Ảnh minh họa (Nguồn: internet) |
Như chuyên gia các vấn đề quốc tế Jean Vadime nhận xét trên tạp chí “Tin Trung Hoa”, với giọng điệu rõ ràng khác hẳn với lối nói mập mờ rập khuôn trong những năm gần đây khi nói về một số nhà lãnh đạo cao cấp bị thất sủng, thông tin của Tân Hoa xã, rõ ràng được chỉ đạo từ Bắc Kinh, không che giấu được một sự thật: bản án dành cho Bạc Hy Lai và vợ ông là Cốc Khai Lai cho thấy cuộc đấu đá quyết liệt và không thương tiếc giữa các phe phái trước thềm Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong khi Trần Hy Đồng (bị kết án 16 năm tù vào năm 1996 và được trả tự do vào năm 2006) và Trần Lương Vũ (bị kết án 18 năm tù vào năm 2008) bị trừng phạt vì tội tham nhũng, sai lầm nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ và cách hành xử làm ô danh, danh sách tội danh của cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, được Tân Hoa xã công bố, khiến người khác phải kinh ngạc vì độ chính xác và quy mô của nó.
Bản cáo trạng đó không những làm mất uy tín một chính khách từng đứng trên pháp luật và Đảng, mà còn là một phát súng cảnh cáo đối với những người, dù là dân thường hay Đảng viên, có thể vẫn còn ủng hộ ông ta. Bản cáo trạng đó cũng là một ý đồ công khai, mặc dù không chắc có hiệu quả, nhằm tô điểm lại hình ảnh đã bị lu mờ của xã hội Trung Quốc, bằng cách chặt bỏ một thành phần đã bị hoại tử, trước thềm một Đại hội có tính cốt tử của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà ban lãnh đạo Đảng hiện nay muốn trở thành mẫu mực. Bản cáo trạng đối với Bạc Hy Lai cũng là hành động tấn công hợp lệ nhằm vào Chu Vĩnh Khang, người đứng đầu bộ máy an ninh và trào lưu bảo thủ mà ông là đại diện, và Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư, người trở lại hoạt động sau cảnh báo nghiêm trọng về vấn đề sức khỏe. Cả hai đều là những người hỗ trợ chính đối với Bạc Hy Lai và đều tác động vào hệ thống chính trị để giúp cựu Bí thư Trùng Khánh được hưởng khoan hồng.
Nhưng điều đặc biệt là bản cáo trạng là một giai thoại nữa về cuộc chiến giữa những người núp trong bóng tối hay đứng giữa ánh sáng ban ngày để vần tảng đá của Sisyphe (vua truyền thuyết của vừng Corinthe ở Hy Lạp, nổi tiếng với những tội ác mà ông ta đã phạm, và ở dưới địa ngục bị kết án phải vần một tảng đá lớn từ chân lên đỉnh núi, nhưng không thể làm được-TTXVN) nhằm làm sáng tỏ và ổn định các thể chế chính trị Trung Quốc, loại trừ tệ nạn tham nhũng, tình trạng coi thường pháp luật và bất công, ủng hộ một hệ thống tư pháp độc lập và một chính quyền được kiểm soát bởi cơ quan dân cử địa phương.
Hình ảnh về mối quan hệ giữa một bên là bộ máy lãnh đạo và bên kia là đất nước và xã hội tuy được cải thiện và những lời phê phán độc tài bớt dần trong viễn cảnh thực tế chính trị từ năm 1989, song sức nặng của phái bảo thủ, vốn là chỗ dựa chính của giới đầu nậu hưởng nhiều bổng lộc nhờ liên kết với giới kinh doanh, vẫn còn rất đáng kể. Điều đó cho thấy sẽ nổ ra các trận chiến quyết liệt trong nội bộ trong những năm tới.
Ngay sau khi cái chết chính trị của Bạc Hy Lai được công bố – vì ông ta đang nằm trong tay pháp luật và các đồng đội cũ và mất hết khả năng chống đỡ đặc biệt – Đảng thông báo thời gian tổ chức Đại hội 18 vào ngày 8/11, tức nhiều tuần lễ sau thời gian được dự kiến trước đó. Tuy nhiên, không phải vì thế mà dẹp được những lời thêu dệt của giới quan sát về tình trạng kình địch trong nội bộ dẫn tới sự chậm trễ nói trên. Những sự việc diễn ra từ vài tháng nay có thể cho thấy một số yếu tố chủ chốt về vấn đề này.
Nhưng chưa đầy một tháng sau lại nổ ra vụ bê bối Lệnh Kế Hoạch, một người thân cận của Hồ Cẩm Đào, bị cách chức Chủ nhiệm văn phòng Trung ương Đảng và bị loại ra khỏi danh sách các ứng cử viên tiềm năng vào Thường vụ Bộ Chính trị. Cùng lúc đó, tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” tung ra một số thông tin, được chỉ đạo từ Bắc Kinh, cho biết vụ tai nạn do chiếc Ferrari đen gây ra làm ba người chết ngày 18/3/2012 ở đường vành đai số 4 tại Bắc Kinh, là do con trai của Lệnh Kế Hoạch gây ra và anh ta đã chết trong vụ tai nạn nói trên. Để tăng độ hấp dẫn, thông tin được rò rỉ có tổ chức nói rõ danh tính lái xe trước đó bị che giấu theo lệnh của Bắc Kinh và bản thân Giang Trạch Dân dường như cũng đích thân can thiệp để thúc ép Đảng nhanh chóng trừng phạt Lệnh Kế Hoạch.
Trong khi việc Hồ cẩm Đào không tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc cho thấy tình hình căng thẳng trong nội bộ trước Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, vụ đánh trả diễn ra dưới dạng kết tội Bạc Hy Lai một cách tàn khốc, với những điều chiếu theo bản án nhắc đến không những những gì ông ta đã làm khi còn là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh mà cả trong các thời kỳ ông đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thương mại ở Bắc Kinh, Thị trưởng thành phố Đại Liên và Tỉnh trưởng Liêu Ninh. Lúc đó, Bạc Hy Lai nổi lên vói cuộc chiến không khoan nhượng chống giáo phái Pháp Luân Công bị cáo buộc phạm tội ác chống nhân loại vì những hành động tàn ác của các thành viên ở một chục nước, dưới thời Giang Trạch Dân, lúc đó là Tổng bí thư. Giang Trạch Dân có thời là người bảo trợ cho Bạc Hy Lai. Đổi lại, nhân vật có nhiều ảnh hưởng Bạc Nhất Ba, cha Bạc Hy Lai và là người ủng hộ nhiệt thành cải cách kinh tế, là nhà kiến tạo chính giúp Giang Trạch Dân cứu vãn được sự nghiệp chính trị của mình, khi cha ông này bị kẻ thù cáo buộc cộng tác với quân Nhật trong chiến tranh, trong đó có cựu Thị trưởng Bắc Kinh, Trần Hy Đồng, người bị thanh trừng năm 1995.
Thái độ giận dữ quyết liệt và không thương tiếc của những người thù địch với Bạc Hy Lai và trào lưu dân túy của ông ta thể hiện một cách dữ đội chưa từng thấy trong một bản tin của Tân Hoa xã. Quả thực là Bạc Hy Lai bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, lạm dụng quyền lực, trục lợi ảnh hưởng, và tham nhũng, không những khi là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh mà cả trong suốt thời gian làm Thị trưởng Đại Liên, Tỉnh trưởng Liêu Ninh, Bộ trưởng Thương mại. Bị cáo buộc làm tổn hại nghiêm trọng tiếng tăm của Đảng, dân tộc và nhân dân Trung Quốc, Bạc Hy Lai cũng phải chịu trách nhiệm trong vụ Giám đốc Công an Trùng Khánh, Vương Lập Quân, chạy vào lánh nạn trong một thời gian ngắn tại Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô vào tháng 2/2012 và trong vụ giết hại nhà tư vấn Neil Heywood cũng như các tội khác như Tân Hoa xã nêu trong tin.
Nhưng bản án cũng khiến nhiều người hiểu rằng Chính quyền Bắc Kinh còn muốn ám chỉ tội ác chống nhân loại, sau các vụ tra tấn và lấy nội tạng của một số tù nhân Pháp Luân Công khi họ còn sống, được thực hiện khi Bạc Hy Lai là người có trách nhiệm ở vùng Đông Bắc. Tiếp đó là những lời cảnh báo cộng với lời kêu gọi -theo truyền thống- rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng, tái khẳng định quyết tâm của chính quyền kiên quyết đấu tranh chống nạn tham nhũng và hạ bệ không thương tiếc những người coi thường kỷ luật và quy định về “lãnh đạo tốt theo quan niệm của pháp luật”, để xây dựng một chính quyền “trong sạch, liêm khiết, có khả năng sáng tạo và có nhãn quan đúng đắn về thế giới và quyền lực”.
Cuộc khủng hoảng chính trị, rất có thể còn lâu mới giải quyết được và được nuôi dưỡng bởi mối lo ngại về tăng trưởng đột nhiên mong manh hơn, khiến người ta nghĩ ngay đến hoạt động nội bộ và không rõ ràng trong Đảng, sự gắn kết trong Đảng hiện đang bị đe dọa bởi bóng dáng của Đặng Tiểu Bình – người vẫn tạo ra thỏa hiệp kể cả khi đã chết – đang lu mờ dần do Hồ Cẩm Đào được chọn làm người thay thế Giang Trạch Dân.
Giá trị làm dịu tình hình sau khi qua đời của người chiến binh già có tư tưởng Mácxít sau này trở thành một nhân vật thực dụng về kinh tế, đã từng bị thui chột một lần vào năm 2007 khi Lý Khắc Cường, người được chỉ định làm ứng cử viên thay thế Hồ cẩm Đào ở vị trí lãnh đạo tối cao, phải nhường chỗ cho Tập Cận Bình. Sự thăng tiến rất nhanh của nhân vật này, vốn khiến nhiều nhà quan sát bị bất ngờ, chắc chắn xuất phát từ hành động can thiệp của các cựu lãnh đạo cao cấp vì trong hệ thống thể chế Trung Hoa không được ổn định, các nhân vật này vẫn tiếp tục dùng ảnh hưởng ngầm của mình để tác động trong cuộc chơi mánh khóe chính trị luôn sôi động.
Trong bản tin của Tân Hoa xã nói về cái chết chính trị của Bạc Hy Lai, tuy câu cuối cùng có dụng ý tạo thỏa hiệp khi nói về hương hồn Đặng Tiểu Bình, nhắc đến “ngọn cờ lớn Chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc” trước khi đả động đến thuyết “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân rồi “quan điểm phát triển khoa học của Hồ Cẩm Đào”, song thực tế những hành động thao túng diễn ra trong bóng tối có thể không ngọt ngào như vậy. Mười hai cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị vẫn còn sống và một số trong đó vẫn tiếp tục tham gia trò triệt hạ quyền lực, trong cuộc chiến giữa cái vẫn phải một lần nữa được gọi là “phái bảo thủ” và phái “cải cách”, cho dù nói đơn giản như vậy vẫn không nói hết được tính chất phức tạp của các cuộc tranh giành lợi ích giữa các phe phái với ranh giới không bao giờ rõ ràng.
Nhiều nhân vật kỳ cựu trong ban lãnh đạo tối cao mới đây bày tỏ niềm tin chính trị và tư tưởng của mình trong một số tác phẩm được xuất bản ở Bắc Kinh. Có rất nhiều nhân vật như vậy, từ nhà cải cách Lý Lam Thanh đến Lý Bằng, đệ tử không khoan nhượng của đàn áp chính trị, rồi Lý Thụy Hoàn, cựu Chủ tịch Hội nghị chính hiệp toàn quốc, người bảo trợ của Ôn Gia Bảo và bị Giang Trạch Dân loại khỏi quyền lực vào năm 2003.
Trong số các nhà cựu lãnh đạo đang lên tiếng xóa bỏ sự mập mờ của chế độ Bắc Kinh, có Chu Dung Cơ, vị cựu Thủ tướng hay nói to nhưng có lối suy nghĩ thẳng thắn và mạnh mẽ. Là người được biết đến nhiều với các cuộc tiến công nhằm vào nhũng hành động vượt rào của giới chức quan liêu ở địa phương, và nguy cơ nền kinh tế nóng lên cũng như hệ quả xấu từ đầu cơ bất động sản, Chu Dung Cơ tập hợp những lời phê phán kiểu như vậy thành lời cảnh báo trong một cuốn sách nhiều tập xuất bản năm 2011.
Nhưng trong trò chơi quyền lực này, sự xuất hiện của một nhân vật nói ln nhiều điều nhất và thích hợp nhất với tình hình sôi động hiện nay xung quanh gia đình Bạc Hy Lai, có l là Kiều Thạch, nhà cải cách và nguyên là nhân vật số hai của Trung Quốc. Ông bị Giang Trạch Dân loại khỏi Thường vụ Bộ Chính trị vào năm 1997 với sự hỗ trợ của cha Bạc Hy Lai, với lý do hết tuổi, trước đó được ấn định ở tuổi 70, trong khi bản thân Giang Trạch Dân lúc đó đã hơn 71 tuổi và sau vẫn ở lại quyền lực thêm 5 năm nữa. Cuộc cãi vã giữa hai người có ý nghĩa ở chỗ quan niệm của họ hoàn toàn trái ngược với chính quyền. Quan niệm đó thậm chí còn đụng chạm đến một trong những thời kỳ nhạy cảm nhất trong lịch sử Trung Quốc, gắn liền với vụ đàn áp giáo phái Pháp Luân Công, khi Giang Trạch Dân – lúc đó ở Bắc Kinh – và Bạc Hy Lai – lúc đó ở Đại Liên – cùng phụng sự một sự nghiệp chung. Chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công thậm chí trở thành một trong những hành động quá trớn khủng khiếp nhất và đáng hổ thẹn nhất của Bạc Hy Lai.
Trong khi Giang Trạch Dân và Bạc Hy Lai nhận thấy sự phát triển của Pháp Luân Công là mối đe dọa đối với Đảng và chính bản thân họ, Kiều Thạch, người bị đẩy đến chỗ phải về hưu vào năm 1997 nhưng vẫn có ảnh hưởng và được tôn trọng, đã tiến hành cuộc điều tra riêng và đi đến kết luận rằng “Pháp Luân Công làm hàng trăm việc tốt cho nhân dân và dân tộc Trung Hoa và không làm bất cứ điều gì xấu” (theo bài viết “Ý định của chính khách” của tác giả David Palmer đăng trong tạp chí “Critique Internationale” số tháng 4/2001). Bằng chứng lịch sử này, giữa một bên là sự kình địch Giang Trạch Dân-Kiều Thạch và bên kia là sự câu kết Giang Trạch Dân-gia đình họ Bạc, cộng thêm với việc Bạc Hy Lai đàn áp không
thương tiếc ở Đại Liên và Liêu Ninh, cho thấy rõ tại sao những lời cáo buộc của Đảng đối với Bạc Hy Lai cũng đề cập đến các thời kỳ ông còn lãnh đạo ở vùng Đông-Bắc. Quả thực là chính vào thời kỳ đó, Bạc Hy Lai, do được Giang Trạch Dân che chở, đã phớt lờ rất nhiều quy định của pháp luật.
Trái lại, Kiều Thạch, người phá vỡ sự im lặng trong 15 năm khi công bố vào ngày 20/6/2012 một cuốn các bài phát biểu và bài viết trong thời kỳ 1985-1998, khẳng định niềm tin vào Nhà nước pháp quyền và tính độc lập của ngành tư pháp, nói rõ rằng “một trong những nguyên nhân khiến cuộc Cách mạng Văn hóa nổ ra và kéo dài là Trung Quốc đã không chú ý lập ra một bộ máy pháp lý độc lập và xây dựng dân chủ”. Cuối cùng, trong khi Giang Trạch Dân biện hộ cho việc ân xá đối với Bạc Hy Lai, Kiều Thạch lại là một trong những người yêu cầu phải trừng phạt để làm gương.
Nhưng việc loại bỏ không thương tiếc Bạc Hy Lai, người mà toàn bộ sự nghiệp được mô tả như một chuỗi những sai lầm không đáng có mà Đảng không thể chấp nhận được, cũng cho thấy trong tầng lớp lãnh đạo cao cấp ở Trung Quốc, muốn điều chỉnh sự mong manh dai dẳng trong mối quan hệ giữa chính quyền và xã hội. Những kẽ hở tồn tại không những do thiếu lòng tin giữa nhân dân và tầng lớp lãnh đạo mà còn do tình trạng mất cân đối sâu sắc, bất công và bất bình đẳng nảy sinh từ tiến trình phát triển nhanh chóng đất nước và ban lãnh đạo hiện nay không biết cách điều chỉnh mặc dù vẫn đưa ra khẩu hiệu, nhưng thường được thêu dệt lên, kêu gọi xây dựng “xã hội hài hòa”.
Hiển nhiên là Đảng mất đi lòng tin của một bộ phận lớn xã hội, kế cả trong tầng lớp trung lưu, về một số vấn đề liên quan đến tính minh bạch, thói xảo quyệt chính trị, thói gian trá của số cán bộ tham nhũng. Điều này thường thể hiện trong những vụ việc xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, hay thông qua một số tờ báo phê phán đăng bài của một số nhà nghiên cứu không muốn tin hay một số cán bộ cũ quá bức xúc. Con đường tai họa của Bạc Hy Lai, với người vợ bị kết tội giết người và khép án tử hình treo trong một phiên tòa chớp nhoáng được dàn xếp như một vở kịch trước khi bản thân ông này cũng bị trực tiếp liên đới vào tội ác này, gióng lên một hồi chuông trên sân khấu chính trị Trung Quốc như một phát súng cảnh cáo về đạo đức đối với chế độ. Không hiếm khi tác giả các bài báo đó là nhà nghiên cứu, trí thức, thầy thuốc đã quá quen với nghệ thuật việc đã rồi, nên tỏ ra thờ ơ, thậm chí tỏ thái độ thù địch đối với sự tinh tế của thao túng chính trị. Lần này, như thể cốc nước còn chưa được đầy, cú đòn được tung ra bởi bà Vương Tuyết Mai, bác sĩ pháp y làm việc tại Tòa án tối cao, người nghi ngờ kết luận của tòa án về việc Neil Heywood bị đầu độc bằng chất xianua.
Quả thực là việc bà Vương Tuyết Mai công khai nói ra trên blog của mình không có khả năng làm thay đổi được sự việc vì xác của nạn nhân được hỏa thiêu rất nhanh, song hồi chuông được gióng lên từ một trong những cơ quan pháp lý cao cấp nhất Trung Quốc ít nhất cũng là lời phê phán đối với thói quen mập mờ và dối trá của chế độ. Bà viết: “Đã 50 năm nay tôi vẫn tự hỏi về ý nghĩa của cuộc đời mình. Là bác sĩ pháp y tại Tòa án tối cao của một nước lớn chiếm 1/5 dân số toàn thế giới, tôi là một đứa con của Trời Đất. Và tôi cuốn theo dòng chảy của đất trời để hoàn thành sứ mệnh mà số phận đã trao cho tôi. Tôi phải tự hỏi về tính xác thực của kết luật về cái chết. Vai trò của tôi là tìm ra những sai lầm của con người có thể làm cho linh hồn mất thiêng… Không một ai, dù người đó sống biệt lập, hay thành viên một nhóm hay một tổ chức nào có thể sử dụng tôi để bao che lời nói dối hay tội lỗi của họ, vì tôi là một nhà chuyên nghiệp hành động đúng với những gì Trời Đất đã tạo ra.”
Tình trạng mất cân bằng trong xã hội l.à động lực chính cho những người phê phán chính quyền hiện nay, trước hết là các đối thủ từ thời cách mạng huy hoàng có lúc nhuốm màu huyền thoại Maoít mà dân chúng vẫn không quên, từng bị Bạc Hy Lai thao túng tại Trùng Khánh. Nếu Đảng vẫn coi thường những lời khuyến cáo của bà Vương Tuyết Mai – mặc dù nhờ đó bà nhận được sự ủng hộ đáng kể trên mạng xã hội, như “chúng ta hãy chân thành, chúng ta hãy nói đúng sự việc để sống mà không phải nói dối” – tàn dư của “lý tưởng cách mạng”, bị khuấy động bởi nhiều người không được sống trong xã hội hài hòa, khiến chính quyền phải lo ngại.
Một số phản ứng nhận được tại Trùng Khánh và được tập hợp trong một bài viết ngày 30/9 của hãng Reuters nói lên nhiều điều về tâm trạng hiện nay của phái này. Chẳng hạn, một công nhân giải thích rằng “không bao giờ có ai biết được những lời cáo buộc Bạc Hy Lai là đúng hay không. Nhưng cái mà chúng ta biết ở đây là khối lượng công việc mà ông đã làm để thành phố Trùng Khánh được tốt hơn”. Một người khác đổ trách nhiệm cho các cuộc đấu đá nội bộ, đồng thời tha thứ cho nạn tham nhũng: “Không có nguyên nhân nào khác khiến Bạc Hy Lai sụp đổ. Tất cả là do tình trạng kình địch trong giới tinh hoa chính trị… Hãy nhìn xem Trùng Khánh tốt hơn trước như thế nào nhờ Bạc Hy Lai. Nếu có tham nhũng thì cũng không có gì là nghiêm trọng cả.” Một số khác nói đến sự ghen ghét là Bạc Hy Lai là nạn nhân: “Tại Bắc Kinh, họ quấy nhiễu Bạc Hy Lai vì ông làm việc tốt hơn họ và giỏi hơn họ về chính trị.”
Việc những suy nghĩ như vậy vẫn tồn tại giải thích phần nào tại sao chế độ Bắc Kinh lại mạnh tay như vậy, đồng thời cho thấy khung cảnh chính trị đối nghịch và đầy những cạm bẫy, trong đó chính khách gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Trung Quốc và là người vừa bị Đảng đánh gục không thương tiếc vì có nhiều sai sót nghiêm trọng về tinh thần và đạo đức, vẫn tiếp tục nhận được thiện cảm của một số tầng lớp trong dân chúng, trong số những người nghèo nhất, những người ca ngợi ông đã đạt được nhiều thành tựu xã hội ở Trùng Khánh, đồng thời bày tỏ mối nghi ngại đối với những kẻ thù của ông, những người nói muốn “làm trong sạch” Đảng./Nguồn: TTXVN/ Basam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét