Pages

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Việt Nam và nhu cầu tự giải phóng



Lâm Thế Nguyên - Với bối cảnh Việt Nam hiện nay, công cuộc đấu tranh xây dựng một xã hội có dân chủ, tự do đúng nghĩa đang vượt xa khỏi yêu cầu thuần tuý của một sự vận động thay đổi quyền lực lãnh đạo quốc gia. Trong thực tế, nó đã trở thành tiến trình đấu tranh giải phóng để cứu lấy đất nước và nhân dân trước các hiểm hoạ mất chủ quyền, nhân quyền và công bằng xã hội.

Với nhu cầu to lớn đó, cuộc đấu tranh của người Việt Nam ở cả trong và ngoài nước KHÔNG thể quan niệm như là một cuộc đấu tranh tiệm tiến trường kỳ. Bởi lẽ, nhu cầu giải phóng Việt Nam khỏi chế độ độc tài toàn trị đã trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết. Nói khác hơn, đấu tranh chống độc tài, tham ô và bất công đã trở thành một nhu cầu cấp bách để cứu nguy nước Việt và người Việt.
Giải trừ độc tài là chuyển thể chế độ hiện nay thành một chính phủ dân chủ đa đảng để mọi thành phần xã hội đều có thể đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước, không phân biệt quá khứ hay chính kiến. Sự khác biệt lớn nhất giữa hai chính thể là chế độ CS hoàn toàn không chấp nhận sự tham gia quản lý và phụng sự đất nước của những cá nhân hoặc đoàn thể ngoài đảng; trong khi chính thể dân chủ sẵn sàng chấp nhận tất cả những tham dự đó, kể cả của đảng VNCS, nếu như tổ chức này không đi ngược lại luật pháp dân chủ.
Công cuộc chống tham ô, lãng phí, quan liêu hoàn toàn tuỳ thuộc vào tính hữu hiệu của bộ máy nhà nước. Do vậy, những vấn đề xã hội nhức nhối này sẽ không thể được hoá giải nếu như các cơ quan chức năng vẫn có điều kiện tiếp tục bao che, dung túng cho nhau. Có thể khẳng định rằng: Chỉ một nhà nước với chức năng tam quyền phân lập mới có thể kềm chế và kiểm soát lẫn nhau; hầu ngăn chận được một cách hữu hiệu các tệ trạng ăn cắp của công và ăn cướp của dân đang diễn ra.
Một khi đất nước có dân chủ thực sự, xã hội không còn bị nạn tham ô, lãng phí, quan liêu hoành hành thì sự công bằng xã hội mới có cơ được phục hồi. Chúng ta không mơ tưởng một chính quyền hoàn toàn trong sạch và một xã hội hoàn toàn công bằng, song chắc chắn là đất nước chỉ có thể trở nên hùng cường, người dân chỉ có thể được hạnh phúc nếu như dân chủ và công lý được thực thi đúng mức.
Chúng ta không khích động hận thù hay chủ trương khủng bố, bạo động, nhưng các thành phần dân tộc cần ý thức được nhu cầu đấu tranh quyết liệt để tự giải phóng đất nước khỏi hiểm hoạ bị xâm lấn chủ quyền bởi ngoại bang, và tình trạng bị vi phạm nhân quyền bởi đảng VNCS.
Dân chủ không thể có đúng nghĩa và trọn vẹn bởi một sự thay đổi quyền lực lãnh đạo quốc gia, song sự chuyển thể chế độ độc tài toàn trị thành một chính thể dân chủ đa đảng là yêu cầu tiên quyết cần phải có. Với tình trạng bi đát của đất nước hiện nay, những người có tâm huyết với đất nước không thể tự ru ngủ một cách chủ bại rằng con đường đấu tranh dân chủ là nỗ lực cần nhiều thập niên để hoàn thành. Trái lại, nó phải được thúc đẩy thực hiện một cách mạnh mẽ và nhanh chóng để đất nước còn có cơ hội và thời gian hồi phục. Mỗi ngày tháng trôi qua là thêm những hậu quả chồng chất cho dân tộc và đất nước, nên lập luận kêu gọi nhân dân chờ đợi một cuộc thay đổi mơ hồ ở vài ba thập niên nữa là một thái độ thiếu tích cực vô cùng tai hại.
Việt Nam cần một cuộc cách mạng xã hội để giải phóng đất nước khỏi hiểm hoạ bị xâm lấn chủ quyền. Người Việt Nam cần một cuộc cách mạng xã hội để tự giải phóng khỏi tình trạng bị xâm phạm nhân quyền. Công cuộc giải phóng đất nước và dân tộc không thể trông chờ, lệ thuộc vào bất cứ siêu cường nào. Nó đồng thời cũng không thể là một ván bài chính trị quốc tế mà Việt Nam phải tiếp tục đóng vai một con chốt.
Công cuộc dân chủ hoá đất nước chắn chắn còn nhiều khó khăn và phức tạp, song đó là tiến trình bắt buộc phải vượt qua.
Đã đến lúc người Việt Nam phải tự vùng dậy để giành lại quyền sống và sự sống của chính mình. Đã đến lúc người Việt Nam trong và ngoài nước phải cùng phát động một cuộc đấu tranh giải phóng thực sự đúng nghĩa, hơn là những lời tố Cộng suông, hay những bài bình luận thiếu tinh thần hành động.—
Lâm Thế Nguyên (ÐVDVN)

Không có nhận xét nào: