Pages

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Trung Quốc đang chơi trò chiến tranh nguy hiểm


So với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, các động thái của Trung Quốc ít ồn ào hơn trên phương diện quốc tế nhưng lại nguy hiểm hơn đối với các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền.
Hình ảnh về cuộc chuyển quân tại Phúc Kiến do người dân chụp trong khoảng 3/2 đến 6/2.
Trong vòng hai tuần qua, Trung Quốc liên tục có các động thái khiến các quốc gia láng giềng phải quan ngại.
Ngày 30/1, Tân hoa xã đưa tin quân đội nước này đã điều động 3 tàu khu trục thuộc Hạm đội Bắc Hải tới tập trận trên Biển Đông và Hoa Đông. Ngày 4/2, thông tin về một cuộc tập trận chống tàu ngầm rầm rộ được đăng tải.
Ngày 10/2, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (SOA) thông báo hai tàu hải giám 75 và 167 đang tuần tra ở Biển Đông. Cùng ngày, các phương tiện truyền thông quốc gia Trung Quốc đưa tin 3 tàu khu trục nêu trên đã kéo ra Tây Thái Bình Dương tiếp tục tập trận để chứng minh khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Ngày 12/2, trang web Molihua đăng tải những hình ảnh do người dân các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang chụp từ ngày 3/2 đến 6/2, cho thấy một đoàn dài các xe thiết giáp và pháo binh di chuyển trên đường.
Các động thái trên không nói ra thì ai cũng hiểu là được nhắm tới các quốc gia cụ thể. Vụ tàu hải giám tuần tra Biển Đông và các tàu khu trục tập trận được cho là nhắm tới Việt Nam và nhất là Philippines, nước trước đó đã đệ đơn kiện lên Liên hợp quốc và làm Trung Quốc bẽ mặt trước cộng đồng quốc tế khi tuyên bố từ chối đưa đường lưỡi bò phi pháp ra phân xử quốc tế.
Còn hành động chuyển quân ở hai tỉnh duyên hải miền đông, gần với Nhật Bản, làm dấy lên suy đoán rằng quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị cho tình huống căng thẳng từ các tranh chấp quần đảo Senkaku bùng nổ thành chiến tranh. Điều này không phải không có căn cứ. Hôm 7/2, Thời báo Hoàn cầu đã cho đăng một bài viết nhận định rằng một cuộc xung đột quân sự “có khả năng thật sự” bùng lên giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Thậm chí, từ cuối tháng 1 đến nay, đã hai lần Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch quân uỷ Trung ương Trung Quốc là Tập Cận Bình kêu gọi quân đội và cảnh sát vũ trang “chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến tranh thực sự và để giành chiến thắng”.
Bầu không khí đã phảng phất mùi thuốc súng, nhưng, trái ngược với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên mà chính Bắc Kinh cũng phải nổi giận, các sự việc kể trên đều không đánh động dư luận quốc tế, trừ những quốc gia láng giềng có liên quan và những quốc gia đặt lợi ích quan trọng vào Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng.
Các vụ tàu hải giám tuần tra hay tàu khu trục tập trận, giống hệt hàng loạt cuộc tập trận trước đó, có mốc thời gian và địa điểm được công bố một cách hàm hồ, không xác định. Những hình ảnh đưa ra cũng được chọn lọc một cách kỹ lưỡng, có chủ đích. Còn hành động chuyển quân rầm rộ ở Phúc Kiến và Chiết Giang lại diễn ra giữa ban ngày, có nhiều dân thường chứng kiến và thoải mái chụp hình, các hãng tin quốc gia của Trung Quốc im lặng nhưng tin tức lại nhanh chóng xuất hiện trên trang Molihua (có nghĩa là Hoa nhài), một trang web được cho là đối lập với Bắc Kinh.
Khác với các vụ máy bay tàu chiến xâm nhập không phận và hải phận Senkaku, khó có thể kết luận mục đích của hành động quân sự này là nhằm vào Nhật Bản, dù đây là giả thiết mà bất cứ ai cũng sẽ đặt ra. Hư là thực mà thực có thể là hư. Người bên ngoài chưa thấy có gì đáng ngại, kẻ trong cuộc đã cảm nhận giông tố sắp đến. Trong cuộc chơi mà Trung Quốc luôn giành những bước đi chủ động, nếu để sa vào thế trận được giăng sẵn, các đối thủ có thể sẽ nhanh chóng kiệt quệ bởi luôn phải gồng mình chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nếu không có những nước cờ cao, như Philippines kiện lên Liên hợp quốc, sớm muộn gì các đối thủ cũng sẽ lâm vào thế bí.
Nguyên Phong

Không có nhận xét nào: