Pages

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Nhiều học giả Trung Quốc: “Đường lưỡi bò” không có thật

Trong khi giới tướng lĩnh “diều hâu” cứ leo thang gây hấn, đòi thực hiện chủ quyền trên biển Đông dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn”(“đường lưỡi bò”) thì nhiều học giả Trung Quốc vạch rõ con đường tự vẽ trên giấy này vô căn cứ.


Một tàu cá Việt Nam bị tàu tuần tra Trung Quốc (trái) áp sát ở quần đảo Hoàng Sa - Ảnh: THX

Điều này có thể thấy rõ tại hội thảo “Chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” do Viện Nghiên cứu kinh tế và báo mạng Tân Lãng (sina.com.cn), Trung Quốc tổ chức vào tháng 6/2012. Tại hội thảo này, một số học giả nổi tiếng của Trung Quốc đã gióng lên những tiếng nói tỉnh táo, biết tôn trọng lẽ phải và sự thật.

Giáo sư Thịnh Hồng thuộc ĐH Sơn Đông thừa nhận một thực tế: quan điểm về chủ quyền lãnh thổ của người Trung Quốc là có “lệch lạc”. “Chúng ta không nên chỉ nghĩ lợi ích cho mình mà cần phải quan tâm đến lợi ích của toàn thể thế giới bằng cách tuân thủ các quy tắc quốc tế” - giáo sư Thịnh Hồng nhấn mạnh.

Không có chứng cớ

Giáo sư Lý Lệnh Hoa thuộc Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc cho biết rất nhiều học giả Trung Quốc từng khẳng định “đường chín đoạn” là bản đồ không có thật bởi theo ông, “đường chín đoạn” này do Trung Quốc tự vẽ ra, không hề có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng không có chứng cứ pháp lý.

Giáo sư Lý nhấn mạnh trong tranh chấp trên biển Đông, Trung Quốc luôn thiếu chứng cứ. Dẫn chứng: Bắc Kinh luôn tuyên bố Trung Quốc “có chủ quyền không thể tranh cãi” đối với bãi cạn Scarborough nhưng lại không đưa ra được bất kỳ bằng chứng cụ thể nào.

“Năm 1947, Trung Quốc đưa bãi cạn Scarborough vào đường chín đoạn, song không đưa ra được con số cụ thể về diện tích bãi cạn này. Trong khi đó, nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Kiểu lập luận này của Trung Quốc là khập khiễng và áp đặt, không thấu tình đạt lý và Philippines lên tiếng về chủ quyền là chuyện đương nhiên” - giáo sư Lý nói.

Do vậy, theo ông, “đường chín đoạn” chỉ do Trung Quốc đơn phương đưa ra mà không được quốc gia nào thừa nhận. “Khi vẽ đường ranh giới trên biển, chúng ta cần căn cứ theo quy tắc quốc tế, không thể nói căn cứ vào lịch sử, tình trạng giàu nghèo, nhân khẩu của đất nước. Đó không phải là chứng cứ” - giáo sư Lý phân tích.

Trong khi đó, sách giáo khoa Trung Quốc luôn khẳng định đây là vùng biển của Trung Quốc, vô hình trung cung cấp thông tin sai lệch cho người dân. Trong khi đó, một số tờ báo lớn như Thời Báo Hoàn Cầu lại luôn đưa tin về biển Đông một cách thiên lệch, kích động, khuynh loát dư luận, cứ động một chút là đòi “động binh đánh người”.

Ông kiến nghị cần phải giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS), tuyệt đối không sử dụng vũ lực. Trung Quốc cần căn cứ vào UNCLOS để vẽ lại bản đồ biển đảo. “Trung Quốc không thể sử dụng “đường chín đoạn” như hiện nay để tuyên bố chủ quyền” - giáo sư Lý nhấn mạnh. Các nước ven biển Đông cần vạch rõ khu vực đặc quyền kinh tế trước rồi mới tính đến chuyện khai thác chung.

Là người chứ không phải là thú

Cũng đề cập “đường chín đoạn”, giáo sư Thời Đoạn Hoằng thuộc ĐH Nhân dân Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đang đánh lận con đen về đường này. “Toàn bộ biển Đông thuộc về Trung Quốc ư? Gần đây báo chí chúng ta cũng lập lờ về vấn đề này. Nếu nói toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc thì cả thế giới sẽ không chấp nhận đâu” - ông nhấn mạnh.

Từ góc độ một triết lý nhân sinh rất phải đạo, giáo sư Hà Quang Hộ, Viện triết học thuộc ĐH Nhân dân Trung Quốc, nhập đề: “Là người phải có nhân tính. Chúng ta đều là con người chứ không phải loài dã thú sống trong rừng sâu. Trong quan hệ giữa người với người, chúng ta phải tính đến lợi ích của người khác”. Đề cập vấn đề biển Đông, ông vạch rõ: “Nhìn vào bản đồ “đường chín đoạn” do chúng ta vẽ, người dân các nước sẽ phản ứng. Bởi nếu theo cái gọi là “đường chín đoạn” thì đường giới tuyến trên biển của Trung Quốc sẽ liếm tới đường bờ biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Tôi không tin các quốc gia khu vực sẽ chấp nhận bản đồ này. Nếu biển Đông bị vẽ thành một đường biển quốc nội như thế thì các nước có tuyến vận tải đi ngang biển Đông cũng không thể chấp nhận”.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên các học giả Trung Quốc lên tiếng nói cảnh tỉnh của mình đối với chính quyền và dư luận Trung Quốc. Vào tháng 6/2011, họ cũng đã nêu lên các ý kiến tương tự. Lần đó, giáo sư Lưu Giang Vĩnh thuộc ĐH Thanh Hoa đã nêu rõ Trung Quốc cần tuân thủ nguyên tắc “cùng hợp tác và phát triển”. Học giả Ngô Sĩ Tồn nhấn mạnh Trung Quốc phải giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Nhà nghiên cứu Tiết Lực thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đã cảnh báo nếu sử dụng vũ lực trên biển Đông, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với sức ép to lớn từ cộng đồng quốc tế và như vậy, Trung Quốc đang tự tay hủy hoại môi trường thuận lợi và những cơ hội chiến lược để phát triển đất nước.

Theo Mỹ Loan-Sơn Hà

Không có nhận xét nào: