Pages

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Đảng Cộng Sản: Trở về với nhân dân hoặc chết!



Nguyễn Tâm Linh (Danlambao) - Việc Trung Quốc đưa bản đồ 'lưỡi bò' vào hộ chiếu là động thái mới nhất trong chuỗi những hành động kéo dài hàng chục năm qua với mục đích độc chiếm Biển Đông, khống chế Việt Nam theo quỹ đạo của họ. Bên cạnh đó, việc các nước Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Malaysia và Thái Lan đang có chiều hướng xích gần Trung Quốc hơn đã đặt Việt Nam vào một tình thế hiểm nghèo. Trước đại họa mất nước ngày một đến gần, cần phải có những hành động thiết thực kịp thời, bất kỳ sự chậm trễ nào cũng là tội ác với dân tộc. Liệu Đảng CS có dám chấp nhận thay đổi để cứu tương lai đất nước hay sẽ chấp nhận trở thành tội đồ thiên cổ của lịch sử?

Tình thế ngàn cân treo sợi tóc

Xét trên phương diện kinh tế, lúc này Việt Nam đang đối diện với nguy cơ chưa từng thấy kể từ khi thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế vào năm 1986.

Những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô sai lầm đã khiến nền kinh tế rối loạn. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản chỉ riêng trong năm 2012. Lạm phát trong những năm gần đây luôn ở mức hai con số, giá cả tăng phi mã khiến đời sống đại bộ phận nhân dân điêu đứng. Trong khi đó, thị trường tràn ngập hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, đã và đang bóp chết những ngành công nghiệp mới manh nha của Việt Nam. Quả bong bóng địa ốc vỡ tung chôn vùi luôn một triệu tỷ đồng khiến hệ thống ngân hàng Việt Nam chao đảo. Tiếp đó, nhà thầu Trung Quốc khuấy đảo các công trình kinh tế chiến lược của ta, biến các công trình thế kỷ đó thành nửa voi nửa chuột, ăn vào không được nhổ ra cũng chẳng xong. Thành tựu kinh tế của gần 30 năm đổi mới giờ đây gần như con số 0. Một tương lai ảm đạm đang tiếp tục chờ đón nền kinh tế Việt Nam, cùng với đó là những hệ lụy xấu đến tất cả các mặt khác của quốc gia.

Về văn hóa xã hội, chưa bao giờ chúng ta chứng kiến một nền tảng đạo đức xã hội suy đồi như hiện nay.

Sau bao nhiêu năm xây dựng một “nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, hậu quả là chúng ta đã có một nền văn hóa chẳng giống ai. Không có bản sắc, truyền thống không phải truyền thống, hiện đại chẳng ra hiện đại.

Nền tảng gia đình bị coi nhẹ, giá trị con người bị coi khinh. Hãy tự hỏi đã khi nào trong lịch sử mạng sống của con người rẻ mạt như bây giờ?

Đại bộ phận học sinh nước ta thuộc sử Tàu hơn sử Việt, nắm rõ đời Tống bên Tàu mà chẳng biết chút gì về nhà Tiền Lê đất Việt. Trên tivi ngày dăm bảy lượt chiếu phim Tàu, một cách tiếp tay cho hành động xâm lược văn hóa của chúng đối với nhân dân ta. “Văn hóa còn thì dân tộc còn  văn hóa mất thì dân tộc, tổ quốc cũng mất”, thế nên mỗi nguy hiểm sống còn của Tổ quốc Việt Nam nhìn từ nền văn hóa sẽ rõ hơn bao giờ hết.

Chính trị càng ảm đạm hơn. Cuộc chơi chính trị lúc này không còn là cuộc chơi riêng của những lãnh đạo trong nội bộ đảng với nhau nữa mà trở thành cuộc chơi với sự xuất hiện và điều phối chính của Trung Quốc.

Chính Trung Quốc đang làm chủ cuộc chơi chính trị trên chính trường Việt Nam, chúng gây chia rẽ và duy trì hiện trạng đấu đá của các phe nhóm trong nội bộ đảng cộng sản nhằm tạo nên một cục diện chính trường có lợi nhất cho chúng. Trong điều kiện đó, việc Trung Quốc dựng lên một dàn lãnh đạo thân Tàu ngay trên lãnh thổ của Việt Nam càng dễ, một cuộc xâm lăng không hề tốn một viên đạn.
Một yếu tố không thể không nhắc đến trong các diễn biến chính trị Việt Nam thời gian qua là sự xuất hiện của ngày càng nhiều nhóm lợi ích xoay quanh những vị trí chóp bu trong đảng. Khi kinh tế khó khăn, sức dân cạn kiệt thì các nhóm lợi ích ngày càng đấu đá lẫn nhau với hình thức là cuộc chiến của các chính khách. Những cuộc đấu đá này khiến đảng CS mất niềm tin bao nhiêu thì phải cần bấy nhiêu sự hà hơi giúp sức của Trung Quốc. Trong cuộc chiến này, ai chiến thắng thì Tổ quốc cũng chịu thiệt. Và cuộc chiến dành quyền lực thời gian qua đã cho thấy sự khủng hoảng nhất định ở thượng tầng đảng cộng sản. Hiện nay, cho dù tạm thời những sóng gió đã tạm yên, nhưng xem ra sự yên bình này chỉ là yên bình trong mắt bão.

Về quốc phòngđây là nỗi lo thực tế nhất mà hiện nay đất nước chúng ta đang đối mặt. Khả năng Trung Quốc sử dụng các lực lượng quân sự tấn công trực diện Việt Nam rất cao.

Nếu tinh ý có thể thấy, sau khi tuột mất Myanma vào tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ, Việt Nam trở thành cánh cửa duy nhất của Trung Quốc nếu chúng muốn nuôi giấc mộng trở thành cường quốc ở Châu Á, một cường quốc có khả năng ảnh hưởng toàn cầu.

Khi tất cả các hướng khác đều bị Hoa Kỳ và các đồng minh rất mạnh của mình bịt kín, Việt Nam và Biển Đông “bỗng dưng” thành “lối thoát chiến lược” mang tên “lợi ích cốt lõi” của con rồng đỏ Trung Hoa. Bằng mọi giá, dù đắt nhất, Trung Quốc sẽ dành bằng được lối thoát này.

Cái giá đắt đó e rằng chính là vận mệnh của đất nước Việt Nam. Càng nguy hiểm hơn khi Trung Quốc đã chiếm lĩnh được các vị trí mang tầm chiến lược về mặt quốc phòng, ẩn nấp dưới những dự án kinh tế xã hội. Như việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, thuê đất dài hạn ở các khu vực miền núi dọc biên giới, cùng với các dự án công nghiệp ở Hải Phòng, Cà Mau... Khi chiếm lĩnh được các vị trí này thì chỉ cần một lực lượng nhỏ các đơn vị tác chiến với biên chế nhẹ, Trung Quốc hoàn toàn có thể chia cắt chiến lược tạm thời các khu vực phòng thủ của Việt Nam, làm kiềm chế, tiêu hao các quân đoàn cơ động chiến lược khi chiến tranh xảy ra và buộc các lực lượng vũ trang của chúng ta phải chiến đấu tại chỗ. Điều này cũng sẽ tạo nên một không gian chiến trường rộng lớn, hầu như cả nước có chiến tranh, gây rối loạn về mặt chiến lược, làm tê liệt khả năng chỉ huy cũng như khả năng ứng cứu lẫn nhau của các đơn vị trên chiến trường. Gần như đồng nghĩa với việc các đơn vị chủ lực của Việt Nam phải nằm yên để các binh đoàn chính quy lớn của chúng chia cắt và tiêu diệt.

Ngoài ra, việc Trung Quốc nắm được các khu vực đồi núi có giá trị quân sự cao của Việt Nam (thông qua các dự án cho thuê đất rừng dài hạn) sẽ tước đi lợi thế về mặt địa hình của quân ta - đội quân có ưu thế và kinh nghiệm tác chiến ở địa hình rừng núi. Vô hình chung làm co hẹp không gian chiến trường, buộc ta phải giao chiến trong không gian đồng bằng, đô thị - nơi hỏa lực, kĩ thuật, chiến thuật cùng vũ khĩ công nghệ cao của Trung Quốc chiếm ưu thế tuyệt đối. Hơn nữa, việc có thể đứng chân ở những vị trí xung yếu trên khắp nước ta sẽ làm thuận lợi hơn cho Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự trá hình hoặc điểm đổ bộ đường không cho lực lượng tác chiến đặc biệt - những đơn vị tinh nhuệ, trang bị nhẹ có khả năng chiến đấu rất cao. Khi cần thiết các lực lượng này có thể bí mật xuất phát tấn công hoặc chỉ điểm cho các đơn vị tên lửa, không quân Trung Quốc tấn công các sở chỉ huy đầu não, các đầu mối thông tin. Các hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông chiến lược, đặc biệt phá hủy những hệ thống vũ khĩ tối quan trọng của quân đội Việt Nam như hệ thống rada tầm xa, các tổ hợp tên lửa phòng không, sân bay quân sự, các căn cứ hải quân và những kho tàng hậu cần có quy mô lớn.

Trên mặt trận ngoại giao, thời gian gần đây Việt Nam đã chịu nhiều thất bại nặng nề. Đỉnh điểm là việc Campuchia ngang nhiên 'khóa miệng' Việt Nam và Philipin về vấn đề Biển Đông tại hội nghị các quốc gia Đông Nam Á vừa qua. Một nước láng giềng khác là Lào cũng đang xích lại gần hơn với Trung Quốc. Phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Việt Nam trên bán đảo Đông Dương gần như đã mất.

Cùng với sự suy thoái về kinh tế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế xuống thấp nhất trong vòng 1 thập niên trở lại đây. Rõ ràng chính sách ngoại giao mập mờ, đu dây theo kiểu du kích đã không hợp với thời đại, ngược lại càng khiến Việt Nam mất nhiều hơn. Sự nhu nhược trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, chưa đem đến cảm giác an toàn thì chúng ta mất nốt hai đồng minh láng giềng thân cận - tấm phên dậu nơi cửa ngõ phía tây. Tạo nên những khó khăn mới trong quá trình bảo vệ tổ quốc.

Hơn nữa, cuộc gặp chớp nhoáng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với người sắp đứng đầu nhà nước Trung Quốc cộng sản ở hội chợ ở Quảng Tây ngay trước Hội nghị Trung Ương 6 càng khiến vị thế của Việt Nam suy giảm trong cộng đồng quốc tế, nơi chúng ta rất cần tranh thủ sự ủng hộ để giữ vững chủ quyền biển đảo. Sự kiện nhà nước VN mừng Quốc khánh Trung Quốc trong lễ kỉ niệm được tổ chức ở cái gọi là 'Tam Sa' cũng là một cái tát ngoại giao đầy đau đớn, choáng váng mà Trung Quốc dành cho Việt Nam.
Hộ chiếu in bản đồ 'lưỡi bò' của Trung Quốc

Lựa chọn duy nhất: đi theo nhân dân!

Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, theo chiều hướng bất lợi cho Trung Quốc, cuộc cách mạng “Mùa xuân Ả-Rập” đã khiến Trung Quốc bật bãi khỏi rốn dầu Bắc Phi và Trung Đông. Các quốc gia chịu sự ảnh hưởng nhất định của Trung Quốc như Sirya, Iran đang như ngọn đèn trước bão. Sau đó lại mất nốt Myanma - cánh cửa ra Ấn Độ Dương khiến Trung Quốc như một con quái thú trọng thương, lại bị Mỹ dồn ép khiến chúng buộc phải đưa 'lưỡi bò' liếm xuống khu vực Đông Nam Á. Nơi đây, chúng hy vọng có thể đặt nền móng cho một siêu cường toàn cầu mới, hoặc sẽ chôn vùi một nước cộng sản với tham vọng đại Hán ngông cuồng.

Trung Quốc đang siết chặt chiếc thòng lọng vào yết hầu Việt Nam. Mới đây nhất là hành động lặng lẽ đổi tên tàu sân bay Thi Lang thành Liêu Ninh. Một hành động đầy ẩn ý. Nếu như Thi Lang là tên của một vị tướng đã từng chinh phục Đài Loan, đặt tên cho hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc với dụng ý răn đe Đài Loan thì nay chuyển sang một cái tên mới liêu ninh với mục đích gì? Phải chăng Trung Quốc đang chuyển trọng tâm chiến lược và tái cơ cấu quân sự sang Biển Đông? Eo biển Đài Loan đã tạm yên khi Mã Anh Cửu thay Trần Thủy Biển lên làm tổng thống, khả năng Đài Loan tuyên bố độc lập đã giảm xuống khiến Trung Quốc tập trung lực lượng xuống phía Nam, nơi những tranh chấp lãnh thổ đang rất nóng bỏng. Ngoài ra thời gian gần đây, Trung Quốc đã có những bước chuẩn bị dư luận khá kỹ khi bật đèn xanh cho các cuộc biểu tình chống Nhật Bản một cách rầm rộ và bạo lực. Tất nhiên chẳng bao giờ Trung Quốc lại dốc toàn vốn liếng để lao vào cuộc chiến năm ăn năm thua với người Nhật. Theo phương pháp loại trừ, các hành động chuẩn bị dư luận đó đang nhằm tạo đường cho một cuộc chiến quy mô lớn với Việt Nam.

Với thực lực hiện tại, cơ hội cho chúng ta khi Trung Quốc khai hỏa gần như con số không. Vì vậy lúc này lãnh đạo đảng Cộng Sản cần quyết định nhanh chóng và sáng suốt nhất. Thời gian không còn để cho các vị đánh cược số phận của dân tộc nữa.

Đảng không đủ thời gian và cũng không nên chọn bất kỳ một hình thức liên minh với các cường quốc trên thế giới như Nhật, Hoa Kỳ hay Nga. Thời điểm này, bất kỳ một chính sách liên minh với nước lớn nào cũng đều quá muộn. Hơn nữa những chính sách đó chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc sớm có những hành động khi không muốn Việt Nam thành Myanma thứ hai.

Ngay lúc này, trước thời khắc quan trọng với vận mệnh dân tộc, đảng phải đi theo nhân dân, chỉ có nhân dân mới là đồng minh sắt son nhất. Liên minh với nhân dân sẽ tạo ra một sức mạnh vô địch cho tổ quốc để đối mặt với đại họa mất nước đang chực chờ. Đảng phải trả lại quyền làm chủ đất nước thật sự cho nhân dân, chỉ có trả lại cho dân mới tạo ra sức mạnh nội lực thật sự cho đất nước trước những sóng gió mang tính thời đại.

Trở về với nhân dân, đảng giữ được tính chính danh của mình. Thể hiện được trách nhiệm của đảng cầm quyền với những dịch chuyển của bánh xe lịch sử dân tộc, đóng vai trò quan trọng khi lịch sử dân tộc đang sang chương mới.

Trở về với nhân dân để đảng không bị thời đại vượt qua. Trở lại với nhân dân để đảng tìm thấy sức mạnh chính nghĩa, thứ mà bấy lâu nay với những vầng hào quang quá khứ, với sức mạnh bạo lực cộng tuyên truyền đã lấy đi của đảng.

Trở về với nhân dân để đảng xây dựng lại thế trận lòng dân. Thế trận sau bao nhiêu năm dành chiến thắng đã sứt mẻ quá nhiều. Thế trận lòng dân sẽ quyết định sự thành bại chiến tranh nhân dân, loại hình chiến tranh đã giúp dân tộc đứng vững trước nhiều biến cố của lịch sử. Nay lại trở thành điểm tựa thoát khỏi thảm cảnh Bắc thuộc lần thứ năm.

Trở về với nhân dân để cùng chung tay xây dựng lại khối đại đoàn kết dân tộc, trở về với nhân dân để thấy “thế lực thù địch” bây giờ đang nằm trong đảng, đang nhân danh đảng để mưu lợi cá nhân. Để thấy kẻ thù không phải là “nhân quyền”, “dân chủ” hay “tự do” mà chính là tư tưởng đại Hán phương Bắc đang lăm le nuốt chửng Tổ Quốc ta.

Trở về với nhân dân để thấy “không hổ thẹn với tiền nhân”, “có lỗi với tương lai”... Để không thành những Trần ÍchTắc, Lê Chiêu Thống... Để cảm nhận nỗi đau của nhân dân có tự do mà hóa nô lệ. Cảm nhận sự mặn mòi của nước mắt quê hương đang hàng ngày hàng giờ bị giặc Tàu giày xéo.

Trở về với nhân dân, hãy dũng cảm về với nhân dân!

Nguyễn Tâm Linh
danlambaovn.blogspot.com

* Bài viết thể hiện quan điểm và những trăn trở trước hiện tình đất nước của tác giả Nguyễn Tâm Linh, người hiện đang là sinh viên tại Việt Nam.

Không có nhận xét nào: