Pages

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Đảng phải chấp nhận cạnh tranh để ngày càng trong sạch


"Một đảng cầm quyền nên chấp nhận cạnh tranh, chính là chấp nhận sự tự rèn luyện để ngày càng trưởng thành, trong sạch và vững mạnh. Nhân dân sẽ giúp loại bỏ những phần tử suy thoái tư tưởng, thoái hóa biến chất, tham nhũng", nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận góp ý sửa Hiến pháp.

Ngày 1/2, tại TP.HCM, Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật (Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. 
Ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam

Nhiều ý kiến góp ý và khuyến nghị của nhân sĩ, trí thức đã tập trung ở tất cả các điều khoản của dự thảo này, đặc biệt là điều 4.

Khoản 1 điều 4 dự thảo ghi rõ “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Ông Phạm Vĩnh Thái - ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật cho rằng, về nguyên tắc trong nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân thì nhân dân là chủ thể quyền lực. Vai trò Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội về bản chất là do nhân dân ủy thác cho Đảng. Sự ủy thác đó có thể được ghi nhận trong Hiến pháp thông qua thủ tục lập hiến. 

“Với tinh thần đó, điều khoản về Đảng trong Hiến pháp không nên thể hiện nguyên văn như Điều lệ Đảng. Không đưa vào điều khoản này những nội dung không thuộc đối tượng điều chỉnh trực tiếp của Hiến pháp và pháp luật. Những nội dung đó chịu sự điều chỉnh của Điều lệ Đảng và các qui định nội bộ của Đảng”, ông Thái nói.

Luật sư Nguyễn Hữu Danh

Theo ông, để thể hiện quyền giám sát của nhân dân (khoản 2 điều 4 của dự thảo) thì cần xây dựng luật về Đảng. “Vấn đề này là minh bạch, cần thiết với cả đất nước và Đảng. Thực tế đã chứng minh rằng, nếu chỉ đơn thuần dựa vào giám sát nội bộ, tự cho phép mình đứng ngoài sự giám sát của nhân dân và pháp luật thì Đảng càng có nguy cơ suy thoái, biến chất nhiều hơn và không còn giữ được vai trò lãnh đạo”, ông Thái lý giải.

Ông Lê Hiếu Đằng - Phó Chủ nhiệm Hội đồng chia sẻ: “Tôi thấy Bác Hồ có một câu nói rất hay là “Đảng chỉ trở thành người lãnh đạo các đảng viên gương mẫu khi các tổ chức đảng gương mẫu và nhất là khi Đảng đưa ra các đường lối chủ trương đúng đắn và phù hợp với lòng dân thì lúc đó Đảng mới là Đảng lãnh đạo”. 

Đồng tình, luật sư Nguyễn Hữu Danh khẳng định: “Không thể nói Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nếu nhân dân không trao quyền lãnh đạo Nhà nước cho đảng viên qua các cuộc bầu cử dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện theo điều 6 của dự thảo Hiến pháp này”, luật sư Danh nói.

Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, dự thảo đã có sự tiến bộ khi bổ sung quyền con người. Tuy nhiên, theo ông, dự thảo vẫn phản ánh sự áp đặt ý chí, quan niệm cũ về Hiến pháp, quan tâm nhiều đến sự ổn định chế độ hơn là tự do và hạnh phúc của nhân dân và một số điều khoản mang tính tuyên ngôn thiếu nội hàm cụ thể.

Theo ông Thuận, một đảng cầm quyền nên chấp nhận cạnh tranh, chính là chấp nhận sự tự rèn luyện để ngày càng trưởng thành, trong sạch và vững mạnh. Nhân dân sẽ giúp loại bỏ những phần tử “suy thoái tư tưởng, thoái hóa biến chất, tham nhũng”.

(VNN)

Không có nhận xét nào: