Ngược lại cột mốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chỉ đánh dấu sự bùng nổ thị trường chứng khoán, địa ốc, ngân hàng thành những bong bóng mà di chứng vẫn còn lại đến nay. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tình hình kinh tế năm năm sau WTO thua xa năm năm trước đó về nhiều mặt, kể cả tốc độ tăng trưởng GDP, chất lượng tăng trưởng, xuất nhập khẩu. Xuất khẩu tăng nhưng phần tăng mạnh nhất rơi vào tay khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2012, tốc độ tăng xuất khẩu của khu vực FDI là 33,5% trong khi xuất khẩu trong nước chỉ tăng vỏn vẹn 1,3%, kim ngạch của nhóm FDI lên đến 63,9 tỷ đô-la so với nhóm trong nước – 42,3 tỷ đô-la).
Sự khác nhau giữa hai lần hội nhập này là gì. Là sự chuẩn bị và nỗ lực cải cách nền kinh tế một cách cơ bản ở lần đầu, đặc biệt là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp và bước phát triển nhảy vọt của khu vực kinh tế tư nhân. Và là sai lầm trong định hướng chính sách ở lần sau khi nguồn lực được rót vào các doanh nghiệp nhà nước, để nơi này nhảy vào kinh doanh đa ngành nghề, bỏ quên năng lực chính. Ở lần đầu doanh nghiệp đầu tư làm hàng xuất khẩu vào Mỹ để tận dụng cơ hội BTA; ở lần sau cơ hội này rơi vào tay doanh nghiệp FDI vì doanh nghiệp trong nước bận mở rộng kinh doanh, nhảy vào ngành nghề trái cựa như địa ốc.
Vậy, có thể kỳ vọng gì ở lần hội nhập sắp tới khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương với 11 quốc gia khác?
Đó có thể là sự phục hồi của nền kinh tế nếu nhà nước có những bước đi chủ động chuẩn bị đón nhận cơ hội. Lấy ví dụ ngành may mặc đang lo lắng vì nguyên tắc phải dùng nguyên liệu nội khối. Nếu nhà nước chuyển hướng cho các tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư vào các ngành mới như sản xuất sợi, dệt, nhuộm và các loại nguyên phụ liệu khác thì cơ hội sẽ được tận dụng. Nếu nhà nước lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp đang cần sự hỗ trợ về mặt chính sách để tận dụng cơ hội thì sự thể có thể sẽ khác. Nếu nguồn lực xã hội không bị lãng phí vào chuyện giải cứu bất động sản hay ngân hàng hay tập đoàn kinh tế gần phá sản thì cơ may vẫn còn đó.
Nhưng đó cũng có thể là cơ hội mất đi vào tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đang rất nhanh nhạy tìm cách đầu tư đón đầu cơ hội. Với sự hậu thuẫn của chính phủ nước họ trên bàn đàm phán, có thể một lần nữa chúng ta lại thua ngay trên sân nhà.
Rất có thể xung lực từ tiềm năng trở thành thành viên của TPP sẽ lôi kéo đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, mạnh mẽ như thời mới vào WTO. Và cũng rất có thể doanh nghiệp trong nước một lần nữa nhảy vào các cơ hội ngắn hạn, mang tính đầu cơ chứ không nghĩ đến chiến lược kinh doanh lâu dài. Như vậy cơ hội hay thách thức chính là do nội lực của doanh nghiệp chứ không phải ai khác.
Một điều đáng buồn là cũng như lần gia nhập WTO, một trong những kỳ vọng của mọi người là sức ép từ đàm phán và thực hiện TPP sẽ giúp minh bạch hóa quá trình ra chính sách, quá trình đấu thấu mua sắp chính phủ, tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Tại sao lại cần sự dựa vào sức ép TPP trong khi đây là những điều hoàn toàn nằm trong khả năng và tầm tay của chúng ta. Cái trở ngại chính là tệ nạn tham nhũng, là lợi ích nhóm trái phép và là lợi ích cá nhân. Vì thế chỉ nên xem TPP như là bộ lọc giúp phát hiện các tệ nạn này nhanh hơn, khách quan hơn và giải quyết triệt để hơn.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, đã phải thốt lên tại buổi tọa đàm về TPP tuần trước tại TBKTSG: Câu hỏi lớn nhất với bản thân tôi mà tôi chưa giải đáp được là với TPP, chúng ta sẽ có kết quả như với BTA ký với Hoa Kỳ hay như thời điểm sau khi vào WTO… Với BTA thì chúng ta từ đáy dốc đi lên còn vào WTO rồi thì chúng ta từ đỉnh dốc đi xuống. Hiện chúng ta đang ở đáy dốc rồi nên mong muốn của tôi là TPP sẽ là cú hích mới như BTA chứ không phải theo kiểu của WTO.
Mong muốn có lẽ phải đi kèm với hành động thì kịch bản tốt nhất mới diễn ra.
Nguyễn Vạn Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét