Pages

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Thế tiến thoái lưỡng nan của Việt Nam tại biển Đông


Vùng Tư Chính – Vũng Mây mà TQ cấp giấy phép cho công ty Crestone của Hoa Kỳ khai thác là nằm trên thềm lục địa của Việt Nam
Trương Nhân Tuấn

Lịch sử thường lặp lại, nếu ta không thuộc lịch sử. Việc Trung Quốc cho gọi thầu khai thác 9 lô trên thềm lục địa của Việt Nam mới đây là lịch sử lặp lại. Năm 1992 Trung Quốc đã ký giấp phép cho công ty Crestone của Hoa Kỳ khai thác vùng Tư Chính, nằm trên thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 200km, mà phía Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc. Ngày hôm nay Trung Quốc soạn lại bổn cũ, với cường độ mạnh hơn nhiều lần.
 Đó là việc cho đấu thầu khai thác 9 lô trên thềm lục địa Việt Nam, trải dài từ vùng biển Phú Khánh (Trung Quốc gọi là Trung Kiến Nam) cho đến các bãi Tư Chính và Vũng Mây (Trung Quốc gọi là Vạn An và Nam Vi Tây), là các bãi trầm tích ở độ sâu khoảng 300m, cách bờ biển Việt Nam khoảng 50km, có diện tích lên tới 160.000Km², tức bằng ½ diện tích nước Việt Nam. Đây là một hành động “bán lúa trên ruộng người hàng xóm”. Vấn đề là phía Việt Nam vẫn không có một phương cách nào để giải quyết thỏa đáng trước thái độ xấc láo của người láng giềng lưu manh. Việc kiện công ty Crestone của Hoa Kỳ ở bãi Tư Chính đầu thập niên 90 hoàn toàn không nhằm vào Trung Quốc, mà nhằm vào công ty Crestone của Hoa Kỳ. Đây không phải là lối giải quyết dứt khoát, tận gốc rễ. Nếu việc gọi thầu của Trung Quốc hôm nay được các công ty, thí dụ của Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ, Indonesia hay các công ty thuộc các xứ Tây Âu… hưởng ứng thì thái độ của Việt Nam sẽ ra sao? Không lẽ lần nữa phải kiện các công ty tham gia ra tòa án của nước đó?
ban-do-9-lo-dk.jpg9 lô mà Trung Quốc mời thầu là nằm sâu trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Trong khi đó, ngư dân của Việt Nam mỗi khi ra biển thì bị tàu hải giám của Trung Quốc bắt bớ đòi tiền chuộc, tịch thâu tàu bè cùng các ngư cụ. Mặt khác, Trung Quốc cho ngư dân của họ, đồng lúc vài chục chiếc thuyền cá, xâm phạm vào vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Trong lúc viết những dòng chữ này, đội ngư thuyền của Trung Quốc vẫn còn đang đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa. Đến nay không thấy Việt Nam có phương thức nào để chống lại, ngoại trừ các việc lên tiếng phản đối hay tuyên bố khẳng định chủ quyền.
Từ nhiều năm trước, tác giả bài này đã viết những bài cảnh báo chiến lược bành trướng của Trung Quốc qua các bài viết khác nhau. Các nhận định này đến nay đã được kiểm chứng. Lịch sử lặp lại hôm nay cho thấy thất bại cay đắng chính sách về biển Đông của nhà nước Việt Nam. Cũng không thấy tác phẩm nào của học giả Việt Nam đưa ra, trong thời gian qua, một cái nhìn xuyên suốt vấn đề cùng với một đề nghị giải quyết khả thi. Tác phẩm, bài viết nghiên cứu thì nhiều nhưng hầu hết chỉ nói lại những điều người khác đã nói hay chỉ nói những điều lãnh đạo muốn nói. “Học giả” Việt Nam dường như chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền cho chính sách của đảng lãnh đạo, hay làm đẹp lòng lãnh đạo, chứ không quan tâm đến vấn đề khoa học, học thuật hay bày tỏ ý kiến của riêng mình. Hậu quả đương nhiên Việt Nam đã đi vào ngõ cụt. Cái họa lớn là lãnh đạo đã đi sai đường, người dân thì nhắm mắt đi theo con đường sai ấy, trong khi các học giả là người vỗ tay làm nhịp cho người dân đi theo.
Nguyên nhân sai lầm đến từ các điểm sau đây:
1/ Nhà nước CSVN không dám đối mặt với sự thật, cùng với thái độ “đà điểu” của học giả Việt Nam, đưa đến việc không nghiên cứu nghiêm túc về một giải pháp hóa giải hiệu lực các tuyên bố đơn phương cũng như các thái độ mặc nhiên đồng thuận của các nhà nước CSVN từ 1945 cho đến 1977 về chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.
2/ Quan niệm của lãnh đạo Việt Nam cho rằng vùng biển Trường Sa có tranh chấp với Trung Quốc.
Dựa trên những bằng chứng do nhà nước CSVN cung cấp từ nhiều thập niên qua về chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa, phía Trung Quốc biểu lộ lập trường cứng rắn tại biển Đông, lên tiếng đòi hỏi nhà nước CSVN giữ lời hứa. Trước thái độ quyết tâm của Trung Quốc (có thể dùng đến vũ lực để ép nhà nước CSVN giữ lời hứa), nhà nước CSVN (và các học giả Việt Nam) dựa trên hai lý lẽ để phản biện lại Trung Quốc:
1/ các đảo Hoàng Sa và Trường Sa quá nhỏ, không thích nghi cho người sinh sống, do đó không có hiệu lực ZEE
2/ Dựa lên lý lẽ ở 1/, hoạch định các vùng biển “tranh chấp”, (tính từ bờ trên đất liền), với các nước chung quanh.
Chủ trương này cho thấy đã thất bại.
Bởi vì, 1/ khi đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và TS, dĩ nhiên Trung Quốc áp dụng hiệu lực tối đa của Luật quốc tế về Biển. Trung Quốc có đủ sức mạnh để ép Việt Nam chấp nhận “vùng nước” đến từ hiệu lực các đảo, chiếu theo Luật quốc tế về Biển. 2/ Khi đã công nhận Trung Quốc có tranh chấp ở vùng biển Trường Sa, là đã chấp nhận đòi hỏi của Trung Quốc tại khu vực Trường Sa là chính đáng, thì phải “khoanh vùng tranh chấp” với Trung Quốc ở vùng biển Trường Sa. Hành động gọi thầu 9 lô trên thềm lục địa Việt Nam cho thấy Trung Quốc đã “khoanh vùng” của họ.
Lý ra, muốn giải quyết vấn đề tận gốc, là phải triệt tiêu tất cả những lý lẽ mà phía Trung Quốc đang dựa lên đó. Ở đây là các tuyên bố đơn phương của nhà nước CSVN từ 1945 đến 1977 về chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa như công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, các bài báo đăng trên Nhân Dân…, hoặc các thái độ mặc nhiên đồng thuận, như thái độ im lặng tháng giêng năm 1974 về tuyên bố của Trung Quốc hay thái độ im lặng khi Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa tháng hai năm 1974. Mặt khác, nhà nước Việt Nam còn phải thiết lập một cơ sở lý luận vững chắc, dựa trên di sản của VNCH, thông qua thủ tục kế thừa, để đưa việc tranh chấp ra một tòa án, hay một trọng tài phân giải. Thực hiện thế nào thì người viết đã nói qua. Trọng tâm là ở các vấn đề “hòa giải dân tộc” và “dân chủ hóa” chế độ.
Đến hôm nay, tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trước thái độ “xâm lăng”, nếu không là “ăn cướp”trắng trợn của Trung Quốc, Việt Nam sẽ không có giải pháp nào khác ngoài việc đưa nội vụ tranh chấp ra một tòa án hay một trọng tài quốc tế. Việt Nam không thể nổ súng trước, việc này sẽ tạo cho Trung Quốc cơ hội để chiếm trọn biển Đông.
Lãnh đạo Việt Nam đã chọn thái độ ngồi yên, chờ bão tố trôi qua. Nhưng ngồi yên thế nào trong khi Trung Quốc đang rêu rao bán lúa trên ruộng của mình?
Những người có ý thức thì bất lực, uất ức nhìn cảnh đất nước phía ngoài thì ngoại xâm, phía trong thì nội thuộc. Hào kiệt như lá mùa thu. Lòng dân thì dửng dưng, sống ngày nào biết ngày ấy, không còn tha thiết vào một việc gì.
Trương Nhân Tuấn
Theo: Dân Luận

Không có nhận xét nào: