Pages

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Trung Quốc : Con hổ giấy ?


Hải quân Trung Quốc tham dự một buổi lễ trước Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 19/07/2012.
Hải quân Trung Quốc tham dự một buổi lễ trước Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 19/07/2012.
REUTERS/Jason Lee

Minh Anh
Hàm hạ sĩ quan giá từ 10 đến 20 ngàn đô-la, tùy theo vị trí. Hàm tướng thì phải cần đến hàng trăm ngàn đô-la. Chuyện « mua quan bán chức » đang hoành hành hầu như công khai ngay trong lòng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa. Theo nhận định của Le Nouvel Observateur, Là cường quốc quân sự thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, quân đội Trung Quốc cũng là một trong những đội quân tham nhũng nhất, vô kỷ luật nhất và thiếu kinh nghiệm nhất.

Theo bài viết, nếu như mức tăng trưởng kinh tế luôn ở mức hai con số, thì ngân sách cho quân đội cũng tăng nhanh với tốc độ đến chóng mặt. Kích cỡ của quân đội giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tăng lên gấp đôi trong vòng 20 năm nay, không những về quân số mà cả về trang thiết bị. Nắm trong tay toàn bộ hệ thống vũ khí tối tân thế hệ mới nhất – chủ yếu được mua từ Nga, giờ đây, Trung Quốc là cường quốc quân sự thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.

Sự lớn mạnh của quân đội Trung quốc khiến cho Lầu Năm Góc phải lo âu. Hoa Kỳ buộc phải định hướng lại chính sách quốc phòng, chuyển từ Trung Đông sang châu Á – Thái Bình Dương. Sự trỗi dậy ngoạn mục ! Giữa những đội quân tơi tả đi chinh phục Bắc Kinh vào năm 1949 và quân đội giải phóng nhân dân trong thế kỷ mới này, theo Le Nouvel Observateur nhận xét, là cả một sự nhảy vọt phi thường. Các tướng lĩnh Trung quốc ngày nay ngày càng có những lời lẽ hiếu chiến. Thế nhưng, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài tỏ ra nghi ngờ về sự rùng mình thay da đổi thịt quá nhanh chóng này, về khả năng thật sự của quân đội Trung Quốc trong việc sử dụng các loại vũ khí tối tân, mua được nhờ vào thặng dư thương mại, và khả năng bảo dưỡng.
Ngược lại, điều làm cho đảng Cộng sản Trung Quốc lo âu nhất chính là nạn tham nhũng. Nhiều hồi chuông báo động đã được gióng lên. Theo tướng Lưu Nguyên, ủy viên chính trị của Tổng cục Hậu cần, quân đội Trung Hoa đang nằm kề miệng vực. Ông nói : « Không một quốc gia nào có thể đánh bại được Trung Quốc và không có gì có thể phá hoại Đảng của chúng ta. Không có gì hết, ngoài trừ nạn tham nhũng : nó có thể dẫn chúng ta đi đến thất bại trước khi viên đạn đầu tiên được bắn ra ».
Lưu Nguyên là vị tướng đầu tiên dám tố cáo công khai những gì mà các đồng sự của ông chí nhìn nhận riêng với nhau. Những lời chỉ trích của tướng Lưu Viên , không phải là những lời nói suông, bởi vì ngay trong chính Tổng cục Hậu cần, ông đã từng « tai nghe mắt thấy » về tệ nạn này.  Ông tố cáo mọi thủ đoạn được sủ dụng trong quân đội : biển thủ công quỹ, lạm dụng chức quyền và công vụ. Thậm chí, có cả đe dọa, âm mưu, đảo chính trong nội bộ. Một số các sĩ quan còn đi xa hơn khi sử dụng đến trò bắt cóc các sĩ quan trung thực của Đảng và cưỡng ép cấp trên phải che chở cho họ. Kể cả mọi cách thức theo kiểu mafia đều được sử dụng ngay trong lòng quân đội. Đối với tướng Lưu Nguyên, công cuộc chống tham nhũng là « vấn đề sống còn ». Bởi vì, ông e sợ sẽ xảy ra trường hợp « bất tuân thượng lệnh » trong trường hợp có chiến tranh.
Le Nouvel Observateur cho biết, bất chấp chiến dịch quét sạch tham nhũng được thực hiện vào năm 2006, trước sau vẫn y như cũ. Các nguồn tài trợ cho quân sự vẫn tiếp tục bị các quan chức đục khoét. Một quan chức ngoại giao mỉa mai nhận xét : « Chưa có một đội quân nào trên thế giới lại có nhiều xe hơi hạng sang như Porsche, siêu xe V8 hay 4x4 đến như thế, và nhất là lại được sử dụng cho mục đích tư ». Đối với một nữ nhà báo, xuất thân từ một gia đình quân đội, « việc này chưa có nghiêm trọng. Mua bán chức tước mới là nghiêm trọng nhất. Hàm sĩ quan có giá từ 10 đến 20 ngàn đô-la. Phải cần đến hàng trăm nghìn đô-la cho hàm tướng. Chúng tôi tự hỏi trong trường hợp có chiến sự, không biết các vị tướng lĩnh con rối này sẽ hành sự như thế nào nữa ».
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia quốc tế, tham nhũng đang thao túng trong lòng quân đội Trung Quốc có thể sẽ gây ra nhiều hậu quả to lớn. Thứ nhất, vi phạm sâu sắc đến chất lượng của các lực lượng quân đội. Thứ hai, cản đường tiến bước của nhiều đối tượng xuất chúng, xuất thân từ những gia đình trung lưu. Tệ hại là nó còn gây ra những mối oán hận và làm suy yếu tinh thần đồng đội. Cuối cùng, nghiêm trọng hơn nữa là tham nhũng khơi màu thói chạy theo lợi nhuận theo dây chuyền, bởi vì để « thu hồi lại vốn đầu tư », họ cần phải bán lại sự ủng hộ cho những cấp thấp hơn. Và nạn mua quan bán chức này có thể leo đến tận cấp tướng sư đoàn, theo như quan sát của một chuyên gia Đài Loan.
May mắn thay là ở những vị trí cao hơn, việc tuyển chọn sẽ gắt gao hơn. Ông Scott Harold, chính trị gia bình luận rằng, ở cấp độ này, cần phải đáp ứng nhiều điều kiện khác nữa. Không chỉ có quen biết rộng mà còn phải có khả năng thật sự. Ở những vị trí cao hơn, việc đề cử sẽ còn nghiêm ngặt hơn là do các nhà lãnh đạo chính trị phải cùng đồng thuận.
Giải thích cho việc vì sao Trung Quốc khó khăn trong việc chống tham nhũng, ông George Friedman, một chính trị gia cho rằng nguyên nhân chính là do cấu trúc thượng tầng. Quân đội Trung Quốc vốn được kiến trúc để bảo vệ quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc chứ không phải để dấn thân ra ngoài. Nhiệm vụ hàng đầu của quân đội chỉ là để bảo vệ an ninh trong nước, theo như nhận định của một nhà chính trị học Trung Quốc xin giấu tên.
Ông nói : « Do vậy, quân đội không chịu trách nhiệm trước công lý về các thủ đoạn vặt vãnh của họ, nơi dẫn đến một loạt các vụ sa ngã khác nhau. Họ cũng không cần phải là con át chủ bài trong chiến lược hoặc trong cấu trúc chỉ huy, cũng như việc không cần phải thích hợp với nhiều vũ khí khác nhau…. Việc này không khuyến khích cho sự phát triển một quân đội chuyên nghiệp. Hiện tượng này vẫn duy trì mặt " ăn bám" và "suy tàn ".
Nhận định được một chuyên gia châu Âu về quốc phòng đồng chia sẻ. Ông này nhắc lại chính việc thiếu kinh nghiệm tác chiến đáng kể của quân đội, mà Trung Quốc đã gặp thất bại chua xót trong cuộc chiến biên giới cuối cùng với Việt Nam vào năm 1979.

Nhiều thành phố tại Trung Quốc vẫn khát nước sạch

Cũng tại Trung Quốc, tờ tuần san Tân Thế kỷ, Quảng Đông có bài báo động về việc các trạm xử lý nước cung cấp nước bẩn cho người tiêu thụ. Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh vẫn cố tình che dấu sự thật.
« Tại Trung Quốc, các thành phố vẫn khát nước sạch » là tít bài viết, do tuần san Courrier International trích dịch lại. Bắc Kinh công bố « 83,4% mẫu nước được lấy trong những năm gần đây trên toàn cả nước đều tuân thủ theo tiêu chuẩn » vệ sinh và an toàn nước sạch tại các khu đô thị.
Thế nhưng, tờ Tân Thế Kỷ lại cho rằng, số liệu đưa ra được dựa trên hơn 2.000 mẫu nước được lấy và chỉ giới hạn tại các thành phố lớn, gạt ra ngoài các trạm cung cấp nước cho các khu đô thị vừa và nhỏ.
Theo giải thích của ông Tống Lan Hiệp, kỹ sư chính tại Trung tâm giám sát chất lượng nước sạch tại các khu đô thị, trực thuộc Bộ Nhà ở và Xây dựng, « tại Trung Quốc, các vấn đề tại các nhà máy xử lý nước cũng nhiều vô số kể như các thành phố nhỏ ».

Ông cho biết, trong một điều tra thực hiện vào năm 2009, trong 4.000 trạm cung cấp nướcđược xét nghiệm, có đến 1.000 trạm cung cấp nước không đúng chuẩn ». Đáng ngại nhất là bên cạnh các nhà máy xử lý nước lớn, lại có quá nhiều trạm cung cấp nước nhỏ trong các vùng nông thôn, được trang bị rất nghèo nàn, lạc hậu. Các kênh truyền thông chính thức đều cho rằng hơn 70% nguồn nước cung cấp cho các thành phố đều tuân theo chuẩn mực về « chất lượng môi trường nước bề mặt ».
Theo giải thích của tờ Tân Thiên Kỷ, các nguồn nước được xếp theo 5 hạng : hai hạng đầu được cho là nước có thể uống được ; từ hạng thứ ba trở đi được xếp là nước không sạch cho việc tiêu dùng.
Như vậy, việc gộp chung cả mức thứ ba vào bảng thống kê đã cho phép Bộ Bảo vệ Môi trường đạt được con số 70%. Về phần mình, ông Tống Lan Hiệp ước tính chỉ có khoảng 50% nguồn nước cung cấp cho các đô thị là đạt chuẩn.

Cũng theo viên kỹ sư này, tình trạng ô nhiễm nước ngày càng có chiều hướng xấu đi, nhất là kể từ năm 2006. Trước đây, ô nhiễm bắt nguồn từ các vi trùng. Ngày nay, nước bị ô nhiễm nước chủ yếu từ các hợp chất hữu cơ hòa tan trong nước và các ion kim loại nặng.
Sự phát triển vũ bão của ngành công nghiệp đã làm cho nguồn nước bề mặt bị ô nhiễm nặng. Theo nhận định của một chuyên gia, « người ta có thể tìm thấy trong nước tất cả những gì được sản xuất tại các nhà máy : các dòng nước trở thành nơi chứa rác hóa học ».
Ai Cập : Vị Tổng thống ma
Từ một tháng nay, chính trường Ai Cập vẫn tiếp tục sôi động. « Ai Cập : Vị Tổng thống ma » là nhận xét của tờ Le Nouvel Observateur về vị tổng thống tân cử Mohamed Morsi. Bởi vì, một tháng sau khi giành chiến thắng trong đợt bầu cử tổng thống, ông Morsi, theo phe Hồi giáo, vẫn bị phe quân đội kìm chân.
Vừa đắc cử, ông Morsi đã bị dồn vào ngay chân tường. Hơn bao giờ hết, ông cũng bị sa lầy trong cuộc khủng hoảng chính trị và thể chế đang diễn ra tại Ai Cập. Khó khăn lắm, ông mới thành lập được một liên minh chính phủ. Bởi vì, không dễ gì đạt được một sự đồng thuận tối thiểu từ phe chiếm đa số là những người Hồi giáo Salafi cho đến những người cách mạng là phe tả tự do. Nhất là, theo nhận xét của một nhà chính trị học, « trong bối cảnh kinh tế và chính trị thảm hại như hiện nay, xác suất thất bại là rất cao. Do đó, việc có rất ít người muốn nhúng mũi vào là lẽ hợp lý ».
Phạm vi hoạt động của ông Morsi đã bị thu hẹp đến mức ông không tài nào hồi phục lại được Quốc hội, do đa số phe Hồi giáo chiếm đa số. Tòa án Hiến pháp tối cao đã hủy bỏ kết quả bầu cử của ngày 14/6 và cho giải tán Quốc hội. Đồng thời, tạm giao quyền điều hành cơ quan lập pháp này lại cho Hội đồng quân sự Tối cao.
Nếu như một số người xem phán quyết này như là một quyết định mang tính chất pháp lý, số khác lại nhìn thấy có động cơ chính trị nhằm làm suy yếu vai trò tổng thống. Hội đồng quân sự Tối cao tạm nắm quyền điều hành Cơ quan lập pháp.
Để phá vỡ hình ảnh « vị Tổng thống kiểng », ông Morsi đã cố thử sức khi cho ban hành một thông tư,quyết định hồi phục lại Quốc hội cho đến khi diễn ra đợt bầu cử mới. Nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington và chơi lá bài tính hợp pháp , ông Mohamed Morsi tin có thể tận dụng lỗ hổng tư pháp để lật ngược thế cờ.
Thế nhưng, ông đã thua trong ván bài này. Hai ngày sau, Tòa án Hiến pháp Tối cao đã hủy sắc lệnh Tổng thống và một lần nữa, ông Morsi buộc phải chịu thua. Mặt khác, phản ứng này của ông Morsi cũng không nhận được sự ủng hộ tuyệt đối ngay trong chính phe của ông. Nhiều gương mặt cách mạng, dù chỉ trích Hội đồng quân sự Tối cao rất mạnh mẽ, đã xem việc này là một « tấn công chống lại tư pháp ».
Theo nhận định của Le Nouvel Observateur, thiếu tinh thần cách mạng và nỗi lo sợ về một Nhà nước do phe Hồi giáo Huynh đệ thống lĩnh hoàn toàn là các yếu tố chính được dùng để chống lại ông Morsi. Một vị thẩm phán Ai Cập cho rằng « có nguy cơ phe Huynh đệ Hồi giáo tìm cách phá hủy cấu trúc thể chế để thực hiện một Nhà nước tương tự nhưng dựa vào các mạng lưới của hội. Nếu Mohamed Morsi tấn công vào tuyên bố Hiến pháp của Hội đồng quân sự Tối cao hay như đưa vấn đề kinh tế cấp bách lên hàng đầu, đòi hỏi phải có toàn quyền, thì chiều hướng có lẽ sẽ khác đi. Do tấn công Tòa án Tối cao, ông ta đã tạo cho người khác cảm giác là đang bảo vệ quyền lợi của phe Huynh đệ Hồi giáo ».

Không có nhận xét nào: