Pages

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Trung Quốc ngăn cản ASEM đề cập đến tranh chấp biển đảo


Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại diễn đàn ASEM 19 tại Lào ngày 5/11/2012. (REUTERS/Sukree Sukplang)
Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) họp trong hai ngày, 05 và 06/11/2012, tại Viên Chăn, thủ đô Lào. Các cuộc thảo luận tập trung vào cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính tại châu Âu, về phát triển bền vững, vấn đề an ninh lượng thực và năng lượng. Nhiều cuộc gặp song phương diễn ra bên lề Thượng đỉnh. Đây là cơ hội thuận lợi để Trung Quốc khẳng định vai trò của mình như là một cường quốc.Theo giới quan sát, Thượng đỉnh ASEM lần này diễn ra trong bối cảnh châu Âu, do bị khủng hoảng tài chính và nợ công, rơi vào thế yếu. Các nước châu Á, tuy cũng chịu tác động của khủng hoảng, nhưng vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng khả dĩ. Đặc biệt, đây là cơ hội thuận lợi để Trung Quốc khẳng định vai trò của mình như là một cường quốc.



Thông tín viên trong khu vực Đông Nam Á, Arnaud Dubus phân tích:

« Đây là một Thượng đỉnh quan trọng, bởi vì Trung Quốc có cơ hội để khẳng định mình như là một cường quốc tất yếu và có trách nhiệm. Cuộc khủng hoảng nợ công trong một số nước châu Âu và áp lực đối với đồng euro đã buộc Liên Hiệp Châu Âu, cho dù vừa được trao tặng giải Nobel Hòa bình, phải khiêm tốn. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng ở châu Âu đã ảnh hưởng đến các nền kinh tế tại châu Á, kể cả Trung Quốc. Với sức mạnh kinh tế và tiền tệ, Trung Quốc biết rằng phản ứng của họ trước các khó khăn kinh tế và tài chính của châu Âu có ý nghĩa quyết định.


Bắc Kinh cũng biết là các nước châu Âu sẽ biết ơn, nếu Trung Quốc chấp nhận hợp tác để làm giảm bớt những khó khăn kinh tế-tài chính của châu Âu. Do đó, đây là dịp để Bắc Kinh củng cố vị trí của mình tại diễn đàn Âu-Á và trong tương lai, Trung Quốc có thể yêu cầu châu Âu hỗ trợ khi cần, ví dụ nhưng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington ».

Từ nhiều tháng qua, tình hình tại Biển Đông và biển Hoa Đông trở nên căng thẳng do các tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực. Do Hoa Kỳ không hiện diện ở diễn đàn này, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách ngăn chặn ASEM chính thức đề cập đến các hồ sơ này. Trung Quốc đã từng làm được ép Cam Bốt, chủ tịch ASEAN 2012, không ra thông cáo chung sau Hội nghị Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á. Thông tín viên Arnaud Dubus nhận định:

« Bắc Kinh biết là một số nước như Philippines hay Việt Nam sẽ nếu các vấn đề này trong các cuộc gặp song phương. Nhưng điều cơ bản đối với Trung Quốc là những vấn đề này không được nêu ra trong phiên họp toàn thể của Hội nghị Thượng đỉnh và nhất là không có một câu chữ liên quan nào được đưa vào thông cáo chung cuối cùng của Thượng đỉnh. Chính vì thế, Bắc Kinh tìm mọi cách hướng chương trình nghị sự của Hội nghị vào hồ sơ kinh tế, thế mạnh của Trung Quốc. 


Lập luận của Bắc Kinh như sau : Thủ tướng Ôn Gia Bảo tới dự Thượng đỉnh, vài ngày trước khi khi mạc Đại hội toàn quốc đảng Cộng sản Trung Quốc, một cử chỉ quan trọng mà ban lãnh đạo Lào đánh giá rất cao. Sự kiện này lại càng có ý nghĩa hơn, vì đây là lần đầu tiên, Lào tổ chức một Thượng đỉnh có quy mô lớn như vậy và chính quyền Viên Chăn sẽ cố làm mọi cách để tránh làm cho Thượng đỉnh thất bại. Dường như Trung Quốc hiện trong vị thế làm chủ được chương trình nghị sự của Thượng đỉnh ASEM. Điều này trái ngược hẳn với các Thượng đỉnh ASEM trước đây khi mà châu Âu ở trong thế mạnh, đưa ra những bài học cho châu Á ».

Sự chuyển hướng chiến lược của Hoa Kỳ, chú ý hơn đến châu Á-Thái Bình Dương đã làm cho Trung Quốc khó chịu. Do vậy, ASEM là nơi để Bắc Kinh khai thác quan hệ với châu Âu, củng cố vị thế của Trung Quốc trong cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ.

« Nhiều yếu tố cho thấy là gần đây, có một sự đối đầu ngấm ngầm nhưng có thực, giữa hai siêu cường kinh tế và quân sự là Trung Quốc và Mỹ tại Đông Nam Á. Chuyến công du châu Á, hồi tháng Chín, của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, cho thấy quyết tâm của Hoa Kỳ tái khẳng định vị trí của mình như là một siêu cường tại vùng Thái Bình Dương, sau một thập niên sao nhãng do chiến tranh tại Afghanistan và Irak.

Sự gần gũi của phe đối lập Miến Điện – có thể lên nắm quyền lãnh đạo đất nước vào năm 2015 – với Hoa Kỳ làm cho Trung Quốc lo ngại. Quân đội Miến Điện tham gia cuộc tập trận Cobra Gold do Mỹ và Thái Lan tổ chức, đồng thời, chính quyền Miến Điện đình hoãn nhiều dự án đầu tư lớn của Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, châu Âu đóng vai trò tác nhân thứ ba, ít chống đối Trung Quốc hơn và thậm chí đôi khi còn nghi ngại Mỹ. Do vậy, duy trì quan hệ gần gũi với Liên Hiệp Châu Âu – thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc – tỏ ra là một chiến lược đúng ».

Đức Tâm (RFI)

Không có nhận xét nào: