Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011
Ngã ba đường
Trịnh Y’ Dân (danlambao) - Dân tình, có ai lại không mong mỏi một tương lai sáng sủa hơn, nước nhà được tự do độc lập hơn và đời sống được ấm no hạnh phúc hơn. Cứ mỗi năm năm, người dân lại nhìn xét thành phần mới của Bộ chính tri để kiếm tìm một tia sáng nào đó, báo hiệu một đổi thay quan trọng cho cái quá khứ quá đen tối, quá tiêu điều.
Miền Bắc nay cũng đã 57 năm rồi và miền Nam 36 năm đã tròn dưới Xã hội chủ nghĩa, nhưng cuộc sống ngày càng thật bấp bênh. Nghèo vẫn tiếp tục nghèo, tự do thì vẫn ví như chim ríu rít trong lồng... Còn vận nước thì gập ghềnh, xiêu ngã , mất đất, mất đảo, lại không biết bị xâm lược đồng hoá lúc nào.
Trong khi đó trên thế giới có 188 nước tự do, dân chủ thì Việt Nam chỉ là một trong 5 nước tàn dư theo đuổi một lý thuyết lỗi thời và chà đạp nhân quyền một cách trắng trợn. Nước nhà đang ở ngã ba đường. Hoặc là nước ta lại tiếp tục tiến sâu thêm vào con đường mòn suy hoá cũ kịch, hoặc là chọn con đường mới, con đường của lẽ phải, của vinh quang, của phát triển, phù hợp với đà tiến bộ trên thế giới và với tuổi trưởng thành của dân Việt. Thế nào trên con đường mới ấy cũng có vài con sông, vài dãy núi ngăn chận, cần phải bắt cầu vượt qua. Nhưng có gì phải sợ sệt khi chọn lựa con đưởng mới ấy? Rùng mình trước anh láng giềng khổng lồ? Trong khối đỏ ấy, sống kế bên con cọp dữ, tâm lý sợ sệt rụt rè là chuyện dĩ nhiên, nhưng thoát ra được khối ấy Việt Nam sẽ an toàn hơn, dưới sự bảo vệ và hỗ trợ của nhiều nước bạn hảo tâm như Mỹ, Nga, Nhật, Ấn Độ, NATO trước sự bành trướng quân lực phách lối của Trung Quốc.
Muốn "nhãy rào" đi vào đường mới tối thiểu cũng cần xét đến phản ứng của Trung Quốc, phản ứng của các nước trên thế giới và việc đối xử trong nội bộ đảng CSVN.
Phản ứng của các quốc gia khác
Đổi đường cũng có nghĩa là Việt Nam sẽ thoát ra bóng tối, tôn trọng nhân quyền, đem lại một cuộc sống dễ thở cho dân tình. Thế giới đã bày tỏ rất nhiều cảm tình với Việt Nam trong cuộc chiến điêu tàn trước 1975. Thế giới cũng đã bất bình trước những đàn áp và trả thù chính trị sau đó. Thế giới cũng đã giúp Việt Nam trùng hưng lại kinh tế, nhưng từ từ tìm cách lảng quên Việt Nam qua nhiều năm chứng kiến không ngừng, theo mô hình Trung Quốc, những cảnh chà đạp trắng trợn nhân quyền và bóp nghẹt tự do ngôn luận. Thoát khỏi vòng đai ảnh hưởng TQ để tìm lại lối sống tự do, do dân và vì dân là mong muốn chính đáng mà mọi nước trông đợi từ Việt Nam đã hơn ba chục năm. Các nước , bạn cũ, bạn mới, sẽ hớn hở, nhiệt tình ôm chặt ta, ân cần chào đón Việt Nam trở lại đại gia đình nhân nghĩa, trong mối quan hệ văn minh và nêu cao giá trị con người. Họ sẽ hùn hợp nhau giúp đỡ ta bảo vệ đất nước và biển đảo, chấm dứt tình trạng đơn độc của một nước nhỏ bên cạnh một nước to đầy lòng tham lam.
Nếu các nước nhỏ như Hàn Quốc, Nhật, Phi, Thái Lan, Nam Dương vui sống trong tự do, độc lập và tự hào, không phải quá sợ nạn xâm lược, thì Việt Nam cũng có thể sống như họ. Chiến tranh lạnh đã chấm dứt từ lâu, ta không còn cô đơn chống trả những mưu đồ xâm lăng từ bất cứ một cường quốc nào.Trong đại gia đình quốc tế các hiệp hội phòng thủ chung sẽ cùng nhau bảo vệ các nước thành viên. Chỉ có vậy thì dân ta mới an tâm phát triển kinh tế và bỏ vốn đầu tư trồng người và bù dưỡng thế hệ sau.
Phản ứng của Trung Quốc
Đây là vấn đề tối quan trọng vì nếu không tính toáan khéo léo đề phòng bước tiến lui thì có thể lâm vào cảnh chiến tranh đổ máu. Hiện nay trong quỹ đạo XHCN, Trung Quốc đánh giá Việt Nam ra sao ? Phải nói là không khác gì một nước chư hầu bị xích xiềng. Tình trạng còn tệ hơn thuở xưa lúc Liên Sô còn siêu cường vì lúc đó bề nào VN còn có thể xoay đi trở lại trên cán cân ảnh hưởng giữa Tàu và Nga. Việt Nam hoàn toàn không tương lai nếu ta không tự tìm lối thoát để tránh áp lực nặng trĩu của TQ. Dựa vào sức mạnh quân sự và kinh tế mới tạo được gần đây và sự yếu ớt thấy rõ của Việt Nam, đồng thời xem Việt Nam như kẻ cầm dù ô theo sau, TQ sẽ tiếp tục đàn áp, khiêu khích, gây hấn hòng tạo thêm oai phong để xâm chiếm toàn bộ Biển Đông và ngày càng bành trướng ảnh hưởng về phía Nam.
Nhưng nếu Việt Nam "nhảy rào", chọn con đường mới vinh quang, danh dự hơn thì TQ cũng chỉ tức giận cực đỉnh một khoảng thời gian ngắn, nhưng không dám làm lớn chuyện. Vì sao? Việt Nam còn an toàn hơn vì được đa số các nước trên thế giới bảo vệ. Nếu ở cùng khối XHCN thì các nước nầy sẽ coi xích mích Tàu-Việt như chuyện nội bộ, anh em trong nhà mà giữ tư cách trung lập, không can thiệp. Nhưng nếu khác khối, trên con đường mới, thì Trung Quốc khó dựng cớ chinh phạt Việt Nam vì Hiến chương Liên Hiệp Quốc rất cứng rắn không cho phép nước to nuốt nước nhỏ và các liên minh quốc gia trong đó VN là thành viên sẽ phải can thiệp.
Còn nếu TQ thực hiện ý đồ xâm lăng, lấy cớ là Việt Nam bội ơn, phản nghĩa, quên trả nợ viện trợ súng ống lúc đánh Mỹ, thì lại còn vô lý hơn. TQ đáng lẽ phải mang ơn Việt Nam nhiều hơn vì sau chiến tranh Triều Tiên 1950-52, nếu không có Việt Nam hy sinh lính tráng trong cuộc chiến tranh lạnh, thì khối XHCN và trong đó TQ khó có thể tương đối sống an bình, không bị lính Mỹ đổ bộ giải phóng Tây Tạng hay Tân Cương. Tuy Liên Sô và TQ có viện trợ Việt Nam khí giới, nhưng đó là vì nhu cầu phòng thủ chung của khối cộng sản. Chính Lê Duẫn cũng đã tuyên bố là nhìn nhận cho kỹ, Viêt Nam đánh cả cho Nga lẫn Trung Quốc. Do đó dùng cái cớ đòi nợ cũ mà xâm lăng Việt Nam là không chính đáng.
Ly dị xong thì mạnh ai nấy đi. Anh đường anh, tôi đường tôi. Nếu anh tử tế thì ta cũng có thể tiếp tục bang giao như bạn hão, biết quí trọng nhau. Nhưng tuyệt đối không được dùng đe doạ, gây hấn để lấn chiếm đất đảo. Việt Nam là một nước độc lập có chủ quyền thật sự, có thể dạn dĩ hơn đưa đơn lên kiện tại Liên Hiệp Quốc, đòi lại toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và các đảo Trường Sa chiếm giữ bằng sức lực bất hợp pháp. Nếu ta còn nuôi ý định đòi lại đảo bị chiếm đóng ngang tàng thì chọn con đường mới để tiến bước cũng là dịp hay để ta chuẩn bị hồ sơ kiện cáo. Nếu còn đợi nữa thì thời gian sẽ cho ta một đòn độc hại vì hải quân Trung Quốc ngày càng tiến mạnh.
Giải quyết nội bộ
Khác hẳn với các nưốc dân chủ thật sự trên thế giới, đảng CSVN luôn luôn làm việc trong bóng tối, dùng luận điệu là dân thường biết gì, chỉ có đảng là đỉnh cao trí tuệ, thông sành mọi vấn đề và giải quyết tài tình. Dân đừng tham gia chính trị sống động, dân đừng đi biểu tính chống đối nọ kia, dân bịt tai nhắm mắt, bảo gì làm nấy, không được phản đối, lập đảng đối lập. Dân giống như con nít thơ dại trong nhà, lẳng lặng nghe lời chỉ bảo, giảng dạy của đảng, đi bầu cho lấy lệ vào quốc hội những đại diện có thành tích "đấu tranh đàng hoàng" mà đảng đã công lao lựa sẵn. Cuộc sống thật "ngăn nắp", không cần sáng kiến, năng lực từ người dân và các đoàn thể đầy thiện chí có thể tu chỉnh và xây dựng nền chính trị quốc gia.
Do tính cách độc đoán, không hỏi ý dân, từ một đảng duy nhứt từ hơn nửa thế kỷ trên đất nước, đảng đã phạm bao sai lầm mà một khi nhận định ra thì hoặc đã quá trễ. Đó là Công hàm năm 1958, dâng đảo cho Trung Quốc, đó là cuộc đấu tố kinh khủng năm 1956-57, đó là cuộc thí mạng bao nhiêu triệu lính tráng cho chủ nghĩa đại đồng trong chiến tranh lạnh. Còn nữa, còn nhiều nữa, chỉ vì khinh miệt tiếng nói của người dân đen.
Do đó, nhân dân ta làm sao? Không lẽ an phận thủ thường , chờ cho số trời đổi xoay, Biết là đường lụt lội, tối tăm, không tương lai mà phải dấn thân không tránh qua đường khác đươc. Thế giới đang vui sống trong một thời đại văn minh mới, tin nhanh, truyền thông siêu tốc, thi đua phát triển kinh tế, chính trị, không sợ sệt trước các nước siêu cường và luôn luôn nâng cao nhân vị con người. Không lẽ dân ta lại đi lui vào quá khứ loài người sống nô lệ trong lồng chim nhỏ hẹp, chờ ăn, chờ uống chờ dạy bảo và không biết tương lai mù mịt đến đâu và hoạn nạn sẽ xãy ra khi nào.
Trước ngã ba đường, chúng ta phải nắm phần quyết định để đất nước thoát khỏi con đường mòn tối tăm và họa bị xâm lăng. Dân ta đã lầm than, điêu đứng, hy sinh quá nhiểu. Dân ta đáng được hưởng không khí tự do hạnh phúc, phóng khoáng, hoà bình. Nước VN cần đổi đường để cùng sánh vai, song bước với bao bạn tốt gồm 188 quốc gia trên 193, mạnh tiến lên con đường vinh quang, danh dự, quí trọng nhân phẩm của mỗi người dân.
Trịnh Y’ Dân (danlambao)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét