Pages

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Bí ẩn một người gốc Việt trong 'vụ án' công nương Diana

Chiếc xe chở Công nương Diana bị tai nạn tại đường hầm ở Paris, Pháp.

Câu chuyện về vụ tai nạn khiến Công nương Diana tử vong cùng người tình cách đây gần 20 năm đang sống lại với một nghi vấn hoàn toàn mới. Trong lúc chờ đợi các nhà điều tra Anh vào cuộc, Petrotimes lục lại một góc khuất nhỏ trong hồ sơ vụ Diana, đó là vai trò của một người gốc Việt trong tai nạn này.

Công nương Diana đã thiệt mạng khi chiếc Mercedes chở bà đâm vào một cây cột bêtông trong đường hầm Alma ở Paris vào rạng sáng ngày 31.8.1997. Chiếc xe chạy với tốc độ vượt quá 90km.giờ. Công nương Diana bị thương nặng và qua đời tại bệnh viện vào lúc 4 giờ sáng ngày 31.8.1997.


Tai nạn xảy ra khi tài xế Henri Paul đang chở Công nương Diana cùng bạn trai bà là Dodi Al Fayed trốn khỏi các tay săn ảnh. Có 9 tay săn ảnh đã bị buộc tội ngộ sát khi bám theo chiếc xe chở bà, tuy nhiên bản án đã bị hủy bỏ năm 2002.

Ngày 2.10.2007, một cuộc điều tra lớn về cái chết của bà được mở ra. Sau 6 tháng với chi phí điều tra lên tới hơn 10 triệu bảng Anh, 11 thành viên ban hội thẩm đã đi tới kết luận cuối cùng. Theo kết luận của ban hội thẩm, cái chết của Công nương Diana và người tình được xem là hậu quả của sự bất cẩn từ phía tài xế Henri Paul (theo kết luận, Henri đã lái xe trong tình trạng say rượu); trong khi đó, cả Diana lẫn Dodi Al Fayed đều không thắt dây an toàn. Tai nạn xảy ra còn do sự rượt đuổi gắt gao từ các tay săn ảnh.
Kết luận trên bị nhiều người phản đối, khiến cho ban hội thẩm phải mất 4 ngày tranh cãi về những ý kiến không đồng tình. Tuy nhiên, kết luận trên vẫn được giữ nguyên.
Diana trở thành một người nổi tiếng sau khi bà đính hôn với Hoàng tử Charles. Cuộc sống của bà đã trở thành đề tài của chú ý của công chúng do địa vị hoàng gia và các hoạt động xã hội của bà. Sau nhiều năm dư luận bàn tán về các vấn đề trong cuộc sống hôn nhân của họ, Hoàng tử Charles và Diana đã ly hôn. Cái chết của bà trong một vụ tai nạn xe hơi đã lập tức dẫn đến một giai đoạn thương tiếc và để tang của dân chúng Anh Quốc, cũng như toàn thế giới.

Cho đến nay, đã có ba cuộc điều tra về cái chết của Công nương Diana: Một về giả thuyết mưu sát, một về bối cảnh xảy ra tai nạn và một của cảnh sát Pháp. Tất cả đều kết luận rằng đó là một tai nạn do lỗi nghiêm trọng của người tài xế lái chiếc Mercedes chở Công nương Diana và Dodi al-Fayed.

Người Pháp gốc Việt trong vụ tai nạn khiến Diana tử vong

Nhật báo Anh The Mail số ra ngày 31.12.2006 tiết lộ đã tìm ra người bí mật trong vụ tai nạn xe hơi gây tử nạn cho Công nương Diana tại Pháp vào năm 1997 và là nhân chứng duy nhất được xác nhận danh tính, nhưng lại không được nêu danh trong bản báo cáo của Hầu tước Stevens hồi tháng 11.2007.

Anh Lê Văn Thanh -, người Pháp gốc Việt -, bên chiếc xe Fiat Uno.

The Mail cho biết, người này lại là một thanh niên 31 tuổi người Pháp gốc Việt. Nguồn tin từ Sở Cảnh sát Anh trước đây đã truy tìm một người đàn ông lái một chiếc xe Fiat Uno màu trắng, được tin là đã quệt phải chiếc xe chở Công nương Diana và người bạn trai ở đường hầm tại thành phố Paris, đưa đến việc gây tử nạn cho cả ba người - kể cả tài xế. Bài báo nói rằng người Pháp gốc Việt này tên là Lê Văn Thanh, đã bị cảnh sát Pháp thẩm vấn sau khi những chuyên viên điều tra xác nhận rằng màu sơn trên chiếc xe Fiat Uno của anh này được coi là trùng hợp với vết trầy trên chiếc Mercedes mà Công nương Diana và bạn trai Dodi Fayed đã có mặt và do người tài xế tên Henri Paul lái.

Các thám tử Pháp cho biết, người cha của anh Thanh đã xác nhận là con trai mình vì quá sợ nên đã đem xe đi cho bạn sơn lại thành màu đỏ chỉ vài giờ sau đó. Thế nhưng trong bản báo cáo của Hầu tước Stevens thì lại không nêu ra sự kiện anh Thanh đã bỏ trốn từ đường hầm Alma vào ngày 31.8.1997, khi chiếc xe Mercedes bị quệt và đã ủi vào bức tường thành của đường hầm. Các nhà nghiên cứu xứ sương mù sau khi duyệt lại những bằng chứng được cảnh sát Pháp thu thập, thì cho rằng đáng lý ra cảnh sát không nên bỏ qua việc điều tra anh Lê Văn Thanh.
Bản báo cáo dày 833 trang của Hầu tước Stevens đã bác bỏ những ý kiến cho rằng Công nương Diana đã bị giết hại bởi những âm mưu từ phía Hoàng gia Anh Quốc nhằm che giấu việc bà có tình ý với Dodi, trong lúc chưa ly dị hẳn với người chồng trước là Hoàng tử Charles. Tuy nhiên, bài báo trên The Mail nói rằng có nhiều nhân chứng đã ghi nhận sự kiện về chiếc xe Fiat Uno màu trắng hiện diện vào lúc đó.

Riêng anh Lê Văn Thanh đã lên tiếng lần đầu tiên và cho biết anh đang lái xe tại Paris trong đêm Công nương Diana bị tử nạn, người cha của anh là ông Francois Lê cũng xác nhận rằng con trai của ông có dính dáng đến tai nạn này và đã tìm cách che giấu bằng chứng. Ông Francois cho biết anh Thanh năm đó chỉ mới 22 tuổi, là nhân viên bảo vệ làm việc vào ban đêm. Vào đêm hôm đó, khi về đến nhà, anh Thanh đã tỏ ra rất hoảng hốt và lo sợ, nhưng đã không kể chuyện gì cho ông nghe về những điều đã xảy ra. Anh chỉ nói chuyện thầm thì với người em là Lê Dũng, một thợ máy, rồi sau đó hai anh em vội vã bỏ đi giữa đêm và sơn lại chiếc xe cũ 15 năm của Thanh. Trong vòng hai tiếng đồng hồ sau, hai anh em đã dùng sơn xịt để biến chiếc xe này thành một chiếc xe màu đỏ.
Sau 9 năm im lặng, ông Francois nói rằng ông không muốn tin là Lê Văn Thanh chính là người gây ra cái chết của Công nương Diana, nhưng nay thì ông không thể nào giấu được nữa. Ông cho biết, con ông đã có những hành động rất bất thường từ đó cho đến nay. Người em là Dũng đã không chịu tiết lộ bất cứ điều gì với ai.

Trở lại với cuộc điều tra, sau khi cảnh sát khám xét kỹ lưỡng nơi xảy ra tai nạn và xác chiếc xe Mercedes màu đen, họ tìm thấy có vết trầy và vết sơn trắng ở phía đuôi sau bên phải. Đem chất sơn này đi nghiên cứu thì thấy đây là loại sơn màu trắng có tên là Bianco Corfu 224, được Công ty xe hơi Fiat sử dụng cho loại xe Uno, được chế tạo từ năm 1983 đến tháng 9 năm 1987. Việc này ngay lập tức đã loại bỏ giả thuyết là phóng viên người Pháp- anh James Andanson, người bị cha của Dodi, nhà tỉ phú Mohamed Al-Fayed gọi là kẻ giết người, vì chiếc xe Fiat của anh này mới có 9 tuổi và được đăng bộ vào năm 1988, tức là một năm sau khi Hãng Fiat ngừng việc sử dụng loại sơn Bianco Corfu 224.

Các thám tử Pháp tiếp tục điều tra anh Andanson và bản báo cáo của họ nói rằng loại sơn Bianco 210 trên chiếc xe Fiat của anh này cũng không khác biệt gì mấy với loại sơn Bianco Corfu 224 được tìm thấy trên xác chiếc Mercedes. Thế nhưng cuộc điều tra về Andanson chấm dứt khi cảnh sát cho biết chiếc Fiat Uno của người này không chạy trên đường phố vào đêm hôm đó, mà đã bị tháo bánh và gác lên bằng gạch tại căn nhà của anh cách thủ đô Paris khoảng 170km về phía nam. Trong bản báo cáo của mình, Hầu tước Stevens đã gạt bỏ những ý kiến cho rằng anh Andanson là một phần của âm mưu ám sát Công nương Diana, khi cho rằng nếu anh này thực sự có âm mưu như vậy thì anh ta không dại gì mà dùng một chiếc xe do chính anh ta là chủ nhân đăng bộ.
Cảnh sát Pháp đã tìm kiếm hơn 4.000 chiếc xe Fiat Uno màu trắng, trước khi giới hạn cuộc điều tra xuống chỉ còn hai chiếc, một chiếc của anh Andanson và một chiếc của anh Lê Văn Thanh. Anh Thanh nói với các thám tử rằng việc sơn lại chiếc xe diễn ra vài giờ trước khi tai nạn của Công nương Diana, vào buổi chiều ngày 30.8.1997.
Sau 6 tiếng đồng hồ thẩm vấn, anh này được trả tự do, cho dù lớp sơn trắng dưới lớp sơn đỏ được cho thấy là trùng hợp với loại sơn trên chiếc Mercedes. Hầu tước Stevens viết trong báo cáo rằng các chuyên gia người Pháp đã gạt bỏ việc chiếc xe này có thể là nguyên nhân, vì họ không tìm thấy có sự hư hỏng do va chạm nào ở phía đuôi xe - là nơi mà người ta tin rằng hai chiếc xe đã đụng nhau và đèn ở đuôi xe được chế tạo cùng thời kỳ với chiếc xe. Thế nhưng ông viết là anh Thanh có thể đã tình cờ mua được đèn xe từ một chiếc xe cũ khác cùng năm.

Điều quan trọng là người em của anh Thanh là một thợ máy xe và đã có một thời gian cách biệt hai tháng từ khi tai nạn xảy ra cho đến khi họ bị thẩm vấn, tức là đủ giờ để cho họ có thể thay thế chiếc đèn xe có thể bị vỡ. Đây cũng chỉ là phỏng đoán từ phía cảnh sát. Các thám tử ghi nhận là một người bạn của anh Thanh khai rằng việc sơn lại chiếc xe này diễn ra sau khi tai nạn, tức là khác biệt với lời khai của anh Thanh. Anh này cũng nói với các thám tử rằng anh ta không thể có mặt trong đường hầm Alma vào giờ đó, vì anh đang làm việc tại một xưởng của hãng Renault tại thành phố Gennevilliers ở vùng ngoại ô thành phố Paris từ 7 giờ tối cho đến 7 giờ sáng.

Theo chi tiết cuộc điều tra, tờ báo The Mail nói rằng dù đã được cung cấp địa chỉ của hãng Renault, các thám tử Pháp cũng như Anh đã không hề liên lạc với công ty nơi anh này làm việc để xác nhận xem anh ta có mặt ở đó trong đêm định mệnh này hay không. Hầu tước Stevens đã bỏ ra hơn ba năm để điều tra về tai nạn này và nay hồ sơ về cái chết của Công nương Diana sẽ được mở lại vào tháng tới. Ông cho biết mục tiêu của bản báo cáo của ông không phải là để tìm ra nguyên nhân của tai nạn, mà mục tiêu là để xác định trước những lời tố cáo của thân phụ Dodi là ông Mohamed Al-Fayed, về việc có âm mưu ám sát Công nương Diana và con trai ông ta.
Nguồn tin cho biết, hầu tước Stevens đã gửi một bản báo cáo 5.000 trang cho nữ thẩm phán Elizabeth Butler-Sloss, người sẽ chịu trách nhiệm về việc mở lại vụ án, và trong đó có nhiều chi tiết về chiếc xe Fiat Uno và anh Lê Văn Thanh, kể cả tên của khoảng một chục nhân chứng khác. Điều đáng chú ý là tên của anh Thanh không hề được nhắc tới trong bản điều tra này, mà ông Stevens chỉ gọi anh là “người tài xế lái chiếc xe Fiat Uno thứ hai”. Khi được hỏi lý do tại sao, phát ngôn viên của ông Stevens nói rằng đây là một chi tiết chưa chắc đã quan trọng, mục tiêu của bản điều tra là trình bày sự vụ, còn các điều tra viên sẽ phải đi xa hơn.
Riêng với anh Thanh, anh này không muốn tiếp xúc với ai. Anh nói tai nạn này đã làm cho đời sống của anh đảo lộn hoàn toàn và nay anh đang hành nghề lái xe taxi tại Paris. Anh cho biết đã có rất nhiều chuyện xảy ra cho anh trong thời gian 9 năm, nay anh đã có gia đình và có con. Khi được hỏi là chuyện gì đã xảy ra trong đêm hôm đó, anh nói anh không muốn kể lại chi tiết vì có quá nhiều sự phức tạp. Cảnh sát đã đến gặp anh cũng như nhiều người quan trọng khác, họ đã muốn anh giúp họ, nhưng đây không phải là công việc của anh./Nguồn: H.Phan/Petrotimes

Không có nhận xét nào: