Pages

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Giải quyết khiếu nại, tố cáo : Lãnh đạo không đủ thời gian đối thoại với dân?


SGTT.VN – “Vừa qua, Quốc hội đặt vấn đề: thanh tra về khiếu nại, tố cáo thì nhiều nhưng chỉ ra ai là người sai sót, xử lý được bao nhiêu người thì không có. Điều này khiến người dân bức xúc”. Sáng 11.12, tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh tại buổi sơ kết sáu tháng về công tác tiếp công dân, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài…
Theo ông Tranh, trong số 528 vụ khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng cần xử lý trên cả nước hiện nay, có đến 79% là khiếu kiện về đất đai. “Vấn đề nổi lên là thực hiện công khai, dân chủ không tốt, từ quy hoạch cho đến chủ trương thu hồi, giải phóng đền bù… Thêm nữa, cán bộ xử lý không những không công tâm, khách quan mà còn lợi dụng khiếu nại, tố cáo để tham nhũng nhưng chưa bị xem xét xử lý”.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra rằng các địa phương khi giải quyết khiếu nại, tố cáo thiếu quyết liệt, đùn đẩy, chờ cấp trên. Có những huyện chưa giải quyết đã đẩy lên cấp trung ương, tức thuộc thẩm quyền của địa phương nhưng lại chờ trung ương. Tại các địa phương còn có tình trạng phát hiện sai sót nhưng chưa mạnh dạn sửa chữa, thậm chí có vụ Thủ tướng có kết luận rồi vẫn không thực hiện
.
Từ tháng 7 – 11.2012, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp 72.547 lượt người, 606 lượt đoàn đông người, so với cùng kỳ năm 2011 tăng 25,3% lượt người và 2,7% số đoàn đông người. Như vậy, xu hướng các đoàn đông người khiếu kiện vượt cấp lên trung ương tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, đại diện nhiều địa phương than gặp khó khăn trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nói, hàng tuần lãnh đạo tỉnh tổ chức đối thoại với dân, nhưng người dân vẫn chưa chấp nhận quyết định cuối cùng, vẫn chờ trung ương can thiệp. Do đó, bà đề nghị Thanh tra Chính phủ nên có cơ chế thống nhất trong xử lý khiếu nại, phối hợp nhịp nhàng giữa trung ương và địa phương, nếu không người dân không có niềm tin, rồi “lại đi trung ương tiếp”. Đại diện thành phố Cần Thơ thì nêu thực trạng có một số bộ, ngành liên quan còn chậm chạp trong phối hợp xử lý với địa phương.
Tự nhận là hai địa phương có số khiếu nại đông người lớn trong cả nước, đại diện của cả Hà Nội và TP.HCM đều thừa nhận khó đáp ứng yêu cầu khi chủ tịch UBND trực tiếp đối thoại với dân, vì quỹ thời gian không cho phép. Ông Vũ Hồng Khanh, phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói, mỗi năm Hà Nội có hơn 500 vụ khiếu kiện, do vậy lãnh đạo đối thoại thì khó có thời gian làm việc khác, vậy có uỷ quyền được không? “Lãnh đạo không ngại đối thoại, nhưng số lượng lớn thì không thực hiện hết”. Đại diện của TP.HCM thì nêu con số vụ việc gấp đôi Hà Nội (1.000 vụ mỗi năm), vì thế cần có cơ chế uỷ quyền đặc thù cho lãnh đạo đối thoại với người dân.
VIỆT ANH

Không có nhận xét nào: