Phạm Quế Dương – Sáng ngày thứ hai (12/11/2012), chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ bảy. Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Thành phố Hà nội tổ chức lễ đón bằng của Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận Chùa Một Cột (còn có tên là chùa Diên Hựu) là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á. Đến dự có Hòa thượng Thích Thanh Sam, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, lãnh đạo thành hội Phật giáo Hà Nội; đại diện lãnh đạo Thành phố Hà Nội; các ban ngành Trung ương và Thành phố cùng đông đảo tăng ni,phật tử các địa phương. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch Uỷ Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tôi tham dự với đầy tình cảm xúc động kỷ niệm về Chùa Một Cột.
Năm 1987, tôi làm Tổng biên tập Tạp chí Lịch Sử Quân Sự, công việc rất vất vả vì đụng chạm đến nhiều nhân vật lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ bấy giờ đang có nhiều mâu thuẫn với nhau. Tôi bị ốm đột xuất phải đi cấp cứu ở bệnh viện Quân y 108. Trở về, được biết Hòa thượng Thích Tâm Cẩn, trụ trì Chùa Một Cột, chưã bệnh cho mọi người vào buổi chiều. Tôi đến xin Hòa thượng chữa bệnh cho. Hòa thượng vốn là học sinh trường Albert Saraut, Hà Nội. Sau tốt nghiệp, Hòa thượng đi tu ở Ấn Độ – về trụ trì ở Chùa Tây Thiên (Tam Đảo – tỉnh Vĩnh Phúc) rồi về trụ trì ở Chùa Một Cột.
Hòa thượng chỉ chữa bệnh bằng đôi bàn tay. Một bàn tay để trên đỉnh đầu, một bàn tay để sau lưng vùng tim. Người tôi ấm ran, cảm thấy khỏe mạnh, nhẹ nhõm và ăn ngon ngủ tốt. Một hôm tôi hỏi thăm Hòa thượng tại sao lại chữa trị được bệnh tật hiệu nghiệm như vậy, Hòa thượng bảo: Tôi hút năng lượng qua huyết Bách Hội của tôi (huyệt ở trên đỉnh đầu) và truyển cho ông.
Song khi đó lại có chủ trương của Đảng và Nhà Nước, phá Chùa Một Cột để làm Bảo tàng Hồ Chí Minh kịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông Hồ (1890-1990).
Tôi đấu tranh bảo vệ Chùa, tranh cãi nhiều lần với ông thứ trưởng Bộ Xây Dựng, Tổng Công trình sư làm Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Chùa lúc bấy giờ bị phá nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu đã bị dỡ ngói, đang chuẩn bị phá Tam Bảo. Các phật tử đều phản đối và tôi là người phát ngôn thay mặt phật tử tranh luận rất gay gắt. Với sự phản đối quyết liệt của phật tử nên Chùa chỉ bị phá nhà thờ Tổ thôi. Còn giữ được nguyên và trùng tu lại.
Trong quá trình đấu tranh đó.Một buổi trưa tôi nằm ngủ được mơ thấy Đức Phật Bà Quan Âm xuống nhà tôi, tôi quỳ lên đón Đức Phật Bà, Đức Phật Bà bay lên; tôi nằm xuống thì lại thấy Đức Phật Bà hạ xuống, tôi lại quỳ lên đón Đức Phật Bà, Đức Phật lại bay lên. Chiều tôi kể sự việc trên với Hòa thượng. Hòa thượng bảo tôi: “Đấy là ông được Đức Phật Bà ban phúc cho. Chùa càng đẹp hơn thì sức khỏe của ông càng tốt hơn”. Từ ngày ấy, tôi khỏe mạnh và không phải đi bệnh viện nữa. Suốt đời tôi biết ơn Đức Quan thế Âm Bồ Tát và Hòa thượng Thích Tâm Cẩn.
Cách đây mấy năm, ông Lê văn Sang, tức là ông nguyên Thứ trưởng Bộ Xây Dựng làm Bảo tàng Hồ Chí Minh gọi điện thoại cho tôi nói: “Tình cờ tôi biết điện thoại của ông. Tôi muốn đến thăm ông có được không?”. Tôi mời ông ấy đến chơi. Ông ấy đến ngay và đặt lên bàn thờ nhà tôi một gói bánh, một gói kẹo và một gói chè rồi nói chuyện với nhau.
Ông ấy bảo: “Cũng may mà khi ấy ông đấu tranh bảo vệ Chùa Một Cột nên còn giữ được di tích như ngày nay”.
Tôi trả lời: “Chủ yếu là các phật tử tham gia đông đảo. Tôi chỉ là người phát ngôn thôi. Còn đấy là Trời Phật phù hộ cho”.
Sau đó tôi kể riêng cho ông ta nghe: Từ năm 1962 đến 1965, tôi học Trường Tuyên Giáo Trung Ương. Ba năm liền học chủ nghĩa Mác–LêNin, Chủ nghĩa Duy vật biện chứng, Duy vật lịch sử, phê phán Chủ nghĩa Duy tâm và ai cũng thuộc câu của Lê Nin “Tôn giáo là thuốc phiện”, và Đảng và Nhà nước ta bảo là: ”Đình chùa là tụ điểm mê tín dị đoan”.
Làng tôi có một ngôi Đình và bốn ngôi Chùa thì bị phá đi ngôi Đình và ba ngôi Chùa, trong đó có ngôi chùa bị phá, lấy đất cho Bộ Thủy lợi làm nhả an dưỡng. Sau đó Bộ Thủy lợi không làm nhà an dưỡng nữa mà bán cho một công ty.
Trong thời gian học ở trường Trường Tuyên giáo Trung Ương thì tôi tranh thủ học thêm bổ túc đại học tổng hợp Văn. Nhờ học Đại học Tổng hợp Văn mà tôi được biết về Chùa Một Cột. Năm 1049 vua Lý Thái Tông nằm mộng được thấy Đức Phật Bà ngồi thiền trên tòa sen và dắt vua lên tòa. Chuyện chiêm bao được Vua kể lại cho quần thần. Có ngưởi lo ngại cho đó là điềm chẳng lành. Nhưng sư Thiền Tuệ lại khuyên Vua xây chùa, làm tòa sen của Phật Bà Quan Âm đặt trên cột đá như đã thấy trong mộng. Vua y lời, xây chùa, dựng tượng dựng tượng thờ Đức Phật Bà. Chùa Một Cột ra đời từ đó để ngàn đời con cháu được sung bái, chiêm ngưỡng Đức Phật Bà Quan Âm. Chùa Một Cột ban đầu đặt tên là Diên Hựu Tự, nghĩa là Phúc Lành Dài Lâu. Là một di tích lịch sử tâm linh lâu đời của tổ tông để lại nên bà con đấu tranh bảo vệ Chùa là tâm đức của người Việt Nam. Ông Sang nói: Qua việc Chùa Một Cột cho tôi một bài học, nên khi làm Cung Văn Hóa Việt Xô tôi không cho phá khu kiến trúc cổ nhờ vậy bây giờ vẫn còn và các cụ tổ chức rồi sinh hoạt của Câu lạc bộ Thăng Long. Song khi đó, đã có người bảo tôi: ông Sang đã bắt đầu bị thần kinh rồi. Chúng tôi bắt tay nhau rất tình cảm.
Năm 1990, tôi nghỉ hưu, được bà con ở làng Tử Dương (tục gọi là làng Tía) xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (bây giờ là Hà Nội) bầu là trưởng ban liên lạc đồng hương làng ở Hà Nội. Lúc đó, tôi mới biết các cụ ở làng làm ăn ở Hà Nội đã xây dựng ngôi Đình ở số 8 phố Hàng Buồm, Hà Nội, thờ Tuệ Trung Thượng sĩ-Trần Trung, anh cả của Đức Thánh Trần Đại Thiên Vương-Trần Quốc Tuấn, người đã ba lần tham gia đánh thắng giặc Nguyên Mông, lập nhiều chiến công và là người đầu tiên giúp vua Trần Nhân Tông lập phái thiền Trúc Lâm ở Yên Tử. Đình được xây từ 1767 thời vua Lê Cảnh Hưng. Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, tiếp quản Thủ Đô, thì ngôi Đình bị ông Xuân Bảo, cán bộ của TTXVN chiếm đoạt. Ngôi đình các cụ còn giữ đầy đủ văn bản pháp lý, từ bằng khoán điền thổ của Phủ Toàn Quyền Đông Dương, biên lai nộp thuế thời Pháp thuộc và Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, văn bản của Hội Đồng Giám Định Di Tích Hà Nội ghi nhận ngôi Đình. Trong Đình còn nhiều hoành phi, câu đối,chuông đồng, bia ký. Bà con làng ở Hà Nội đều bận tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nên sau năm 1975 mới đi đòi Đình nhưng không được. Các nhà khoa học lịch sử bảo vệ di tích rất ủng hộ dân làng, tổ chức hội thảo khoa học lịch sử về Đình, rất nhiều nhà sử học nổi tiếng tham gia,nhiều báo chí, đài truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam đăng bài, phát thanh đòi Đình nhưng không được, tên Xuân Bảo đến nhà tôi bảo đã nộp cho Quận 35 cây vàng và cho tôi 10 cây. Tôi không tán thành và kiên quyết đòi Đình, cùng bà con lên lãnh đạo Thành phố, Thành phố bảo xuống Quận, Quận bảo sang Tòa Án Nhân Dân, sang nộp đủ án và chứng cứ. Tất cả vòng vo đều không được. Lâu nay ngôi Đình đã trở thành cửa hàng bán bánh kẹo.
Đồng thời làng còn Điện thờ Danh tướng Phạm Nhữ Tăng, hậu duệ đời thứ tư của tướng Phạm Ngũ Lão cũng ba lần tham gia đánh thắng quân Nguyên Mông. Danh tướng Phạm Nhữ Tăng, phò vua Lê Thánh Tông bình định Chiêm Thành, mở rộng bờ cõi phía Nam của đất Nước,năm 1971 Điện thờ cũng bị một Đảng ủy viên xã chiếm. Nhiều sách báo viết về Điện thờ Danh tướng, tả rõ Điện có ao tròn, ao vòng theo đường vào Đền, Đền được bao boc bằng dãy cây tre, cây bông bụt, vào đền hai bên trồng cây cảnh với nền đường bằng gạch cổ. Ngày giỗ danh tướng, dòng họ cùng nhiều nhà sử học về dự lễ giỗ nhưng có lần phải lễ ở Đình, mới được xây lại 1990 hoặc một gia đình họ Phạm. Rất nhiều sách báo viết bài đòi trả Đình cho dòng họ Phạm vậy mà không được hồi âm.
Khi tôi bị bắt năm 2002, ngày 14/7/2004 Tòa Án Nhân Dân Hà Nội xử tôi bản cáo trạng có ghi tội “kích động bà con gây mất trật tự an ninh xã hội” và xử 19 tháng tù giam.
Tôi viết lại những sự việc trên để công luận phán xét Đảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam có tôn trọng Nhân Quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo hay không?
15/11/2012
Phạm Quế Dương
21 Lý Nam Đế
Tel 62700002
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét