Cho nên, ở đây, đặt ra vấn đề là: tại sao người dân, doanh nghiệp phải trả tiền điện cho cả những lỗi về quản lý yếu kém của lãnh đạo EVN?
SGTT.VN – Như tin đã đưa, từ cuối tuần trước, bộ Công thương đã ban hành thông tư số 17/2012/TT-BCT quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện. Theo đó, kể từ ngày 1.7.2012, giá bán điện bình quân là 1.369 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 65 đồng/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.304 đồng/kWh).
Đợt điều chỉnh tăng giá điện lần này có thể coi là khá bất ngờ, dù đó là sự bất ngờ có tính toán (nhằm đúng lúc chỉ số giá tiêu dùng âm), bởi trước đó chỉ khoảng một tháng, khi có một số tờ báo đưa tin có khả năng điều chỉnh giá điện thì lãnh đạo tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn lên tiếng phủ nhận là chưa có đề xuất gì. Cho nên, việc công bố giá điện tăng lần này, vào buổi tối và gần ngày cuối tuần và không có tổ chức họp báo của cả bộ Công thương và EVN, rõ ràng, đã có sự chuẩn bị khá lâu từ trước đó. Bởi ai cũng biết, để việc điều chỉnh tăng giá điện được thực hiện sẽ phải qua rất nhiều khâu: tính toán mức tăng, các thông số đầu vào, lập tờ trình, đánh giá tác động đối với các nhóm đối tượng rồi trình qua ít nhất hai bộ là bộ Công thương và bộ Tài chính thẩm định; rồi họp hành qua lại, trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ… thông thường cũng mất ít nhất 1 – 2 tháng.
Đây là đợt tăng giá điện đầu tiên của năm 2012 và có khả năng giá điện sẽ điều chỉnh một đợt nữa vào cuối năm – giống như năm 2011. EVN đã chọn cách chia nhỏ – một năm tăng vài lần thay cho cách các năm trước đây mỗi năm chỉ tăng một lần (thường sẽ tăng mạnh hơn, ít nhất 9 – 10%, dễ gây sốc), để mỗi lần tăng giá không quá 5%, bộ Công thương quyết định cho nhanh, cho dễ (tăng trên 5%, theo quy định, sẽ do Thủ tướng quyết định). Nhưng mỗi lần tăng, cái 5% của lần tăng sau sẽ không còn giống như 5% của lần tăng trước. Trong thông cáo báo chí phát đi, EVN cho biết, nhờ vào việc tăng giá đợt này, đến hết năm nay, EVN sẽ tăng thêm doanh thu 3.710 tỉ đồng. Số tiền này được sử dụng để bù đắp cho tăng giá than và một phần các chi phí còn treo của các năm trước. Như vậy, thực chất của việc điều chỉnh tăng giá điện lần này và cả những lần điều chỉnh sau sẽ nhằm giúp EVN giải quyết số lỗ khổng lồ từ mấy năm trước cộng dồn lại (tính đến hết năm 2011 là trên 30.000 tỉ đồng). Còn nếu chỉ tính riêng cho năm nay, có lẽ EVN đã không cần tăng giá điện. Bởi tình hình lượng nước về các hồ chứa thuỷ điện có những dấu hiệu khả quan. Và thông thường như mọi năm, khi huy động sản lượng cao từ thuỷ điện, thì ai cũng biết, EVN chỉ có lãi chứ không lỗ.
Trong số lỗ hơn 30.000 tỉ đồng đó, cũng có một số nguyên nhân khách quan như có năm, nước về ít, tiêu thụ điện tăng cao, EVN phải huy động các nguồn điện chạy dầu lớn, với giá cao nên thua lỗ; do tỷ giá biến động… Nhưng, trong con số lỗ khổng lồ đó, cũng có nguyên nhân về điều hành yếu kém như việc để cho công ty EVN Telecom làm ăn kém hiệu quả. Về việc này, hiện nay, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên của EVN đã bị Thủ tướng cho thôi chức chủ tịch, ngồi chờ bố trí việc mới tại bộ Công thương và một loạt cán bộ lãnh đạo của EVN đã phải làm kiểm điểm trách nhiệm từ tháng 2.2012 và vẫn đang chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý. Cho nên, ở đây, đặt ra vấn đề là: tại sao người dân, doanh nghiệp phải trả tiền điện cho cả những lỗi về quản lý yếu kém của lãnh đạo EVN?
Dù buộc phải chi thêm tiền, nhưng những người đóng tiền điện cho EVN trong dịp này cũng phải có quyền đòi hỏi phải chấn chỉnh, xử lý mọi yếu kém, sai phạm tại EVN, để những kém cỏi, thậm chí là cả những tiêu cực trong quản lý, điều hành ấy, không tiếp tục gây lên những con số thua lỗ, thất thoát vô lý – để rồi người dân, doanh nghiệp tiếp tục phải è lưng ra trả tiền điện. |
EVN nói rằng, đợt điều chỉnh giá điện lần này “có tác động với mức độ tác động không lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân”. Để chứng minh điều này, EVN đưa ra phép tính: các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường 100 kWh/tháng tăng chỉ 4.200 đồng/tháng, sử dụng 150 kWh/tháng tăng chi 8.600 đồng/tháng, sử dụng 200 kWh/tháng tăng chi 14.050 đồng/tháng… Nhưng đó chỉ là cách tính kiểu “EVN”. Ai cũng biết rằng, điện là một chi phí đầu vào lớn của nhiều ngành sản xuất khác: nước sạch, ximăng, thép… nên, một khi giá điện tăng, giá nhiều sản phẩm khác tăng theo. Cho nên, với lần điều chỉnh này, tiền trong túi người dân, trong két của doanh nghiệp sẽ vơi đi hàng tháng không phải chỉ là vài chục ngàn đó mà thôi.
Còn về phía cộng đồng doanh nghiệp, trong lúc thị trường vẫn rất ảm đạm, sức mua như đang xuống đáy, hàng tồn kho lớn…, với các đợt tăng giá điện liên tiếp của EVN trong năm 2011, lại thêm đợt tăng giá lần này, thì tuy mỗi lần chỉ là 5%, nhưng nó vẫn là những cú sốc mạnh mẽ, khiến đa phần lãnh đạo doanh nghiệp ngành khác, khi được hỏi về tác động tăng giá điện đều ngán ngẩm trả lời: sẽ “toi” nhanh hơn!
Số liệu doanh nghiệp thua lỗ, phá sản vẫn không ngừng tăng trong các báo cáo của bộ Tài chính, của phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam… nhưng giá điện vẫn cứ phải tăng, để EVN không “toi” như các doanh nghiệp khác. Cho dù, sự yếu kém trong quản lý của tập đoàn này, hơn mười năm nay, chưa được chấn chỉnh. Trong khi tỷ lệ thất thoát điện năng ở nhiều nước xung quanh hiện chỉ còn 5 – 6% thì tỷ lệ đó ở Việt Nam lại mới tăng lên thành 10%, chưa thấy cách nào giảm. Cho nên, dù buộc phải chi thêm tiền, nhưng những người đóng tiền điện cho EVN cũng phải có quyền đòi hỏi đơn vị độc quyền này phải chấn chỉnh, xử lý mọi yếu kém, sai phạm, để những kém cỏi, thậm chí là cả những tiêu cực trong quản lý, điều hành ấy, không tiếp tục gây lên những con số thua lỗ, thất thoát vô lý, để rồi người dân, doanh nghiệp tiếp tục phải è lưng ra trả tiền điện.
MẠNH QUÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét