Pages

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Không gì ngăn cản được ước mơ của con người


Cuộc sống hạnh phúc của một đôi vợ chồng khuyết tật rất nghèo khó chiếm cảm tình và sự tôn trọng của những người cùng xóm

RFA
Hôm đám cưới anh Nguyễn Văn Cúng và chị Vũ Thị Thơm
Người miền Nam, người miền Bắc
Nguyễn Văn Cúng quê ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Sóc Trăng miền Nam, lên Saigon bán vé số kiếm tiền độ nhật. Vũ Thị Thơm ở Duy Tiên, Hà Nam của miền Bắc, vào Saigon bán vé số để kiếm sống.
Cúng và Thơm gặp nhau, yêu nhau, lập gia đình, sinh được hai cháu trai, đứa đầu năm tuổi, đứa sau chín tháng. Tổ ấm của họ là một phòng trọ nhỏ bé chật hẹp trong một xóm lao động ở Gò Vấp.
Nếu chỉ vậy thì không có gì đáng nói, bởi cuộc sống của họ cũng là cuộc sống như bao người chung quanh dưới quê hay trên phố.

Với anh Hùng cũng những người hàng xóm khác của Cúng và Thơm thì chuyện khác ở chỗ:
Khu vực này coi như ai cũng biết anh chị tàn tật, không được khỏe mạnh như người bình thường nhưng mà gia đình rất hạnh phúc. Cùng xóm trọ với nhau nên là ai người ta cũng quí mến cũng thông cảm. Khổ lắm, đi bán vé số mưa nắng vất vả, ngày nào không đi là không có tiền tiêu, trong khi đó lại ở trọ rồi ăn uống cho trẻ con hàng ngày.
Ra là cả hai anh chị đều thuộc diện khuyết tật, chồng thì không còn cha mẹ, vợ không có người thân cận kề. Họ nương vào nhau mà sống. Đi về có nhau, cùng nhau trôi dạt về khu chợ Xóm Mới này:
Cúng con nhà nghèo, khi sinh ra thì bình thường, sau đó một cơn bạo bệnh biến anh thành tàn phế. Cho đến bây giờ anh vẫn nghĩ là anh bị ung thư xương:
Khu vực này coi như ai cũng biết anh chị tàn tật, không được khỏe mạnh như người bình thường nhưng mà gia đình rất hạnh phúc. Cùng xóm trọ với nhau nên là ai người ta cũng quí mến cũng thông cảm.
anh Hùng, hàng xóm
Nằm bịnh bốn năm năm trời mới mạnh lại, mạnh lại thì không lớn được, hai chân bị teo đi còn xương với da thôi. Lưng em gù em chỉ bò tới bò lui trong nhà thôi chứ em đâu có đi được.
Mẹ mất khi anh còn nhỏ, lớn lên Cúng làm nghề hớt tóc để kiếm ăn. Sau này, khi cha qua đời rồi sức khỏe càng ngày càng xuống, Cúng lên thành phố để kiếm sống bằng nghề bán vé số, gặp được Thơm, người bạn đời cùng cảnh ngộ, mộc mạc và ít nói:
Em ở Duy Tiên, Hà Nam, cách Hà Nội bốn chục cây.
Bị dị tật bẩm sinh, Thơm cao không tới một mét, hai cánh tay co quắp,  hai chân  ngắn và cong, đi đứng khó khăn. Đó là vì khi mang bầu cô, Thơm kể, mẹ bị cảm cúm và uống nhiều thuốc ho nên khi sanh ra thân hình cô biến dạng như vậy.
Như bao nhiêu trẻ khác, Thơm cũng đi học nhưng thường bị bạn bè và trẻ con ngoài đường trêu chọc:
Tan lớp một cái là nó cứ đuổi theo nó trêu em, em xấu hổ em khóc suốt.
Vợ chồng anh Cúng chị Thơm, hai con và người bạn hàng xóm. RFA
Vợ chồng anh Cúng chị Thơm, hai con và người bạn hàng xóm. RFA
Thơm đã phải nghỉ học mất một năm, sau đó theo em gái đi học trở lại nhưng đến lớp Sáu thì bỏ hẳn:
Lớp Sáu thì cô giáo cứ cho em miễn lao động nhưng mà các bạn ganh tị, các bạn trong tổ nó nhiếc nó nói người ta học mình cũng học, người ta làm sao mình không làm, em tủi thân em nghỉ luôn.
Khi có người quen cùng xóm rủ vào thành phố Hồ Chí Minh, Thơm quyết định đi theo, cô khóc mãi trên đường vào Nam. Vào thành phố Hồ Chí Minh, ngày đầu tiên đi bán vé số được năm chục ngàn đồng cô cũng khóc vì mừng:
Kiếm được năm chục ngàn em mừng em khóc, ở ngoài ấy chưa bao giờ em biết cầm được mười ngàn.
Đúng ra khi còn ở ngoài quê Thơm từng được giúp đỡ cho đi học nghề may, nhưng theo ông Khải, người biết rõ hoàn cảnh cô, Thơm rất cố gắng nhưng không thể sử dụng bàn may được vì người thì lùn thấp mà tay thì quá ngắn:
Ngoài Bắc thì các cha đưa Thơm vào lớp tàn tật để đi học mà cháu yếu ốm quá, cái máy may mà nó phải kê ghế lên nó ngồi vì nó cao chưa đầy một mét.  Tôi rõ tận tình cháu từ nhỏ đến giờ, ba má nó bây giờ cũng già mà không kiếm được, em nó coi như cũng cực lắm, mỗi đứa một phương, làm ăn ngoài Bắc không được như trong Nam, nó vào đây bán vé số nó cũng kiếm được.
Bây giờ có mỗi cái là Cúng và Thơm này đã tàn tật rồi mà lại sinh con cái nhưng mà không nuôi nổi các cháu. Nếu mà mô tả quá tôi không cầm được nước mắt, chỉ nói sự việc chính bây giờ miếng ăn miếng ngủ rồi con khóc, mẹ tàn tật đi làm bê lấy miếng cơm ăn. Vợ chồng họ thương yêu hạnh phúc cũng là được cái phước, mà hai thằng cháu ai trông cũng không bỏ qua được. Mọi người lui tới cũng trìu mến các cháu, thương mà lắm người cũng chỉ có thương miệng thương môi thôi.
Cúng và Thơm này đã tàn tật rồi mà lại sinh con cái nhưng mà không nuôi nổi các cháu. Nếu mà mô tả quá tôi không cầm được nước mắt, chỉ nói sự việc chính bây giờ miếng ăn miếng ngủ rồi con khóc, mẹ tàn tật đi làm bê lấy miếng cơm ăn.Vợ chồng họ thương yêu hạnh phúc cũng là được cái phước...
ông Khải
Túp lều của họ bằng tranh nhưng trái tim của họ bằng vàng
Ngày trước, lúc còn tương đối khoẻ, hàng ngày Cúng chở Thơm đi bán vé số đến tối mờ tối mịt mới về nhà :
Lúc đầu em đi xe lắc tay em chở vợ em, rồi người ta thấy người ta thương người ta cho chiếc xe ba bánh cũ,  xe gắn máy của người khuyết tật đó, em về sửa chữa lại để chở vợ đi bán vé số và sau này chở con em đi học.
Khi Thơm có thai cháu đầu lòng, hai vợ chồng lo mất ăn mất ngủ, sợ con sinh ra tật nguyền như bố mẹ. Cúng kể cháu  đầu lòng ra đời và bình thường khỏe mạnh là một ơn phước quá lớn đối với vợ chồng anh:
Em cầu nguyện ngày đêm, sợ con sanh ra bị khuyết tạt giống cha mẹ. Lúc vợ em sanh xong em mừng em khóc tại chỗ luôn.
Với hai cánh  tay bị tật Thơm chỉ có thể ôm con chứ không thể tắm rửa cho bé được. Hàng xóm là những người rất tốt bụng đã giúp chị làm việc đó:
Có mấy người hàng xóm cũng lại tắm rữa, phụ cho hơn một tháng:
Hồi còn tương đối khỏe thì Cúng vẫn đi bán vé số phụ với Thơm. Nay thì anh chỉ ở nhà trông con vì sức khỏe không cho phép làm bất cứ việc gì nữa.
Khu phòng trọ của vợ chồng anh Cúng và chị Thơm. RFA
Khu phòng trọ của vợ chồng anh Cúng và chị Thơm. RFA
Chị Thịnh, ở cùng khu nhà trợ với Cúng và Thơm, tả cảnh sinh hoạt của hai vợ chồng tàn tật này:
Từ hai năm nay thì anh ấy yếu anh ấy không đỡ đần được, anh ấy chân tay thì như vậy mà cứ bò lê bò lết vào trong nhà tắm để giặt đồ đỡ vợ con rồi lại cơm nước. Anh ấy thương vợ thương con mà tính nết tốt lắm.
Từ hai năm nay thì anh ấy yếu anh ấy không đỡ đần được, anh ấy chân tay thì như vậy mà cứ bò lê bò lết vào trong nhà tắm để giặt đồ đỡ vợ con rồi lại cơm nước. Anh ấy thương vợ thương con mà tính nết tốt lắm
Chị Thịnh, ở cùng khu
Đến hai năm nay thì chân càng ngày nó càng teo đi, rồi cái tay tự dưng nó lại bị toét ra thành không sờ được xà bông nữa rồi. Những lúc chúng em sang chúng em bảo thôi đưa chúng em làm cho một chút là xong. Nhiều lúc kiểu như là anh ấy ngại và tủi thân, anh ấy chảy nước mắt, anh ấy khóc tội lắm. Chúng em nghe kể là mẹ anh ấy mất từ lúc anh ấy còn nhỏ, từ lúc anh mới bị như thế này là mẹ đã mất rồi. Nên là nhiều khi anh sang chơi mà em mở cái đầu đĩa mà bài nào hát về mẹ là anh ngồi anh khóc.
Thường thường là cứ mười một rưỡi mười hai giờ chứ không phải ngày nào cũng vậy, cứ 12 giờ đêm em đi làm thì chị ấy về.  Như ngày xưa anh còn đỡ anh phụ rửa chén thì chị còn được nghỉ, bây giờ anh yếu anh không làm rồi chân tay lại toét ra nên chị về bắt đầu là rửa bát.
Mỗi một lần rửa không phải người như mình, nên là ướt từ trên xuống dưới, ướt hết từ ngực xuống. Đêm nào cũng chắc phải ba giờ hoặc hơn bà giờ mới ngủ, nên là càng ngày chị ấy càng yếu, chúng  em đỡ được gì thì đỡ chứ tiền bạc thì chúng em có đâu.
Cuộc sống  của đôi vợ chồng  tàn tật Thơm và Cúng cùng với hai con nhỏ trong cảnh nghèo túng đạm bạc là quanh quẩn trong căn  phòng trọ chỉ vừa một chiếc chiếu là hết chỗ. Vì không có hộ khẩu ở thành phố,  Cúng và Thơm gần như không được phường khóm ngó ngàng tới, không được liệt vào diện nghèo để được trợ cấp.
Ngoài tình thương và sự đỡ đần của hàng xóm, nguồn trợ giúp vật chất mỗi tháng mười ký gạo cho họ đến từ nhà thờ Lạng Sơn gần đó, nơi có vị linh mục chủ chăn thường  mời gọi anh chị đến sinh hoạt cùng những người khuyết tật khác trong nhà thờ:
Cha mỗi tháng cho vợ chồng em được chục ký gạo, với là cơm từ thiện các nơi người ta gởi về đó, cơm trưa, là em lên nhà thờ nhận cơm thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy.
Anh chị ấy hạnh phúc lắm, thương yêu nhau hơn chúng em nhiều...Chúng em nhiều khi điên lên thì vợ chồng còn hay cãi nhau, còn anh chị ấy thì nhiều khi chị đi làm về cực quá rồi mệt nhọc và bực bội thì cũng cáu lên, nhưng anh thì được cái tốt nết, vợ chồng hoà thuận lắm không bao giờ cãi nhau.
Dưới mắt mọi người, đây là một gia đình hạnh phúc, hai mảnh đời bất toàn đang cố gắng vẽ nên một cuộc sống hoàn chỉnh, ít nhất trong thân phận khiêm tốn của mình:
Anh chị ấy hạnh phúc lắm, thương yêu nhau hơn chúng em nhiều. Hình như ở gần mấy năm mà em thấy chỉ có một lần hai vợ chồng noí nặng với nhau. Chúng em nhiều khi điên lên thì vợ chồng còn hay cãi nhau, còn anh chị ấy thì nhiều khi chị đi làm về cực quá rồi mệt nhọc và bực bội thì cũng cáu lên,  nhưng anh thì được cái tốt nết, vợ chồng hoà thuận lắm không bao giờ cãi nhau.
Cũng vì cám cảnh hẩm hiu và khó khăn của hai vợ chồng Thơm và Cúng, cụ Khải thường lui tới  khuyên lơn hai vợ chồng gắng chăm sóc và cho con ăn học đàng hoàng để sau này có thể nhờ vả:
Nhưng Cúng và Thơm không nghĩ như vậy, hai anh chị đặt nặng bổn phận lo lắng nuôi nấng con là vì tương lai của chúng hơn là mong mỏi sau này con sẽ phụng dưỡng mình. Cúng thổ lộ rằng anh biết ngày tháng còn lại  của anh trên đời rất ngắn:
Em  cũng lo sợ là không sống được để lo cho con nó học hành lớn khôn được, không lo đời  sống kinh tế cho con tốt, nên làm sao mà cố gắng lo cho con lớn khôn rồi có qua đời đi nữa mình cũng mãn nguyện.
Có lẽ vì ước muốn mãnh liệt đó mà hai vợ chồng Thơm và Cúng cố gắng sống vui và sống khỏe dù khả năng không còn bao nhiêu. Thơm tâm sự cô chỉ mong có tí chút nhà ở, nguyên văn lời cô, để chồng con không phải long đong cuộc đời ở trọ với mỗi tháng một triệu đồng tiền nhà coi như quá sức của cô.
Tên của hai cháu, Nguyễn Thành Đạt và Nguyễn Thành Công, phản ảnh giấc mơ thầm kín và chính  đáng là nuôi con khỏe, dạy con ngoan, đưa con thành người mà hai vợ chồng ghi khắc trong tâm.
Chưa bao giờ có một món quà nào để tặng cho Thơm, Cúng tâm sự, lúc này anh chỉ mơ ước thêm một điều nữa thôi:
Em cũng thương vợ em lắm, em muốn cho vợ em cái xe để cho vợ em sử dụng đi đứng. Tại vì vợ em thì chân ngắn mà bị đau khớp chân nữa., đi nhiều về đêm nào em cũng bóp chân bóp tay. Em muốn có chiếc xe điện để cho vợ em ngồi lên điều khiển rồi đi. Chiếc xe có gắn bình điện, sử dụng bình điện nó chạy chứ không lắc tay, tại vợ em tay ngắn lắc không được.
Chắc không ai ngăn được những lời ru, vỗ về bù đắp cho những cuộc sống bất hạnh phải không,  cũng không ai ngăn được ước mơ của những bậc làm cha làm mẹ trót lỡ tật nguyền mà vẫn cố sống một cuộc đời  bình thường như mọi người trên trái đất này.
Thanh Trúc xin phép tạm dừng câu chuyện của đôi vợ chồng Cúng Thơm ở đây. Xin hẹn tái ngộ quí thính  giả tối thứ Năm tuần tới.
Liên lạc với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org

Không có nhận xét nào: