VRNs (31.08.2013) – Long An – Sáng hôm qua, 30.08, Uy được thấy đủ chín người đến thăm, nhưng chỉ được nói chuyện với hai người là ba và má. Kha thì chỉ thấy những người ủng hộ mình từ xa, và chỉ được nói chuyện với ba mà thôi.
Sáng sớm hôm qua, chúng tôi, người đi xe gắn máy, người đi xe buýt đến Long An, ghé vào văn phòng công ty của Đinh Nhật Uy trước đây. Chị Nguyễn Thị Kim Liên đang ngồi đợi mọi người đến. Vì đi hai phương tiện khác nhau, nên chúng tôi, người đến trước đến sau một chút. Người đến sớm có giờ uống cà phê thông thả, người đến sau, uống cà phê như kiểu uống nước lọc “cái ực” rồi tất cả kéo nhau đến trại giam.
Chín người chúng tôi vào trại giam, gồm ông Đinh Văn Chuộng, chị Liên (ba má của Uy – Kha), Quỳnh Như chị hai của hai anh tù (tên cô này dài cả thước: Đinh Thị Nguyễn Thảo Quỳnh Như), anh Huỳnh Công Thuận, anh Vũ Hoàng, anh Hoàng Dũng, anh Thủy, anh Thiện và người viết. Chị Liên làm thủ tục gởi tiền và những thứ cần thiết, chúng tôi ngồi đợi đọc tên thăm nuôi.
Ngồi quan sát, chúng tôi thấy, một người tù có thể có nhiều người được vào thăm, nên khi nghe gọi thân nhân của Đinh Nhật Uy, tất cả chúng tôi bước vào phòng thăm gặp. Các chủ công an để chúng tôi vào như bao người khác. Khi đang ngồi chờ Uy ra ở dãy ghế phía sát vách tường, chúng tôi nhìn qua tấm kính trắng, thấy một viên an ninh, nhìn về phía chúng tôi chỉ trỏ và nói với một anh cảnh sát có trách nhiệm tại phòng thăm gặp gì đó. Lúc sau anh cảnh sát này ra yêu cầu chúng tôi rời phòng thăm gặp, vì không có tên. Chúng tôi nán lại chút để đợi Uy ra. Khi gặp chúng tôi, Uy đưa tay chào, mỗi người chúng tôi cũng chào Uy theo cách thức và tình cảm riêng của mình, rồi từng người rời phòng. Chúng tôi rời phòng, là vì không muốn gây ồn ào, vì chúng tôi biết chắc, tại phòng thăm gặp đó, có nhiều người không có tên trong giấy vẫn có thăm gặp các thân nhân khác của họ.
Câu chuyện của Uy
Uy được nói chuyện với cả ba lẫn má. Cả hai ông bà nhân xét Uy rất vui, rất thoải mái, không có gì lo lắng hay căng thẳng.
Uy bị lệnh tạm giam ba tháng, tính từ 12.06 thì đến 11.09 này sẽ hết hạn tạm giam. Uy bị bắt tạm giam để điều tra theo điều 258 của Bộ luật hình sự (BLHS), điều 258 đã trở thành tên của phong trào các blogger Việt Nam trong thời gian qua. Uy bị bắt ngay sau hai blogger tên tuổi là Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào bị bắt cũng theo điều 258. Nhưng thật khó hiểu, vì Đinh Nhật Uy gần như không có trang blog cá nhân, chỉ có trang facebook, và trên trang của Uy cũng chẳng có bài viết gì đáng kể.
Theo nhiều người, Uy bị bắt ngay trước ngày ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi Mỹ là để bôi xấu ông Chủ tịch, vì ông cũng là người gốc Long An. Thứ nữa là an ninh muốn dùng Uy để khống chế và buộc Kha phải nhận tội. Cũng cần nhắc lại, công dân có quyền bất khả xâm phạm, nên khi công an bắt bất cứ ai thì tức khắc công an bị ghi tội, người bị bắt hoàn toàn vô tội cho đến khi công an chứng minh trước tòa rằng người đó có tội, và bằng chứng được tòa xác nhận và tuyên án có tội, thì lúc đó, tội bị ghi của công an mới được xóa. Do đó, ở nơi điều tra, và tòa án, công an có bổn phận chứng minh người mà họ đã bắt là có tội, chứ người bị bắt không có bổn phận chứng minh mình vô tội. Tự nhiên, một công dân là luôn luôn vô tội.
Việc bắt Uy, quả thật đã gây ra sự khủng hoảng tinh thần cho Đinh Nguyên Kha. Quỳnh Như nhận xét: “Kha bị thiệt thòi hơn là trong suốt thời gian bị giam, trước khi đưa ra tòa, không được gặp ai cả, nên không được động viên nâng đỡ”.
Đinh Nhật Uy khẳng định mình chẳng có tội gì cả. Chị Liên kể với chúng tôi khi còn ngồi ở phòng đợi: “Quản giáo nói với Uy, tại sao mày bắt lỗi tao từng chữ, tao đã viết biên bản ba lần rồi mà mày không chịu ký?” Những người bạn cùng chơi chung với Uy xác nhận: “Tay này rất cẩn thận từng câu chữ”.
Chị Liên kể: “Uy nói là ngày 12.08, công an đưa bản kết luận điều tra, nhưng Uy không đồng ý, vì nó sai sự thật, nên đã viết đơn lên Viện kiểm sát. Đến ngày 24.08 thì công an phải làm lại bản kết luận điều tra. Ở bản này, Uy thấy có thể tạm chấp nhận được. Uy dặn gia đình, nếu công an có yêu cầu làm bảo lãnh gì đó thì phải căn cứ trên bản kết luận điều tra ngày 24.08″.
Khi nghe nói mọi người sau khi thăm Uy xong sẽ về nhà thả câu, bắt cá nướng ăn, chị Liên kể, “mắt nó nhìn xa xăm, nhớ lại lần trước với mọi người câu cá”.
Chuyện của Đinh Nguyên Kha
Kha bước ra phòng thăm gặp không vui, và vẫn còn căng thẳng. Kha hỏi ba: “sao má và chị hai không nói chuyện?” anh Chuộng trả lời: “công an không cho”.
Anh Chuộng nhận xét rằng Kha bị khủng bố tinh thần liên tục, đến bây giờ vẫn chưa yên ổn. Hiện Kha vẫn ở trại tạm giam, mặc dù đã có bản án là vì Kha đang bị công an tìm cách ghép thêm tội khủng bố. Việc điều tra này chưa kết thúc. Bằng chứng công an mớm cung là đã ghi âm được cuộc nói chuyện của Kha và một người ở nước ngoài. Điều này làm cho Kha lo lắng, và muốn ừ đại theo công an cho xong.
Anh Chuộng trước đây được mọi người đánh giá là rất hiền lành, vậy mà hôm nay thấy con cứ bị luẩn quẩn quanh những chứng cứ ngụy tạo của công an đã lớn tiếng ngay lúc công an đang đứng sau lưng: “Con phải suy nghĩ ngược lại những gì công an nói, ở ngoài này khác!” Anh Chuộng cho biết, công an đe Kha rằng, nếu không chịu “hợp tác” thì sẽ bắt luôn ba má. Anh Chuộng giận quá nói với Kha: “Con đừng có sợ, ba chuẩn bị đồ sẵn rồi, vào tù lúc nào cũng được hết đó”.
Cũng xin lưu ý là tất cả những gì một người bị tạm giam khai nhận với công an đều có thể từ chối trước tòa, vì lúc khai nhận với công an, người bị tạm giam không ở trong tình trạng tự do, mà hoàn toàn bị đe dọa, nhiều trường hợp còn bị tra tấn lúc hỏi cung, và nhất là theo Bộ luật tố tụng hình sự quy định, ngay lúc điều tra, người bị tạm giam được quyền có luật sư bên cạnh để tham khảo những vấn đề liên quan đến luật trước khi trả lời cảnh sát/an ninh điều tra. Điều này đối với Đinh Nguyên Kha hoàn toàn không có, tức là an ninh tại Long An đã làm sai luật.
Chị Liên nói: “Nhiều người không hiểu chuyện đã trách Kha này nọ, nhưng thật ra nó bị áp lực rất nhiều”.
Khi Kha đang nói chuyện với anh Chuộng, hai blogger mặt áo có in hình Phương Uyên và Nguyên Kha ở lưng áo, đã cố tình đi qua lại cho Kha thấy và biết mọi người bên ngoài ủng hộ Kha.
Cuộc thăm hôm nay tuy không trọn vẹn, nhưng bầu khi gia đình của Uy – Kha lại lên rất cao. Quỳnh Như nói: “Bây giờ là người tự do, sẽ có nhiều giờ để bảo vệ các em đến cùng”.
An Thanh, CSsR
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét