Pages

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

“Sửa sai” sở hữu chéo ngân hàng



Gần hai tháng qua, giới đầu tư xôn xao, đồn đoán về những giao dịch “khủng” của vài mã ngành ngân hàng trên sàn…
“Mới đây, nhóm các công ty có liên quan đến ACB đã thoái phần lớn các khoản đầu tư vào ngân hàng Kiên Long, Eximbank, thu về tổng cộng 4.500 tỷ đồng”, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Á Châu (ACB), chính thức tiết lộ trên báo chí đầu tuần này.
Gió vô hình, nhưng có thể nghe tiếng và thấy sự lay động từ nó. Gần hai tháng qua, giới đầu tư xôn xao, đồn đoán về những giao dịch “khủng” trên sàn, hay những tin đồn thay tên đổi chủ các mối quan hệ sở hữu tại một số ngân hàng thương mại.

Bước đầu đã có đầu mối thông tin gợi mở. Nhưng đó mới chỉ là một góc của mảng khuất. Các giao dịch chi tiết, các tỷ lệ sở hữu, giá trị cụ thể và các đầu mối nhận chuyển nhượng là ai vẫn chỉ người trong chăn được biết.
Khi tìm hiểu, một ý kiến gợi ý với VnEconomy rằng: hãy thử kết nối xem hoạt động thoái vốn chỉ gắn với những cái tên ACB với Kienlong Bank và Eximbank, hay còn với DaiABank, HDBank trong những đồn đoán gần đây…?
Câu trả lời phụ thuộc quá nhiều vào độ mở của thông tin chính thức, vốn đang rất hạn chế. Nhưng không quá quan trọng. Quan trọng hơn là đã và đang có những thay đổi trong các mối quan hệ sở hữu chéo, mà hướng giảm bớt là yêu cầu đã được đặt ra.
Về thông tin trên từ ông Trần Hùng Huy, một công ty chứng khoán bình luận trong bản tin ngày 27/11 rằng: “Cho đến nay, ACB là ngân hàng đầu tiên thực hiện ý định giảm sở hữu chéo giữa các ngân hàng. Tuy nhiên, ACB chưa công bố quy mô cổ phần nắm giữ tại các ngân hàng này trước đây cũng như sau khi việc thoái vốn được công bố. Và dù sao thì cho đến nay, việc thoái vốn cũng đã giúp cải thiện thanh khoản cho ACB vốn đang là ưu tiên hàng đầu của ban lãnh đạo mới”.
Song, có thực sự giảm được sở hữu chéo hay không, hay chỉ là thay tên đổi chủ, chuyển từ đầu mối có nhiều mối quan hệ sở hữu sang nơi có ít mối quan hệ sở hữu? Vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.
Còn với ACB, như bình luận của công ty chứng khoán trên, họ giảm sở hữu chéo. Điều đó có giá trị với họ. Trong thông tin trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Hùng Huy thừa nhận là ACB đã sai lầm về chủ trương đầu tư, việc thoái vốn không phải chỉ vì các khoản đầu tư có lời hay không có lời, mà để điều chỉnh chiến lược, bỏ hẳn mảng ngân hàng đầu tư.
“Sửa sai” là từ phù hợp trong tình huống này. Rộng hơn, một số ý kiến cho rằng hệ thống ngân hàng hiện nay đang phải sửa sai cho vấn đề sở hữu chéo có từ những năm trước.
Trò chuyện với VnEconomy đầu giờ sáng nay (28/11), bên lề hội nghị của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lãnh đạo một ngân hàng thương mại nêu quan điểm: vấn đề sở hữu chéo và những bất cập của nó có nguồn gốc trong quá khứ, gắn với việc chuyển đổi các ngân hàng nông thôn lên đô thị, sau đó là yêu cầu tăng nhanh và mạnh vốn điều lệ.
“Sau chuyển đổi, từ quy mô vốn cỡ 200 – 500 tỷ đồng, những ngân hàng này buộc phải đáp ứng yêu cầu vốn pháp định 3.000 tỷ đồng. Nâng các rào cản kỹ thuật để tăng cường năng lực tài chính, đảm bảo hơn nữa an toàn trong hoạt động là đương nhiên, song nguồn để tăng vốn từ đầu mới là vấn đề”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nói.
Và theo ông, một hướng xoay vốn để đầu tư vào làn sóng tăng vốn dồn dập của các nhà băng quãng 2006 – 2010 là vay mượn, gọi cho được các đầu mối tham gia để đảm bảo yêu cầu vốn pháp định. Đến nay, hệ lụy của nó là nguồn vốn thiếu bền vững, sở hữu chéo trở thành vấn đề đặt ra để xử lý.
Ý kiến trên không phải cá biệt. Một cán bộ cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước khi trao đổi với VnEconomy mới đây cũng chia sẻ góc nhìn cá nhân của mình rằng: việc chuyển đổi 13 ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn lên đô thị trước đây theo ông là chủ trương đúng, để định hình và củng cố hoạt động của hệ thống, song cách thực hiện là chưa chặt chẽ và hợp lý.
Ông cũng nêu ra hạn chế là nguồn vốn để thực hiện chuyển đổi, mở rộng quy mô sau đó có phần đáng kể là từ vay mượn, từ đầu tư ngoài ngành…
Đến nay, ở chủ trương mà Chính phủ đã xác định, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành với thời hạn đến năm 2015. Giảm sở hữu chéo cũng là yêu cầu lần đầu tiên được nêu chính thức trong nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua.
Còn trên thị trường, từ ACB hay những giao dịch lớn thu hút sự chú ý gần đây là những chuyển động cụ thể. Qua đây, một phần của bức tranh sở hữu chéo ngân hàng đang thay đổi. Câu hỏi ai, tổ chức nào đang đầu tư (nhận chuyển nhượng) có lẽ không quan trọng bằng việc nguồn vốn của họ bền vững hay không, và vì sao họ vào cuộc trong bối cảnh khó khăn hiện nay?

Không có nhận xét nào: