Pages

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Biểu Tình Ở Đài Loan Gây Xôn Xao Trung Quốc

Một cuộc biểu tình rầm rộ đã nổ ra ở Đài Loan vào tuần trước, sau khi Hồng Trọng Khâu,  một thanh niên 24 tuổi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, đã chết do bạo hành vào ngày mùng 4 tháng 7.

Hồng qua đời sau khi bị tổn thương nhiều nội tạng do say nắng. Anh đã bị sĩ quan cấp trên bắt phải tập luyện quá sức vì lén mang điện thoại di động vào căn cứ. Một số người cho rằng hình phạt này xuất phát từ mối bất hoà giữa vị sĩ quan và anh ta. Hồng chỉ còn 3 ngày nữa là kết thúc thời gian nghĩa vụ quân sự của mình.

Ngày nay, biểu tình không còn xa lạ gì ở Đài Loan, nhưng cuộc biểu tình này đặc biệt nổi bật. Đầu tiên là vì quy mô của nó, đã có khoảng 200.000 người tụ tập gần văn phòng Tổng Thống. Nhưng đáng chú ý là, không giống như hầu hết các cuộc biểu tình khác vốn được tổ chức bởi một trong những đảng phái chính trị, cuộc biểu tình này được công chúng tổ chức nhằm bày tỏ sự phẫn nộ đối với việc một thanh niên chết một cách đáng ngờ, mà chính quyền lại không điều tra rõ sai phạm của quân đội.
Một lý do khác khiến vụ biểu tình này đáng chú ý là nó đã thu hút sự quan tâm từ phía bên kia của eo biển Đài Loan, tại Trung Quốc đại lục.
Cuộc biểu tình rầm rộ trên đã nổ ra sau khi Bộ trưởng Bộ quốc phòng bị buộc phải từ chức, và nhiều quân nhân đã bị truy tố. Tổng thống Đài Loan, ông Mã Anh Cửu, cũng đã lên tiếng xin lỗi, và cam đoan sẽ vạch trần sự thật.
Đối với cư dân mạng Trung Quốc, cách các quan chức tại Đài Loan phản ứng như thế này là hoàn toàn ngoài sức tưởng tượng. Như một trường hợp mới đây, một người bán hoa quả tại Trung Quốc bị công an đánh chết, và thời báo nhà nước đã đăng một bài xã luận thuyết phục giới truyền thông không nên chỉ trích chính quyền địa phương. Và báo giới lề đảng đã hoàn toàn im lặng sau đó.
Cư dân mạng Trung Quốc còn ngạc nhiên hơn nữa khi biết rằng 200.000 người Đài Loan đã đứng kín khắp các phố và giơ cao những tấm biểu ngữ gọi chính quyền là “đồ cặn bã”. Sau đó, khi tổng thống Mã đến tham dự tang lễ của Hồng vào Chủ nhật. những người đưa tang đã chất vấn và bảo ông hãy vào quan tài mà nằm. Ông Mã đã bình tĩnh nhắc nhở các cận vệ không được xô đẩy những người biểu tình. Chị của Hồng đã từ chối bắt tay ông.
Tất cả những điều trên thật sự làm cư dân mạng Trung Quốc mở mang. Người biểu tình ở Đài Loan không phải lo sợ bị trả thù khi chất vấn người đứng đầu nhà nước. Chị của Hồng cũng chẳng ngần ngại làm Mã Anh Cửu bẽ mặt khi từ chối bắt tay ông; và tất cả mọi người đã đoàn kết lại chỉ đơn giản để đòi công lý cho một người thanh niên và gia đình của anh.
Một thành viên mạng xã hội Sina Weibo đã viết: Đối với nhân dân Đài Loan, một người bị oan sẽ ảnh hưởng tới tất cả. Dân chủ và công bằng không phải là để bàn tới bàn lui hay là mớ lý thuyết trên giấy. Người dân đã đấu tranh để có được điều đó.
Một thành viên khác bình luận: Ở Trung Quốc, rất nhiều trường hợp tương tự vẫn xảy ra hàng ngày, nhưng không ai nhận trách nhiệm. Người dân chỉ có thể nhìn quan chức bằng ánh mắt oán hận và bất lực.
Các bạn biết đấy, tổng thống Mã Anh Cửu đang thúc đẩy việc thắt chặt mối quan hệ Đài – Trung. Điều đó đã khiến ông vấp phải rất nhiều chỉ trích từ dư luận, cơ bản là vì đã giao nộp Đài Loan cho âm mưu thâu tóm đảo quốc này.
Tôi đồng tình với nhận định trên và cho rằng đôi khi tổng thống Mã đã quá lạc quan, và tôi cũng thấy rằng, khi ngày càng nhiều người Trung Quốc nhìn thấy thể chế tự do và dân chủ mà người Đài Loan được hưởng, họ sẽ suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống của chính mình dưới chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Và tôi cho rằng vụ việc tiêu biểu này cho chúng ta thấy, chính quyền phải có trách nhiệm với hành động của mình, và với tư cách là công dân của một nước, các bạn có quyền cùng nhau đứng lên đòi công bằng, dù chỉ là cho một người.
Chan Kung

Không có nhận xét nào: