Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

New Delhi sắp thử tàu ngầm nguyên tử đầu tiên

Tàu ngầm INS Arihant được trang bị một lò phản ứng nguyên tử
 (indiandefense.com)
Thụy My
Hôm nay, 10/08/2013, Ấn Độ loan báo chiếc tàu ngầm đầu tiên do nước này tự chế tạo đã sẵn sàng cho chuyến hải hành thử nghiệm – giai đoạn đầu tiên trước khi có thể hoàn toàn đi vào hoạt động – và gọi đây là “một bước tiến vĩ đại” của nước Ấn.

Hồi năm 2009, Ấn Độ đã tiết lộ rằng chiếc tàu ngầm 6.000 tấn mang tên INS Arihant, có nghĩa là “Người hủy diệt Kẻ thù”, là một phần trong kế hoạch đóng năm chiếc tàu như thế. Các tàu ngầm này sẽ trang bị các hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân và ngư lôi.
Thủ tướng Ấn Manmohan Singh tuyên bố, thành công này là “một bước tiến vĩ đại trong sự phát triển năng lực kỹ thuật Ấn Độ”, và hy vọng chiếc tàu sẽ sớm đi vào hoạt động.
Chiếc Arihant được trang bị một lò phản ứng nguyên tử 85 megawatt, có thể đạt vận tốc 44 km/ giờ, chở theo 95 thủy thủ. Tàu ngầm nguyên tử có thể hoạt động dưới nước mà không cần trồi lên mặt biển thường xuyên như loại tàu ngầm chạy bằng diesel và điện.
Hải quân Ấn Độ với một tàu ngầm nguyên tử thuê của Nga được đưa vào hoạt động tháng 4/2012, đã gia nhập số các quốc gia hiếm hoi có tàu chiến hạt nhân, gồm Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc.
Năm 2015, Ấn Độ sẽ nhận được chiếc tàu ngầm Scorpene đầu tiên trong số sáu chiếc chạy bằng diesel và điện do Pháp và Tây Ban Nha chế tạo. Đây là một phần trong dự án trị giá nhiều tỉ đô la nhằm hiện đại hóa Hải quân Ấn.
Loan báo về chiếc tàu ngầm hạt nhân được đưa ra chỉ hai ngày trước khi Ấn Độ cho hạ thủy hàng không mẫu hạm đầu tiên “INS Vikrant”. Chiếc tàu sân bay này sẽ ra mắt tại Kochi, giúp Ấn Độ trở thành quốc gia thứ năm trên thế giới có khả năng chế tạo được hàng không mẫu hạm.
Theo Bộ Quốc phòng Ấn, chiếc tàu sân bay 40.000 tấn này được đóng theo các tiêu chuẩn mới của toàn cầu về kích thước và độ phức tạp. Sau khi được trang bị đầy đủ vũ khí và thử nghiệm hoàn chỉnh, chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Ấn Độ sẽ được Hải quân sử dụng vào năm 2018.
Chiếc “INS Vikrant” như vậy sẽ hoạt động song song với hàng không mẫu hạm “Admiral Gorshkov” mua lại của Nga, được đổi tên là “INS Vikramaditya”, sẽ được giao vào cuối năm nay – bị chậm mất bốn năm. Ấn Độ trong nhiều năm liền từng là khách hàng mua vũ khí hàng đầu của Nga, nhưng quan hệ đôi bên đã xấu đi do giao hàng trễ hạn và bị đội giá.
Án Độ đã chi ra hàng chục tỉ đô la để nâng cấp các khí tài quân sự, chủ yếu có từ thời Liên Xô cũ.

Không có nhận xét nào: