Pages

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Hàng nghìn người thương tiếc tiễn đưa nhạc sĩ Phạm Duy


Phạm Duy. Ảnh nhạc sĩ gửi gia đình và bạn hữu tháng 1/2013  DR
Trọng Thành
Sáng sớm hôm nay 03/02/2013, hàng ngàn người đã đưa tiễn nhạc sĩ Phạm Duy từ tư gia, ở một phố nhỏ quận 11, thành phố HCM, đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang công viên Bình Dương. Cái chết của người nhạc sĩ tài hoa cao niên, một trong những đỉnh cao của nền âm nhạc Việt Nam, đã để lại rất nhiều xúc động.

Ra đi vào ngày 27/01/2013, ở tuổi 93, nhạc sĩ Phạm Duy đã để lại hàng trăm ca khúc, nhạc phẩm, được người yêu nhạc mến mộ, sau cuộc đời sáng tác hơn 70 năm. Tiễn đưa Phạm Duy có đông đảo người thân, đồng nghiệp thuộc đủ các thế hệ, cũng như rất nhiều người hâm mộ ông.

Không trực tiếp tham dự cuộc đưa tang Phạm Duy, nhà thơ Đỗ Trung Quân cho biết cảm tưởng của ông trước sự kiện này, cũng như một số hoạt động tưởng niệm trong tuần lễ sau khi Phạm Duy qua đời.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân : Cá nhân tôi bị tai nạn cả tháng nay, do đó tôi không có chạy xe được. Tuy nhiên, trước cuộc đưa tang hôm nay, tôi cố gắng tham dự và tổ chức hai đêm tưởng niệm nhạc sĩ Phạm Duy. Một là cho những người trẻ ở quán cafe ở quận Tân Bình, tên là « cafe Phách ». Đây là các bạn trẻ, thuộc thế hệ trẻ hơn, rất yêu nhạc của ông. Và một đêm thứ hai ở phòng trà « Đồng Dao », với tinh thần là, các ca sĩ tham gia tự nguyện, và số tiền của đêm đó sẽ được giành để phúng điếu nhạc sĩ Phạm Duy, xem như tấm lòng của các ca sĩ hát ông trong đêm đó. Theo tôi biết, tôi có tham gia, tôi là người dẫn chương trình đêm đó, hơn 60 triệu đồng đã được gởi đến cho gia đình ông.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân
 
03/02/2013
 
 

Còn trong ngày hôm nay, là ngày tiễn ông ra nghĩa trang đó, thì tôi không đi được, vì nhà không có ai, và không ai đưa tôi đi được. Nhưng tôi đọc trên mạng thấy có rất nhiều nhân vật nổi tiếng đến chào ông. Ca sĩ thì khó có thể kể được hết tên. Tôi thấy, đương nhiên có một nhân vật là bạn cố tri, nhạc sĩ Trần Văn Khê cũng có mặt. Rất, rất nhiều người, nhiều thế hệ khác nhau cũng đến đưa ông. Tôi cũng được biết là họ đến, họ hát nhạc của ông cùng với gia đình, cùng với con cái nhạc sĩ Phạm Duy : anh Tuấn Ngọc, chị Thái Hiền, các anh chị khác. Không khí tôi nghĩ chắc là cảm động.
Cá nhân tôi chỉ thấy tiếc một điều là, xin được nói thêm thế này. Giá mà Hội nhạc sĩ Việt Nam có một vị nào đại diện để thắp nhang… Theo tôi biết thì không có vị nào, trừ một vài vị đại diện của Sở văn hóa thông tin thành phố. Tôi tiếc rằng, đây là một cơ hội để Hội nhạc sĩ thành phố, Hội nhạc sĩ Việt Nam nên có thái độ. Đáng tiếc, vì đây là một cơ hội để Hội nhạc sĩ bày tỏ một thái độ đối với một nhạc sĩ thực sự có đóng góp cho âm nhạc Việt Nam. Dù có quan điểm nào, thì cũng không thể phủ nhận được rằng, diện mạo âm nhạc Việt Nam không thể không có sự đóng góp rất lớn của nhạc sĩ Phạm Duy. Đấy là quan điểm của tôi. Và tôi lấy làm tiếc, nếu các quý vị bên Hội âm nhạc thành phố và Hội âm nhạc Việt Nam không có mặt.
Về phản ứng của công chúng trước sự ra đi của một ngôi sao của âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ một số suy nghĩ của ông.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh : Tôi có thể nói về hai chuyện để thấy người ta đã dành tình cảm cho nhạc sĩ Phạm Duy như thế nào. Đầu tiên phải nói là, ở trên các mạng xã hội. Ở Việt Nam lâu nay, các mạng xã hội là cách thể hiện đời sống, về thời sự, cũng như tình cảm của con người Việt Nam, và được thể hiện một cách tự do nhất.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
 
03/02/2013
 
 

Trên các mạng xã hội, thì gần như trong cả một thời gian rất dài, từ trước khi ông mất, những nỗi lo ngại về chuyện ông sẽ mất, đến khi ông mất rồi, mọi người lại bàn tán về chuyện đó, với tất cả những kỷ niệm, những bình luận… Chuyện này đã kéo dài nhiều ngày nay. Và tất cả cho thấy một điều. Phạm Duy không như mọi người nghĩ rằng là, một thời gian sống qua xa nước, người ta có thể quên ông. Điều đó không phải như vậy. Tất cả những bình luận trên các mạng xã hội cho thấy rằng, giới trẻ rất đông, rất nhiều, cùng với những người đã sống ở nước ngoài, cũng như ở trong nước, mà vì rất nhiều điều kiện cách biệt không được nghe nhạc của ông, thì họ đều có chung một cảm nhận cùng chia sẻ nhau. Lúc đó, giống như các câu chuyện thầm kín của mỗi người cùng vỡ ra, và mỗi người đều nói. Và người ta đều nhìn thấy rằng là : Phạm Duy là một cái tên quá lớn trong lòng người, và nó tiếp tục âm ỉ, tiếp tục sống trong lòng thế hệ trẻ hôm nay. Dĩ nhiên, trong các mạng xã hội, có những người không thích, có những chỉ trích và bình luận khác. Nhưng phải nói rằng là, sồ lượng những người ca ngợi ông, nuối tiếc sự ra đi của ông, cũng như đánh rất cao sự đóng góp của ông cho nền âm nhạc Việt Nam thì rất nhiều, không thể kể hết được.
Còn ở Việt Nam trong đời sống bình thường, thì đám tang Phạm Duy là đám tang một nhạc sĩ rất lớn. Nhạc sĩ lớn ở đây không có nghĩa là được huân chương của Nhà nước, hay được Nhà nước tâng bốc… Thực sự tôi cũng nghe một cái tin hành lang cho biết, sau khi nhạc sĩ Phạm Duy chết, vào ngày thứ Hai, thì ngay ngày hôm sau, ban Tuyên giáo đã gọi điện thoại và nhắc các báo không nên làm quá trường hợp của Phạm Duy. Có một sự lo ngại mơ hồ, việc nhà cầm quyền cộng sản có một cách nhìn nhận như vậy và cũng tìm cách để kiểm soát thông tin tốt hơn, theo ý của họ. Nhưng mà tôi cũng được biết rằng, rất nhiều báo vẫn lẳng lặng làm cái việc của mình, là viết dài, viết nhiều, thậm chí thu thập thêm nhiều thông tin về Phạm Duy, vượt ra tất cả những sự kiểm soát, những lời răn dậy của ban Tuyên giáo.
Tôi cũng đã từng chứng kiến một đám tang lớn khác của một nhạc sĩ lớn khác của Việt Nam, đó là ông Trịnh Công Sơn. Ông Trịnh Công Sơn là một tên tuổi lớn, và khi ông mất đi, thì báo chí được sự yểm trợ của rất nhiều nhà lãnh đạo cộng sản thời đó, yêu thích Trịnh Công Sơn, như Võ Văn Kiệt. Người ta rất thích thú, người tự hào với việc có một nhạc sĩ miền Nam bình dân như vậy, và người ta cũng ủng hộ báo chí viết rất nhiều. Do đó, đám tang của Trịnh Công Sơn nó hết sức lớn, quy mô tới mức được giới thiệu từng ngày, ai là người đến viềng… Phạm Duy không phải là người được như vậy. Phạm Duy như tôi đã nói. Mọi thông tin về Phạm Duy cũng khắt khe hơn. Ngay cả trong trường hợp đó, (thì cảm tưởng về sự ra đi của) nhạc sĩ Phạm Duy, cũng âm thầm lặng lẽ và cũng rất sâu sắc. Có rất nhiều người vượt cả ngàn cây số, để đến gặp, để thắp một nén nhang cho Phạm Duy, mặc dù cả đời có thể chưa gặp một lần.
Tôi nghĩ rằng, những giá trị đó lớn lắm, lớn hơn cả các giá trị được báo chí vinh danh. Bởi vì đây là một con người phải sống với những sự kiểm duyệt ngặt nghèo đối với các tác phẩm của mình, luôn luôn buộc phải định hướng trong mọi lời nói, phát ngôn trên các phương tiện truyền thông. Phạm Duy đánh đổi tất cả cái đó để được sống tại quê nhà của mình, được thở hít không khí của quê hương. Thì, sự ra đi của ông, mặc dù không được đánh động quá lớn, như theo cách gọi làtuyên truyền như ở Việt Nam, thì nó vẫn là một ấn tượng rất lớn cho nhiều người, và nó cũng hết sức gần gũi và ấm áp. Tôi nghĩ, khi ra đi, ông nhìn thấy điều này, có lẽ cũng đã rất vui rồi.
RFI xin chân thành cảm ơn nhà thơ Đỗ Trung Quân và nhạc sĩ Tuấn Khanh.

Không có nhận xét nào: