Pages

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Người Buôn Gió - Hèn nhát không dám nhận

... Ba hôm sau cơ quan an ninh triệu tập tôi lên làm việc. Tôi cầm tờ giấy triệu tập đến nơi, gặp người phải gặp, anh ta tên T. Tôi nói:

- Lần sau ông muốn tôi đi, phải ghi rõ là lên làm việc gì nhé. Không là tôi không đi.

T nói:

- Thì ghi là lên làm việc đó còn gì?

Tôi:
- Tôi đã nói rồi, các ông phải ghi rõ làm việc gì, liên quan đến gì. Ghi lên làm việc, giờ tôi thất nghiệp, bị các ông quấy phá chỗ làm. Không ai nhận tôi làm nữa. Việc làm của tôi giờ là đi đánh cờ ăn tiền. Ông ghi làm việc tôi hiểu nhầm là đi đánh cờ ăn tiền. Mà lúc tôi không có tiền đặt cược để chơi tôi sẽ không đi đấy.

T quát:

- Ông ăn nói vớ vẩn, cơ quan anh ninh điều tra đi đùa với ông sao mà cá với cược.

Tôi thản nhiên:

- Không đùa thì ghi rõ lí do vào nhé. Tôi nói nốt lần này, tôi không đi lên đây nữa nếu lần sau giấy triệu tập không ghi rõ lí do. Còn các ông muốn làm gì thì làm.

Cán bộ điều tra T lấy ra giấy bút và hồ sơ. Anh ta gật đầu:

- Được, lần sau chúng tôi sẽ ghi lí do cho. Giờ anh nghe đây.

Anh ta nói gằn giọng, nhìn thẳng vào mặt tôi rất uy nghiêm, nói:

- Anh có biết cơ quan an ninh gọi anh lên đây về việc gì không?

Tôi lắc đầu. Anh ta nghiêm giọng nói:

- Hôm nay cơ quan điều tra gọi anh lên làm việc về sách Đại Vệ Chí Dị và blog Người Buôn Gió. Anh có ‎ kiến gì không?

Tôi ngẩn người ngạc nhiên:

- Ơ! sách nào, blog nào?

T mỉm cười, anh ta lấy ra mấy cuốn Đại Vệ Chí Dị, và tập giấy in những bài viết trên blog Người Buôn Gió đưa cho tôi nói:

- Anh xem đi, cái này không phải của anh thì của ai?

Tôi không xem, đẩy trả lại anh ta nói một mạch:

- Tôi biết ngay mà, đã bảo ghi rõ lí do để lên khỏi mất công. Tôi tưởng bị gọi lên vì vụ cờ bạc, hay trộm cắp gì. Vì trước đây tôi có cờ bạc, có trộm cắp. Thế tôi mới lên đây. Chứ biết về sách hay blog gì đó thì tôi đã không đến. Ông xem tôi trình độ học vấn thấp tè, toàn làm nghề lao động chân tay. Biết gì về sách hay blog cơ chứ.

T lắc đầu, cười mỉa mai:

- Tưởng anh thế nào. Người ta cứ khen anh viết hay lắm, gan dạ lắm. Thế mà không dám nhận, vậy những điều anh viết có ‎ nghĩa gì khi anh không dám nhận. Tôi không ngờ anh vớ vẩn thế.

Tôi cười:

- Tôi vớ vẩn mãi quen rồi. Tôi cứ thích cái kiểu không làm thì đừng có nhận, mà làm thì lại càng đừng có nhận. Hoặc không làm thì không sợ, đã làm thì càng không sợ. Thôi, tóm lại là không biết, không nhận cho lành. Chả anh hùng gì ở cơ quan an ninh điều tra cả.

Cán bộ T ngả người ra ghế nhìn tôi, anh ta cười nhạt:

- Tôi không nghĩ ông hèn thế này đâu, làm gì mà đến mức ông không dám nhận những gì mình viết. Ông hèn thế mà đòi là đấu tranh cho dân chủ, cho này nọ. Mang tiếng lắm, người khác người ta vào đây, làm gì người ta dám nhận. Thế mới là anh hùng. Nào giờ ông nhận đi để làm việc tiếp. Lằng nhằng mất thì giờ rồi chúng tôi cũng có bằng chứng để ông phải nhận.

Tôi lắc đầu, cười nhạt đáp lại:

- Các ông mới là vớ vẩn. Cơ quan anh ninh điều tra uy nghiêm, đồ sộ, tượng trưng cho cơ quan pháp luật. Đối tượng đến sợ rúm ró, hèn hạ đến nhũn người. Đó là điều bình thường. Thế nếu đối tượng làm mà không sợ, hiên ngang nhận việc mình làm. Có phải họ coi các ông là những thứ vớ vẩn, kể cả các ông bắt tù họ như bao nhiêu người họ vẫn không sợ, vì họ coi cả cái hệ thống pháp luật của ông và những người như các ông là vớ vẩn. Đằng này tôi sợ, hèn như ông nói. Chứng tỏ các ông còn giá trị, ông lại đi giở giọng bảo tôi hèn. Đúng là các ông vớ vẩn.

Cán bộ T mím môi, mắt giận dữ nhìn. Anh ta lôi ra cuốn Đại Vệ Chí Dị có chữ kí của tôi tặng người bạn nói:

- Ông xem, đây có phải chữ kí ông không. Chả chữ ông kí tặng người ta đó còn gì?

Tôi cầm cuốn sách có chữ kí của mình. Tôi biết những cuốn sách này đã đến tay anh ta theo đường nào. Một số cuốn do người cầm sách đã đi nhầm chiếc xe taxi giả mạo của cơ quan an ninh hay đậu trước cổng nhà thờ, chiếc xe chở thẳng người đó đến cơ quan an ninh và bắt họ khai báo về số sách mang theo. Một số sách khác được phát hiện bởi người tôi bảo mang sách đi đã chủ quan để ở giỏ xe máy, lại còn lượn đến những nơi an ninh đang theo dõi rồi mới đi đưa sách sang Bắc Ninh.Cơ quan an ninh đã thu sách của nơi nhận, không thu của người mang đi để tôi không thấy bị đông. Cuốn sách có chữ kí là tôi tặng người bạn khuyết tật Nguyễn Công Hùng. Hùng lập một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, nhiều người lành lặn đến tham gia làm thành viên để giúp đỡ trung tâm. Trong đó có một cậu tên là Lộc. Cậu ta thấy Hùng có sách bèn mượn đọc, mang đến quán cà phê đọc thì bị công an phường mời về đồn. Cái quán cà phê đây lại có một nhân viên là giáo dân nhà thờ làm phục vụ, anh ta chứng kiến sự việc, cũng bị mời về đồn làm chứng. Tôi thì chả tin có việc tình cờ anh ta mượn vì muốn đọc sách, con người anh ta tôi nhìn không phải là người ham đọc sách. Nhất là cuốn sách biết rõ là xuất bản ngầm, anh ta lại mang ra quán cà fe công khai giữa bao người giở ra đọc. Nhất là quán lại có người giáo dân phục vụ quán cũng biết tôi. Cái cách chọn quán để tôi tưởng mọi việc là tình cờ, anh phục vụ cũng tình cờ chứng kiến, nhưng thực ra họ cố ‎ cho anh ta thấy, để che đậy Lộc là người của cơ quan an ninh.

Ở cái đất nước này, chỗ nào có người thành tổ chức là có người của an ninh cài vào. Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật của Nguyễn Công Hùng có an ninh bên trong là điều bình thường. Cứ mỗi lần trung tâm có người nước ngoài đến để giúp đỡ, cho quà, thăm hỏi thì Lộc lại mò đến. Thường thì không thấy cậu ta đâu. Tôi đã báo cho Hùng và bày Hùng phương cách thử Lộc. Cuối cùng Hùng ngậm ngùi xác nhận Lộc làm việc cho cơ quan an ninh.

Giờ tôi phải đối phó với cuốn sách có chữ kí của tôi tặng Hùng. Tôi giở sách nhìn trang có chữ kí của mình nói:

- Thế này ông ạ. Trước hết nếu đây là tang vật, chứng cứ thì ông phải nói cho tôi biết nó ở đâu ra, để tôi xem việc thu thập chứng cứ có hợp pháp không đã. Thứ hai ông phải giám định chữ kí này. Có biên bản giám định xác định chữ kí đúng của tôi. Thì trên những cơ sở pháp luật đó chúng ta làm việc. Nhưng thôi, tôi cũng ưu ái ông bỏ qua những đòi hỏi đó.

Tôi ngừng lại nhìn anh ta, cán bộ T cười nói:

- Cám ơn ông đã không làm mất thời gian, ông biết luật nhỉ?

Tôi nhìn thẳng vào mắt anh ta, dõng dạc nói:

- Đây là chữ kí của tôi.

T với người xuống bàn hồ hởi, cầm giấy bút nói:

- Thì đằng nào ông chả phải nhận. Sách của ông thì ông tặng người ta, chuyện bình thường ai viết sách, in ra mà chẳng tặng bạn bè mình vài cuốn.

Tôi lắc đầu:

- Này ông, tôi nhận chữ kí của tôi, có nhận sách của tôi đâu. Hai việc đó là khác nhau nhé.

T gắt:

- Thì sách của ông, ông mới kí tặng người ta chứ?

Tôi cười:

- Nói như ông, thế mấy thằng cầu thủ bóng đá nó in ra áo, in ra bóng sao. Người ta đến giơ áo xin nó chữ kí, ông bắt nó vì tội không phải áo mày làm ra mày kí à? Cái này họ có sách, mang đến xin tôi kí, thì tôi cứ kí đại cho xong. Biết là sách gì đâu. Hơn nữa ông ra hiệu sách thấy cuốn nào hay, ông mua tặng bạn, vợ, con... ông viết lời thân tặng nhân sinh nhật hay ngày gì gì đó, rồi ông kí tên ông vào. Chuyện đó đầy ở các hiệu sách, đâu phải là hiếm.

T hỏi:

- Thế ông giải thích sao về chữ kí của ông trên sách để tôi ghi.

Tôi nói:

- Tôi đang đứng ở nhà thờ, đúng hôm lễ chủ nhật, đông người lắm. Có người tôi không biết, không gặp bao giờ đến đưa tôi mấy cuốn sách. Nói là cho tôi, tôi thích sách, nên thấy sách là nhận. Về giở ra thấy cùng một loại. Thấy không cần thiết giữ tôi tặng cho bạn bè, tiện thể kí tên vào.

Cán bộ an ninh điều tra T ghi, anh ta hỏi tiếp:

- Anh có đọc vì anh nói thấy nó giống nhau phải không. Vậy anh cho biết nội dung cuốn sách là thế nào, anh nhận xét sao về cuốn sách?

Tôi đáp:

- Tôi thấy cuốn sách nhảm nhí, viết về một nước Vệ thời xa xưa nào đó, như dạng truyện cổ tích. Chả liên quan gì đến ai cả. Một cuốn sách vớ vẩn, vô hại, đọc mất thời gian.

Cán bộ T giở sách ra tìm đến một trang và đọc:

- ... nước Vệ năm ấy điêu tàn, đạo đức băng hoại, con giết cha, vợ giết chồng, thầy giáo hiếp học trò, quan lại tham nhũng, cướp bóc nổi lên khắp nơi.

Anh ta ngừng lại nhìn tôi hỏi:

- Anh có thấy đoạn này nói về nước ta không?

Tôi cười ngặt nghẽo:

- Đấy, tự các ông nhận là Việt Nam nhé. Tôi chỉ biết đây là nước Vệ thời xa xưa, không có trong sử sách Việt Nam. Còn nước CHXHCNVN ta ngày nay như báo đài nhà nước nói. Nước ta ổn định chính trị, xã hội công bằng văn minh, an ninh trật tự tốt, thế giới khen ngợi, không ngừng tin tưởng đầu tư. Nhân dân ta ấm no hạnh phúc, người tốt việc tốt nhan nhản... đâu phải như cái nước Vệ trong sách điêu tàn, đạo đức băng hoại. Tôi thấy cái người viết sách này có chủ định tốt, người ta viết thế để nhân dân ta so sánh. Thấy được xã hội ta hiện nay bây giờ đang sống là tốt lắm rồi, không đau thương như nước Vệ kia. Nhân dân đọc xong sẽ cảm thấy tin yêu đảng và chính phủ đã cho họ cuộc sống tươi đẹp, an bình. Phải tìm người nào viết sách này để khen ngợi, động viên viết nhiều nữa ông ạ.

Tôi vớ tay định lấy ấm nước, T đẩy khay nước giúp lại gần. Tôi châm thuốc là hút. T hỏi:

- Trên phần đầu có lời giới thiệu của người tên là Tưởng Năng Tiến, trong đó có nói anh là tác giả cuốn sách. Đây này, nói rõ Bùi Thanh Hiếu tức Người Buôn Gió...

Tôi nói chặn lại:

- Tôi nào biết ai là Tưởng Năng Tiến, Bùi Thanh Hiếu thì họ tên giống nhau đầy, có ghi ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú không? Mà dù có ghi thế người ta thích người ta bảo là tôi viết, hoặc họ nghĩ nhầm là tôi viết. Ông có bản thảo viết tay không, ông có tóm được tôi đang gõ truyện này ở máy tính không.? Tại sao ông đi thu thập chứng cứ vào lời ba hoa của cái ông nào ở tận đâu, mà tôi cả ông đều không biết ông ta là ai, bao tuổi, chả quan hệ gì. Giờ ông ấy viết thằng Nguyễn Minh Triết thì ông đi hỏi thằng Triết à?

Cán bộ T sừng sộ:

- Anh gọi ai là thằng, anh gọi chủ tịch nước là thằng à?

Tôi cười:

- Đấy nhé, ông nhầm đấy, bảo sao người ta viết Bùi Thanh Hiếu ông suy ra tôi. Tôi gọi thằng Nguyễn Minh Triết sinh năm 8x, gọi chủ tịch nước đâu mà ông vơ vào. Ngay cả con ông Nguyễn Tấn Dũng tên là Nguyễn Minh Triết, kém tôi cả chục tuổi, ông bảo tôi phải gọi nó bằng cụ à? Ông đã biết Triết nào mà ông đã quy chụp cho tôi là gọi chủ tịch nước bằng thằng?

Cán bộ T đứng dậy, anh ta như muốn ra đòn quyết định. Giọng anh ta quả quyết:

- Tôi sẽ chứng minh cho anh Hiếu biết, anh chính là Người Buôn Gió.

Anh ta gọi một cậu an ninh trẻ mang máy tính vào, anh ta lệnh cho cậu trẻ:

- Mở cái đoạn thằng Hiếu trả lời phỏng vấn lên cho nó nghe, xem nó chối được không?

Một loạt các câu trả lời phỏng vấn của các đài RFA, RFI, BBC, Chân Trời Mới, diễn đàn Paltak... được mở lên. Tôi khoan khoái ngồi nghe, trong khi họ quan sát nét mặt tôi. Thấy đủ, T tắt máy tính hỏi tôi.

- Thế nào. Nghe rõ chưa?

Tôi gật đầu vui vẻ:

- Máy tính xịn, nghe rõ lắm. An ninh thu âm có khác.

T nói:

- Đấy, giọng của anh, chính anh mở miệng nhận với đài anh là Người Buôn Gió. Anh chối nữa được không?

Tôi gật đầu:

- Trước tiên lại phải giám định có phải giọng tôi hay không đã. Hà hà hà (tôi cười khoái trá) Gì chứ giám định lại mất 3 hôm. Thôi hôm nay tôi về, khi nào có kết quả giám định ông gửi giấy triệu tập tôi lại lên hầu ông. Hôm nay dừng thế nhé. Rồi có kết quả giám định tôi lại chơi đòn khác, lại mấy hôm khác mới lên. Chả việc gì sốt ruột, chúng ta là Sơn Tinh, Thủy Tinh. Cuộc chiến này còn dài lắm, ông cũng không nên vội vã. Không làm việc với tôi, thì ông lại đi làm việc với người khác. Ông có được nghỉ đâu, nếu như làm việc với tôi xong,ông được nghỉ ngơi thì lại chuyện khác. Thế nhé, tôi về. Bao giờ có giám định ông gửi giấy triệu tập tôi đến. Nhớ là ghi rõ lí do làm việc nhé.

Tôi đứng dậy, cán bộ T quát:

- Ông ngồi đấy. Ai cho ông về mà ông về.

Tôi cãi:

- A thế ông bắt tôi à?

- Không phải bắt, nhưng làm việc phải nghiêm túc, bao giờ chúng tôi cho về anh mới được về.

- Thế là cưỡng ép làm việc?

- Anh là công dân, anh phải có trách nhiệm hợp tác làm việc với cơ quan pháp luật. Trong luật quy định như thế, anh không được tùy tiện thích đi về lúc nào là về. Có những vụ án người ta phải giữ lại nhân chứng, cái này anh thừa biết cơ quan pháp luật có quyền.

Tôi ngồi xuống ghế, cười chán nản phân bua:

- Hợp tác là khai báo theo sự mong muốn của an ninh điều tra? An ninh hỏi anh có phạm tội không.? Nhận có. Thế là hợp tác. Bảo không. Thế là bất hợp tác. Người bị cáo ra tòa còn có quyền tranh luận bảo vệ mình, huống chi đây mới chỉ là gọi lên công an thẩm vấn làm rõ có dấu hiệu phạm tội hay không. Chả lẽ tôi không có quyền phản bác cho các chứng cứ thiếu chắc chắn đang buộc tội mình bằng lập luận dựa logic?

T ôn tồn, nhẹ nhàng nói:

- Thì anh cũng biết, chuyện giám định đâu khó gì, chỉ kéo dài thêm thời gian, không nên làm khó nhau những cái mà ta đều biết là nó có. Giám định xong thì anh cũng phải nhận, giờ anh nhận đi.

Tôi ngọ nguậy trên ghế, ngẫm nghĩ, sau chặc lưỡi:

- Thôi thì sợ các ông rồi, sợ cho trót luôn. Đúng là giọng tôi đấy. Nhưng là thế này, tôi thấy nhiều người cứ nhầm tôi là thằng Người Buôn Gió nào. Rồi bạn tôi nó bảo thằng Gió đấy lắm gái mê lắm, thế là tôi nhận bừa để lừa gái. Tôi biết nó là ai đâu. Ông thấy đầy vụ nhận làm ca sĩ, diễn viên, ngôi sao bóng đá. Ở phố tôi có ông giống diễn viên Y cực, người ta nhầm ông ấy cứ kệ, vào quán mời bia uống cứ nốc đầy. Mà ông nghe kỹ đoạn phỏng vấn nhé. Người hỏi nói – Thưa anh Người Buôn Gió tức Bùi Thanh Hiếu anh cho biết… và đoạn tôi trả lời nhé. Tôi không hề xác nhận hay phủ nhận tôi là Người Buôn Gió không, tôi chỉ đi vào câu trả lời. Y hệt cái ông phố tôi, người ta gọi, ôi anh Y đó à, dạo này đang đóng phim gì, em mời anh cốc bia. Thế là ông phố tôi uống tì tì luôn. Ông ấy cũng chả xác nhận hay phủ nhận. Tôi cũng thế thôi, ông kia thì vì bia, tôi thì vì gái, cứ lập lờ thế thôi...
 
Người Buôn Gió
 

Không có nhận xét nào: