Pages

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm của toàn dân. Tại sao Đảng cứ tìm cách ém nhẹm?



Nguyễn Trung Chính - Vụ hộ chiếu Trung Quốc có in hình lưỡi bò tuồn qua biên giới một thời gian dài mà chính quyền đã nhắm mắt đóng dấu lên hộ chiếu tuyên truyền này, đồng thời giấu nhẹm tin tức trong 6 tháng cho đến khi phóng viên hãng Reuter gạn hỏi đã gây nhiều bức xúc trong dân chúng.
Ngày 25/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội số 1 đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận 3 và 4 (TP HCM). Nhiều cử tri đã lên tiếng chất vấn nhưng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không trả lời thẳng mà chỉ “cám ơn các cử tri đã đóng góp những ý kiến tâm huyết” đồng thời để cho đại biểu Trần Du Lịch hứa tiếp thu các ý kiến và sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét từng vấn đề cho phù hợp.

Ngay cả Chủ tịch nước, người đã từng lên án một đồng chí X nào đó “cõng rắn cắn gà nhà” mà cũng phải né tránh khi đụng chạm đến hành động sấn sổ của Trung quốc, chứng tỏ có gì đó khuất tất trong giới lãnh đạo Đảng và Nhà nước không tiện nói ra cho dân biết cho dù cứ luôn miệng tụng “dân biết, dân bàn…”.
Nhưng vấn đề bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng từ thủa lập nước mà các thế hệ tổ tiên, cha ông, anh em chúng ta đã đổ máu gìn giữ, không cho phép những người thừa hưởng gia sản đó làm bừa. Và chắc chắn rằng họ đang làm bừa nên cần phải che giấu nhân dân dưới khẩu hiệu phản động, ai cũng hiểu là bán nước “Đã có Đảng và Chính phủ lo”.
Việc ký kết nghị định phân ranh biên giới trên đất liền đã một thời gian rất dài được giấu nhẹm, ngay cả Quốc hội cũng không được dự bàn, nay là việc đã rồi. Việc Trung Quốc tấn chiếm đảo Gạc-ma năm 1988 giết hại bao nhiêu chiến sĩ của ta cũng bị giấu nhẹm, thậm chí ngăn cấm những chiến sĩ sống sót hàng năm tổ chức lể tưởng niệm truy điệu đồng đội, đồng chí. Năm trước, có dự tính làm lễ truy điệu các chiến sĩ này nhưng đến giờ chót Bộ chỉ huy Hải quân cũng cấm không cho thực hiện.
Việc bán các vùng đất chiến lược, rừng đầu nguồn cho người Trung Quốc cũng bị giấu giếm cho đến khi Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh lên tiếng cả nước mới biết. Vụ cho người Trung Quốc nuôi cá chỉ cách cảng quân sự Cam ranh 300m cũng bị giấu cho đến khi báo chí khui ra được.
Trong các vụ Trung Quốc tấn công các tàu đánh cá, bắt cóc ngư dân đòi tiền chuộc mạng chung quanh các đảo Hoàng Sa, Trường Sa được báo chí loan tin không phải do kênh truyền tin nhà nước mà do báo chí bức xúc đến lấy tin trực tiếp từ nạn nhân, từ đó cả nước mới được biết. Bộ chỉ huy Hải quân còn muối mặt khuyên ngư dân đừng nên đánh bắt ở những vùng đang tranh chấp, trong khi hàng ngàn tàu cá Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền. Chỉ có một lần duy nhất có tin cảnh sát biển Việt Nam can thiệp, thông báo với các tàu Trung Quốc là họ đang vi phạm chủ quyền Việt Nam và sau đó không ai biết tàu cá Trung Quốc có đếm xỉa gì đến hay không, có tin đồn sau đó tàu cảnh sát biển Việt Nam bỏ chạy (?). Hải quân Việt Nam bảo vệ vùng biển như thế nào chưa từng ai được nghe nói đến. Hàng ngàn rồi hàng chục ngàn tàu cá Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên quần thảo trên vùng biển Việt Nam đến độ trở thành chai nên phía Việt Nam “không màng” nói đến hiện nay.
Trong khi đó, nhiều quan chức của Ban tuyên huấn Trung ương “sách động” nhân dân nên tránh đổ máu với Trung Quốc vì họ có chiếm ít nhiều biển đảo thì ta còn có thế hệ mai sau để đòi lại. Thật đúng là giọng lưỡi của bọn Trần Ích Tắc mà lịch sử đã bôi vôi trát trấu vào mặt. Khẩu hiệu “Đã có Đảng và Chính phủ lo” đã trở thành “Đã có Đảng và Chính phủ không lo, dân cũng mặc quách đừng lo nữa”. Còn gì là giang sơn đất nước của tổ tiên!
Nhân dân Trung Quốc và Việt Nam có nhiều đặc điểm tính cách chung và có thể sống chung trong tình nhân loại. Ở miền Nam trước kia đã có nhiều nơi, nhiều vùng chủ yếu tập trung người Tàu : ở Hội An, ở Sài Gòn-Chợ Lớn, phân nửa thành phố trước kia là người Tàu sinh sống làm ăn, chưa bao giờ có xảy ra đánh giết nhau giữa người Việt và người Tàu cùng chung sống.
Tôi có nghe việc khi Trung Quốc đánh Việt Nam năm 1979, một công dân Việt từ Hà Nội đến Mạc tư Khoa ngơ ngác tìm sứ quán Việt Nam thì được một người Tàu làm việc ở sứ quán Trung Quốc tận tình dẫn đến tận nơi. Chính người trong cuộc kể lại cho tôi. Điều này càng cho thấy dân Tàu, dân Việt bản chất không hận thù nhau.
Phía chính quyền Trung Quốc vì mộng bá quyền nên không ngần ngại mua chuộc lãnh đạo Việt Nam, cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền, tìm cách lấn chiếm biển đảo, đồng thời thúc đẩy một thiểu số người Trung Quốc vào con đường quá khích, cứ lăm le thôn tính hoặc dạy cho Việt Nam một bài học.
Phía chính quyền Việt Nam thì vì một lý do mà họ nhất định giấu dân, cứ cúi đầu cam chịu, bị tát tai vào má này lại sẵn sàng đưa má bên kia cho họ đánh tiếp, đàn áp những người yêu nước biểu tình phản đối Trung Quốc, xem chống Trung Quốc đồng nghĩa với chống Đảng, chống Chính phủ để ghép vào điều luật 88 của bộ luật hình sự.
Từ hai năm nay trước hành động leo thang cụ thể của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao chỉ lặp đi lặp lại một câu, và chỉ một câu tối thiểu: Việc làm trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan đến Biển Đông”. Vi phạm thái quá rồi chứ. Nhưng ai cũng hiểu rằng với câu tuyên bố “phải đạo” trên, xin các đồng chí Trung Quốc vì “4 tốt, 16 chữ vàng” nghe qua rồi bỏ.
Đảng và Chính phủ vẫn ôm lấy “4 tốt, 16 chữ vàng” như một lá bùa hộ mệnh cho chính bản thân mình! Tổ quốc ở đâu? Trên Đảng hay dưới Đảng? Còn nguyên vẹn hay đã bị gặm nhắm từng phần?
Thái độ ém nhẹm của Đảng và Chính phủ về sự leo thang của Trung Quốc lấn chiếm biển đảo phải hiểu thế nào đây? Họ đã bị mua chuộc chăng? Lời tuyên bố của Chủ tịch nước về ai đó “cõng rắn cắn gà nhà” phải hiểu như thế nào? Là ai? Chắc chắn người đó phải quan trọng, phải ở bên cạnh Chủ tịch nước mới được quan tâm đến. Trong Bộ chính trị? Ai đang lãnh đạo đất nước chung với Trần Ích Tắc? Cùng hội cùng thuyền?
Trong quân đội, kẻ bị nghi là “cõng rắn cắn gà nhà” tức khắc sẽ bị bắt để điều tra, ít nhất là bị ngưng ngay vai trò chỉ huy. Sự sống còn của đất nước còn cao hơn quân đội rất nhiều. Thế thì làm sao lãnh đạo và bọn “cõng rắn cắn gà nhà” có thể thoải mái tiếp tục cùng nhau lãnh đạo đất nước? Phải làm cho ra nhẽ và là việc cấp bách.
Trách nhiệm bảo vể Tổ quốc, đòi lại biển đảo bị chiếm thuộc về thế hệ chúng ta chứ không phải thế hệ tương lai. Thế hệ tương lai sẽ tiếp tục công việc chúng ta làm hôm nay. Không thể rũ áo để bán cái vô trách nhiệm.
Chúng ta phải nhận định cho rõ bản chất của Đảng và Chính phủ ta hiện nay trong vấn đề đối với Trung Quốc để đừng bị hụt hẫng. Tình hình đã trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết.
28/11/2012
N.T.C.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào: