BienDong.Net: Truyền thông Trung Quốc gần đây tiếp tục có nhiều bài viết thể hiện sự đồng thuận cao trong nội bộ Trung Quốc về chiến lược xây dựng cường quốc biển và chính sách biển cứng rắn của Trung Quốc.
Báo Hải dương Trung Quốc ngày 15/8/2013 đăng bài viết của tác giả Kim Vĩnh Minh, Chủ nhiệm Trung tâm chiến lược Hải dương Trung Quốc, Viện Khoa học xã hội Thượng Hải đưa ra kế hoạch 3 bước để xây dựng cường quốc biển.
Bước thứ nhất: trong giai đoạn 2013 – 2020 với mục tiêu hoàn thiện xây dựng thể chế, cơ chế biển, hoàn thiện chính sách và quy định pháp luật về lĩnh vực biển, tạo điều kiện để quản hạt trật tự vùng biển trong nước và bảo vệ môi trường biển.
Bước thứ 2: từ 2021 – 2040 với mục tiêu chiến lược trung hạn, tạo ra các điều kiện, sử dụng thực lực tổng hợp quốc gia, thực hiện mục tiêu nước lớn về biển mang tầm khu vực.
Bước thứ 3: từ 2041 – 2050 với mục tiêu chiến lược dài hạn, thực hiện xây dựng cường quốc lớn về biển mang tầm quốc tế, quản lý không có trở ngại gì đối với vùng biển 3 triệu km2, sử dụng tự do vừa phải biển quốc tế và nguồn tài nguyên biển.
Qua bài viết thấy mục tiêu chiến lược rất rõ ràng của Trung Quốc là quản lý, khống chế toàn bộ biển Hoa Đông (khoảng 1 triệu km2) và toàn bộ “đường lưỡi bò” ở Biển Đông (khoảng 2 triệu km2). Với việc đặt ra mục tiêu, lộ trình cụ thể như vậy, có thể thấy Trung Quốc sẽ hành động ngày càng quyết liệt hơn, thô bạo hơn ở Biển Đông và biển Hoa Đông, gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Những hành động trên thực địa của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông đã chứng minh điều này.
Ngày 18/8/2013, trang mạng Tin tức Trung Quốc đưa tin, phát biểu của ông Trương Triệu Trung, Thiều tướng Hải quân Trung Quốc tại Quảng Châu với những lời lẽ hết sức cứng rắn, nhấn mạnh việc Trung Quốc cần “lập ra quy định”, “các nước khác đến vùng biển của Trung Quốc thì nhất định phải tuân thủ quy định mà Trung Quốc lập ra”.
Trương Triệu Trung dẫn chứng việc Trung Quốc đã “lập ra quy định” cho Nhật Bản trong vấn đề quần đảo Điều ngư/Senkaku, bao gồm việc Trung Quốc ra Tuyên bố về điểm cơ sở và đường cơ sở lãnh hải xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku sau khi Nhật Bản quốc hữu hoá quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tháng 9/2012; tiếp đó, tàu ngư chính và hải giám Trung Quốc tiến vào lãnh hải 12 hải lý của quần đảo Điếu Ngư để tiến hành tuần tra thường xuyên. Trương Triệu Trung nhấn mạnh biện pháp lập ra quy định cho đảo Điếu Ngư/Senkaku cũng có thể ứng dụng cho vấn đề “Nam Hải” (Biển Đông). Tàu chiến Philippines mắc cạn ở bãi đá “Nhân Ái” (tức Cỏ Mây), “ Trung Quốc cần lập ra quy định cho Philippines, trong quy định nói rõ giới hạn đỏ, nếu Philippines vẫn không đi, Trung Quốc phải chấp pháp bảo vệ chủ quyền, lại tiếp tục không đi có thể xảy ra xung đột vũ trang.
Nhưng lời lẽ hiếu chiến của Trương Triệu Trung cho thấy Trung Quốc sẵn sàng áp dụng biện pháp cứng rắn nhất để giải quyết vấn đề tranh chấp biển đảo ở Biển Đông và biển Hoa Đông, kể cả việc sử dụng vũ lực. Điều này là sự đe doạ trắng trợn đối với các nước láng giềng trên biển của Trung Quốc. Hoàn toàn đi ngược lại cái gọi là “chính sách hữu hảo với các nước láng giềng” mà lâu nay Trung Quốc thường rêu rao.
Trong cuộc hội đàm với Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Mỹ ngày 19/8/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn phát biểu rất cứng rắn về vấn đề trên biển, khẳng định sẽ không nhân nhượng trong các yêu sách về chủ quyền tại Biển Đông và biển Hoa Đông; nhấn mạnh không ai nên có ảo tưởng Trung Quốc sẽ sẵn sàng nhân nhượng các lợi ích cốt lõi của mình và không ai nên đánh giá thấp ý chí và sự cương quyết bảo vệ bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền và các quyền lợi biển của Trung Quốc.
Sau Đại Hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cộng đồng quốc tế hy vọng ban lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ có cái nhìn thực tế khách quan hơn trong việc giải quyết các tranh chấp bất đồng ở Biển Đông. Tuy nhiên, những hành động ngang ngược trên thực địa của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông thời gian qua, cũng như những phát biểu của lãnh đạo các cấp của Trung Quốc cho thấy rõ, Trung Quốc sẽ hành động không khoan nhượng, ngày càng quyết liệt hơn, cứng rắn hơn trên vấn đề biển đảo với các nước láng giềng; để thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng cường quốc biển, Trung Quốc sẽ thi hành chính sách bành trướng, bá quyền ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét