Pages

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Tiến tới một định nghĩa khác về xã hội dân sự


Lời tác giả:                                            Đây là bài cuối cùng trong loạt bài về “Xã hội dân sự”. Mỗi bài bàn về một khía cạnh khác nhau, khá độc lập, có thể tồn tại như một bài riêng. Tuy nhiên, để theo dõi trọn vẹn vấn đề cũng như mạch lý luận của tác giả, xin quý bạn đọc đọc lại các các bài đã đăng:
  1. Xã hội dân sự hay xã hội công dân?
  2. Xã hội dân sự như một phạm trù nhận thức
  3. Xã hội dân sự như một khu vực thứ ba
  4. Xã hội dân sự và tiến trình dân chủ hoá
  5. Xã hội dân sự tại Việt Nam: một bức tranh lệch lạc và dang dở
  6. Xã hội dân sự ở Việt Nam: Theo quan điểm của Gramsci
  7. Xã hội dân sự từ bên trong
  8. Xã hội dân sự và mạng lưới truyền thông
***
Cho đến nay, đã có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm xã hội dân sự. Nguyên nhân của những sự khác biệt ấy chủ yếu xuất phát từ ba điểm chính: Thứ nhất, từ những truyền thống và những khung lý thuyết mà người ta chấp nhận và ứng dụng: Những người theo quan điểm của Alexis de Tocqueville sẽ có những định nghĩa khác với những người theo quan điểm của Antonio Gramsci, chẳng hạn. Thứ hai, từ các khu vực được nghiên cứu: Đi từ những nơi đã có truyền thống dân chủ từ lâu đến những nơi dân chủ mới được thiết lập và cuối cùng, đến những nơi còn mờ mịt dưới các chế độ toàn trị, rất nhiều yếu tố vốn được xem là yếu tính của xã hội dân sự đã bị biến đổi, có khi không phải chỉ ở mức độ mà ngay từ bản chất. Thứ ba, từ phương pháp luận: Một số người hài lòng với phương pháp mô tả, dựa trên những gì họ quan sát được trong khi một số người khác lại đi theo hướng quy phạm (normative definition), định nghĩa xã hội dân sự theo những gì họ nghĩ là nó sẽ làm và nên làm.
Các định nghĩa khác nhau ấy không phải là một phủ định của ý niệm xã hội dân sự mà là một bằng chứng cho thấy tính chất đa dạng và phức tạp của vấn đề. Trước tính chất đa dạng và phức tạp ấy, giới nghiên cứu, một mặt, phải duy trì một số điểm chung nào đó để bảo đảm không lạc sang một vấn đề và một khái niệm khác; mặt khác, phải tôn trọng cái đối tượng đặc thù mà mình đang khảo sát.
Từ việc đối chiếu các xã hội dân sự từ Bắc Mỹ – Tây Âu đến Đông Âu – Nam Mỹ và Á châu, trong đó có Việt Nam, tôi đề nghị một định nghĩa khác về khái niệm xã hội dân sự:
Xã hội dân sự là một nơi chốn (arena), thực hoặc ảo, ở ngoài gia đình, nhà nước và thị trường, nơi các công dân tự nguyện tham gia để có một tiếng nói chung hoặc một hành động chung về những điều mọi người cùng quan tâm, trong đó, điều quan tâm lớn nhất là vấn đề dân chủ.
Xin giải thích một chút về định nghĩa trên.
Trước hết, tôi xem xã hội dân sự là một nơi chốn (arena) thay vì một tổ chức (organisation) như quan niệm quen thuộc ở Tây phương, một quan niệm vốn xuất phát và chỉ thích hợp với các xã hội đã có nền dân chủ vững chắc, ở đó, việc lập hội vừa hợp pháp vừa dễ dàng. Quan niệm xem xã hội dân sự như một nơi chốn này cũng đã được Carmen Melena và Volkhart Finn Heinrich nêu lên (1), và, trước đó, đã được tổ chức CIVICUS sử dụng (2). Có thể truy gốc gác của quan niệm này từ lý thuyết về không gian công cộng (public sphere) của Jurgen Habermas khi ông xem không gian công cộng như một nơi chốn mọi người có thể thảo luận về các vấn đề xã hội một cách tự do và bình đẳng (3). Tôi chỉ thêm một kích thước mới: nơi chốn ấy không nhất thiết phải ở ngoài đời thực. Nó có thể thuộc một không gian ảo. Với các trang mạng.
Quan niệm này có điểm lợi là nó có thể dung hợp quan điểm xem xã hội như một tiến trình của Joseph Hannah và quan điểm xem xã hội dân sự như một hành động của Jorg Wishermann: hành động hay tiến trình nào cũng diễn ra trong một nơi chốn cụ thể. Nhưng không nhất thiết phải gắn liền với một tổ chức. Cứ khăng khăng bám vào “tổ chức”, nhất là “tổ chức chính thức”, nghĩa là được đăng ký và có giấy phép hoạt động đàng hoàng, trong trường hợp của Việt Nam cũng như các chế độ toàn trị khác, chúng ta sẽ hoàn toàn tuyệt vọng: Nó sẽ không có, và không thể có, vì đó là một điều cấm kỵ. Nếu không tuyệt vọng thì chúng ta cũng sẽ bị lừa dối bởi những tổ chức xã hội dân sự giả vốn được nhà nước thành lập, lãnh đạo, điều khiển và kiểm soát chặt chẽ, như một tổ chức ngoại vi của đảng cầm quyền.
Cũng giống như Melena và Heinrich, thay cho khái niệm “tổ chức”, tôi nhấn mạnh vào tư cách “công dân”. Xã hội dân sự, dù hiểu theo nghĩa nào, cũng là xã hội của các công dân, nơi người ta hành xử, trước hết, với tư cách công dân. Tôi cho đó là nội dung quan trọng nhất của xã hội dân sự. Đã đành, bình thường mỗi người chúng ta ai cũng đồng thời là một công dân. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng sống và hành xử như một công dân. Trong gia đình, chúng ta chỉ là ông/bà/bố/mẹ/chồng/vợ/anh/chị/con/cháu… Ở chỗ làm, chúng ta chỉ là chủ hoặc nhân viên. Ở chợ hay các cửa hàng, chúng ta là người bán hoặc người mua. Ngay cả khi là công chức, chúng ta cũng chỉ có thể là hoặc lãnh đạo hoặc thuộc hạ. Ở Việt Nam, cơ hội để chúng ta làm công dân rất hiếm hoi: Thường, đó là những lúc chúng ta được cầm lá phiếu đi bầu cử. Hiếm hoi nhưng lại giả tạo: những lá phiếu ấy rất giới hạn (qua sự giới hạn số người ứng cử), bị kiểm soát chặt chẽ và luôn luôn có nguy cơ bị gian lận. Xã hội dân sự là cơ hội để các công dân sống với tư cách công dân của mình nhiều hơn và tích cực hơn: Họ đến với các công dân khác một cách tự nguyện và bình đẳng, ở đó, họ được tự do phát biểu ý kiến về những gì mình quan tâm để tranh đấu cho những điều quan tâm ấy biến thành hiện thực.
Trong câu vừa viết ở trên, với tôi, chữ quan trọng nhất là chữ “quan tâm”. Tôi cho cốt lõi của tư cách công dân nằm ở chỗ biết quan tâm đến những vấn đề chung của xã hội và đất nước. Những kẻ, nói theo chữ của Chế Lan Viên, chỉ biết “ngủ yên trong giường chiếu hẹp” với những “giấc mơ con đè nát cuộc đời con” chắc chắn không phải là những công dân đúng nghĩa. Ở mặt nổi, công dân nào cũng phải có quyền, bổn phận và trách nhiệm đối với đất nước; nhưng ở chiều sâu, công dân nào cũng phải gắn bó mật thiết với cả cộng đồng: tất cả đều có một ký ức tập thể, một tưởng tượng tập thể, và đặc biệt, một sự quan tâm có tính tập thể. Các nhà nước toàn trị, một mặt, tìm mọi cách, chủ yếu là tuyên truyền, thậm chí, nhồi sọ, để tăng cường các ký ức và tưởng tượng tập thể nhưng lại tìm mọi cách, kể cả bằng bạo lực, để ngăn chận sự quan tâm chung. Với họ, ký ức tập thể và tưởng tượng tập thể chỉ có lợi: Chúng biến mọi người lại thành một khối, một cộng đồng. Nhưng sự quan tâm chung lại có hại: Với nó, người dân sẽ đòi hỏi quyền được biết, được bàn và được làm. Đó là lý do tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lúc nào cũng gạt dân chúng đi: “Để Đảng và nhà nước lo!” Một cộng đồng chỉ có ký ức tập thể, tưởng tượng tập thể nhưng lại không có mối quan tâm có tính tập thể chỉ là một bầy đàn.
Một tập thể có thể có nhiều mối quan tâm khác nhau, nhưng với tư cách một xã hội dân sự, mối quan tâm lớn nhất (dĩ nhiên không phải là duy nhất) là vấn đề dân chủ. Điều này, thật ra, rất dễ hiểu. Nó gắn liền với lý do hình thành và phát triển của xã hội dân sự. Cho đến nay, hầu như mọi lý thuyết gia đều cho bản chất của xã hội dân sự đều nằm trong quan hệ giữa nó và nhà nước: Với De Tocqueville, xã hội dân sự hạn chế nhà nước; với Hegel, nó là một giai đoạn cần thiết để hình thành nhà nước; với Marx, đó là nguồn quyền lực của nhà nước; với Gramsci, đó là nơi nhà nước xây dựng quyền lãnh đạo trong liên minh với giai cấp thống trị của mình (4); với các lý thuyết gia hiện nay, nó là điều kiện để cân bằng quyền lực giữa nhà nước và xã hội. Cân bằng, trong trường hợp này, đồng nghĩa với dân chủ: xã hội, ít nhất, cũng có thể tham dự hoặc giám sát các quyết định và cách thức thi hành các quyết định ấy của nhà nước. Bởi vậy, Bernhard mới khẳng định: “Dân chủ hiện đại chỉ có thể tồn tại trong mối liên hệ với xã hội dân sự” (5); Dorota I. Pietrzyk xem hai khái niệm xã hội và dân chủ, tuy có ý nghĩa khác nhau, vẫn trùng lấp lên nhau (6).
Với khái niệm “tiếng nói chung” hay “hành động chung”, tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến tính chất tập thể. Xã hội dân sự bao giờ cũng phải là một việc làm có tính tập thể. Không có tính tập thể vẫn có xã hội, nhưng không thể có xã hội dân sự.
***
Chú thích:
  1. Trong bài “Can We Measure Civil Society? A Proposed Methodology for International Comparative Research” in trên Development in Practice số 17, tháng 6 năm 2007, tr. 338-352.
  2. CIVICUS (2005), Civil Society Index – Shortened Assessment Tool (CSI-SAT), A Guide for CSI-SAT Implementation Agencies, Washington D.C.: CIVICUS.
  3. Jurgen Habermas (1989), The Structural Transformation of the Public Sphere: An Inquiry into a Category of Bourgeois Society, Thomas Burger và Frederick Lawrence dịch, Cambridge: Polity.
  4. Neera Chandhoke (2007) bài đã dẫn, tr. 609.
  5. Dẫn theo Gideon Baker, trong bài “The Taming of the Idea of Civil Society”, in trong Peter Burnell & Peter Calvert (biên tập) (2004), Civil Society in Democratization, London: Frank Cass, tr. 46.
  6. Dorota I. Pietrzyk, “Democracy or Civil Society?”, Politics số 23 (2003), tr. 41.* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào: