Trong một status trước đây tôi đã đề cập đến việc một số anh chị em tham gia biểu tình chống Trung quốc, tham gia phong trào đòi quyền dân chủ hoặc đơn giản chỉ là làm những việc đơn thuần mang tính truyền thông như chup ảnh đưa lên mạng, đã bị côn đồ (hoặc giả dạng côn đồ) ngang nhiên tấn công đánh đòn thù giữa đường phố đông người. Thậm chí, có trường hợp, cả công an mặc thường phục cũng công khai đánh đập dân dã man như trường hợp của anh Trương Dũng, Nguyễn Văn Phương ngay cổng trại Lộc Hà chiều 02/6/2013. Trong khi sự sự việc xảy ra náo loạn cả một đoạn đường mà lực lượng công an mặc cảnh phục đứng đầy ra đó “án binh bất động”. Gần đây nhất là vụ Binh Nhì bị chém gây thương tích giữa ban ngày mà chẳng có cơ quan “chức năng” nào can thiệp.
Đó là những biểu hiện của một xã hội vô luật pháp hoặc nói cho đúng hơn là một xã hội mà luật pháp hình như đang khởi xướng, dung túng, cổ vũ cho sự tàn ác giữa con người với nhau trong cùng một dân tộc, giữa lúc đất nước đang bị đe dọa bởi họa ngoại xâm từ phương Bắc.
Trước những việc đau lòng này, tôi trăn trở, chia sẻ mấy suy nghĩ cùng anh chị em.
Con người ta thường không ai sinh ra đã là ác thú. Các hành vi tàn bạo đều có một quá trình “ủ bệnh” lâu dài. Môi trường đó là một môi trường giáo dục lấy “chuyên chính, nhà tù, súng đạn” làm phương châm hành động, biến người cùng nòi giống, dân tộc thành kẻ thù giai cấp, biến kẻ thù nghìn năm truyền kiếp làm “bạn bốn tốt”. Ai đã chủ trương một “đường lối sáng tạo” như vậy? Đó chỉ có thể là những kẻ đang bám vào “ông bạn vàng 16 chữ” chứ không thể ai khác.
Về phía những bạn công an mặc thường phục (như ở trại Lộc Hà), những bạn giả dạng côn đồ (nhưng hành động còn hơn cả côn đồ) đã nghĩ gì khi làm những việc như vậy?
Các bạn làm việc đó vì mệnh lệnh ?
Đừng bao giờ làm điều gì trái với lương tâm, luân thường đạo lý cho dù đó là mệnh lệnh của sếp. Khi sếp của các bạn ra lệnh, các bạn hãy tập suy xét xem mệnh lệnh đó có phải là một quyết định tốt có lý có tình hay không chứ đừng bao giờ nhắm mắt tuân theo. Trong lịch sử, trong phim ảnh sách báo, các bạn có lẽ biết nhiều trường hợp, khi chỉ huy ra lệnh bắn vào dân, binh lính, cảnh sát (dù bên này hoặc bên kia) đã bất tuân. Hành động của họ là đúng đắn và được tôn vinh.
Con người ta ai cũng có tuổi trẻ và sẽ già. Lúc tính sổ với đời, những người từ chối làm những việc thất đức sẽ luôn được thanh thản hạnh phúc.
Những người tuân lệnh chỉ huy bắn vào dân, đánh dân, làm những việc thất đức, chưa có ai được bình an trong tâm hồn chưa có ai thực sự có cuộc sống hạnh phúc. Thực tế cuộc sống đã chứng minh nhiều người không thể nhắm mắt khi xuôi tay về với đất. Nhiều người bị quả báo ngay ở dương thế. Chỉ cần các bạn để ý suy xét trong số các chỉ huy của các bạn từ cấp thấp đến cấp cao xem ai đã từng làm nhiều điều ác đức có cuộc sống hạnh phúc ở đời này hay không?
Các bạn làm việc đó vì đồng lương?
Lương của các bạn được bao nhiêu? Các bạn có so được với bổng lộc của các sếp không? lương của các bạn có mua được biệt thự, xe hơi đắt tiền như các sếp của các bạn không? Ngay cả tiền lương của sếp các bạn có mua nổi những thứ đó không? Tiền ấy ở đâu ra? Không nói các bạn cũng đã hiểu và tại sao họ đẩy các bạn ra đối đầu với dân trong khi họ yên thân một chỗ ra lệnh?
Ở đâu thì cũng chỉ chết thằng lính.
Các bạn tuân lệnh vì sếp vì sếp ban cho các bạn tiền bạc lương bổng sao?
Lương của các bạn không phải do nhà nước hay đảng nào ban cho mà là mồ hôi là máu của người dân đóng thuế. Các bạn đừng nghĩ những người dân mà các bạn đánh đập là “kẻ thù giai cấp”, là “phản động, tay sai các thế lực thù địch phương Tây đang hoạt động lật đổ chính quyền”. Các bạn hãy suy nghĩ một chút thôi. Hiện nay ai là kẻ thù của nước ta? Mỹ ư? Nếu Mỹ là “kẻ thù” thì tại sao lãnh đạo của các bạn gửi con cái đi học bên Mỹ nhiều thế và họ giầu có như thế? Họ cho con cháu sang Mỹ để “phân hóa nội bộ Mỹ chăng”? để tiến hành chiến tranh mềm tiêu diệt chủ nghĩa tư bản chăng?
Các bạn phải đi làm, phải có sinh kế. Đồng ý như vậy. Nhưng các bạn có nhất thiết phải chấp hành mệnh lệnh đánh người như thế không? Tại sao các bạn đánh đập người “xấu” mà các bạn phải giả dạng côn đồ?
Thật là đơn giản, khi các bạn giả danh côn đồ có nghĩa là các bạn không thể làm một việc tử tế đúng nghĩa. Khi làm những việc đó, các bạn đừng bao giờ mong lương tâm sẽ tha thứ cho các bạn rằng các bạn “làm chỉ vì miếng cơm”.
Miếng cơm ăn, đồng lương lĩnh không bao giờ làm các cho các bạn sống yên ổn mãi. Các bạn rồi sẽ phải về sống với nhân dân rồi phải về với đất. Thử hỏi đã có mấy người theo lệnh cấp trên bắn vào dân trong các cuộc biểu tình trên thế giới dám lên tiếng về những việc mình đã làm? Không ai cả. Bởi vì tất cả những người đã hành động trái đạo lý rồi đây đều hiểu rõ rằng đó là nỗi nhục nhã lớn nhất cuộc đời họ, nỗi điếm nhục chính họ gieo lên đầu con cháu, gia đình họ. Đồng lương có đáng cho các bạn đánh đổi cái giá đó không?
Các bạn làm việc đó vì tương lai, vì sự thăng tiến?
Có thể một số người đã leo lên những vị trí cao trong bộ máy công quyền nhờ tàn ác. Họ được cấp trên ban thưởng vì đã “nhắm mắt” đàn áp người dân. Họ tự huyễn mình rằng họ đã “chiến đấu với kẻ thù của nhân dân”. Đừng nhầm. Ở thời nào và ở bất cứ nơi đâu, người dân không bao giờ là kẻ thù của các bạn cả. Người dân muôn đời luôn là những người chịu cơ cực nuôi sống các bạn. Sếp của các bạn nhồi vào đầu các bạn rằng những kẻ biểu tình ấy là “bọn phản động” là kẻ thù. Có bao giờ các bạn đặt câu hỏi “bọn phản động” đó là những người như thế nào?
Những người đang biểu tình chống Trung quốc, kêu gọi đòi người dân phải có quyền nói, quyền viết, quyền vạch cái sai của sếp các bạn có thể là “kẻ thù” thật đấy nhưng họ là kẻ thù của chủ nghĩa bá quyền phương Bắc, kẻ thù của lũ Hán gian chứ không thể là kẻ thù của các bạn.
Cổ nhân đã nói “Sát nhân giả tử” (Giết người phải đền mạng). Ác giả ác báo, luật nhân quả ở đời là như vậy. Đừng làm việc ác nhân thất đức mà để di hại cho chính các bạn. Đừng để cha mẹ các bạn mang tiếng đẻ ra đứa con thất đức. Đừng để con các bạn mang tiếng xấu là con của kẻ bất nhân. Luật đảng chẳng bằng luật Trời. Làm điều ác không tránh được quả báo đâu.
Nói với anh chị em tôi
Nói với “người ta” thì dễ nhưng thật là ngại ngần khi nói với anh chị em mình. Sao vậy?
Thứ nhất, nhân gian dạy rằng: Nói thật mất lòng.
Thứ hai, những gì đã thấy ở đời là: “thuốc đắng thường bị vứt đi” lời tốt dễ bị dèm pha. Đường mật dẫu có chứa chất độc vẫn được ưa dùng. Chưa kể tính tự phụ, tự ái và tư duy “đỉnh cao trí tuệ” của những người cộng sản làm cho chúng ta bị nhiễm độc ít nhiều. Trong khi đó, số người thật thà cả tin nhưng bốc đồng mà người ta quen gọi là có tư duy “bầy đàn” cũng không ít. Họ sẽ đào bới chân tơ kẽ tóc tìm cái “xà nhà trong mắt người khác” để tỏ ra giỏi giang, chính chuyên mang tầm thủ lĩnh.
Những chuyện đó là có thật và gây ra sự e dè khi góp ý cho nhau. Nhưng dù sao không thể không nói đôi điều chỉ vì mong muốn anh chị em bớt đi những tổn thất không đáng có.
1. Đừng coi công an, những người từng có hành động tàn ác hoặc sắp hành động bất lương với anh chị em là kẻ thù.
Trước hết họ là con người như anh chị em. Hầu hết họ sinh ra từ dân nghèo. Cũng thiếu đói khao khát ấm no hạnh phúc. Họ cũng thiệt thòi và thiếu điều kiện để được ngồi trong các phòng máy lạnh chỉ huy, trong các văn phòng công sở. Họ sống trong một điều kiện khắc nghiệt bởi kỷ luật ngành nên cũng dễ bị ức chế. Nếu họ là những người trẻ, họ sẽ bị giám sát chặt chẽ để nếu có tham gia Internet thì cũng chỉ được tham gia với những người cùng sở thích “vô hại” như gái trai, ca múa, đàn hát, nhậu nhẹt như mọi người từng thấy trong các trang FB các nhân của họ. Nhận thức xã hội, chính trị của họ chỉ gói lại trong một định hướng đã được các sếp lập trình: “Họ là những chiến sỹ an ninh đang được giao trọng trách giữ gìn trật tự, bảo vệ đảng bảo vệ chính quyền”. Chuyện có thật là đảng ấy có cùng một ý chí với 90 triệu nhân dân hay không, có đem lại cuộc sống tự do hạnh phúc cho nhân dân hay không thì lại là chuyện khác. Có ai đó từng viết có lý rằng “Họ là những con dao không hơn không kém”.
Có thể họ là con dao sắc vô tri làm anh chị em đứt tay. Nhưng anh chị em thù ghét con dao hay thù ghét bàn tay cầm dao? Anh chị em dùng tay không là cái sở đoản của mình để chọi với sở trường của họ là bộ máy hùng hậu bằng cách đập gẫy lưỡi dao được không? hay anh chị em phải dùng lẽ phải của mình để bàn tay cầm dao phải run rẩy?
2. Đừng kích động cái ác
Khi cái cái ác khoác áo chính quyền, các ác đó bị hạn chế rất nhiều bởi các quy định luật pháp dù là giả hiệu. Một số hình ảnh cho thấy: Có người mặc cảnh phục hành động rất phản cảm: túm gáy, túm cổ, đánh người. Họ thật dốt nát. Đó là hành động tự tố cáo chính quyền. Việc đó họ bị phê bình nhiều rồi.
Nhưng khi cái ác khoác áo “côn đồ”. Cái ác đó thật nguy hiểm. Họ sẽ hành động bất chấp là ban ngày hay ban đêm, bất chấp con mắt truyền thông. Họ được khuyến khích tàn ác và càng tàn ác càng được thăng thưởng.
Nếu anh chị em khiêu khích họ bằng cách thóa mạ, anh chị em đã vô tình khuyến khích thú tính, sự thù hận cá nhân nơi họ.
Anh chị em chế nhạo, trêu chọc thân phận của họ khi họ đang phải thi hành “công vụ” ngoài đường chẳng sung sướng gì trong khi anh chị em vô tình hoặc cố ý cho họ thấy anh chị em đang vui vẻ bia rượu đề huề… thì đó là sai lầm không thể sửa chữa.
3. Hãy độ lượng thân thiện khi họ tỏ ra đúng mực.
“Không phải tất cả ma cà rồng đều hút máu”. Phương Tây có câu ngạn ngữ như vậy. Ở đâu cũng có người thế này người thế khác.
Có những người mặc áo giấy của ma và cũng có những con ma khoác áo thày tu. Hãy nhìn nhận cụ thể việc họ làm. Nếu ai cho bạn bánh mì khi bạn đói xin bạn đừng xét nét rằng “động cơ của người này thực ra là chỉ muốn đánh bóng chính họ”. Chỉ cần biết rằng họ “ mang lại cho bạn bánh mì” chứ đừng xét nét xa xôi chuyện “động cơ” của họ ra sao.
Quả thật qua thực tế khi ta coi họ trước hết là con người, họ sẽ phải cư xử với ta không giống con sói đâu.
Dĩ nhiên, cái gì cần kiên quyết bảo vệ lẽ phải ta không thể nhân nhượng và sẽ tranh đấu đến cùng. Nhưng chỉ xin anh chị em lưu ý: Kiên quyết không đồng nghĩa với gân cổ, đỏ mặt tía tai, cao giọng đi đến chỗ cãi cọ to tiếng.
Chúng ta có sở trường là lẽ phải. Hãy đem lẽ phải thắp lên như cây nến trong đêm.
MXD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét