Pages

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Đội tàu cá Trung Quốc đến Trường Sa, bất chấp phản đối của Việt Nam


Trung Quốc đưa tàu ngư chính đến Trường Sa
Trung Quốc đưa tàu ngư chính đến Trường Sa
REUTERS/Stringer

Thanh Phương
Theo Tân Hoa Xã, tối ngày 15/07/2012, đội tàu cá Trung Quốc gồm 30 chiếc, xuất phát từ tỉnh Hải Nam cách đây 4 ngày, đã đến vùng biển quần đảo Trường Sa. Tân Hoa Xã cho biết đây là đội tàu cá có quy mô lớn nhất của Hải Nam đến Trường Sa từ trước đến nay. Đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố việc 30 tàu cá Trung Quốc tới quần đảo Trường Sa là « hành động phi pháp ».

Dự kiến đội tàu này sẽ ở lại vùng biển gần đảo Bãi Đá Chữ Thập của Việt Nam ( Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Thử ), để đánh bắt cá từ 5 đến 10 ngày. Cũng theo Tân Hoa Xã, tàu tuần tra ngư nghiệp mang tên Ngư Chính 310 đã tới khu vực trên để bảo vệ hoạt động của đội tàu cá Trung Quốc.
Hãng tin chính thức của Bắc Kinh khẳng định quần đảo Trường Sa ( mà họ gọi là Nam Sa ) nằm trong phạm vi quản lý hành chính của thành phố Tam Sa, thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
Ngày 13/07/2012 sau khi nghe tin đội tàu xuất phát từ tỉnh Hải Nam, Đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố việc 30 tàu cá Trung Quốc tới quần đảo Trường Sa là « hành động phi pháp ». Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc « giáo dục, hướng dẫn ngư dân tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế ».
Trước đó, bốn tàu hải giám của Trung Quốc cũng đã tiến vào Trường Sa, thuộc khu vực bãi đá Châu Viên và đá Chữ Thập của Việt Nam. Truyền thông Trung Quốc còn loan tin cho rằng tàu của họ đã đuổi tàu của Việt Nam, tuy nhiên báo chí chính thức của Việt Nam đã bác bỏ tin này.
Luật Biển Việt Nam
Luật Biển này vừa được Văn phòng Chủ tịch Nước chính thức công bố trong cuộc họp báo chiều ngày 16/07/2012 tại Hà Nội. Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương và 55 điều và có hiệu lực từ ngày 01/01/2013.
Ông Sơn nhấn mạnh mục đích của việc xây dựng Luật Biển Việt Nam là để « hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam ».

Không có nhận xét nào: