Các năm 2007, 2008 và 2009 Ban quản lý dự án các công trình điện miền Nam (AMN, đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh) và Ban quản lý dự án các Công trình điện miền Bắc (AMB, đóng tại Hà Nội) đều trực thuộc Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia được giao chuẩn bị đầu tư các tuyến đường dây Truyền tải điện: Đường dây 110 kV Trảng bàng – Đức Hoà; Đường dây 500 kV Phú Mỹ – Sông Mây; Đường dây 500 kV Sông Mây – Tân Định và đường dây 220 kV Vân Trì – Sóc Sơn. Đây là các tuyến đường dây huyết mạch có vai trò hết sức quan trọng trong việc tiêu thụ công suất của các nhà máy mới được đầu tư xây dựng và chống quá tải cho hệ thống. Vì thế được EVN và Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia ưu tiên sử dụng vốn vay để đầu tư đúng tiến độ. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, 2 đơn vị này đã tiến hành ký kết hợp đồng với Nhà thầu Tân Cường Thành để cung cấp dây dẫn các loại. Tân Cường Thành là Công ty có nguồn gốc Trung Quốc, trụ sở tại Đà Nẵng. Cụ thể: Hợp đồng số 03/2007/SPPMB/TCT/ĐD 110 KV Trảng Bàng – Đức Hoà; Hợp đồng số 16/2008/SPPMB/TCT/500KV Phú Mỹ – Sông Mây; Hợp đồng số 15/2008/SPPMB/TCT/500KV Sông Mây – Tân Định và Hợp đồng số 0910/220Z-229 Vân trì – Sóc Sơn. Tổng giá trị của các Hợp đồng này là hơn 60 tỷ đồng. Trong đó AMN 3 Hợp đồng giá trị hơn 40 tỷ, AMB 1 Hợp đồng giá trị hơn 20 tỷ.
Điều kỳ lạ là mặc dù khối lượng dây dẫn lớn, chủng loại khác nhau, yêu cầu kỹ thuật phức tạp nhưng như hẹn trước, kết quả đấu thầu của 2 đơn vị ở 2 đầu đất nước lại chọn đúng một ÔNG ở Đà Nẵng. Và mặc dù biết rõ tầm quan trọng, sự bức thiết đối với các công trình này nhưng các ông con của “quả đấm thép” vẫn bình chân như vại. Không chủ động làm việc với dân trên tinh thần xây dựng mà vẫn là thái độ xách mé, đổ hết cái khó, cái bức xúc cho người dân và chính quyền địa phương và kết quả là giải phóng mặt bằng chậm so với tiến độ đề ra.
Ở phía khác, đến hẹn mà Tân Cường Thành không thấy chủ hàng lên nhận hàng, lại đúng lúc kinh tế khó khăn thế là Tân Cường Thành liền thế chấp ngân hàng TMCP Sài Gòn để vay vốn. Ôi thôi, thế là hết. Đau đớn thay, để lấp vào chỗ trống đó (Vì không thể không đầu tư các công trình này), Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia lại phải đấu thầu, mua sắm và đương nhiên là lại phải hưởng hoa hồng lô dây khác vì chờ biết đến bao giờ. Theo một người có trách nhiệm tại EVN thì rất khó đòi lại toàn bộ lô dây đó. Nếu có đòi lại được 1 phần thì may ra cũng chỉ bù cho chi phí hầu kiện và cũng phải rất lâu. Chi phí khi mua là hơn 60 tỷ, nhưng chi phí vốn để mua lô dây đó từ năm 2007 đến nay cũng phải gấp đôi số đó nữa. Thời buổi “thóc cao gạo kém” nhưng ngành điện khi mất không hàng trăm tỷ mà không một chút xót xa. Chưa hết, Ông VTN, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia lại so sánh 100 tỷ thất thoát với tổng số vốn đầu tư hàng năm của Tổng Công ty (khoảng 20 ngàn tỷ) là nếu có thất thoát thì cũng chỉ mới 5 phần nghìn?!. Chắc ý của Ông Phó Tổng là vẫn còn chấp nhận được đối với một đơn vị có khối lượng đầu tư nhiều như Tổng Công ty.
Một điều trớ trêu khác là trách nhiệm. Tân Cường Thành đã thế chấp lô hàng của 2 đơn vị này để vay ngân hành TMCP Sài gòn từ tháng 11/2010 mà mãi gần 2 năm sau 10/2012 chủ hàng mới biết. Chắc là do tài sản của Nhà nước, lại được ngồi trên đống tiền nên chẳng ai thèm lo. Đến khi phát hiện ra mời bày đặt thủ tục ký biên bản gửi hàng miễn phí này nọ. Chuyện thật như bịa. Sự việc nghiêm trọng như thế nhưng không hiểu sao cả AMN và AMB đều nhất loạt bảo vệ Nhà thầu, tìm mọi cách gỡ tội cho nhà thầu. Mặt khác lại tìm cách trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho giải phóng mặt bằng khó khăn, tức là lỗi của dân chứ không phải ngành điện. Lúc nào cũng vậy mà. Sự thật là mặt bằng có thể chậm nhưng chỉ vài vị trí trụ thôi, chứ không thể cả tuyến. Nếu công tác chuẩn bị đầu tư chu đáo, khởi công đúng hạn thì các B thi công sẽ là người giữ hộ tài sản, tránh được tình trạng dở khóc, dở cười hiện nay. Và cho dù giải phóng mặt bằng chậm thật nhưng những người được giao quản lý tài sản của “quả đấm thép” có trách nhiệm như tài sản của mình thì Tân Cường Thành dù muốn cũng khó lòng qua mặt được như vậy.
Hiện tại, cả AMN và AMB đang khẩn trương làm việc với các công ty luật để kiện Tân Cường Thành. Chi phí mà các công ty luật đưa ra là khoảng 770 triệu chỉ để làm thủ tục khởi kiện Tân Cường Thành, còn kết quả thế nào thì biết thế!. Quá trình lựa chọn Công ty tư vấn luật cũng nhiều khuất tất. Đã chốt thời gian nhận báo giá của các Công ty tư vấn luật nhưng sau đó lại nhận thêm đơn của các Công ty khác, do lãnh đạo giới thiệu. Thế là rối như canh hẹ.
Có thể thấy, vụ Tân Cường Thành này phát lộ là do đến mức không thể “làm thinh” được nữa. Khối u đã vỡ tan tành. Do vậy, dư luận có quyền nghi vấn trong bóng tối còn có hàng chục, hàng trăm vụ Tân Cường Thành khác ở các đơn vị khác của ngành điện. Mỗi vụ 1 -2 trăm tỷ, chục vụ 2000 tỷ. Thế thì sẽ đến lúc EVN phải tăng giá điện hàng ngày và cũng không cần điều kiện giá nguyên liệu chủ yếu thay đổi theo biên độ 2 phần trăm nữa mà 2 phần nghìn cũng cứ tăng. Và cũng thật lạ, bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân thì cò kè bớt một thêm hai, còn thất thoát thì tính bằng đơn vị trăm tỷ. Thôi thì đành chịu bà con nhé. Chẵng lẽ không dùng điện của EVN, trời nóng thế này…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét