Pages

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Kinh tế khó khăn, các nước siết nhập cư



Người nhập cư tại Anh.

Đối mặt với những sức ép lớn, nhiều quốc gia trên thế giới chọn giải pháp siết chặt quy định nhập cư trong khi không thể phủ nhận người nhập cư đã mang lại nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế cho nước sở tại.

Kiểm soát người dân nhập cư
Quy định mới nhất về nhập cư tại Anh đã chính thức có hiệu lực vào ngày 9/7/2012 vừa qua. Theo đó điều kiện đầu tiên đối với những người nhập cơ muốn đưa gia đình sang Anh sinh sống sẽ phải có mức thu nhập tối thiểu 18.600 bảng Anh (so với 13.700 bảng trước đó). Ngoài ra là một số điều kiện khác, trong đó có thủ tục cấp Visa.
Với những thay đổi này, chính phủ Anh mong muốn giảm số lượng hồ sơ xin nhập cư theo hộ gia đình xuống còn 2/3 mức hiện tại và hi vọng tình trạng nhập cư của người nước ngoài không trở thành gánh nặng đối với đất nước trong điều kiện nền kinh tế đang đi xuống hiện nay.
Trước đó, Anh đã áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng nhập cư của người nước ngoài, tuy nhiên không đạt được hiệu quả như mong đợi.

Theo kết quả điều tra mới nhất, mặc dù có giảm nhưng lượng người nhập cư ròng tại Anh vẫn gấp đối so với mục tiêu mà chính phủ đã đề ra là giảm tới con số chục ngàn người cho đến năm 2015. Tính cho đến tháng 12 năm ngoái, số lượng nhập cư ròng vẫn ở mức 252.000 người, chỉ giảm được 3.000 người so với năm trước đó.
Tuy nhiên, theo quy định Visa bậc 4, số lượng sinh viên, học sinh nhập cư tới Anh đã giảm mạnh trong quý đầu tiên của năm nay (62%). Có vẻ đây là một tín hiệu vui về hiệu quả của quy định nhưng nhiều người lập luận, nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng và uy tín của ngành giáo dục Anh.
Với quy định mới hà khắc hơn, nước Anh hi vọng sẽ đạt được những mục tiêu trong việc điều chỉnh và kiểm soát tình trạng nhập cư nước ngoài tại quốc gia này.

Trấn an công chúng

Mới đây, chính phủ Singapore cho biết, họ sắp áp dụng quy định mới về lao động nhập cư. Giải pháp đưa ra là tăng yêu cầu về thu nhập tối thiểu lên mức 4.000 đô Sing/ tháng (so với mức 2.800 đô) trước đó để trang trải cho cuộc sống gia đình họ khi sống tại nước này. Bên cạnh đó, quy định không cho phép người lao động nước ngoài đưa bố mẹ sang du lịch dài hạn tại thành phố Singapore.
Quyết định tiết chế lượng lao động nhập cư sang Singapore được thực hiện trước những sức ép lớn từ dư luận. Theo đó, người dân nước này cho rằng, hệ thống an sinh xã hội hiện đang quá tải, thị trường bất động sản leo thang gây ra lạm phát mà một phần nguyên nhân chính là tình trạng nhập cư ồ ạt vào thành phố trong những năm vừa qua.
Với những quy định lao động có phần khắt khe hơn, cộng với tình hình kinh tế khó khăn trên thế giới, lượng lao động được tuyển dụng vào các doanh nghiệp nước này trong quý I năm nay đã có dấu hiệu giảm so với ước tính ban đầu.
Dự báo quy định mới được áp dụng trong thời gian tới sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình trạng nhập cư tại nước này.

Giảm sức ép lên chính sách tài khóa

Tại Pháp, quy định nhập cư mới chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1 năm nay với mục tiêu cắt giảm 10% lượng người nhập cư hợp pháp tới đất nước này. Quy định mới khiến việc trở thành công dân Pháp trở nên khó khăn hơn nhiều. Việc cắt giảm được thực hiện thông qua giải pháp giảm hạn mức visa lao động được cấp mỗi năm cũng như hạn chế tình trạng “kéo” gia đình sang sinh sống tại Pháp.
Hiện theo các quan chức, số lượng người dân nhập cư tại Pháp đang ở mức quá cao trong khi khả năng hòa nhập với văn hóa cũng như cuộc sống tại đây của họ còn rất hạn chế. Trong khi đó, số lượng quá lớn đã tạo ra áp lực không nhỏ lên hệ thống an sinh xã hội đồng thời gây khó khăn cho chính phủ trong việc thực hiện các chính sách tài khóa, nhất là trong giai đoạn cuộc khủng hoảng nợ vẫn chưa thể đi đến hồi kết.
Đây cũng là tình trạng chung mà các nước trong khu vực đồng Euro phải đối mặt.

Theo quy định trước đó, mỗi năm Pháp chấp nhận 200.000 đối tượng nhập cư hợp pháp. Và với mục tiêu cắt giảm mới, hạn mức mỗi năm bây giờ là 180.000 người. Bên cạnh đó, theo quy định, những lao động đến từ các nước trong khu vực EU sẽ được cấp visa thời hạn 10 năm và gia hạn việc làm trong khi lao động đến từ khu vực khác chỉ được nhận visa thời hạn ngắn hơn mà không được phép tự động gia hạn việc làm.
Trong thời gian tranh cử tổng thống Pháp, ứng cử viên Francois Hollande và Nicolas Sarkozy đã xác định hạn chế tình trạng nhập cư, nhất là nhập cư trái phép có ý nghĩa quan trọng sống còn trong bối cảnh và điều kiện kinh tế hiện nay.
Tuy nhiên, những chiến dịch tranh cử theo cùng với việc quảng bá chính sách hạn chế nhập cư một cách quá rầm rộ đã làm dấy lên sự phản đối của người dân. Họ cho rằng, nước Pháp đang phải đối mặt với tình trạng phân biệt chủng tộc và miệt thị dân nhập cư.

Hạn chế thất nghiệp và thất thoát trong nước

Đứng trước những vấn đề kinh tế vô cùng nan giải cộng với tình trạng thất nghiệp ở mức báo động, Liên minh châu Âu buộc phải đưa ra những chính sách mới để khắc phục tình hình. Tại khu vực, sự bất bình đẳng về kinh tế là một vấn đề nổi cộm mà theo nhiều quan chức thì nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng nhập cư một cách ồ ạt vào thị trường này.
Tình trạng thất nghiệp, nền kinh tế đi xuống, cộng với yêu cầu bức thiết về những giải pháp thắt lưng buộc bụng khiến cho các quốc gia trong khu vực nghĩ đến giải pháp hạn chế lượng nhập cư. Ngay từ 2010, nhiều đề xuất đã được đưa ra nhưng để có một chính sách mang tính đồng bộ và phù hợp với tất cả các nước thì không phải là điều dễ dàng.
Các nước trong khu vực trong đó Đức đều đã đưa ra giải pháp cho chính mình. Cuối năm 2010, Đức quyết định giảm hạn mức lao động nhập cư có tay nghề. Bên cạnh đó họ cũng đặt ra tiêu chuẩn cao hơn đối với những lao động sắp nhập cư về trình độ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp... Luật mới cũng có những quy định khắt khe hơn về hôn nhân nhập cư cũng như hạn chế tình trạng “đoàn tụ gia đình” đã diễn ra khá phổ biến tại Đức.

Nguyên nhân của quyết định này là do trong thời gian qua, nước này cũng như các quốc gia khác trong khu vực phải đối mặt với những khoản thất thoát lớn trong tài chính chính phủ cho lĩnh vực phúc lợi xã hội. Bên cạnh đó, yêu cầu bức thiết được đặt ra là giải quyết công ăn việc làm cho người dân bản địa khi mà tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua. Và theo đó, giải pháp này được cho là một phần quan trọng trong nỗ lực khắc phục khó khăn.
Tính cho đến nay, việc siết chặt luật nhập cư đã mang lại những kết quả nhất định. Tuy nhiên, có không ít ý kiến trái chiều về tác động của luật mới. Họ cho rằng, nền kinh tế Đức cũng như một số nước khác đang ngày càng phụ thuộc vào tiềm lực con người từ bên ngoài. Và quyết định này chẳng khác nào việc họ khước từ những cơ hội để ổn định và phát triển kinh tế./Vietinfo

Không có nhận xét nào: