Pages

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Trung Quốc: Internet và triệu cánh san hô



Trang microblog trên Weibo của Wu Youngzheng, bố của Wu Ying, nữ doanh gia bị kết án gây quỹ lừa đảoMạng Internet đã trở thành công cụ để người Trung Quốc bày tỏ sự phản kháng
BBC_ Một tác giả và phó giáo sư Đại học Bắc Kinh vừa có bài viết về tầm quan trọng của internet đối với việc huy động người dân Trung Quốc tham gia đòi những quyền căn bản của con người.
Phó Giáo sư Hồ Vĩnh (Hu Yong), tác giả cuốnTạp âm trỗi dậy: Biểu đạt cá nhân và Công luận trong Thời đại Internet, đã có bài viết ‘Internet và Vận động Xã hội ở Trung Quốc‘ trong cuốn sách vừa ra mắt năm nay.

Ông Hồ Vĩnh nói mạng toàn cầu có vai trò kết nối cũng như thúc đẩy các hành động tập thể trong môi trường tự do biểu đạt, lập hội và tụ họp bị hạn chế.
Tác giả dẫn lời nghệ sỹ Ngải Vị Vị nói rằng công dân mạng Trung Quốc đã tạo ra một “tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới”.
Ông Hồ Vĩnh viết: “Ngày hôm nay ở Trung Quốc chúng ta có thể nói rằng bất cứ ai có đường truyền Internet đều có tiếng nói trên mạng toàn cầu.
“Có tiếng nói tức là có khả năng xuất bản.
“Xuất bản trên Internet đồng nghĩa với kết nối với những người khác.”
Trăm triệu blog
Các số liệu được dẫn ra trong bài viết cho thấy số người dùng mạng xã hội để chuyển tải thông điệp ở Trung Quốc, còn gọi là microblog, lên tới gần 250 triệu tính tới tháng 12/2011.
Tỷ lệ người sử dụng microblog là gần 50% người dùng internet và gần 40% người dùng điện thoại di động.
Vẫn số liệu tính tới tháng 12/2011 cho thấy số người có kết nối mạng toàn cầu ở Trung Quốc đã vượt quá con số 510 triệu và số người dùng di động lên tới 900 triệu, trong đó gần 360 di động nối mạng internet.
Ông Bấm Hồ Vĩnh nói chính quyền Trung Quốc ngày càng tăng cường kiểm soát internet nhưng tự do hội họp dù không trọn vẹn và văn hóa kháng nghị được internet hỗ trợ sẽ tiếp tục phát triển và ảnh hưởng tới nhiều mặt của xã hội.
Tác giả nói internet giúp những người phản kháng chia sẻ thông tin, huy động số đông tham gia và tăng sức ép mà các nhóm hành động có thể tạo ra đối với xã hội.
Giảm thiểu rủi ro
Về mặt chính thức, Quy định Khiếu nại của Trung Quốc có hiệu lực từ giữa năm 2005, buộc những người có khiếu nại chung phải cử đại diện gặp chính quyền và số đại diện không được vượt quá năm.
Chính quyền được cho là sợ sự hiện diện của số đông tạo ra tính khẩn trương và là điều mạo hiểm đối với chính quyền.
Người Trung Quốc xem Internet là môi trường ít rủi ro hơn để phản kháng
Đối với người dân, họ mong muốn điều ngược lại để khiếu nại của họ nhận được sự chú ý và có nhiều cơ hội để được giải quyết.
Nhưng một chiến dịch huy động xã hội thực sự sẽ tốn kém và rủi ro. Đây là lý do khiến nhiều người chọn internet làm kênh để gây sự chú ý.
Một ví dụ được đưa ra là vụ tự thiêu của ba người trong gia đình họ Trung ở Di Hoàng thuộc tỉnh Giang Tây hôm 10/9/2010 khi nhà của họ bị chính quyền phá bỏ.
Ảnh từ hiện trường ngay lập tức lan nhanh trong mạng xã hội.
Hôm 16 tháng Chín, hai phụ nữ trong gia đình họ Trung đi tới Bắc Kinh để cầu cứu nhưng bị chặn trên đường.
Họ phải trốn trong nhà vệ sinh ở sân bay Nam Xương và liên hệ với nhà báo Lưu Thường.
Nửa tiếng sau nhà báo này đưa tin nhắn lên mạng xã hội để công luận chú ý và một nhà báo khác, Đặng Phi, lập microblog với tên “tường thuật trực tiếp trận chiến tại toa-let nữ ở sân bay”.
Microblog của Đặng Phi đã biến vụ phá hủy nhà và tự thiêu thành sự kiện công khai được nhiều người theo dõi.
‘Toilet gate’
Một ngày sau khi hai nhà báo đưa tin trên mạng xã hội, con gái út của gia đình họ Trung, cô Trung Như Cửu, đang học trung học, tự lập ra microblog trên cả hai mạng Sina và Tencent để cập nhật trực tiếp tin tức.
Nhà báo Lưu Thường được ông Hồ Vĩnh dẫn lời nói:
“@zhongrujiu đã làm nên lịch sử. Vụ ‘toilet gate’ làm cho cô nhận ra sức mạnh to lớn của internet.
“Ngay cả khi truyền thông im lặng, Zhong Rujiu và gia đình đã tìm thấy cách để cung cấp thông tin ra thế giới.”
“Giờ cô đã chọn internet thay vì khiếu nại trong làng.
“Hành động như thế này thay đổi hiện trang của nhiều nhà bảo vệ quyền [con người] ở Trung Quốc.
“Nhìn lại các vụ trong quá khứ chúng ta thấy rằng nhiều nạn nhân bị bỏ rơi khi các nhà báo [ban đầu] hào hứng dần dần bỏ đi.
“Nhưng lần này mọi chuyện đổi khác. Ngay cả khi truyền thông im lặng, Trung Như Cửu và gia đình đã tìm thấy cách để cung cấp thông tin ra thế giới.
“Nếu điều này tiếp diễn, có nhiều khả năng những oán thán của họ sẽ được giải quyết.”
‘Triệu cánh san hô’
Phó Giáo sư Hồ Vĩnh nói hầu hết các trường hợp phản kháng ở Trung Quốc là “phản kháng bình dân”, hành động của những người dân đòi quyền lợi sát sườn.
Nó khác với “phản khác bất đồng” của những người có quan điểm khác với chế độ mà thường là sự phản kháng mang tính ý thức hệ và có tổ chức hơn.
Ông Hồ nhận xét nhiều người phản kháng ở Trung Quốc ý thức được quyền công dân của họ và cũng có chiến thuật khi đối phó với chính quyền.
Chẳng hạn trong cuộc phản kháng với hàng ngàn người tham gia ở Quảng Châu, người dân đã tuyên bố “tôi chỉ đại diện cho tôi” và “tôi không muốn ai đại diện cho tôi” khi chính quyền dùng loa yêu cầu người biểu tình cử đại diện đàm phán.
“Nhưng ta không thể xem thường các hành động phản kháng của những người nông dân khiêm nhường. Một số lượng lớn các hành động không đáng kể, giống như triệu cánh san hô, khi tích tụ cùng thời gian, sẽ tạo ra rặng san hô đủ lớn để làm mắc cạn hay thậm chí làm đắm con tàu nhà nước.”
Tác giả nói Internet tạo “khả năng tổ chức mà không cần có tổ chức” cũng như thay đổi cách nghĩ của tập thể và tạo khuôn khổ cho những hành động tập thể.
Ông cũng nói mỗi một cuộc “phản kháng bình thường” không đáng kể nhưng tập hợp lại chúng đang dần tái lập các quyền con người từ lâu đã bị mất ở Trung Quốc.
Vị Phó Giáo sư cũng dẫn lời tác giả Quách Dư Hoa viết:
“Các cuộc phản kháng bắt nguồn từ các vấn đề thường nhật không cần tới tổ chức chính thức, lãnh đạo chính thức, không cần kiểm chứng, không có giới hạn về thời gian, không cần phương tiện và không cần biển bảng.
“Nhưng ta không thể xem thường các hành động phản kháng của những người nông dân khiêm nhường.
“Một số lượng lớn các hành động không đáng kể, giống như triệu cánh san hô, khi tích tụ cùng thời gian, sẽ tạo ra rặng san hô đủ lớn để làm mắc cạn hay thậm chí làm đắm con tàu nhà nước.”
Tên tiếng Anh của cuốn ‘Tạp âm trỗi dậy: Biểu đạt cá nhân và Công luận trong Thời đại Internet‘ là ‘The Rising Cacophony: Personal Expression and Public Discussion in the Internet Age‘ và bài viết ‘Internet và Vận động Xã hội ở Trung Quốc‘ có tên ‘The Internet and Social Mobilization in China‘ nằm trong cuốn ‘Frontiers in New Media Research‘.
Bài viết do Nguyễn Hùng tổng hợp.

Không có nhận xét nào: