Pages

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

TQ tuyên bố chủ quyền ‘vu vơ’



Bản đồ Sansha mà Trung Quốc vừa xuất bản
Trung Quốc đã xuất bản bản đồ chi tiết về 'Tam Sa' để tiếp thục hiện thực hóa 'chủ quyền' của họ
Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông một lần nữa lại được đưa ra mổ xẻ tại một hội thảo quốc tế do Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Chỉ trước đó mấy ngày, tại hội thảo quốc tế về Biển Đông tại thành phố Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Nhã, chuyên gia về Biển Đông của Việt Nam, đã nói với BBC rằng dường như các học giả Trung Quốc ‘tỏ ra mềm mỏng hơn’ khi nói về chủ quyền của họ trên vùng biển này.

Với tư cách trưởng tiểu ban Hợp tác và an ninh trên biển, một trong 15 tiểu ban của hội thảo này, GS Ngọc cho biết ông đã nêu thẳng vấn đề ‘đường lưỡi bò’ và ‘hộ chiếu lưỡi bò’ của Trung Quốc ra để thảo luận.
Tại hội nghị quốc tế Việt Nam học vừa kết thúc vào chiều thứ Tư ngày 28/11, GS Nguyễn Quang Ngọc, thuộc Viện Việt Nam học và Các vấn đề phát triển thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nói rằng các học giả trong nước và quốc tế đã bàn về tính hợp pháp của yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông.

‘Phi luật pháp’

“GS Eric Frank đến từ Bỉ đã viết một bài phân tích về đường lưỡi bò đã nêu lên tính phi lịch sử và phi luật pháp quốc tế của nó,” ông Ngọc nói với BBC từ Hà Nội ngay sau khi kết thúc hội nghị.
Ông cho biết Eric Frank là giáo sư về luật chuyên nghiên cứu sâu về vấn đề này và các học giả tại hội nghị đã truy hỏi về nguồn gốc chiếc lưỡi bò yêu sách của Trung Quốc có từ lúc nào.
“Nó xuất hiện từ trong bản đồ do Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch đưa ra từ năm 1947,” ông nói, “Đó là bản đồ nội bộ họ tự vẽ với nhau chả có công bố gì (ra quốc tế) nên về mặt luật pháp quốc tế chẳng có ý nghĩa gì.”
Mãi đến năm 2009 thì Trung Quốc mới đưa yêu sách đường lưỡi bò của mình ra Liên Hiệp Quốc thì quốc tế mới coi đó là cơ sở xem xét, ông nói.
“Cơ sở lịch sử không có, cơ sở pháp lý cũng không. Đó chỉ là tuyên bố vu vơ,” ông Ngọc bình luận về yêu sách của Trung Quốc.

"Nhưng người Trung Quốc có cái kiểu là bắt đầu nói vu vơ đã. Cứ nói mãi thì cũng có người nghe."
GS Nguyễn Quang Ngọc, Đại học Quốc gia Hà Nội
“Nhưng người Trung Quốc có cái kiểu là bắt đầu nói vu vơ đã. Cứ nói mãi thì cũng có người nghe,” ông nói thêm.
“Các học giả Trung Quốc ngồi thấy đông nhưng không ai phát biểu gì cả,” ông kể về phiên thảo luận về đường lưỡi bò của Trung Quốc trong tiểu ban của ông, “Có lẽ họ phân công người nói ở tiểu ban khác.”
Ngoài ra, một số học giả Việt Nam cũng trình bày những lập luận về chủ quyền Việt Nam dưới góc nhìn của luật pháp quốc tế mà ông Ngọc nhận xét là ‘phân tích kỹ lắm dựa trên tư liệu và sách vở cổ của Việt Nam và Trung Quốc’.
Ông cho biết là không thấy có ý kiến phản biện các lập luận về chủ quyền Việt Nam mà chỉ phát biểu để ‘đóng góp thêm và làm sáng tỏ thêm thôi’.
Đây là hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ tư do Viện Khoa học xã hội kết hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức với sự tham gia của gần 300 học giả đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chủ đề của cuộc hội thảo năm nay là ‘Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững’ – bàn về tất cả các lĩnh vực trong sự hội nhập quốc tế của Việt Nam như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quan hệ quốc tế và an ninh khu vực.

Không có nhận xét nào: