Pages

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Singapore : thiên đường khoa học



Getty Images
Getty Images
Chỉ trong vòng có vài năm gần đây, Singapore, một đảo quốc bé nhỏ với khoảng hơn 5 triệu dân đã trở thành gần như là thiên đường cho các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Chính phủ chú trọng đầu tư nhiều vào khoa học và công nghệ với tham vọng biến đảo quốc thành một xã hội tri thức.
Liên quan đến chủ đề này, bài phóng sự đề tựa « Singapore thiên đường khoa học », đăng phụ trương Khoa học và Công nghệ của báo Le Monde đặt câu hỏi « liệu kết quả có đúng với những lời hứa hẹn hay chưa ? ». Vào những năm 2000, giống như châu Âu vào thời điểm ấy, Singapore dấn thân theo nền « kinh tế tri thức » và quyết định đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chất xám. Nếu như châu Âu làm nhát chừng, thì Singapore lại làm mạnh.

Nhờ tăng trưởng luôn ở mức hai con số, tức là từ 10% năm, đảo quốc đã nhân đôi ngân sách cho nghiên cứu : từ 1 ,34% tổng sản phẩm nội địa năm 1996 lên 2,65% GDP năm 2008. Một mức chi còn cao hơn của Pháp nhưng vẫn thấp hơn so với Đan Mạch, vốn có cùng số dân. Tuy nhiên, Singapore không có ý định dừng lại ở mức đó, ngân sách cho nghiên cứu vẫn tiếp tục tăng đều. Và chính phủ cũng đã ấn định phải đạt ở mức 3% của GDP, tức ngang ngửa với các nước có mức chi cho khoa học cao nhất như Nhật Bản, Phần Lan, Thụy Điển, Đài Loan, Hàn Quốc…
Sau hơn 10 năm đầu tư không ngừng, giờ đây các nỗ lực bắt đầu đơm hoa kết trái. Các trường đại học lớn của Singapore đã lọt vào top các đại học hàng đầu tại châu Á, đứng sau Nhật Bản và trên Trung Qu ốc. Le Monde lấy ví dụ hai trường đại học danh tiếng nhất của Singapore là Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) và đại học quốc gia Singapore (NUS).
Ông Bertil Andersson, chủ tịch NTU, từng là chủ tịch một trường đại học tại Thụy Điển và chủ tịch Quỹ nghiên cứu khoa học châu Âu (có trụ sở tại Strasbourg), cho biết trong vòng có sáu năm, lượng nghiên cứu sinh đến ghi danh tại trường và số lượng các công trình nghiên cứu được đăng tải đã tăng lên gấp 4 lần.
Với xu hướng phát triển đó, NTU tiếp tục phát triển khu học xá có khả năng tiếp nhận đến 34000 sinh viên, với nhiều tiện ích như khu nhà ở, có thể đón nhận đến 2/3 số sinh viên, khu tự học và mở thêm một số ngành học mới.
Về phần trường đại học quốc gia Singapore – NUS, Le Monde cho biết chính phủ đầu tư xây dựng nhiều trung tâm nghiên cứu như Campus for Recherche Excellence and Technological Enterprise, nơi tọa lạc các phòng thí nghiệm chung với các trường đại học nước ngoài danh tiếng như Massachusetts Institut of Technology (MIT) của Mỹ, Technion của Israel hay Viện Công nghệ Thụy Sỹ tại thành phố Zurich. Cũng tại NUS, thủ tướng đã cho thành lập National Research Foundation vào năm 2006 theo hình thức gọi thầu.
Bên cạnh hai trường đại học danh tiếng đó, Singapore còn sở hữu nhiều trung tâm công nghệ nổi tiếng khác, chẳng hạn như A*Star, trực thuộc Bộ công nghiệp, tập trung chủ yếu trong các lãnh vực y-sinh học, công nghệ thông tin…
Theo như nhận định của ông Bertil Andersson, tại Singapore, nghiên cứu khoa học phát triển mạnh như vũ bão, « lao nhanh như tên lửa », chứ không « trì trệ như tại châu Âu ». Le Monde nhìn nhận, trong túi rủng rỉnh thì cái gì cũng dễ dàng cả. Tuy nhiên, không vì thế mà đảo quốc bé nhỏ nhưng tham vọng lớn lao lại phung phí tiền một cách vô tội vạ. Chính phủ ấn định các mục tiêu ưu tiên phát triển, và nghiên cứu khoa học phải hỗ trợ cho sự đổi mới để phục vụ cho các tiện ích của đất nước.
Le Monde lưu ý, đảo quốc đã đạt những thành tựu như ngày nay cũng nhờ vào chính sách gọi thầu – theo tiêu chuẩn quốc tế cho nghiên cứu khoa học. Trên thực tế, chính phủ không có sáng tạo ra mô hình mới mẻ nào, mà chủ yếu dựa trên các hệ thống đã tồn tại sẵn, nhất là mô hình Anh. Theo đó, chính quyền thực hiện chính sách gọi thầu cho các dự án ba, năm hay mười năm, theo quan điểm « chuyển giao công nghệ » thông qua hợp tác với các nhà công nghiệp và mua bằng sáng chế nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình từ khám phá cho đến ứng dụng.
Ngoài các nỗ lực của chính bản thân chính phủ, Le Monde còn phải nhìn nhận rằng, hiện tại đất nước đang sở hữu cái gọi là « thiên thời, địa lợi ». Vì là một trong những cảng biển lớn nhất thế giới, Singapore đã là một giao lộ thương mại lớn của thế giới. Vì thế, có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đây thành lập cơ sở (kể cả vì lý do thuế). Mặt khác, đảo quốc có lợi thế là nền chính trị ổn định. Và tiếng Anh là một trong bốn ngôn ngữ chính thức (bao gồm cả tiếng ta-mun, Malaysia và tiếng Hoa).
Một điểm hấp dẫn khác thu hút không ít các nhà khoa học phương Tây đến đảo quốc làm việc đó là chính phủ tạo đủ mọi điều kiện để ổn định cuộc sống, từ chuyện kiếm việc làm cho người bạn đời, đến chuyện ăn ở và học hành của con cái.
Thế nhưng, Le Monde nhận thấy rằng không có gì là hoàn hảo cả. Diện tích quá bé nhỏ nên cũng hạn chế phần nào các năng lực hay khả năng thực hiện các thử nghiệm lâm sàng. Việc ở xa cũng làm việc cung cấp thiết bị trở nên đắt đỏ và mất nhiều thời gian. Điều mà nhiều nhà khoa học lấy làm tiếc nhiều nhất đó là các sinh viên châu Á thiếu tính sáng tạo , không giống như các sinh viên châu Âu, theo như nhận định của một nhà khoa học Pháp.
Trung Quốc : Tết nguyên đán của những kẻ độc thân
Năm hết, Tết đến. Nhà nhà chuẩn bị cho đêm giao thừa và đón mừng năm mới. Cũng trong bầu không khí đầm ấm đó, Liberation tản mản dõi theo những lo âu của các bậc cha mẹ tại Trung Quốc khi thấy con cái đã trưởng thành nhưng vẫn chưa thành gia thất.
« Tết nguyên đán Trung Quốc, cũng là lúc kẻ độc thân buồn tủi » là tựa đề bài phóng sự. Philippe Grangereau, thông tín viên tờ Liberation tại Bắc Kinh cho hay, dưới áp lực xã hội và tập tục, các bậc cha mẹ đến tìm bạn đời cho con mình trong các « công viên hôn nhân ».
Tại đó, người ta chen chúc nhau cứ như là đi hành hương, trên cổ đeo một biển ghi rõ các thông tin về năm sinh, thể hình, nơi cư ngụ, nghề nghiệp, thu nhập và các yêu cầu về bạn đời cho con. Trong túi áo đầy các tấm ảnh về con mình ở đủ mọi thời điểm. Khổ cực thế nhưng không được con cái đáp trả, những người mà bố mẹ tìm cho được đều bị con cái gạt phăng hết.
Các cuộc trao đổi diễn ra rất âm thầm. Đây đó người ta chỉ nghe những tiếng xì xào « trai hay gái ? », « lương tháng bao nhiêu ? »… Một khi đã tìm thấy điểm tương đồng, cuộc mặc cả sẽ được bắt đầu ở một góc riêng nào, dưới các gốc cây. Tác giả cho biết ngoài các chi tiết như đòi hỏi về chiều cao cũng như là sở hữu một căn hộ tại Bắc Kinh, những tiêu chuẩn không thể thương lượng, phần còn lại tùy tình hình. Đối với các bậc cha mẹ tại Bắc Kinh, chuyện thấy con gái vẫn còn đơn chiếc sẽ là những đề tài ngồi lê đôi mách và những ẩn ý không thể nào tránh né được.
Thế nhưng, điều trớ trêu là tâm nguyện đó của cha mẹ lại không phù hợp với nguyện vọng của các cô. Nhiều cô gái trẻ độc thân đã sử dụng nhiều độc chiêu để đối phó với cha mẹ. Trên mạng Internet, người ta thấy đầy các mẫu thông báo, tìm « thuê » trong ngày một cậu con trai cùng độ tuổi để vờ giới thiệu với cha mẹ là rể tương lai. Thậm chí nhiều cô còn táo tợn hơn nghĩ đến chuyện tìm người làm đám cưới giả.
Vậy mà cái mánh khóe gian lận đó lại trở thành một ngành kinh doanh đắt hàng. Một thanh niên chuyên đi hát trong các quán bar tại Bắc Kinh xác nhận cùng tác giả rằng cậu đã làm trôi chảy kiểu công việc đó với hơn một chục cô gái và trở thành kẻ « chuyên nghiệp » trong lãnh vực này kể cả chuyện làm đám cưới giả. Lưu ý là để làm được công việc này, các cậu phải là những « diễn viên điêu luyện » và phải có cái đầu « rất lạnh » mới có thể đối phó được với áp lực gia đình cô gái.
Bắc Kinh : sự xa hoa tạo thói quen xấu trong xã hội
Cũng về Trung Qu ốc, báo Le Monde cho biết sắp tới đây, những gì ca tụng lối sống « vương giả » hay chỉ đơn giản là từ hàm nghĩa « xa hoa » đều bị cấm trong các mẫu quảng cáo. Bởi một lẽ rất đơn giản là chính quyền Bắc Kinh lo sợ các mẫu quảng cáo đó có nguy cơ làm cho hố ngăn cách giàu-nghèo ngày thêm sâu và làm gia tăng « tâm lý sính ngoại ».
Le Monde viết « cứ tưởng là ta đang quay lại với những triết lý đạo đức châu Âu, thời mà sự xa hoa bị xem như là sự lãng phí ». Bởi vì, trong lịch sử triết học châu Âu, cả ba nhà hiền triết Platon, Sénèque sau này là Rousseau, từng lên án cuộc sống phù phiếm bởi những ám ảnh vật chất tầm thường và những ảo vọng sự sung túc.
Một lập luận giờ đây đang được chính quyền Bắc Kinh lấy ra sử dụng. Nghĩa là sắp tới đây, các kênh truyền hình và đài phát thanh sẽ phải ngưng phát các mẫu quảng cáo cho các quà cáp đắt tiền, như đồng hồ, các con tem hiếm hay vàng miếng.
Đấu tranh chống tham nhũng
Quyết định trên phát sinh từ quyết tâm chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Bởi vì, chuyện tặng quà cấp trên để có một đặc ân là một thói quen thường thấy tại Trung Qu ốc. Và các quan chức trong hàng ngũ Đảng bị tố cáo là đã quá lạm dụng chuyện quà cáp. Hàng loạt các bức ảnh cho thấy nhiều công chức nhà nước, tay đeo đồng hồ hiệu Thụy Sỹ đắt tiền đã được tung lên mạng Internet.
Theo xác nhận của Tân Hoa Xã , cơ quan ngôn luận chính thức của nhà nước, kể từ ngày 7/2 vừa qua, những quảng cáo bị cấm « đã quảng bá những giá trị không phù hợp và đã góp phần tạo nên một thói quen xã hội xấu ». Cơ quan này còn nhấn mạnh thêm rằng « với tư cách công cụ truyền bá văn hóa và hệ tư tưởng chính, đài phát thanh và truyền hình phải thực thi đúng vai trò giáo dục người dân ».
Cuối cùng, Le Monde mỉa mai nhận xét rằng, bất chấp các lệnh cấm quảng bá « sự cao sang », thì sự hâm mộ các loại hàng hiệu nó vẫn cháy rực đến mức những người tu khổ hạnh và những nhà đạo đức vẫn chưa tìm ra được một tín đồ.
Vụ tai tiếng gây rúng động Tây Ban Nha
Trời Âu cuối năm Thìn không mấy gì quang đãng, nhất là tại Tây Ban Nha. Nhiều lời cáo buộc tham nhũng đang gây bất ổn cho đảng cầm quyền và có thể khiến thủ tướng Mariano Rajoy phải mất ghế. Trong khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng, người dân Tây Ban Nha xem đấy như là cơ hội để đất nước được nằm trong bàn tay trong sạch. Chủ đề này được báo Le Figaro phản ảnh lại qua bài viết mang tựa đề « Vụ tai tiếng gây chấn động Tây Ban Nha ».
Le Figaro viết đây là lần thứ hai chính trường Tây Ban Nha lại rúng động vì những cáo buộc tham nhũng. Lần thứ nhất diễn ra vào năm 1994. Vào thời điểm đó, ông Felipe Gonzalez , thuộc đảng Xã hội, cũng bị tố cáo tham nhũng. Lần này, là đến lượt đảng cánh tả Parti Populaire (PP)của thủ tướng đương nhiệm.
Theo tiết lộ đăng trên hai tờ nhật báo lớn tại Tây Ban Nha là tờ El Pais và El Mundo, trong vòng hai mươi năm qua, đảng Parti Populaire của ông Mariano Rajoy có lẽ đã vận hành theo kiểu tài trợ bất chính và thưởng tiền bất hợp pháp. Giới truyền thông trong nước còn đưa ra các nhân chứng đang là thành viên và cựu thành viên của đảng cho biết nhìn thấy từng xấp bao thơ tiền.
Thậm chí tờ El Pais còn đăng tải các chứng từ kế toán của đảng cầm quyền và các chữ viết mà giới báo chí được tham khảo được gán cho là của Barcenas, người giữ chìa khóa hòm của đảng. Ở đó, độc giả có thể thấy rõ người gửi và người nhận, các khoản thu và khoản chi, được phân chia thành hai cột rõ rệt. Trong đó, 70% các khoản thu là bất hợp pháp, vì cao hơn mức tối đa do luật pháp quy định về tài chinh các đảng chính trị.
Về phần các khoản lương phụ trội cho ban lãnh đạo đảng, El Pais cho biết là không được khai thuế. Theo sổ kế toán của Barcenas, bản thân thủ tướng có lẽ đã nhận 25 200 euro/ năm trong vòng 11 năm qua.
Theo nhận định của một nhà quan sát trong nước, sở dĩ sự việc có thể nổ ra là do nguồn gốc hiềm thù cá nhân. Vì bị đảng cầm quyền đuổi việc vào năm 2010 do có dính dáng đến một vụ tham nhũng khác, ông Barcenas từ nhiều tháng nay cố tìm cách đe dọa tống tiền đảng nhưng đều bị từ chối.
Câu hỏi đặt ra liệu ông Rajoy có thể giữ được chiếc ghế thủ tướng hay không ? Về mặt chính thức, thủ tướng cũng như là đảng của ông phải phủ nhận tất, ngoại trừ vài chi tiết nhỏ nhặt. Nếu như tờ el Pais cố bám lấy các nhân chứng để chứng minh tính xác thực của các chứng từ, thì ngược lại phe hữu, tức đảng PP, cho đó là chuyện dàn dựng, và các chứng từ đó có lẽ do kẻ « phản trắc » tự viết ra.
Trước mắt, phe đối lập cũng chỉ dựa được vào báo chí để yêu cầu thủ tướng từ chức. Đương nhiên, đảng cầm quyền cũng không quên chống chế khi gợi nhắc lại những vụ tai tiếng ngay trong lòng đảng Xã hội. Bởi vì, tại Tây Ban Nha, tham nhũng không chừa một phe nào, cả bên hữu lẫn bên tả.

Không có nhận xét nào: