Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất… song lương của lãnh đạo vẫn cao chất ngất tưởng đã là chuyện lạ nhưng kỳ lạ hơn là việc nhiều doanh nghiệp vẫn xếp hạng A, có cá nhân còn nhận danh hiệu thi đua khen thưởng. Có ở đâu lạ đời như thế?
Việc các DNNN làm ăn kém hiệu quả đã và đang trở thành mối lo ngại đối với nền kinh tế Việt Nam. Từ làm ăn không hiệu quả đến thua lỗ, thậm chí thua lỗ trầm trọng, bên bờ phá sản của một số doanh nghiệp nhà nước là một trong các nguyên nhân khiến nền kinh tế nước ta lao đao. Tốc độ phát triển suy giảm nghiêm trọng, đời sống nhân dân lâm vào cảnh hết sức khó khăn.
Số tiền nợ hơn 1.000.000 tỉ VND của các DNNN là con số khổng lồ, làm suy kiệt nền tài chính và không dễ gì hoàn trả. Không thể nói khác, trừ một số doanh nghiệp làm ăn tương đối, phần còn lại của các doanh nghiệp nhà nước làm ăn bết bát, nợ nần chồng chất, chất lượng công trình không đảm bảo… Chính vì thế, một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị TW 6 vừa qua là sắp xếp và kiện toàn các DNNN để xứng đáng với vai trò nòng cốt của nền kinh tế nước nhà.
Hội nghị đã nhận định: “Một số doanh nghiệp vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý vốn đầu tư, làm thất thoát tài sản của Nhà nước nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý. Hoạt động giám sát chưa có tác dụng cảnh báo và ngăn ngừa việc sử dụng kém hiệu quả vốn và bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu nhà nước còn thiếu đồng bộ”.
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị, TBT Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Khẩn trương bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước phải được tổ chức lại theo mô hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phù hợp với Luật Doanh nghiệp; áp dụng chế độ quản trị tiên tiến phù hợp với kinh tế thị trường và thực hiện chế độ kiểm toán, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch trên cơ sở mở rộng diện niêm yết trên thị trường chứng khoán”.
Có thể nói, việc nhiều DNNN làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ là một sự thật nhưng lạ thay, trong khi DN làm ăn thua lỗ thì ngược lại, tiền lương tại các DNNN so với mặt bằng toàn xã hội lại cao hơn rất nhiều. Đặc biệt là có những đơn vị lương lãnh đạo lên đến 60 – 70 triệu đồng, gấp 15 lần so với lương người lao động bình thường và thậm chí, gấp nhiều lần lương nguyên thủ quốc gia. Ví dụ như DN đang thua lỗ trầm trọng là Petrolimex, mức tiền lương bình quân tại công ty mẹ đạt tới 20,961 triệu đồng/người/tháng.
Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất… song lương vẫn cao chất ngất tưởng đã là chuyện lạ nhưng kỳ lạ hơn là việc nhiều doanh nghiệp vẫn được xếp hạng A, có cá nhân còn nhận được không ít danh hiệu thi đua khen thưởng. Điển hình như các tập đoàn Vinashin, Vinalines, trước khi các vụ việc sai phạm bị phơi bày thì 2 đơn vị này vẫn xếp hạng A. Thậm chí có đơn vị xảy ra tham nhũng nghiêm trọng, đảng bộ vẫn là đảng bộ trong sạch, vững mạnh như PMU 18…
Đã hình thành một “công thức”: Kinh doanh thua lỗ + Làm ăn bết bát + Nợ nần chồng chất = Lương cao ngút ngát & Doanh nghiệp loại A?
Có nơi đâu lại có chuyện lạ đời như thế?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét