của lợi nhuận, lợi ích làm thước đo giá trị, làm động lực phát triển…Điều này có thể nhìn thấy con số tăng trưởng nóng hàng năm của nền kinh tế Trung Quốc, một nhịp độ tăng trưởng bất chấp mọi cái, thậm chí bất chấp thảm họa…
Còn Việt Nam thì sao? Đọc các văn kiện của Đảng, những văn kiện đặt dưới quyền chỉ đạo của các “lý thuyết gia” trong đó có thời gian dài ông Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch Hội đồng lý luận TW; về hình thức các lý thuyết gia kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam cố gắng tìm câu chữ làm sao trung tính, để đạt mục đích dung hòa giữa thực tế và lý thuyết; tóm lại, các nhà lý luận Việt Nam cố gắng viết ra những luận điểm, chính sách để người ta vận dụng có thể hiểu, giải thích như thế nào cũng được…
Xin lấy một ví dụ: Xây dựng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nghĩa là thế nào? Do có bàn tay can thiệp của nhà nước do chính Đảng Cộng sản lãnh đạo thì cơ chế đọ gọi là “ thị trường xã hội chủ nghĩa ư?
Có nước nào có nền kinh tế thị trường mà không có sự can dự của nhà nước, của chính phủ đâu? Có điều sự can dự bằng luật pháp, bằng chính sách thuế, bằng các ưu tiên đầu tư chứ không bằng các cương lĩnh chính trị như các quốc gia nhà nước được lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản…
Ở các nước có nền kinh tế thị trường thì: Chính phủ đúng là chịu sự chi phối của Đảng nắm số đông trong Quốc hội và nắm được chiếc ghế tổng thống…Đằng sau cái Đảng đang giành được quyền kiểm soát chính trị đó là các nhóm lợi ích kinh tế: các tập đoàn kinh tế lớn…
Rõ ràng, vai trò Đảng lãnh đạo trong một nhà nước kinh tế triển khai theo cơ chế thị trường nó hoàn toàn khác với mô hình nhà nước kế hoạch hóa trước đây…Và để tiêu hóa được cái cơ chế đó, làm chủ được nó thì người chơi phải là người“trong chăn”, người từng tham gia chơi thì mới lĩnh hội được…
Nếu một Tổng Bí thư trưởng thành, đào luyện từ vị trí “ Thủ tướng “ thì may ra mới biết được các mảng miếng ma giáo của các đường đi nước bước của các nhóm lợi ích tất yếu sẽ hình thành, đang chi phối đất nước, chính phủ và cả Đảng khi thị trường bung ra…Về phương diện này, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ là nhà lý thuyết, mặc dù ông là người nắm quyền lực cao nhất…
Với tính quan liệu, tự cao, tự đại và có cả sự tự huyễn hoặc cố hữu, sẵn có xưa nay của guồng máy cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng khó lòng chọc, thoát, vượt ra khỏi những trò ma giáo, rất dễ bị vô hiệu, bị các nhóm lợi ích khát tiền, khát quyền, khát lợi nhuận bằng các thủ đoạn làm cho ông “ không biết đường nào mà lần”…. Do đó, tình thế sẽ xô đẩy ông Nguyễn Phú Trọng, mặc dù danh nghĩa ở cái cương vị nắm quyền lực tối cao, nhưng đành phải tìm cách thỏa hiệp, dung hòa theo số đông, phe mạnh cánh để yên thân, yên cái ghế cho ông…Nhưng nếu ông quả có các quân sư đủ khả năng bóc mẽ các trò ma giáo đang làm tổn hại tới lợi ích quốc gia, nhận chân ra sự nguy hiểm của sự lệ thuộc nghiêm trọng vào Trung Quốc tham mưu cho ông, liệu ông có khả năng thực thi được không ? Phép duy vật biện chứng đã mặc định: ai nắm tiền người ấy có tiếng nói?
Vậy vai trò và trách nhiệm của ông Nguyễn Tấn Dũng đến đâu khi để cho nền kinh tế quá lệ thuộc vào Trung Quốc; đang bị Trung Quốc cầm cương, khống chế…Về hình thức, về những biểu lộ, phát ngôn thì có vẻ ông Nguyễn Tấn Dũng rắn với Trung Quốc và gần với Mỹ-Nhật-Hàn Quốc và phương Tây hơn…Thế nhưng bằng những công việc do Chính phủ đã triển khai trong các chính sách kinh tế, biện pháp kinh tế thì lại bị chi phối, thôi thúc nhiều bởi các nhóm lợi ích thân Trung Quốc, phía đằng sau là Trung Quốc…
Việc cho người Trung Quốc thuê rừng; Việc để nhiều dự án kinh tế quan trọng rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc; Khai thác bauxite Tây Nguyên; làm ngơ để lao động phổ thông Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp tràn vào Việt Nam ngày càng đông; nạn nhập siêu, hàng hóa giá rẻ kém chất lượng của Trung Quốc tràn vào theo con đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch; các phương tiện truyền thông tràn ngập phim Trung Quốc, các trò chơi giải trí có nguồn gốc Trung Quốc…
Nhìn vào cung cách điều hành quản lý kinh tế như hiện nay, các doanh nghiệp Trung Quốc đang thắng lớn trên thị trường Việt Nam? Điều nay thuộc trách nhiệm điều hành, quản lý của Chính phủ do ông Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu…
Do đó, khi ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục làm Thủ tướng thì Việt Nam tiếp tục là mảnh đất màu mỡ, ngon xơi cho các nhà đầu tư Trung Quốc, mặc dù ông Nguyễn Tấn Dũng lên tiếng cảnh giác với Trung Quốc, ông dốc hầu bao để mua sắm tàu chiến, may bay để đối phó với Trung Quốc…
Vậy thì vai trò của ông Nguyễn Sinh Hùng, với vị trí Chủ tịch Quốc hội trong nhiệm kỳ này trong việc giám sát các hoạt động của Chính phủ?
Ông Nguyễn Sinh Hùng không phải là người có khả năng đề ra chiến lược, sách lược mà trong giai đoạn vừa qua, với vị trí “ Phó Thủ tướng Thường trực” , ông đã tỏ rõ vai trò của một “ thiên lôi “ không hơn không kém…Điều này qua các diễn đàn Quốc hội cho thấy , ông “ Thiên lôi “ Nguyễn Sinh Hùng đã tả xung hữu đột, che đông chắn bắc cho các hoạt động điều hành của Chính phủ…
Khi ông Nguyễn Sinh Hùng sang vị trí Chủ tịch Quốc hội, ông khó lòng có thể thay đổi một sớm một chiều cái tư chất, cái nếp “ Thiên lôi “ cố hữu của ông…Mặt khác, ông Nguyễn Sinh Hùng là người dễ thỏa hiệp vì tuổi tác và vì sự cám dỗ của các lợi ích trước mắt và cả vì vị thế…Do đó, Quốc hội kỳ này sẽ khác với Quốc hội thời ông Nguyễn Văn An và kể cả thời ông Nguyễn Phú Trọng. Bởi ông Nguyễn Phú Trọng khi đương là Chủ tịch Quốc hội dẫu sao ông và ông Nguyễn Tấn Dũng cũng có những ganh đua ngấm ngầm nhất định trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế “ Tổng Bí thư “…
Với tư chất của một ông Thiên lôi dễ bị cám dỗ, sai khiến bởi các lợi ích trước mắt; mặt khác lại không có tham vọng ganh đua với ông Nguyễn Tấn Dũng vào cuộc đua chiếc ghế tổng bí thư sắp tới, do đó chứ năng giám sát của Quốc hội trong nhiệm kỳ này sẽ yếu xíu hơn các nhiệm kỳ trước….
Chỉ còn lại ông Trương Tấn Sang chưa nghe thấy tai tiếng là đang bị thao túng hay dính với một nhóm lợi ích nào? Liệu ông có khách quan và đủ sức bảo vệ, trụ vững cái vị thế khách quan của mình được mãi không?
Đất nước, nhân dân cần ông Trương Tấn Sang một vị Chủ tịch nước có khả năng can dự vào việc nước chứ không phải chỉ là một học giả hay một người chỉ biết đứng ra khích lệ, hô hào lòng yêu nước; sắm vai “ trị vì “ như Nhật hoàng hay Nữ hoàng Anh…
Nhìn vào bộ sậu này, những người mẫn cảm về ” ván cờ vây” chính trị thấy Việt Nam đang ngày một lún sâu vào vòng cương tỏa, lệ thuộc vào Trung Quốc ? Đất nước đang cần có bậc minh quân nào cỏ đủ khá năng phá thoát ra thế cờ vây này ??? Sơn hà đang nguy biến, những cuộc xuống đường cho thấy hồn thiêng sông núi đã trỗi dậy, mách bảo và cảnh báo…
Có khi câu ” Bất chiến tự nhiên thành ” của Trạng Trình lại ứng cho phía Trung Quốc chứ không phải Việt Nam ?!
Tóm lại nhìn chính trường Việt vẫn còn bi quan lắm ??? Hy vọng và mong rằng những giải đoán này là võ đoán, là thiển cận, là sai !
Phúc Lộc Thọ.
Nguồn: Blog Phạm Viết Đào

Không có nhận xét nào: