Pages

Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Phản biện độc lập làm cho trí tuệ của toàn xã hội được nâng lên


Ở nước nào cũng vậy, tinh thần trách nhiệm và lương tâm của trí thức chân chính luôn là động lực góp phần biến cải xã hội
Đào Tuấn
GS Trần Văn Thọ
GS Trần Văn Thọ
PV: Thưa Giáo sư, từng tham gia Tổ tư vấn và Ban nghiên cứu của các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, ông có thể kể lại câu chuyện ông được mời tham gia và những kỷ niệm của ông trong quá trình đóng góp cho tư duy kinh tế Việt Nam ?
GS Trần Văn Thọ: Khoảng giữa năm 1993, tôi nhận được thư của Phó Thủ tướng Phan Văn Khải thừa lệnh Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời tham gia Tổ Tư vấn cải cách hành chánh và kinh tế của thủ tướng (gọi tắt là Tổ Tư vấn).
Tôi rất phấn khởi, một phần vì biết mình sẽ có cơ hội đóng góp ý kiến trực tiếp với lãnh đạo cao nhất của chính phủ về việc phát triển đất nước, một phần vì ý tưởng lập ban tư vấn có sự tham gia của người Việt Nam ở nước ngoài và những trí thức ở Saigon trước năm 1975 cho thấy Việt Nam đang muốn kết tập trí tuệ của mọi người, đang chuyển mình theo đà tiến của thế giới. Lúc đó tôi cũng đang là ủy viên chuyên môn trong Hội đồng kinh tế của Thủ tướng Nhật, đóng góp ý kiến về chính sách kinh tế đối ngoại của nước này.
Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ văn Kiệt gồm nhiều thành phần đa dạng, đặc biệt có tới 5 người nguyên là trí thức hoặc cựu quan chức dưới chính quyền Saigon trước năm 1975 và 3 người đang sinh sống ở nước ngoài. Hồi đó đúng lúc VN vừa ra khỏi khủng hoảng, đồng thời đã bắt đầu có quan hệ bình thường với nhiều nước tiên tiến và các định chế tài chính quốc tế. Với các điều kiện thuận lợi đó, VN phải có chiến lược, chính sách như thế nào để bắt đầu một thời đại phát triển nhanh và bền vững? Đó là ý nghĩ tôi luôn có trong đầu khi tham dự các buổi họp của Tổ tư vấn. Các buổi họp định kỳ có thủ tướng hoặc phó thủ tướng tham dự, không khí rất cởi mở, chúng tôi phát biểu thẳng thắn, hầu như không có gì phải e dè. So với hoạt động của Hội đồng kinh tế của Thủ tướng Nhật thì ở VN thủ tướng hoặc phó thủ tướng thường tự mình đến dự và nghe trực tiếp các ý kiến. Ở Nhật thì thủ tướng thỉnh thoảng mới tham dự, phần lớn chủ tịch hội đồng tư vấn và ban thư ký tổng kết ý kiến của các ủy viên và báo cáo với thủ tướng. Nhưng đến thời Thủ tướng Phan Văn Khải (Tổ tư vấn đổi thành Ban nghiên cứu chính sách của Thủ tướng) thì cách làm gần giống Nhật, thủ tướng ít tham dự trực tiếp hơn trước.
So với các hôi đồng tư vấn của Nhật, Tổ tư vấn ở Việt Nam có điểm nổi bật đáng nói là lượng thông tin cung cấp cho chuyên gia quá ít. Ở Nhật, cơ quan của chính phủ chuẩn bị cập nhật đầy đủ các tư liệu, thống kê cần thiết liên quan đến đề tài được thảo luận và các quan chức phụ trách báo cáo trong buổi họp của Hội đồng tư vấn. Các ủy viên sẽ dựa vào các thông tin, tư liệu đó và bằng kiến thức chuyên môn của mình, phát biểu kiến nghị về chính sách cho giai đoạn tới. Dĩ nhiên có trường hợp các ủy viên được lưu ý về một số thông tin thuộc loại mật, tùy mức độ có thể chỉ được tham khảo trong phòng hội nghị. Trong trường hợp Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chúng tôi rất ít được cung cấp thông tin. Nhiều thông tin về các chỉ tiêu kinh tế rất thông thường nhưng được xem là bí mật quốc. Nghịch lý hơn nữa là những chỉ tiêu đó chính phủ có nghĩa vụ báo cáo với Ngân hàng thế giới hoặc Quỹ tiền tệ quốc tế, nhưng chúng tôi thì không được cung cấp.
Thời đó, ý kiến của tôi xoay quanh các vấn đề cần thiết phải tiến hành công nghiệp hóa và các biện pháp, chính sách để thúc đẩy quá trình đó. Hồi đó ở Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của suy nghĩ cũ về công nghiệp nên tư liệu, thống kê bàn về công nghiệp hóa đều bao gồm công nghiệp khai thác quặng mỏ. Tôi đề nghị cần thay đổi khái niệm nầy, công nghiệp hóa chỉ giới hạn trong khái niệm công nghiệp chế biến, chế tác, gia công mới đúng nghĩa và phân tích chính xác trình độ công nghiệp cũng như mới so sánh được với thế giới.
Nhưng vấn đề lớn hơn là Việt Nam chưa xây dựng được các tiền đề để thực hiện công nghiệp hóa, đặc biệt hầu như tư duy và các chính sách hồi đó cũng như cơ chế, thủ tục hành chánh quá phức tạp đã làm yếu đi các tác nhân quan trọng của công nghiệp hóa là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Từ kinh nghiệm phát triển của các nước Á châu, đặc biệt của Nhật, Hàn Quốc và Thái Lan, tôi đã nêu lên các ý kiến sau: Thứ nhất, phải cải cách hành chánh, việc quản lý doanh nghiệp tư nhân nên theo phương pháp đưa ra danh mục hạn chế (negative list) trong đó quy định những ngành doanh nghiệp cần xin phép, còn những ngành khác thì tự do hoạt động, không cần xin phép. Danh mục hạn chế nên từng bước thu hẹp. Thứ hai, bãi bỏ ngay chính sách đối xử phân biệt đối với người nước ngoài, không áp dụng chính sách hai giá buộc người nước ngoài phải trả giá dịch vụ về nhà ở, về giao thông, thông tin, v. v.. cao gấp nhiều lần so với người trong nước. Nên có chính sách khuyến khích đầu tư thống nhất chung cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Danh mục hạn chế cũng nên áp dụng cho cả đầu tư nước ngoài. Thứ ba, nên đặt trong tâm vào việc khuyến khích xuất khẩu hàng công nghiệp đối với mọi loại hình doanh nghiệp để vừa bảo đảm nguồn ngoại tệ để nhập khẩu công nghệ và các sản phẩm cần thiết cho đầu tư, để có khả năng trả nợ, vừa để quá trình công nghiệp hóa tiến triển có hiệu suất. Dựa vào kinh nghiệm của Hàn Quốc, tôi có nêu nhiều biện pháp cụ thể để đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu.
Tuy không được triệt để thực hiện, nhưng nhiều nội dung trong hai chính sách đầu tiên đã được phản ảnh trong Luật doanh nghiệp mới và Luật đầu tư nước ngoài sửa đổi vào năm 1999. Còn chính sách thứ ba rất tiếc hầu như không được thực hiện một cách bài bản.
Khoảng năm 1995, nhân khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh nguy cơ tụt hậu, cho rằng tụt hậu là nguy cơ lớn nhất trong các nguy cơ, tôi có phân tích và cho thấy Việt Nam đi sau Thái Lan độ 20 năm. Tôi cũng chủ trương là Việt Nam không nên chạy theo số lượng, mà nên bảo đảm chất lượng phát triển (phân phối công bằng hơn, bảo đảm môi trường tốt hơn). Rút ngắn khoảng cách phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu, phải bằng cả chiến lược phát triển về lượng và về chất.
Cũng vào thời kỳ nầy, tham khảo kinh nghiệm của Nhật, tôi có đưa đề án cần phải tổ chức thi tuyển quan chức. Cụ thể là chọn một ngày trong năm làm ngày thi tuyển trên quy mô toàn quốc nhằm thuyển chọn nhân tài ra làm việc nước, và các bộ ngành khi cần tuyển quan chức phải tuyển từ những người đã đỗ các kỳ thi toàn quốc nầy. Ngoài mục đích tuyển chọn khách quan người có năng lực ra làm việc nước, việc tổ chức thi tuyển nầy có tác dụng nâng cao sứ mệnh và lòng tự hào của quan chức, từ đó tránh được tham nhũng, hơn nữa nó có tác dụng tạo ra công bằng về cơ hội và cỗ vũ cho giới trẻ hăng hái học tập để có cơ hội tham gia việc nước. Ý kiến của tôi đặc biệt được Tổng bí thư Đỗ Mười hoan nghênh. Ông đã cho copy thành nhiều bản gửi cho lãnh đạo các cấp tham khảo. Sau đó tôi biết có nhiệu bộ ngành có tổ chức thi tuyển quan chức riêng cho cơ quan mình nhưng chắc khó giữ được tính khách quan. Theo mô hình của Nhật Bản mà tôi đề nghị, như đã nói, thì việc thi tuyển phải được tổ chức bởi một cơ quan độc lập.
Vào thời Ban nghiên cứu chính sách của Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi ít tham gia trực tiếp nhưng tích cực góp ý kiến qua các bản báo cáo viết về các vấn đề tôi thấy quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Anh Trần Đức Nguyên, Trưởng ban nghiên cứu, thường động viên, khuyến khích tôi làm như vậy. Trong những thư trao đổi cá nhân hoặc trong các buổi họp của Ban nghiên cứu mà tôi có dịp tham dự, khi thấy tôi có ý kiến hay, anh Nguyên thường bảo tôi viết thành bản kiến nghị chi tiết để anh trao trực tiếp cho thủ tướng. Lúc nầy tôi quan tâm đến tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết với các nước ASEAN (AFTA) và tác động của Trung Quốc đến quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam. Tôi kiến nghị phải có chính sách phát triển công nghiệp tích cực hơn, triển khai nhanh chóng hơn mà mũi đột phá pjair là các ngành công nghiệp hổ trợ. Tôi cũng đưa ra các biện pháp để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào lãnh vực nầy và cơ chế nối kết các công ty FDI với công ty trong nước.
Liên quan đến chính sách, chiến lược phát triển kinh tế, ngoài các kiến nghị đưa ra tại Tổ Tư vấn và Ban Nghiên cứu của thủ tướng, tôi còn triển khai ý kiến của mình trên các báo, tạp chí tại Việt Nam. Trên các báo và tạp chí, tôi cũng tích cực đóng vai trò “phản biện” về các vấn đề giáo dục và đào tạo, đặc biệt từ năm 1997 đã phê phán gay gắt hiện tượng cấp bằng tiến sĩ tràn lan tại Việt Nam.
Rất tiếc là chỉ một phần nhỏ những ý kiến đã được tiếp thu, thực hiện. Theo tôi nhận xét thì thủ tướng và các lãnh đạo hiểu được vấn đề nhưng thường không dành thì giờ triển khai, đôn đốc thực hiện những vấn đề có tính chiến lược mà thường giao cho các bộ ngành liên hệ. Tổ Tư vấn và Ban nghiên cứu ở VN cũng thường bận rộn trong việc giúp thủ tướng giải quyết các vấn đề trước mắt chứ ít nghiên cứu về các chiến lược phát triển dài hạn.
PV: Thưa Giáo sư, quan điểm cá nhân của ông về vai trò phản biện xã hội của giới trí thức. Phản biện xã hội có phải là một tiêu chí của người trí thức ?
GS Trần Văn Thọ: Có thể có nhiều định nghĩa về trí thức. Theo tôi, trí thức là người có trình độ văn hóa cao, có kiến thức chuyên môn, và không bị ràng buộc vào (hoặc có ý thức tránh xa) những lợi ích phát sinh từ quan hệ với lãnh đạo chính trị hoặc từ sự thay đổi của các chính sách. Nếu hiểu như vậy thì rõ ràng sự phản biện xã hội của trí thức đối với các vấn đề của đất nước là vô cùng quan trọng. Các chiến lược, chính sách của nhà nước hoặc là có thể bị chi phối bởi các nhóm lợi ích hoặc phải có tính cách chiết trung nhằm đáp ứng yêu cầu của các bộ ngành có các lợi ích và quan tâm khác nhau. Sự phản biện của trí thức sẽ giúp cho nhà nước thấy được các hạn chế của chiến lược, chính sách ban đầu, hoặc trở thành “đồng minh” giúp nhà nước mạnh dạn chọn được phương án tối ưu. Ở nước nào cũng vậy, tinh thần trách nhiệm và lương tâm của trí thức chân chính luôn là động lực góp phần biến cải xã hội.
PV: Ở Nhật Bản, trí thức phản biện xã hội như thế nào và việc coi trọng những phản biện xã hội đó ra sao, thưa Giáo sư?
GS Trần Văn Thọ: Tại những nước đã phát triển như Nhật, có nhiều kênh phản biện của trí thức. Ngoài các ban tư vấn của thủ tướng, của các bộ trưởng, kênh quan trọng nhất là các cơ quan truyền thông. Tiền đề để sự phản biện xã hội có hiệu quả là sự công khai thông tin về chính sách của nhà nước.
Lấy một ví dụ về cơ chế công bố chính sách, phương châm của nhà nước về kinh tế để nhân dân tham khảo và phản biện. Hằng năm các bộ của chính phủ công bố bản báo cáo gọi là Bạch thư tức là Sách trắng (White Paper), nổi tiếng nhất là Bạch thư kinh tế (bây giờ gọi là Bạch thư kinh tế tài chính) và Bạch thư về ngoại thương. Những Bạch thư kinh tế thời cuối thập niên 1940 (lúc kinh tế Nhật đang khốn đốn sau chiến tranh) hoặc những bạch thư đầu thập niên 1960 (là thời kỳ Nhật bắt đầu giai đoạn phát triển thần kỳ) đã để lại dấu ấn lớn trong lòng người Nhật ngày nay. Trong Bạch thư kinh tế, chính phủ phân tích hiện trạng và các vấn đề được xem là cơ bản nhất về kinh tế Nhật và đưa ra phương hướng giải quyết cho những năm tới. Trước khi công bố vài ngày, chính phủ đưa cho các tờ báo lớn một bản để họ chuẩn bị đăng lên trong ngày công bố và nhân dịp đó, mỗi tờ báo nhờ các học giả, các nhà nghiên cứu uy tín viết bài đánh giá về Bạch thư năm ấy. Các bài đánh giá nầy là các phản biện độc lập với chính phủ được đăng lên cùng với bản tóm tắt của Bạch thư giúp cho người đọc so sánh được ý kiến của nhà nước với ý kiến của các chuyên gia độc lập. Các chuyên gia trong bộ máy nhà nước thông thường không được tự do nêu hết ý kiến của mình trong Bạch thư vì họ phải tham khảo ý kiến của các bộ ngành liên quan, đôi khi các ý kiến đó đối chọi nhau (Chẳng hạn Bộ Công Thương chủ trương tự do hoàn toàn trong ngoại thương trong khi Bộ Nông nghiệp chủ trương không tự do nhập khẩu gạo, gạo là ngoại lệ). Nhiều khi Bạch thư phải viết theo lối chiết trung để tránh xung đột trong chính phủ. Các học giả, chuyên gia độc lập thì tự do phát biểu trên căn cứ hoàn toàn khách quan, khoa học, và sự phản biện độc lập nầy làm cho trí tuệ của toàn xã hội được nâng lên.
Một ví dụ khác. Giữa tháng 12 vừa qua, trong cuộc bầu cử Hạ viện ở Nhật, Đảng Tự do Dân chủ (LDP) thắng lớn. Abe Shinzo, Chủ tịch LDP, đã phát biểu chính sách kinh tế sẽ được thực thi sau khi nhậm chức thủ tướng. Mục tiêu của chính sách là hồi phục kinh tế, thoát ra tình trạng giảm phát hiện nay. Nội dung chính của chính sách ấy là nới lỏng tiền tệ, tăng lượng tiền lưu thông nhằm mục tiêu lạm phát 2%. Sau khi chính sách được công bố, các báo đài đồng loạt mời các học giả kinh tế bình luận. Nhiều ý kiến tán thành, nhưng cũng không ít ý kiến hồ nghi về hiệu quả, trong đó đáng chú ý là ý kiến cho rằng chónh sách nới lỏng tiền tệ chỉ có hiệu quả ngắn hạn và nếu không có các chính sách cải cách về cơ cấu đi kèm thì có nguy cơ tạo ra nền kinh tế bong bóng. Nhờ các ý kiến phản biện nầy, chắc chắn thủ tướng Abe sẽ tham khảo và điều chỉnh để chính sách mang lại hiệu quả cao.
Có một số kế hoạch, chính sách sẽ thực thi nhưng nhà nước chưa thể công khai vì liên quan dến an ninh quốc gia hoặc ngoại giao. Trong trường hợp nầy nhà nước có thể mời các chuyên gia phản biện kín. Trong tương lai, vào một thời điểm thích hợp, các thông tin ấy được công khai và người lập chính sách cũng như các trí thức tham gia phản biện sẽ chịu trách nhiệm trước lịch sử về các quyết định hoặc ý kiến của mình
Xin trân trọng cảm ơn GS.

Không có nhận xét nào: