Pages

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

TQ 'nín thở' theo dõi vụ xử Bạc Hy Lai


Ông Bạc Hy Lai đã lập luận phản bác lại các bằng chứng tại tòa.
Người sống bên ngoài Trung Quốc có thể tự hỏi tại sao công dân nước này bị cuốn hút bởi phiên xử Bạc Hy Lai, chính trị gia đầy hấp lực.
Rốt cùng, ở phương Tây, người ta đã quen với các phiên tòa xử những người nổi tiếng và giàu có, với những chi tiết gây sửng sốt, trong đó có có cả các chính trị gia.

Nhưng đây là phiên tòa khác - và do đó nên theo dõi - vì hai lý do.
Trung Quốc cũng từng có các phiên xử ở cấp thượng tầng khi vợ của Mao Trạch Đông phải ra tòa sau cái chết của chồng. Sự phẫn nộ của bà tại tòa được chiếu trên truyền hình Trung Quốc.

Thứ nhất, nhà chức trách Trung Quốc đăng chi tiết phiên tòa lên mạng – có cả phần đối thoại bằng được đánh máy, cùng hình ảnh, các file âm thanh và video. Đây là mức độ công khai từ trước tới nay chưa hề có.
Và thứ hai, thông tin được Tòa án Nhân dân Tế Nam ở tỉnh Sơn Đông đăng tải có độ chi tiết ở mức bất thường, tức là loại chi tiết mà người dân Trung Quốc từ trước tới nay không bao giờ được biết về cuộc sống của giới nhà lãnh đạo của họ.
Chi tiết bất thường
Các phiên tòa ở Trung Quốc thường là nhàm chán bởi đơn giản là vì hầu hết việc bàn tán về phiên xử dường như xảy ra bên ngoài phòng xử án, mà công chúng không được chứng kiến.
Lấy trường hợp về phiên xử ông Lưu Hiểu Ba, người được trao giải Nobel Hòa bình. Ông đã bị bắt giữ vào cuối năm 2008, nhưng sáu tháng trước đó giới công tố đã tiết lộ những gì họ sẽ buộc tội ông.
Sau đó phải mất thêm sáu tháng nữa trước khi cảnh sát rốt cùng thông báo họ đã hoàn thành điều tra về các hoạt động của bất đồng chính kiến này.
"Sẽ ngoài sức tưởng tượng nếu tòa tuyên án ông Bạc Hy Lai vô tội"
Michael Bristow, Phóng viên BBC News
Nhà chức trách có thể cần phải có thời gian để điều tra vụ việc và đi đến kết luận của mình, nhưng họ không cảm thấy cần thiết phải công bố tất cả kết luận điều tra tại một phiên tòa công khai.
Phiên xử ông Lưu chỉ kéo dài có một ngày. Các nhà báo và giới ngoại giao nước ngoài tới tòa án để dự phiên xử đã không được phép vào tòa.
Trong nhiều phiên tòa, đặc biệt là xử những người được chú ý nhiều, công chúng được biết một cách khá mơ hồ về chi tiết phiên xử và tội trạng mà tòa tuyên với bị cáo.
Phiên tòa xử bà Cốc Khai Lai, vợ của ông Bạc Hy Lai, là một ví dụ. Phiên xử đó cũng chỉ kéo dài một ngày và có rất ít chi tiết về lý do tại sao bà đã đi tới động cơ giết doanh nhân người Anh Neil Heywood, ngoài thực tế là họ đã có một cuộc tranh cãi.
Trong khi đó chúng ta lại nắm được nhiều chi tiết trong phiên xử ông Bạc Hy Lai mà chúng ta muốn biết về các cáo buộc tham nhũng và lạm dụng quyền lực mà bị cáo phải đối mặt.
Đó là những chi tiết mà người Trung Quốc đang say sưa theo dõi, và là những chi tiết làm cho rất nhiều nhà quan sát thấy ngạc nhiên.
'Đừng bỏ lỡ'
Vợ ông Bạc, bà Cốc Khai Lai khai trước tòa qua video.
Một người dẫn chương trình cho Phoenix TV, kênh truyền hình đặt tại Hong Kong, thậm chí còn dùng điện thoại di động để kiểm tra trang web của tòa án nhằm cập nhật cho khán giả thông tin mới nhất từ tòa.
Chúng ta được nghe về chi tiết về mối quan hệ giữa gia đình ông Bạc Hy Lai và doanh nhân Từ Minh; ông Từ Minh đã trả tiền cho một biệt thự ở Pháp và những bổng lộc khác ra sao để được một chính trị gia cao cấp nâng đỡ.
Chúng ta nghe về mối quan hệ không thuận buồm xuôi gió của ông Bạc với bà Cốc, người vợ mà ông bây giờ nói là "bị điên". Có ai biết được những chi tiết này trước đây đâu?
Và chúng ta đã thấy ông Bạc phản bác lại những lỗ hổng về chứng cớ của bên công tố.
Nếu điều này diễn ra theo kịch bản soạn sẵn thì tác giả hẳn sẽ có tương lai ở Hollywood.
Tất cả điều này không có nghĩa là Trung Quốc bất thình lình quyết định cho phép các phiên tòa diễn ra mà không có sự can thiệp chính trị. Sẽ ngoài sức tưởng tượng nếu tòa tuyên án ông Bạc Hy Lai vô tội.
Các nhà báo nước ngoài bị cấm không được tới dự phiên xử và chúng tôi chỉ tiếp nhận thông tin và chi tiết mà nhà chức trách cung cấp và cập nhật mà thôi.
Nhưng bất kể những gì họ công bố và những chi tiết từ tòa này là gì thì đừng bỏ lỡ phiên xử này, quý vị sẽ có thể không thấy một phiên tòa như thế một lần nữa đâu.

Không có nhận xét nào: